Tượng En-no-Ozunu với Tiền quỷ, Hậu quỷ theo hầu hai bên

Đọc bản pdf tại đây (click)

En-no-Ozunu (役 小角, Hán Việt: Dịch Tiểu Giác), hay còn đọc là En-no-Ozuno, En-no-Otsuno, hành giả En-no (En-no-Gyōja) là một nhà chú thuật (pháp sư) sống vào thời Thiên Hoàng Jōmei (thế kỷ thứ 7) thuộc thời đại Nara. Hành giả En-no (En-no-Gyōja, Dịch Hành giả) được cho là khai tổ của Tu nghiệm đạo (Shugen-dō), một tôn giáo bản địa Nhật Bản, lai tạp giữa Phật giáo Mật tông với tín ngưỡng núi rừng của người Nhật.

En-no-Ozunu là nhân vật lịch sử nhưng hình tượng ông được huyền thoại hóa, thần bí hóa nhiều chỗ. En-no-Ozunu là nhân vật hay xuất hiện trong các tác phẩm văn học, phim ảnh hay các thể loại giải trí đại chúng khác. Bức tượng En-no-Ozunu trong tác phẩm kinh dị "Ringu" (vòng tròn oan nghiệt) chính là nguồn gốc của sức mạnh lạ thường mà nhân vật Sadako có được, để từ đó gieo rắc nỗi sợ hãi cho người khác sau khi bản thân mình chết đi.
En-no-Ozunu thường được miêu tả với hình ảnh một pháp sư với pháp lực cao cường, có tài hô phong hoán vũ, sai khiến quỷ thần.

Rất nhiều điểm hành hương linh thiêng của Tu nghiệm đạo (Shugen-dō) như đền thờ Biện Tài Thiên Tengawa hay chùa Ryūsen (Long Tuyền tự) ở Yoshino đều coi vị Hành giả này là khai tổ, và có dấu tích truyền thừa là nơi Hành giả từng tu hành.

Kinh lịch

Họ En (Dịch) là một dòng họ thuộc hệ dòng tộc thần đất theo quan niệm Thần đạo, vốn thuộc thị tộc Miwa và phân nhánh từ thị tộc Kamō nên Hành giả En-no còn được gọi là Kamō-no-Edachi-no-kimi (加茂役君). Dòng họ này quản lý dịch dân nên lấy luôn chữ "dịch" (役) làm họ. Lấy quan tước làm họ là điều rất phổ biến ở Nhật thời cổ. Dòng họ này còn phân bố rộng rãi ở xứ Yamato, xứ Kawachi.

En-no-Ozunu chào đời vào năm Jōmei thứ 6 (634) ở quận Katsujō thuộc xứ Yamato. Cha ông là Ōzuno (Đại Giác), người xứ Izumo. Mẹ ông là Shirato Ume. Nơi ông ra đời, sau này là nơi kiến lập ngôi chùa Kisshōsō (Cát Tường Thảo tự).
Năm 17 tuổi, En-no-Ozunu theo học chú pháp Khổng Tước Minh Vương ở chùa Gangō (Nguyên Hưng), sau đó lên vùng đồi núi xứ Katsujō tu hành. Sau đó ông còn đến tu hành ở nhiều vùng núi khác như Kumano và Ōmine, cuối cùng đến đỉnh Kimpu (Kim Phong) thuộc vùng Yoshino và cảm nghiệm được Kim Cang Tạng Vương Đại Quyền Hiện (Kongō Za-ō Daigongen) mà xây dựng nên Tu nghiệm đạo. En-no-Ozunu được cho là chữa lành bệnh cho quan đại thần Fujiwara Katamari vào những năm 20 tuổi, tinh thông bùa chú và chủ trương dung hợp Phật giáo với Thần đạo. Trong số các cao đồ của ông, có người làm quan to trong triều, thống lãnh mảng y thuật và chú pháp trong cung đình.
Thời Thiên Hoàng Monmu năm thứ 3, En-no-Ozunu bị vu cáo là dùng lời nói mê hoặc người ta nên bị lưu đày đến đảo Izu. Tại đây có nhiều tin đồn rằng En-no-Ozunu sai khiến quỷ thần đi gánh nước, lấy củi, còn khi quỷ thần không tuân mệnh lệnh thì bị ông dùng bùa chú mà trói buộc. Sau đó 2 năm, ông được ân xá trở về Chihara vào tháng một, đến tháng sáu cùng năm thì qua đời, thọ 68 tuổi.

Sau này, nhất là vào thời Muromachi, những vật duyên khởi liên quan đến En-no-Ozunu cũng như các truyền thuyết, sách giáo lý liên quan đến ông xuất hiện nhiều ở núi Kimpu, núi Kumano. Các loại tranh tượng về vị Hành giả này, cũng như tài liệu về ông xuất hiện ở những nơi này và được lưu truyền cho đến ngày nay.
Năm Kansei thứ 11 (1799), Thiên Hoàng Kōkaku ra sắc chỉ phong tặng thụy hiệu cho ông là Thần Biến Đại Bồ Tát (Jimben Daibosatsu).

Toàn văn của sắc chỉ, bút tích của Thiên Hoàng Kōkaku hiện vẫn được lưu giữ ở chùa Shōgo-in.

Truyền thuyết

En-no-Gyōja được cho là sở hữu pháp lực có thể sai khiến được quỷ thần, trong số đó có Tiền quỷ (Zenki) và Hậu quỷ (Goki) là hai quỷ thần theo hầu hai bên tả hữu là được biết đến nhiều nhất. 
Một lần nọ, Ozunu nảy ý định bắt cầu treo nối liền núi Katsuragi với núi Kimpu, và động viên chư thần các xứ để thực hiện điều này. Có vị thần ở núi Katsuragi là Hitokoto-no-Nushi lấy cớ hình dong xấu xí nên chỉ làm việc ban đêm để người ta không nhìn thấy. Vậy là Hành giả En-no quở trách vị thần nặng nề, đến nỗi Hitoko-no-Nushi không chịu nổi, vu khống với Thiên Hoàng rằng Ozunu đang mưu phản. Vì vậy mà thân mẫu ông bị Triều đình bắt làm con tin, ông bị tội lưu đày đến quần đảo Izu và việc xây cầu cũng chìm vào lãng quên.
Hành giả Ozunu bị đày đến đảo Ōshima thuộc quần đảo Izu, nhưng trong thời gian này thì hàng đêm dân chúng đều thấy ông bước đi trên biển mà leo lên núi Phú Sĩ. Dưới chân núi Phú Sĩ có ngôi chùa Seiryū (Thanh Long tự) cũng được cho là do Ozunu kiến lập nên.
Một lần nọ, có vị tăng thuộc Pháp Tướng tông là Dōshō sang Trung Hoa du học, dọc đường ở xứ Tân La (một trong ba nước thuộc Triều Tiên thời cổ) gặp 500 con hổ trong núi. Dōshō giảng giải kinh Pháp Hoa cho chúng hổ nghe, bỗng thấy trong đám hổ có một con người nói tiếng Nhật, pháp sư hỏi ai đó thì người kia đáp, "tôi là Ưu bà tắc En-no-Ozunu" rồi biến mất.

Shoku Nihongi


Cuộc đời Ozunu có rất nhiều chỗ được truyền thuyết hóa, còn trong sử liệu thì thấy có xuất hiện ở cuốn thứ nhất của bộ sách Shoku Nihongi (Tục Nhật Bản Kỷ). Đây là tập sách lịch sử được biên soạn vào thời Heian, gồm 40 cuốn và xếp vị trí thứ hai trong số "lục quốc sử" (sáu sách chính sử Nhật Bản thời cổ). Ký sự về Ozunu trong Shoku Nihongi là ký sự duy nhất xuất hiện trong sách lịch sử chính thức, nhưng người ta cho rằng thời kỳ chấp bút là khoảng 100 năm sau khi Ozunu qua đời. Đại ý đoạn ký sự rằng

"Ngày 24 tháng 5 năm thứ 3 thời Thiên Hoàng Mommu, Edachi-no-kimi-no-Ozunu bị lưu đày đến đảo Ōshima thuộc quần đảo Izu. Ozunu sống ở núi Katsuragi, được tán thán vì chú thuật tài ba. Trong đó có quan to trong triều là Karakuni-no-Hirotari vì mến mộ tài năng mà tôn xưng làm thầy. Nhưng sau đó có kẻ ghanh ghét siêu năng lực của Ozunu mà vu cho tội yêu hoặc, khiến bị đày phương xa. Thế gian tương truyền, Ozunu có thể sai khiến quỷ thần, bắt chúng gánh nước nhặt củi, nếu không nghe liền đọc chú trói buộc chúng..."

Phần đầu của ghi chép là sự thật lịch sử, nhưng phần sau là những chuyện mang tính huyền thoại và là cơ sở cho những giai thoại, truyền thuyết về Ozunu xuất hiện. Cũng có thuyết cho rằng chính đệ tử của Ozunu là Karakuni-no-Hirotari vì ghen tức với tài năng của thầy mà vu cho tội mê hoặc người.

Nihon Ryō-i-ki

Những câu chuyện về En-no-Ozunu được ghi chép trong tập giai thoại "Nhật Bản Quốc Hiện Báo Thiện Ác Linh Dị ký", hay còn gọi tắt là "Nhật Bản Linh Dị ký" (Nihon Ryō-i-ki). Hình tượng Ozunu lưu truyền trong hậu thế phần lớn đều dựa vào những câu chuyện trong sách này. Tập sách này hình thành vào đầu thời Heian, gồm những giai thoại Phật giáo mang tính thần bí, khó có thể chấp nhận như sử thực. 
Sách này chép En-no-Ozunu là một Ưu bà tắc (tín giả tại gia) tôn sùng Phật pháp, học được chú pháp Khổng Tước Vương, có được năng lực bất khả tư nghị, trở thành tiên nhân cưỡi mây lên trời. Sách chép, vị Ưu bà tắc này thời trẻ cưỡi mây giao du với tiên nhân, học chú pháp Khổng Tước, tự tại sai khiến quỷ thần. Sách còn chép chuyện Ưu bà tắc sai quỷ thần xây cầu bắc qua núi Katsuragi và núi Kimpu, nhưng bị thần Hitokoto-no-Nushi vu khống tội mưu phản, cả chuyện pháp sư Dōshō giảng kinh Pháp Hoa cho bầy hổ ở Tân La thì gặp Ozunu.
Như vậy, điểm khác nhau lớn nhất giữa câu chuyện về Ozunu trong Nihon Ryō-i-ki với Shoku Nihongi chính là chuyện về thần Hitokoto-no-Nushi vu cáo Ozunu. Cũng từ đây mà phát sinh nhiều câu chuyện khác về vị thần này. Tương truyền, thần vẫn bị chú pháp của Ưu bà tắc Ozunu trói buộc đến tận ngày nay mà chưa được giải thoát.

Những câu chuyện đăng trong Nihon Ryō-i-ki và Shoku Nihongi đều là cơ sở cho những giai thoại, truyền ký về Ozunu sau này.

Tín ngưỡng

En-no-Gyōja được xem là khai tổ của Tu nghiệm đạo, nên có tín ngưỡng về vị Hành giả này, có tục hành hương đến 36 đền chùa liên quan đến Hành giả ở các nơi như phủ Ōsaka, các tỉnh Nara, Shiga, Kyōto, Mie, Wakayama. Hành giả này còn được tôn xưng là "Thần Biến Đại Bồ Tát", tượng Hành giả còn được thờ trong chùa, còn thấy phướn viết chữ "Nam Mô Thần Biến Đại Bồ Tát".


Hình tượng

Trong các tự viện thuộc hệ Tu nghiệm đạo thường thấy vẽ tranh tượng của Hành giả Ozunu, tùy vào nơi mà hình ảnh có thể khác nhau nhưng tựu trung đều thể hiện dạng một lão nhân ngồi trên bệ đá, để lộ ống chân, đầu quấn khăn, chân đi guốc Geta một răng, tay phải cầm cuốn sách, tay trái cầm tích trượng. Hình tượng Ozunu thường được miêu tả với Tiền quỷ, Hậu quỷ theo hầu hai bên, và có khi trên tay là các pháp cụ trong Mật giáo.



0 bình luận :

Post a Comment

 
Top