Nỗi khổ của mùa đông là kê mông lên bệ xí. Bài dưới đây là trích dịch một chương trong sách "khảo về nhà xí và văn hóa" của tác giả Henry Stewart mà chúng tôi từng giới thiệu trước đây. Henry Stewart (tên Nhật: Honda Shunwa) là học giả dân tộc học, khảo cổ học thuộc Đại học Waseda, Nhật Bản. Ông chuyên nghiên cứu về tập tục của các dân tộc phương Bắc.





Trong thế giới cực hàn
Về tên gọi "Eskimo"

Đoạn này tôi sẽ thử xét đến trường hợp của người Inuit từ trải nghiệm của bản thân tôi. Đầu tiên cần phải nói đến tên gọi Inuit này. Inuit là danh từ để chỉ người bản địa sống ở lãnh nguyên từ phía Bắc Alaska kéo dài đến Canada, Greenland trong số những người mà trước kia được gọi một cách chung chung là "Eskimo". Thời gian gần đây, từ "Eskimono" bị cho là mang ý nghĩa phân biệt nên các phương tiện truyền thông không dùng nữa. Từ "Eskimono" vốn không có trong ngôn ngữ của những người được gọi là Eskimo, mà nó là từ của người da đỏ sống ở vùng rừng rậm phía Đông Canada dùng để chỉ những người bản địa sống ở lãnh nguyên phương Bắc, mang ý nghĩa khinh miệt là "lũ ăn thịt sống". Các nhà thám hiểm Âu châu đến Bắc Mỹ vào thế kỷ 17 đã không hiểu ý nghĩa của từ này nên nó được biết đến rộng rãi như một danh từ chỉ dân tộc.
Nói thêm, người "Eskimono" này gọi giống dân da đỏ sống ở phương Nam bằng cái tên có nghĩa là "con rận", hàm ý chê bai họ trong suy nghĩ. Khác biệt về dân tộc và văn hóa quả là điều khó khăn.
Người "Eskimo" sống ở Canada rất ghét cái tên "Eskimo" nên dân tộc của họ được gọi bằng cái tên chính thức ở Canada là "Inuit".
Tại Nhật Bản, từ "Inuit" được nhắc đến trong những bài giải thích trên báo và Tivi về chuyến thám hiểm của Uemura Naomi và đội viễn chinh Bắc cực thuộc Đại học Nhật Bản vào năm 1978 (Shōwa thứ 53). Những ký giả đến điểm đóng trại của đội viễn chinh và Uemura để đưa tin đã bị chỉ trích vì liên tục phát ngôn từ "Eskimo" nên họ bắt đầu sử dụng từ "Inuit" để thay thế.
Tại Nhật, những bài ký sự đưa tin về chuyến chinh phục Bắc cực đều đi kèm với giải thích rằng "Eskimo" là thuật ngữ có tính phân biệt nên cần phải thay thế bằng từ "Inuit". Vì vậy mà chẳng lâu sau thì từ "Inuit" trở thành danh từ chính thức, thay thế cho "Eskimo".
Tuy nhiên, ngay tại Canada thì giống dân sống ở lãnh nguyên phía Bắc nước này vẫn bị gọi là "Alaska Eskimo". Nhật Bản là nước duy nhất chỉ sử dụng từ "Inuit", nhưng vấn đề không chỉ đơn thuần như vậy. Bởi vì "Eskimo" chia là hai nhóm ngôn ngữ lớn không có điểm chung với nhau.

Người bản địa từ phía Bắc Canada kéo dài đến Greenland nói tiếng Inuktitut, được gọi là dân Eskimo Đông. Bản thân họ gọi mình là Inuit, Inupiat hay Inuvialuit. Những danh từ này đều có ngữ căn là "Inu", mang nghĩa là "con người", còn "Inuit" là hình thức số nhiều.
Mặt khác, người Yupik sống ở cực Đông của bán đảo Chukotka, đảo St. Lawrence và nửa phía Nam Alasca được gọi là Eskimo Tây. Họ sử dụng 2, 3 ngôn ngữ khác biệt với tiếng Inuktitut. Những người nói tiếng Yupik tự gọi họ là Yupiit, mang nghĩa là "con người". Ngoài ra, tình hình khá phức tạp khi còn có người Yuppiat, người  Sugpiaq, Alutiiq, Ugashik, Naknek,... Chỉ có thể nói được một điều rằng, những người này không hề biết đến từ "Inuit".

Từ những điều trên, vì tên gọi các dân tộc ở Alaska không có điểm chung nên họ được gọi một cách phổ biến và chính thức là người "Eskimo". Nói thế này có thể là khó hiểu, nhưng tóm lại là "Inuit" không hoàn toàn là cách gọi thay thế cho "Eskimo". Ở đây đi lệch chủ đề một tí. Cũng có thể thấy vấn đề tương tự trong tên gọi dân tộc ở các vùng trên Thế giới. "Bushman" là một ví dụ. Đây là cách gọi của người Âu Mỹ hiện tại đối với những dân tộc bản địa sống ở Namibia, Angola và Botswana, mang nghĩa là người (man) sống ở nơi chưa được khai hóa (bush: bụi rậm). Và rồi một công ty phân phối phim ảnh nọ đã đổi tựa đề phần 2 của bộ phim "Bushman" (tên gọi ở Nhật của bộ phim "The Gods must be crazy") thành "Coisanman". Tuy nhiên cách làm này vẫn còn tồn đọng vấn đề. Từ "Coisan" là thuật ngữ chuyên môn của các học giả ngôn ngữ học gọi chung một nhóm gồm nhiều ngôn ngữ, giống như cụm từ "ngữ hệ Ấn-Âu" và không phải là từ để chỉ dân tộc.

Bản chất của vấn đề là như thế này. Vì chúng ta tùy tiện (hay chính xác hơn là không suy nghĩ thấu đáo) đánh đồng những người thuộc các nhóm dân tộc khác nhau nên vấn đề tên gọi dân tộc như đi vào mê cung. Hơn nữa, cũng có nhiều ý kiến dựa trên những thông tin nửa vời mà cho rằng như thế này không được, thế kia không đúng, và dường như họ tưởng rằng chỉ cần gọi "Inuit" thay cho "Eskimo" hay gọi "Coisanman" thay cho "Bushman" là sẽ giải quyết được vấn đề.
Vốn ban đầu, cả "Eskimo" và "Bushman" đều là từ chỉ nhiều nhóm dân tộc mang ý thù hằn với nhau, và họ cũng có tên gọi riêng biệt của mình. Tức là nếu xét về bản chất thì cách gọi tóm gọn, đánh đồng của chúng ta là có vấn đề. Hơn nữa, việc cấm đoán một thuật ngữ nào đó chẳng những không làm thay đổi sự phân biệt mà còn có nguy cơ che giấu quá trình lịch sử liên quan đến sự phân biệt đó.
Ngoài ra, cùng với sự thay đổi của thời đại thì ý nghĩa cũng như cách sử dụng thuật ngữ cũng thay đổi theo. Có trường hợp thuật ngữ nọ được cho là "đúng đắn" trong một thời kỳ nào đó lại trở thành từ ngữ phân biệt, khi thời đại thay đổi. Thử nhìn vào một ví dụ trong tiếng Anh, như trường hợp thay đổi của danh từ mang nghĩa "người da đen": Dark (thế kỷ 17~18) --> Negro (thế kỷ 18~19) --> Black (nửa đầu thế kỷ 20) --> Colored (thập niên 1950) --> Black (1860~1970) --> Afro-American (thập niên 1980) --> African-American (gần đây). Qua đây có thể thấy, thuật ngữ được cho là phù hợp ngày hôm qua thì có thể hôm nay đã bị xem như từ ngữ phân biệt.
Trong tiếng Nhật cũng thấy cùng hiện tượng như vậy. Trong thời Edo, tộc người Ainu ở Nhật được gọi là "Ezo" (Hà Di) nhưng đến thời Meiji thì được gọi là "Thổ nhân" hay "Thổ nhi", từ thời Taishō cho đến sau đệ nhị Thế chiến thì được gọi là "Ainu" trở lại. Từ thập niên 1950~1970 thì người ta cho rằng nếu gọi là "Ainu" không thì mang tính phân biệt, nên phải gọi là "người Ainu", rồi sau đó là "dân tộc Ainu", cho đến gần đây thì trở lại là "Ainu". Như vậy có thể thấy sắc thái trong cách gọi cũng thay đổi theo thời đại. Tóm lại, không có ý kiến thống nhất về cách sử dụng tên gọi, khi tình thế trong ngoài nước thay đổi thì thuật ngữ "đúng đắn" cũng thay đổi theo, cho nên việc quy định thống nhất cho thuật ngữ là điều không thể và cũng không có ý nghĩa gì.
Tuy nhiên việc sử dụng những thuật ngữ mang ý nghĩa phân biệt là không thể chấp nhận được, và những biểu hiện mang tính phân biệt dù không sử dụng những thuật ngữ đó, cũng là điều không thể chấp nhận được. Và tôi cũng muốn nói rõ rằng, ý thức độc quyền rằng "trong thuật ngữ học thuật không có ý nghĩa phân biệt" không phải là lá bùa miễn tội cho học giả. Tôi cho rằng học giả, nhà phê bình và phương tiện truyền thông cần phải mài dũa nhận thức của mình đối với thuật ngữ, phải có kiến thức chính xác và phải nỗ lực nâng cao nhận thức về việc thuật ngữ đó được đại chúng hiểu ra sao, bao hàm ý nghĩa gì. Và nếu chỉ cấm đoán những cách gọi như thế thì chỉ che giấu được thực trạng phân biệt chứ không sửa đổi được ý thức phân biệt. Tại sao lại cần phải đặt trọng điểm giáo dục về những thuật ngữ không hay ho này. Bởi vì, trái với mong đợi, cách đối phó "đẹp khoe xấu che" có thể khuấy lên suy nghĩ phân biệt của người ta.
Chẳng hạn như trường hợp thuật ngữ bị cấm đoán sau đây. Hẳn các vị còn nhớ chuyện mấy năm trước, khi ngọn núi từng được gọi là Everest bổng được chuyển sang gọi là núi Chomolungma dưới sức ép của truyền thông. Cái tên "Everest" bắt nguồn từ viên trưởng quan trắc lượng người Anh, những người đã biến Ấn Độ thành thuộc địa thực dân. Cho nên giới truyền thông nhấn mạnh rằng việc sử dụng tên gọi bắt nguồn từ chủ nghĩa thực dân này là không tốt. Nhưng cái tên "Chomolungma" của ngọn núi nằm giữa biên giới Nepal và Tây Tạng bắt nguồn từ tiếng Tây Tạng, còn tên tiếng Nepal là "Sagarmāthā". Khi Nhật Bản và Trung Quốc lập kế hoạch cho đội chinh phục núi "Chomolungm" chung giữa hai nước vào thập niên 1970 thì phía Trung Quốc đưa ra điều kiện để cấp phép là phải gọi tên núi theo tiếng Tây Tạng. Về thực chất thì Tây Tạng là thuộc địa của Trung Quốc. Vì vậy mà "Chomolungm" trở thành tên gọi chính đáng ở Nhật. Như vậy ta có thể hiểu việc này chẳng qua chỉ là đổi từ tên gọi mang tính chủ nghĩa thực dân này sang một tên gọi mang tính chủ nghĩa thực dân khác.

Trở lại vấn đề chính, phải làm sao với tên gọi "Eskimo". Có một cách, là gọi "Inuit" khi ở Canada, còn khi đến Alaska thì gọi là "Eskimo". Nếu lỡ miệng phát ngôn từ "Eskimo" ở Canada thì tùy từng nơi, có thể bạn sẽ nhận thấy bầu không khí lườm nguýt lan rộng rất nhanh. Chuyện này là phản tỉnh của bản thân tôi, khi còn thiếu kinh nghiệm sống với người Inuit ở Canada, tôi hay dùng từ "Eskimo" và bị một cậu trẻ mắng: "nếu ông cứ nói Eskimo thì tôi sẽ không ở cùng ông nữa".
Có thể tôi nói đao to búa lớn nhưng rốt cuộc cũng khó tránh khỏi việc bị quý vị độc giả chỉ trích rằng ông cũng chỉ đối phó tạm thời mà thôi. Rốt cuộc, câu chữ là chuyện rất khó, và cũng không phải là vấn đề "không biết là không có tội".


Cần phải cởi nhiều lớp

Quay trở lại chuyện người Inuit ở Canada đi vệ sinh. Như đã nói, người Inuit vốn không phải là một dân tộc có chung cách thức sinh hoạt, cho nên cách họ đi vệ sinh cũng khác nhau. Điểm chung của những người này từ Alaska đến Greenland là không để người khác giới nhìn thấy cơ quan sinh dục, cơ quan bài tiết của họ. Vào ban ngày, nam giới thường đứng tiểu tiện ở gần lều nhưng quay lưng về phía lều để người ta không nhìn thấy cơ quan sinh dục. Nếu gần lều có tảng đá lớn hay khu đất trũng thì họ sẽ giải quyết ở khu vực khuất đó.
Theo những gì tôi quan sát được thì họ giải quyết chuyện vệ sinh ở nơi khuất mắt người. Nhưng theo ghi chép của Rasmussen, người Đan Mạch từng ngồi xe chó kéo từ Greenland đến Alaska trong những năm 1920 để điều tra về dân tộc học và đạt được nhiều kết quả phi phàm thì có vẻ như nam giới Inuit dễ dàng kéo quần để đi vệ sinh, dù chung quanh có người hay không. Tuy nhiên, theo nhiều ghi chép khác thì cả nam nữ đều không để người khác nhìn thấy bộ phận sinh dục của mình, nên có lẽ là Rasmussen đã gặp phải người Inuit hơi khác thường.
Dù họ không để người khác giới thấy bộ phận sinh dục, cơ quan bài tiết của mình nhưng thời gian trước đây, những khi thời tiết xấu kéo dài, họ không ra khỏi lều được, cũng có những nam giới so sánh tinh hoàn với nhau trong thời gian chờ đợi. Tác giả Shiba Ryō Tarō có viết trong tác phẩm "Tobu ga gotoku" về chuyện Saigō Takamori cùng những người đồng chí đọ xem tinh hoàn của ai to hơn trong nhà trọ, còn bản thân tôi cũng từng được kể cho nghe chuyện nam giới Inuit tập trung trong lều, mở hội đánh giá xem tinh hoàn của ai bề thế nhất.
Khi nữ giới đi vệ sinh ngoài trời thì họ chọn nơi khuất sau những tảng đá hay giải quyết ở khu vực có băng lởm chởm được hình thành do nước triều và gió bào mòn những tảng băng trên biển. Sau khi tụt quần dài xuống, họ kéo tay ra khỏi ống tay áo trùm đầu kéo dài đến tận đầu gối, ngồi xổm xuống giải quyết như thể đang chui vào trong một căn lều nhỏ.
Tôi nghĩ cần phải nói qua một chút về y phục của người Inuit để quý vị hiểu được họ phải khổ sở đến chừng nào. Như quý vị biết, y phục truyền thống của người Inuit gồm những phần căn bản là áo khoát làm từ da lông động vật, quần dài và phần ủng. Mùa hè họ mặc áo một lớp, phần lông thú hướng vào trong, còn trong mùa đông thì khoát thêm lớp lông bên ngoài để chống lạnh. Ngoài ra, họ còn mặc quần lót làm từ da lông mỏng nên việc đi vệ sinh trong mùa đông rất khổ sở. Đầu tiên, cần phải cởi bỏ lớp áo quần bên ngoài, sau đó cởi tiếp quần dài bên trong và quần lót mới có thể giải quyết được.
 

Giải quyết trực tiếp trên giường...

Phần sau tôi sẽ đề cập đến chuyện đi vệ sinh lúc có bão tuyết, nhưng đầu tiên tôi muốn giới thiệu việc giải quyết ngay trong nhà. Ban đêm, khi đã lên giường đi ngủ hay khi thời tiết xấu thì đành phải giải quyết chuyện vệ sinh ngay trong nhà. Vào mùa hè, người bản địa trong toàn khu vực từ Alaska cho đến Greenland đều sinh hoạt trong những túp lều được căng từ da hải cẩu và tuần lộc. Đến mùa đông, họ đào hang sâu vài chục cm dưới đất, bên trên bắc thanh gỗ hay xương cá voi để làm xà, rồi bọc da thú bên ngoài. Ngoài ra cũng thấy nhiều kiểu nhà nửa chìm dưới lòng đất, phần trên hứng tuyết và đất.
Ở vùng cực Bắc, miền trung Canada thì họ dùng những căn nhà tuyết Igloo nổi tiếng. Cần phải nói trước rằng người Eskimo, Inuit hiện tại sống trong những căn nhà hoàn chỉnh, có trang bị hệ thống sưởi trung tâm, có buồng tắm, bồn vệ sinh, có bếp điện, máy giặt,... Phần nhiều trong số đó có đến 3, 4 phòng ngủ. Nói theo kiểu Nhật thì đó là những căn nhà tiêu chuẩn 5 LDK mà chúng ta phải ganh tỵ.
Trong những căn nhà ngày xưa, người ta đặt cái bô làm bằng gỗ hay da cứng ở một góc gần cửa ra vào, để khi cần thì ngồi xổm lên đó mà giải quyết chuyện vệ sinh. Quang cảnh buổi sáng thì cũng giống như buổi sáng ở bất kỳ nơi nào khác trên Thế giới. Buổi sáng, mọi người trong nhà đều tỉnh giấc và bắt đầu tranh nhau cái bô để giải quyết chỗ nước tiểu ứ đọng trong khi ngủ. Tuy nhiên, nam giới độc thân thì khác biệt. Họ phải cởi trần, vận động ngoài trời rồi mới được phép đi vệ sinh. Việc này là để rèn luyện thân thể, có vẻ như mục đích là để luyện sức chịu đựng bằng việc nhịn cơn buồn trong cái lạnh của thời tiết.
Tại Bắc Alaska có điều kiêng kỵ là phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt không được phép giải quyết đại, tiểu tiện chung với những người khác mà phải ra ngoài để giải quyết. Người nữ phải trùm kín đầu, không được ngó nghiêng chung quanh nên khi lên cơn buồn thì sẽ được một người nữ khác dẫn ra khỏi lều, đến một nơi xa để giải quyết. Lý do của việc này là vì quan niệm đại, tiểu tiện của người nữ trong thời kỳ kinh nguyệt là thứ dơ bẩn.
Tại phía Nam Alaska và quần đảo Aleutian thì người ta đào rãnh ở góc tường trong nhà để chứa nước tiểu. Họ có vẻ không để ý lắm đến người chung quanh. Người nam thì quay lưng lại, quỳ gối, còn người nữ thì ngồi xổm mà tiểu tiện vào rãnh. Nước tiểu đọng trong rãnh được sử dụng để thuộc da, tôi sẽ đề cập ở phần sau.
Phần đáy của rãnh là lớp đất đóng băng vĩnh cửu nên không có chuyện nước tiểu thấm vào đất mà biến mất, vì vậy mà mùi khai của nước tiểu lâu ngày nồng nặc trong căn nhà khiến các nhà thám hiểm phải chán chường.
Như đã thuật trong chương viết về cách sử dụng phân và nước tiểu, trường hợp chỉ cần nước tiểu thì họ đựng trong một vật chứa khác. Những khi ngại không muốn đến chỗ để bô, hay khi đã cởi đồ, chui vào chăn màn làm bằng da tuần lộc thì nhiều khi họ lật lớp da gấu Bắc cực đã trải làm đệm rồi đi tiểu trực tiếp bên dưới lớp da.
Trong những căn nhà tuyết (Igloo), chỗ ngủ là bệ đắp tuyết cao mấy chục cm nên nước tiểu ngấm vào trong tuyết. Nhiệt độ của nước tiểu làm tuyết tan, nước tiểu ngấm vào sâu bên trong hơn 10cm nên trên bề mặt tuyết xuất hiện những lỗ nhỏ màu vàng dễ thương với đường kính chừng 2cm, hoàn toàn không gây cảm giác dơ bẩn. Các bé trai Inuit cũng thi thố với nhau xem ai có thể tiểu vào cái lỗ nhỏ nhất. Tôi cũng từng thử nhưng chỉ tạo được cái lỗ xấu xí, đường kính trên 3cm với rìa lởm chởm.



Kẻ thù khi giải quyết ngoài trời



Khi giải quyết ngoài trời thì ngoài vấn đề y phục, còn có một thử thách nhỏ khác chờ đợi họ. Đó là chó và muỗi. Đầu tiên là chó. So với các loài động vật khác thì có vẻ như hệ tiêu hóa của con người có năng suất không cao, cho nên những thứ thải loại khỏi cơ thể vẫn còn nhiều dinh dưỡng lắm. Trong trại của người Inuit hay nuôi chó dùng để kéo xe hay để đi săn cùng. Những khi không làm việc thì lũ chó được buộc quanh trại, nhưng lũ chó non chưa được huấn luyện hay những con chó cái có chửa thì họ thả rông. Lũ chó thả rông này bị mùi phân hấp dẫn, xông đến chỗ người đang đại tiện.
Nếu chúng biết điều mà đợi quý ngài con người xong chuyện rồi mới hưởng thụ bữa tiệc thì chẳng có gì đáng nói, nhưng lũ chó thấy mùi phân người hấp dẫn như chúng ta mê bánh giầy mới hấp vậy. Trong khi vật thể còn đang chui ra thì lũ chó tranh nhau phi tới, húc mũi vào bẹn người ta. Khỏi cần nói, lúc này chẳng thể nào mà vừa thảnh thơi chìm đắm trong tư tưởng triết học, vừa đẩy chất thải được. Râu chó cọ vào khiến người ta buồn, thứ cần ra cũng không ra được nữa.
Vừa đại tiện, một tay vừa xua chó thì bấn không chịu được. Hơn nữa, lũ chó đang bị xích nghe tiếng đám chó đang tranh nhau hòn phân nóng hổi thì sủa nhặng lên, tạo thành một quang cảnh nhặng xị.
Nhưng vấn đề không chỉ có vậy. Tôi viết là một tay xua chó, vậy thì trường hợp nam giới, một tay còn lại làm gì? Là để định hướng cho dòng nước tiểu luôn rỉ ra cùng lúc với đại tiện. Không chỉ vậy, nếu không cẩn thận thì có khi gấu quần dài hay đôi ủng bổng nhuốm màu vàng mất. Để xua đuổi con chó Husky nặng chừng 40~50kg thì cơ thể lắc lư, bàn tay giữ nhiệm vụ định hướng nước tiểu dễ trở nên lơ là, rất là mệt.

Tiếp theo là muỗi. Nếu quý vị nghĩ rằng ở Bắc cực rất lạnh nên không có muỗi thì đó là sai lầm lớn. Mùa hè ở lãnh nguyên có hơn 40 loại côn trùng gồm muỗi, mồng, ruồi, nhặng. Đến khoảng tháng 6, do mặt trời chiếu 24 tiếng mỗi ngày nên vùng đất này ấm lên, lũ côn trùng lại nhất tề hoạt động. Có loài bướm đêm mà nhộng của chúng có thể đợi 10 năm để nảy nở trong năm ấm áp, nhưng loài muỗi có vòng đời chỉ 1 năm.
Giống muỗi Nhật Bản, muỗi đực ở Bắc cực cũng hút dịch của thực vật để sống, chỉ có muỗi cái mang buồng trứng và hút máu của các loài động vật máu nóng như con người, tuần lộc, chó sói. Sau đó, đến hạ tuần tháng 6 thì chúng đẻ trứng ở các vũng nước phía Bắc của lãnh nguyên để có thể đón nhận ánh nắng mặt trời soi chiếu từ phương Nam 24 giờ mỗi ngày. Trứng trải qua mùa đông, đến tháng 6 năm sau thì nở thành ấu trùng dưới sức ấm của mặt trời. Đến thượng tuần tháng 7, khi nhiệt độ dưới 5 độ thì chúng đồng loạt trổ cánh và bắt đầu hành hạ chúng ta.
Không chỉ tay, mặt chúng ta bị đốt, mà ngay cả khi đang đi vệ sinh thì đám muỗi cũng ồ ạt bay tới. Vùng mông của con người không có lớp lông cản trở công tác lấy máu của chúng, nên đối với chúng thì đó là đích ngắm tuyệt hảo. Vừa phải xua đuổi chó, vừa lèo lái dẫn hướng nên chẳng thể nào xua đuổi được lũ muỗi đang nhằm nhè sơ hở để lấy máu cho con cháu của chúng. Sau khi giải quyết xong thì chỗ bị đốt rất ngứa, nhưng dẫu có muốn gãi đi nữa thì cũng không với tới được vì lớp quần áo chống lạnh. Cổ nhân có câu, gãi ngứa từ trên lớp giày chính là như thế này đây.

0 bình luận :

Post a Comment

 
Top