Matsuda Ryūchi (松田 隆智, 6/6/1938~24/7/2013) là nhà nghiên cứu võ thuật người Nhật Bản, xuất thân từ thành phố Okazaki, tỉnh Aichi. Ông được biết đến nhiều nhất qua những hoạt động giới thiệu võ thuật Trung Hoa đến Nhật, đặc biệt là Bát cực quyền.
Tên thật của ông là Matsuda Masashi (松田 鉦), còn Ryūchi (Long Trí) là pháp danh theo phái Phật giáo Chân ngôn tông mà ông theo.


http://i.imgur.com/FxG3lk0.jpg 
Matsuda Ryūchi trên bìa tạp chí "Gekkan Hiden"

Sinh tiền, Matsuda Ryūchi viết nhiều tác phẩm, trong đó được biết đến nhiều nhất là tác phẩm truyện tranh mang tên "Kenji" (Quyền Nhi) kể về quá trình trưởng thành của cậu bé Kenji khi theo học Bát cực quyền. Bộ truyện tranh này đóng góp một phần rất lớn vào sự say mê của giới trẻ Nhật Bản đối với môn võ Bát cực quyền.
Matsuda Ryūchi từng bái sư Tô Dục Chương, võ thuật gia trứ danh trong "Đài Loan Võ Đàn", sau đó (1985) nhận Mã Hiền Đạt làm sư phụ. Mã Hiền Đạt là một cao thủ Thông bị quyền ở Trung Quốc. Lai lịch võ nghệ của ông được giới thiệu trong cuốn sách "Nazo no kempō wo motomete" (tạm dịch: đi tìm môn võ bí ẩn) do ông biên soạn. Sau đó, phần kinh lịch này trở thành nguyên tác cho bộ truyện tranh "Kenji" nổi tiếng.


Matsuda Ryūchi cũng đóng góp rất nhiều vào việc truyền đạt những kỹ thuật bí cổ lai bí truyền như phát kình, kỹ thuật Aiki một cách dễ hiểu đến với tất cả mọi người. Ông cũng xuất hiện với tư cách chủ bút của tạp chí võ đạo "Gekkan Hiden" (nguyệt san bí truyền).

Matsuda Ryūchi qua đời lúc 7 giờ 39 phút ngày 24 tháng 7 năm 2013 vì nhồi máu cơ tim, thọ 75 tuổi.


Kinh lịch

Matsuda Ryūchi từng theo học Gōjū Karate, từng ở võ đường Ōyama (tiền thân của Kyokushin Kaikan) và đạt sandan (tam đoạn) của võ phái này. Ngoài ra, ông còn theo học kiếm thuật các phái Jigen-ryū, Shinkage-ryū, các phái Nhu thuật, Hiệp khí Nhu thuật như Daitō-ryū Aiki Jūjutsu, Hakkō-ryū Jūjutsu (cấp Kaiden Shihan), Asayama Ichiden-ryū, sau đó thì biết đến võ thuật Trung Quốc và lặn lội sang Đài Loan, Trung Quốc đại lục để theo học.






Vai trò võ thuật gia, vai trò người giới thiệu

Trong thời đại mà người Nhật chỉ biết đến võ thuật Trung Quốc chỉ có Thiếu lâm quyền hay Thái cực quyền như một phương pháp dưỡng sinh thì Matsuda Ryūchi đã có nhiều cống hiến phổ phiến các môn võ khác như Trần gia Thái cực quyền, Đường lang quyền, Bát cực quyền qua các bài viết của ông. Đương thời, đa phần người Nhật đều nhận thức rằng "Thái cực quyền là môn dưỡng sinh khai sinh từ võ thuật", nhưng nhờ các bài viết của Matsuda mà đại chúng đã biết được rằng khởi nguồn của môn võ này là Trần gia Thái cực quyền, vốn không phải là phương pháp dưỡng sinh và được truyền thừa ở Đài Loan như một môn võ thuật. Đó là trước khi Nhật -Trung bình thường hóa quan hệ nên thông tin về võ thuật ở Trung Quốc đại lục gần như là con số không, và chủ yếu chỉ có thông tin từ Đài Loan do Matsuda mang lại.

Khi giới thiệu võ thuật Trung Quốc đến Nhật, Matsuda cũng nêu ra điểm dị biệt với võ đạo Nhật Bản hiện đại như chế độ bái sư trong võ thuật Trung Quốc. Chỉ có những người được sư phụ nhìn nhận tố chất và sự khổ luyện mới được lựa chọn cho học. Matsuda cũng là người đầu tiên ở Nhật nghị luận về những điểm khác biệt với Karate Nhật Bản trong quyền pháp Trung Quốc như phương pháp phát kình và điểm huyệt.


Trong tác phẩm trước tác của Matsuda, ông chỉ ra rằng người dạy võ thuật Trung Quốc chính thống cho người Nhật chính là Satō Kimbei, một võ thuật gia Nhật Bản thông thạo cả Nhu thuật lẫn nội gia quyền. Satō Kimbei cũng là người giới thiệu các võ thuật gia Đài Loan cho Matsuda.
Bản thân Matsuda Ryūchi không mở võ đường vì chủ trương rằng "võ thuật gia không nên quan tâm đến việc phát triển tổ chức, điều hành tổ chức của mình mà chỉ cần chuyên tâm vào tu luyện". Và vì từng trải qua kinh lịch cổ võ thuật Nhật Bản cũng như quyền pháp Trung Quốc nên ông cũng là người gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng võ đạo Nhật Bản cận đại đang dần mất đi bản chất khi sa đà vào hình thức tranh đua như thể thao. Ông cũng giới thiệu đến đại chúng rằng Nhật Bản cũng có những môn cổ võ thuật độc đáo, không dựa vào sức lực cơ bắp.


Trước thời Matsuda, người Nhật có khái niệm về quyền pháp Trung Quốc rất mù mờ và thường nhầm lẫn với Karate. Ngay cả Lý Tiểu Long đương thời cũng hay bị giới thiệu là "cao thủ Karate Trung Quốc", nhưng sau đó Matsuda mới giới thiệu lại cho người Nhật trên tạp chí điện ảnh rằng họ Lý là môn nhân của Vĩnh Xuân quyền chính thống (phái Diệp Vấn), cũng như giới thiệu việc Lý biểu diễn phát kình qua cú đấm 1 inch ở đại hội Karate.
 

Không chỉ giao lưu với giới võ nghệ, Matsuda Ryūchi còn hay đối thoại với các học giả tôn giáo, giới nghệ sĩ, tiểu thuyết gia về ý nghĩa của võ thuật, từ một thứ kỹ thuật giết chóc được nâng lên hàng "đạo".

Loạt sách trước tác của Matsuda Ryūchi như kích ngòi nổ cho cuộc chạy đua trước tác, nhiều võ thuật gia có tiếng khác như Satō Kimbei, Sazao Kyōji cũng lần lượt cho ra mắt trước tác về võ thuật Trung Hoa, và từ đó danh từ "quyền pháp Trung Quốc" được biết đến rộng rãi ở Nhật. Sách của những tác giả này cũng được xuất bản ở Đài Loan và được những người lưu học ở Trung Quốc đại lục phổ biến rộng rãi đến với đại chúng sau khi mối quan hệ Nhật Trung, Đài Loan được hồi phục. Về điểm này thì có thể nói Matsuda Ryūchi là một trong những người đi tiên phong cho quan hệ hữu hảo Nhật Trung.



Thi đấu

Trong võ đạo có võ đạo cận đại mang hình thức thi đấu, cạnh tranh và cổ võ thuật, cổ lưu không có thi đấu. Loại sau chủ trương "võ thuật là kỹ thuật nguy hiểm, không thể thi đấu" và quan điểm của Matsuda Ryūchi cũng tán thành điều này.
Trong cuốn trước tác đầu tay của ông, "Nazo no kempō wo motomete" (đi tìm môn quyền pháp bí ẩn) thì Matsuda cho rằng vì rất ít tài liệu ghi chép việc thực chiến bằng tay không của Karate Nhật Bản nên môn võ này chỉ là hữu danh vô thực. Sau khi biết những nhân vật hiện thực hóa được cụm từ "nhất kích tất sát" theo đúng nghĩa đen của nó như Lý Thư Văn (Bát cực quyền), Quách Vân Thâm (Hình ý quyền) thì ông rất cảm động. Từ "thực chiến" không có nghĩa là những trận đấu có trọng tài, có quy tắc như các trận tỷ thí Full contact mà là những trận quyết đấu hoàn toàn chẳng có luật lệ gì. 



Tác giả Matsuda Ryūchi và cậu bé Kenji


Trong trước tác "đồ thuyết Trung Quốc võ thuật sử" của Matsuda thì những nhân vật lịch sử được giới thiệu là đệ tử của Lý Thư Văn như Mã Anh Đồ, Hành Hóa Thần, Trương Vệ Ngọc thực ra đều không phải là đệ tử của Lý Thư Văn. Trong sách này, Matsuda cho rằng chính thống của Bát cực quyền là Lý Thư Văn, và hoàn toàn không đả động gì tới họ Ngô, vốn là tông gia của Bát cực quyền mà sau này Matsuda tích cực giao lưu. Có thể là thời điểm xuất bản cuốn "đồ thuyết Trung Quốc võ thuật sử" là vào năm 1976, là trước khi Matsuda chính thức sang đại lục giao lưu với các võ thuật gia ở đó.
Tuy nhiên, con trai của võ sư Mã Anh Đồ là Mã Hiền Đạt, sau khi đọc cuốn "đồ thuyết Trung Quốc võ thuật sử" của Matsuda ở thư viện Bắc Kinh thì đã liên lạc ngay với Matsuda và bắt đầu mối giao hảo từ đó. Có thể nói, Matsuda Ryūchi đóng một vai trò ẩn trong việc giao lưu văn hóa Nhật-Trung.
Matsuda cũng là người lựa chọn các võ thuật gia Trung Quốc sang biểu diễn giao lưu trong đại hội cổ võ đạo Nhật Bản lần thứ 8 vào năm 1985.


Quan hệ với cổ võ đạo Nhật Bản

Nói đến Matsuda Ryūchi, đại đa số đều hình dung về một con người có nhiều cống hiến cho việc giới thiệu quyền pháp Trung Quốc đến Nhật. Nhưng ông còn một công lao lớn khác nữa trong vai trò người giới thiệu cổ võ đạo Nhật Bản đến với đồng bào mình. Các môn võ như Jūdō, Kendō, Karate thì rất dễ học được ở các trường học, các câu lạc bộ hay sở huấn luyện cảnh sát. Trái lại, các môn cổ võ đạo lại hạn chế trong việc quảng bá, chỉ có những người có nhân duyên với địa phương đó mới biết được sự tồn tại của môn cổ võ đạo trong địa phương mình.
Bản thân Matsuda theo học kiếm thuật Shinkage-ryū, Jigen-ryū, Hiệp khí Nhu thuật Daitō-ryū và đến thăm, tu luyện tại nhiều võ đường trên khắp nước Nhật. Qua hai cuốn sách "Hiden, Nihon Jūjutsu" (bí truyền, Nhu thuật Nhật Bản) và "Nazo no kempō wo motomete" (đi tìm môn quyền pháp bí ẩn), Matsuda đã đóng góp rất lớn vào việc truyền bá sự tồn tại của các môn cổ võ đạo cố hữu ở Nhật, cho đại chúng biết rằng Nhật Bản có rất nhiều môn võ thuật ưu tú, trải qua sự phát triển độc đáo. Ông cũng là người mang nhiều nghi vấn đối với việc biến võ đạo thành môn thể thao cạnh tranh và chủ trương đem võ đạo Nhật Bản về với điểm ban đầu của nó. Bằng chứng cho việc này là ông đã cho đệ tử của mình theo học Asayama Ichiden-ryū, một môn cổ võ thuật tổng hợp, nhằm bảo tồn giá trị của cổ lưu.

5 bình luận :

  1. ad cho hỏi chi tiết về kỹ thuật phát kình mà matsuda truyền bá rộng rãi được ko

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ông này viết một cuốn sách dày về phát kình. Chúng tôi đã có trong tay cuốn sách và đang đọc...

      Delete
    2. oh thank ad,som mong có kết quả

      Delete
    3. chia sẻ đi anh , có thể chia sẻ bản tiếng nhật để em nhờ người dịch ,em ở clb võ thuật Đại Học Ngoại Thương , clb có 1 đứa em quê Hải Phòng có bằng N1 tiếng Nhật , chắc có thể hiểu

      Delete

 
Top