Tên: Chōjin Sentai Jetman
Thể loại: Tokusatsu
Series: Super Sentai
Quốc gia: Nhật
Năm sản xuất: 1991
Số tập: 51
Thời lượng: 25 phút/ tập
Ngôn ngữ: tiếng Nhật
Phụ đề: Việt ngữ

Tìm hiểu về thể loại Tokusatsu


Tokusatsu (Nhật: 特撮) là danh từ tiếng Nhật, viết tắt của cụm từ Tokushu Satsuei Gijutsu (特殊撮影特殊撮影技術) nghĩa là kỹ thuật chụp ảnh/quay phim đặc thù, tức hiệu ứng đặc biệt được sử dụng trong phim ảnh như cảnh khói lửa, bay nhảy. Danh từ Tokusatsu được dùng nhiều để chỉ về các tác phẩm phim ảnh (cả phim chiếu rạp lẫn các drama, phim dài tập trên truyền hình) có sử dụng loại kỹ thuật này. Thường thì đề tài của phim Tokusatsu là các người hùng, "siêu nhân" trong những bộ trang phục thiết kế kỳ lạ, và đôi khi là cả quái thú, người máy... Nó là một trong những loại giải trí phổ biến nhất tại Nhật Bản nhiều thập niên qua, nhưng các tác phẩm loại này thường không thoát ra khỏi phạm vi một số nước châu Á được. Ngay cả tại Nhật, nó cũng không được nhiều người để tâm. Nhưng thời gian gần đây Tokusatsu đã vượt ra khỏi lãnh thổ Nhật, phạm vi châu Á để vươn ra Thế giới và chiếm được một lượng người hâm mộ trung thành, tuy không nhiều.

Khái yếu

Tokusatsu là một danh từ chỉ phương pháp phân loại nếu nhìn từ phương diện kỹ thuật nên nghĩ rằng nó là các tác phẩm SF hay Fantasy được dựng thành phim ảnh cũng không có gì sai. Nó còn dùng để chỉ các tác phẩm (phim ảnh) hướng đến tầng lớp thiếu niên, nhi đồng do các hãng phim như Tōei, Tōhō và các Production như Tsuburaya Production (Production là các công ty chế tác phim độc lập) chế tác. Danh từ Tokusatsu không bao gồm các tác phẩm Anime có cùng nội dung, chủ đề tương tự. Có thể nói Tokusatsu là danh từ để chỉ một bộ phận nhỏ, một phạm vi nhỏ trong các bộ phim chiếu rạp, phim truyền hình được sản xuất hơn là một danh từ để chỉ thể loại (như thể loại kinh dị, lịch sử....). Các tác phẩm Anime và tác phẩm Tokusatsu dần dần được xếp vào hạng mục "Manga" cũng củng cố cho điều này. Nhưng trong những năm gần đây có quan niệm cho rằng Tokusatsu = "loại drama hành động với nhân vật ăn mặc kín mít cả người" và như vậy lại thu hẹp hơn phạm vi của Tokusatsu. Đại biểu có thể kể đến loạt phim quái thú (Kaijū eiga 怪獣映画 ) như Gojira và loạt phim người hùng khổng lồ (Kyodai Hiirō 巨大ヒーロー), loạt phim người máy khổng lồ như Super Robot Redbaron (Supaa robotto reddo baron), loạt phim người hùng biến thân như Kamen Raider (仮面ライダー, rider mặt nạ), Kamen no Ninja Akakage (仮面の忍者赤影 Ninja mặt nạ Akakage) và tác phẩm Everyday Magic (エブリデイ・マジック) hướng đến khán giả nữ. Những phim "thuần Tokusatsu" như thế này, tức là sử dụng nhiều kỷ xảo quay phim, đề tài người hùng, siêu nhân, nội dung có phần đơn giản, được gọi chung là Tokusatsu mono. Có những phim khai thác đề tài chiến tranh hoặc kinh dị cũng sử dụng một phần hoặc phần lớn kỷ xảo Tokusatsu không được giới truyền thông xếp vào hạng Tokusatsu mono (tuy nhiên giới nghiền phim thế hệ cũ thường có khuynh hướng xếp loại này vào chung với Tokusatsu). Và những phim dùng kỷ xảo đặc biệt do nước khác chế tác như Star Wars, Harry Potter, Smallville, Lost in Space... cũng ít khi được xếp chung vào Tokusatsu cùng với phim quái thú, người hùng của Nhật mà người Nhật chỉ xem chúng là tác phẩm SF (như Star Wars) và tác phẩm Fantasy (như Harry Potter) mà thôi.

Lịch sử

Tokusatsu, tức kỷ xảo đặc biệt, có nguồn gốc lâu đời từ trong các rạp múa kịch Kabuki truyền thống, khi người ta sử dụng khói màu, hệ thống ròng rọc trên sân khấu để thể hiện các cảnh đánh nhau, biến hóa phép thuật. Nó cũng có nguồn gốc từ các rạp múa rối bunraku với kỹ thuật điều khiển rối. Nhưng Tokusatsu hiện đại chỉ hình thành từ khoảng năm 1950 với sự ra đời của Gojira, bộ phim quái thú nổi tiếng nhất của mọi thời đại. Bộ phim kể về một con quái thú khổng lồ bỗng thức dậy bởi tác động của bom nguyên tử và bắt đầu tấn công nước Nhật. Những kỹ thuật dùng trong phim như Suitmation (スーツメーション, diễn viên chui vào bộ trang phục quái thú) và kỹ thuật quay mô hình nhà cửa thu nhỏ bên cạnh quái thú kích thước bình thường để thể hiện sự tương quan kích thước đã trở thành kim chỉ nam cho kỹ thuật quay Tokusatsu sau đó, và ít nhiều vẫn còn giữ lại cho đến thời kỳ phim Tokusatsu sau này. Gojira đã khơi dậy làn sóng phim quái thú rất được ưa chuộng tại Nhật trong vài thập kỷ sau đó. Năm 1957, bộ phim Super Giant (Kōtetsu no kyojin -người thép khổng lồ) ra đời đã đánh dấu bước chuyển đổi của Tokusatsu từ đề tài quái thú sang đề tài siêu người hùng (super hero). Năm 1958, phim Gekkō Kamen (mặt nạ ánh trăng) cũng đánh dấu sự ra đời của loại phim truyền hình dài tập với đề tài siêu người hùng.

Các loạt phim siêu người hùng sống được ít lâu trong thập niên 60 nhưng phần lớn đều không có tiến triển gì. Nhưng đến năm 1966 thì phim Maguma Taishi (đại sứ nham thạch) và Ultraman (Urutora man) ra đời đã tạo nên một dòng Tokusatsu mới, là kyodai hero -người hùng khổng lồ) trong đó thường có tình tiết là nhân vật chính đang ở hình dạng bình thường bỗng "biến thân" (henshin) thành người hùng khổng lồ để chiến đấu với quái vật có kích thước tương đương.

Đặc trưng

Tác phẩm Tokusatsu đa phần thuộc các tác phẩm được chiếu trên truyền hình nên ở Nhật khi nghe tới danh từ này, người ta thường có ấn tượng đó là sản phẩm hướng tới đối tượng là trẻ nhỏ. Và thực tế là có nhiều tác phẩm SF có nội dung hướng tới người lớn được sản xuất ra cũng phải đón nhận thái độ lãnh đạo của người xem. Và các tác phẩm Tokusatsu chỉ đơn thuần hướng tới lượng khán giả nhỏ tuổi và fan trung thành của Tokusatsu cũng thường hay bị trêu đùa là đơn giản, hời hợt. Mặt khác, trong số những người đã lớn lên cùng với phim Tokusatsu trong thời kỳ thơ ấu của họ cũng có nhiều tiếng nói yêu cầu giữ nguyên "tính truyền thống của Tokusatsu", tức là không cần phải thay đổi theo hướng nội dung trưởng thành mà chỉ cần hướng về đối tượng nhi đồng là đủ. Ngay cả Tsuburaya Eiji, ông chủ của Tsuburaya Production, người từng thực hiện nhiều phim Tokusatsu có nội dung hợp với người lớn cũng muốn "giữ lại giấc mơ cho trẻ con", nghĩa là không muốn Tokusatsu thay đổi theo chiều hướng trưởng thành. Nếu xem những bộ phim không có nhân vật như Kaiki Daisakusen (trận chiến kỳ lạ) và phim SF như Star Strek là Tokusatsu thì tức là danh từ này còn chỉ ở một phạm vi hẹp hơn. Công nghệ phát triển kéo theo sự tiến bộ trong lãnh vực hình ảnh do máy tính tạo ra, nó cũng tác động không nhỏ tới Tokusatsu. Do đó nội dung phim Tokusatsu cũng dần chuyển sang hướng SF hay fantasy, điều này có thể thấy qua series phim Time Ranger trong những năm gần đây. Và nếu cho rằng việc này làm thu hẹp lại phạm vi của Tokusatsu thì điều này có ý nghĩa không tốt và là vấn đề tranh cãi có từ trước khi có tranh cãi có nên hướng nội dung của Tokusatsu tới đối tượng người lớn hay không.

Một điều nữa thường thấy ở Tokusatsu: những loạt phim này là nơi tiến thân của các diễn viên trẻ tuổi. Như trường hợp của Nagano Hiroshi trong phim Ultraman Tiga (Urutoraman Teiga) năm 1996 và Odagiri Joe trong phim Kamen Rider Kuga năm 2000. Một loạt những diễn viên trẻ trở nên nổi tiếng như Tsuruno Takeshi, Kaneko Noboru, Tamayama Tetsuji,...Phim Tokusatsu thời gian gần đây sử dụng nhiều diễn viên điển trai nên lôi kéo được một lượng lớn fan nữ, và ngược lại các vai nữ chính trong Tokusatsu sau này cũng trở thành diễn viên, người mẫu (Idol) nổi tiếng như Yoshimoto Takami, Katō Natsuki, Akiyama Rina, Yamamoto Azusa. Nhìn qua những series Tokusatsu gần đây như Deka Ranger (Kinoshita Ayumi), Bōkenger (Nakamura Chise, Suenaga Haruku) cũng thấy được điều này. Nhưng gần đây cũng có những trường hợp diễn viên vô danh bỗng trở nên nổi tiếng khi lần đầu xuất hiện trong phim Tokusatsu, nhưng sau đó chìm vào quên lãng vì khi có thực lực. Về cơ bản thì loại phim này không đòi hỏi diễn xuất nhiều mà chỉ cần yếu tố ngoại hình là đủ thu hút một lượng lớn thanh thiếu niên.


Trước đây phần lý lịch đã từng tham gia diễn xuất phim Tokusatsu thường không được công khai nhưng cũng có nhiều diễn viên trẻ công khai điều này. Có những phim được chế tác nhằm tới đối tượng là số đông công chúng hơn là trẻ con, như trường hợp của Zebra Man. Và như vậy, tuy định nghĩa thể loại Tokusatsu càng thu hẹp hơn nhưng trái lại cũng cho thấy sự trưởng thành của nó cùng với sự trưởng thành của lớp khán giả đã xem Tokusatsu trong thời thơ ấu.

Kể từ sau đại chiến Thế giới lần 2, nước Nhật bại trận và hồi phục nhanh chóng. Phim Tokusatsu cũng tồn tại song song hai đường hướng với nội dung dành cho số đông như Gojira và nội dung chỉ dành cho thiếu niên nhi đồng như Gekkō Kamen hay series Super Giant. Trong Tokusatsu có lẽ "dài hơi" nhất phải kể tới series phim Super Sentai (スーパー戦隊, siêu chiến đội) cho tới nay vẫn còn được chiếu trên truyền hình. Loạt phim này thường có đề tài nhóm 5 thiếu niên can đảm bảo vệ Địa cầu chống lại cái ác với vũ khí tối tân và người máy khổng lồ. Có lẽ nó cũng thể hiện cái nhìn lạc quan của người Nhật sau chiến tranh, tin vào sức mạnh khoa học, kỹ thuật, kinh tế của đất nước mình. Thời kỳ bắt đầu series Super Sentai (1975) cũng chính là thời kỳ nền kinh tế Nhật có những bước nhảy thần kỳ. Do đó chuyện người ta lạc quan vào tương lai, tin vào khoa học kỹ thuật cũng không phải lạ.

Các tác phẩm chủ yếu

Được phân loại như sau:

+ Phim quái thú (Kaijū) gồm có: series Gojira, series Gamera, series Mosura, Sora no daikajū Radon (空の大怪獣ラドン, Radon đại quái thú bầu trời), Daikaijū Baran (大怪獣バラ ン-Đại quái thú Baran), Uchū Daikaijū Dogora (宇宙大怪獣ドゴラ- Đại quái thú vũ trụ Dogora), series Daimajin (大魔神- Đại ma thần), Daikyojū Gappa (大巨獣ガッパ - Quái thú khổng lồ Gappa), Furankenshutain tai chitei Kaijū (フランケンシュタイン対地底怪獣 - Frankenstein vs quái thú dưới lòng đất), Uchū daikaijū Girara (宇宙大怪獣ギララ - đại quái thú vũ trụ Girara)....

+ Phim quái nhân (Kaijin) gồm có: Sensō ningen (電送人間 -người điện tín), Gasu ningen dai ichigō (ガス人間第一号 - người gas số 1), Bijo to ekitai ningen (美女と液体人間 - mỹ nữ và người chất lỏng), Jūjin Yuki otoko (獣人雪男- người thú tuyết), Tōmei ningen (透明人間 - người vô hình), Tōmei ningen to hae otoko (透明人間と蝿男 -người vô hình và người ruồi), Tamango, Kyūketsuki Gokemidoro (吸血鬼ゴケミドロ - quỷ hút máu Gokemidoro)...

+ Phim yêu quái (Yōkai) gồm có: Yōkai hyaku monogatari (妖怪百物語 - 100 truyện yêu quái), Yōkai daisensō (妖怪大戦争, đại chiến tranh yêu quái), Sakuya Yōkaiden (さ くや妖怪伝, chuyện yêu quái Sakuya), Gegege no kitarō (ゲゲゲの鬼太郎, quỷ Gegege)...

+ Phim chiến tranh gồm có: Hawai.Mare oki kaisen (ハワイ・マレー沖海戦, hải chiến Hạ Uy Duy-Mã Lai), Taiheiyō no washi (太平洋の鷲, diều hâu Thái bình dương), Taiheiyō no tsubasa (太平洋の翼, đôi cánh Thái bình dương), Aojima yōkan bakugeki meirei (青島要塞爆撃命-令- mệnh lệnh đánh bom căn cứ Aojima), Nihonkai daikaisen (日本海大海戦, đại hải chiến trên biển Nhật Bản),...

+ Phim Tokusatsu chiếu rạp: Gamma daisan gō uchū daisakusen (ガンマー第3号宇宙大作, đại tác chiến vũ trụ Gamma số 3), Nippon tanjō (日本誕生, Nhật Bản ra đời), Ōsaka jō monogatari (大坂城物語, câu chuyện thành Ōsaka), Sekai Daisensō (世界大戦争, đại chiến Thế giới), Kairyū daikessen (怪竜大決戦, đại quyết chiến quái long), Uchū kara no messejii (宇宙からのメッセージ, bức thông điệp từ vũ trụ), Nihon chinbotsu (日本沈没, Nhật Bản bị chìm), Sayōnara Jupitaa (さよならジュピター, vĩnh biệt Mộc tinh),...

Những loạt phim Tokusatsu nổi tiếng

+ Loạt phim người hùng của Tsuburaya Production

+ Loạt phim Super Sentai

+ Loạt phim Metal Heroes

+ Loạt phim Kamen Rider

+ Loạt phim Ultraman


Tầm ảnh hưởng của Tokusatsu bên ngoài Nhật Bản

Tuy Tokusatsu không chiếm được lòng yêu thích của đông đảo người xem tại Nhật nhưng nó cũng đạt được những thành công nhất định khi vượt ra khỏi lãnh thổ nước này. Ngoài các kênh truyền hình Nhật, Tokusatsu còn được chiếu trên truyền hình ở một số nước gần gũi với nền văn hóa Nhật Bản ở Nam Mỹ như Ba Tây (Brasil) và các nước Nam Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Ở Đông Nam Á thì Thái Lan, Nam Dương là những nước chiếu Tokusatsu trên truyền hình sớm nhất và có lẽ là duy nhất. Tokusatsu còn được nhiều kênh truyền hình Đài Loan, Đại Hàn trình chiếu. Ngày nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, Tokusatsu đã xâm nhập vào lượng khán giả khắp Thế giới. Tại những trang cho đăng tải phim ảnh nổi tiếng như Youtube hay Veoh, người ta dễ dàng bắt gặp một lượng lớn phim Tokusatsu do fan cuồng nhiệt ở từng nước tải lên. Các nước bản địa cũng bắt đầu hình thành nên cộng đồng, diễn đàn yêu thích Tokusatsu và cũng chính họ là người đi tiên phong trong việc làm phụ đề sang ngôn ngữ bản địa, một việc làm góp phần phổ biến Tokusatsu.

Kỹ thuật Tokusatsu được sử dụng bên ngoài nước Nhật bởi sự nổi tiếng của các bộ phim quái thú Gojira. Năm 1961, Anh Cát Lợi cũng chế tác một phim Gojira của mình với tên Gorgo và cũng sử dụng kỹ thuật Suimation. Cùng năm, Saga Studios của Đan Mạch cũng cho ra đời phim quái thú khổng lồ có tên Reptilicus sử dụng các hình nhân và mô hình thu nhỏ. Năm 1967, Nam Hàn cũng chế tác phim quái thú của mình với tên Taekoesu Yonnggary. Năm 1975, Shaw Brothers (một hãng phim Hương Cảng) cũng sản xuất một phim siêu người hùng (superhero) với tên The Super Inframan dựa trên series Ultraman và Kamen Rider của Nhật. Năm 2001, Buki X-1 Productions, một công ty Pháp quốc của các fan Tokusatsu đã cho ra đời series Tokusatsu của riêng mình là Jushi Sentai France Five (gọi tắt là France Five) dựa trên series Super Sentai của hãng Tōei, Nhật. Năm 2004, Peter Tatara cho ra đời series phim Johnny Robo có kinh phí thấp dựa trên series Kamen Rider và người hùng biến thân. Năm 2006, Nam Hàn cũng sản xuất series Tokusatsu dành cho trẻ em của riêng họ là Erexion. Tháng 8 năm 2006, người Thái cũng sản xuất loạt phim Tokusatsu của mình dựa trên loạt Super Sentai của Nhật. Loạt phim này có tên Sport Rangers, có ý tưởng mới lạ về đề tài thể thao nhưng số tập không kéo dài như series Sentai. Mới nhất, trong năm 2009 này Trung Quốc cũng bắt đầu sản xuất Tokusatsu của mình với tên "Dũng sĩ giáp trụ" (铠甲勇士 Bính âm: Kǎi Jiǎ Yǒng Shì). Nhưng có lẽ đáng nói nhất vẫn là loạt phim Power Rangers ban đầu do hãng Saban (Mỹ quốc) mua bản quyền loạt phim Kyoryu Sentai Jurenjaa (Chiến đội khủng long- Ranger thú) của hãng Tōei (năm 1990) và thay đổi nội dung chút ít, cho diễn viên Mỹ diễn lại toàn bộ và chỉ giữ lại những cảnh người máy, máy móc trong phim của Nhật. Loạt phim này thành công đến độ người ta phải làm tiếp những phần (season) sau và hiện vẫn còn đang tiếp tục. PR sau được Walt Disney rước về. Năm 1994, người Mỹ cũng mua lại bản quyền của các series Metal Heroes như Chōjinki Metalder, Uchūkeiji để diễn lại với cái tên VR Troopers. Sự thành công của những series mua bản quyền này tại đất Mỹ khiến Saban cho ra đời series original của mình dựa trên thần thoại Á Nhĩ Lan là The Mystic Knights of Tir Na Nog. Năm 1994, DiC Entertainment cũng mua lại các cảnh phim trong Denkō Chōjin Gridman của Tsuburaya Production để chế tác Superhuman Samurai Syber-Squad của mình. Có lẽ bấy nhiêu đó cũng đủ nói lên một điều rằng: nếu trước đây người Nhật giỏi phát triển lên từ nền tảng phát minh của người khác thì trong thể loại phim Tokusatsu, họ đã sáng tạo một nền tảng để cả Thế giới phải sử dụng.


Tìm hiểu về Chōjin Sentai Jetman



Chōjin Sentai Jetman


Bài viết bên dưới được dịch từ Wikipedia Japan.

"Điểu nhân Chiến đội Jetman" (Chōjin Sentai Jettoman) là loạt phim Tokusatsu chiếu trên đài truyền hình Terebi Asahi do hãng Tōei chế tác. 
Loạt phim này gồm 51 tập, được chiếu từ ngày 15 tháng 2 năm 1991 (Heisei thứ 3) cho đến ngày 14 tháng 2 năm 1992 (Heisei thứ 3) vào 17:30 đến 17:55 các ngày thứ sáu hàng tuần. Jetman còn là tên gọi chung của các nhân vật chính trong phim khi biến thân. Đây là tác phẩm thứ 15 trong "Super Sentai series". 

Khái yếu


Loạt phim này mô tả cuộc chiến của 5 chiến sĩ người chim Jetman chống lại những kẻ xâm lược Địa cầu trong tổ chức Bairam cũng như những mối tình trong nội bộ Jetman. Rút kinh nghiệm từ loạt phim trước là "Địa cầu Chiến đội Fiveman" vốn không ăn khách, "Điểu nhân Chiến đội Jetman" đả phá những cái cũ, những lối mòn tồn tại sẵn trong series, có những bước đột phá mang tính cách mệnh ảnh hưởng đến những loạt phim Sentai sau này. Nhiều yếu tố mới mẻ cùng với dàn diễn viên trẻ đã giúp "Điểu nhân Chiến đội Jetman" thoát khỏi đường cùng khi Tōei định ngưng hẳn dòng phim Sentai, lật ngược tình thế. Theo nhận xét chính thức của Tōei thì hãng phim này cho rằng "Điểu nhân Chiến đội Jetman" chính là đỉnh cao của series trước khi loạt phim "Bách thú Chiến đội Gao-ranger" xuất hiện.


Loạt phim này có motif tương đồng với "Đội Ninja khoa học Gatchaman" (Kagaku Ninja-tai Gatchaman) cũng như tiếp thu nhiều yếu tố từ Gatchaman. Từ những yếu tố như 5 nhân vật chính sở hữu 5 chiến đấu cơ, quan hệ cạnh tranh giữa leader Ryū với sub-leader Gai, kền kền đen phải chết ở tập cuối... thì có thể nói Jetman lả một bản sao của Gatchaman. Tiêu đề của phim cũng được thay đổi nhiều lần trước khi được quyết định chính thức.


Bối cảnh ra đời

Loạt phim trước đó là "Địa cầu Chiến đội Fiveman" bị khán giả xem đài bỏ lơ từ nửa sau trong khi các nhà tài trợ thì phản đối khiến series Super Sentai lâm vào nguy cơ bị ngưng hẳn. Theo ông Suzuki Takeyuki thuộc hãng phim Tōei thì nguyên nhân chính của việc này là "đây là series dài kỳ nên không thể tránh được những lối mòn", và ông đã thử nhiều cách tân trong loạt phim này. Theo Shirakura Shin-Ichirō, giám đốc sản xuất của Tōei cho hay thì đương thời, từ thời "Địa cầu Chiến đội Fiveman" cho đến "Khủng long Chiến đội Jū-ranger" thì mỗi ngày ở xưởng phim, mọi người đều làm việc trong tinh thần chuẩn bị cho việc Sentai bị ngưng bất cứ lúc nào. 
Khi Suzuki Takeyuki nhận Utsunomiya Keita làm đạo diễn cho Jetman thì ông có tiết lộ rằng "có thể đây sẽ là loạt phim Sentai cuối cùng". Từ thời "Cao tốc Chiến đội Turbo-ranger" thì tỷ lệ nghe nhìn ngày càng giảm khiến Sentai rơi vào nguy cơ bị đình chỉ. Nhưng đến nửa sau của "Địa cầu Chiến đội Fiveman", nhà sản xuất đưa ra nhiều kế sách nhắm đến đối tượng người xem lớn tuổi nên tỷ lệ nghe nhìn có tăng lên. Trong bối cảnh đó, họ quyết định xây dựng loạt phim với nhiều yếu tố cách tân về thế giới quan để tìm hướng đi mới cho series Sentai. "Điểu nhân Chiến đội Jetman" ra đời trong bối cảnh như vậy.

Đặc trưng về nền tảng

Khi được chiếu sóng Birdonic Wave vốn có tác dụng cường hóa năng lực trong cơ thể người, nhân vật có thể biến thân thành Jetman. Ban đầu chỉ có một thành viên chính quy là Red Hawk Tendō Ryū, còn 4 người khác chỉ là các thị dân tình cờ bị sóng Birdonic Wave chiếu phải. Vì vậy, nội dung của 3 tập đầu tiên chủ yếu xoay quanh việc Red Hawk đi tìm và thuyết phục những người còn lại vào tổ chức Jetman. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Super Sentai mà không có đủ hết 5 thành viên cùng biến thân ngay trong tập đầu.
Màu trang phục của Jetman gồm đỏ, đen, vàng, lam và trắng, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Sentai không có màu hồng. Tuy nhiên, trong trang phục của White Swan vẫn có màu hồng ở những phần màu trắng trong các trang phục màu khác.

Trong các loạt phim trước có kiểu Robo pháo đài chuyên làm nhiệm vụ hỗ trợ, nhưng Jetman l à phim đầu tiên có một Robo phụ xuất hiện để trợ lực cho các Robo chính. Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên Robo phụ này có khả năng trở thành vũ khí chiến đấu cho các Robo chính. Yếu tố này đã ảnh hưởng nhiều đến các phim Sentai thế hệ sau trong series.

Đặc trưng về mặt dựng phim

Một điều không thể không nhắc đến khi nói về Jetman là việc các thành viên gọi nhau bằng tên thật ngay cả sau khi biến thân. Trong các phim Sentai trước đó, nhân vật gọi nhau bằng code name, chẳng hạn như Five Red, Flash Green,... nhưng các diễn viên trẻ Tanaka Kōtarō và Wakamatsu Toshihide cho rằng như vậy là bất tự nhiên nên nhà làm phim đã thay đổi, chuyển sang gọi bằng tên thật. Điều này ảnh hưởng lớn đến các loạt phim Sentai sau này, hầu như đều gọi tên thật của nhân vật sau khi biến thân. 




Người viết kịch bản chính cho phim là Inoue Toshiki đã xây dựng nhiều tập phim mà trong đó tất cả các nhân vật chính đều không cần phải biến thân một lần nào cũng giải quyết được vấn đề trong phim. Tuy nhiên điều này vấp phải sự phản đối từ phía nhà tài trợ, không được chấp thuận và có trường hợp nhà làm phim phải gấp rút thêm vào những cảnh chiến đấu.
Ý tưởng kết thúc tập phim mà nhân vật không phải biến thân sau này được áp dụng cho "Ngũ tinh Chiến đội Dai-ranger". Tuy nhiên trong loạt phim này, ở các tập nhân vật không biến thân là do rơi vào hoàn cảnh có muốn biến thân cũng không được chứ không phải vì ý muốn không biến thân.

Đặc trưng về mặt trào lưu

Một đặc trưng lớn của Jetman là việc miêu tả tình yêu nam nữ trong cùng một Chiến đội, yếu tố vốn bị bài trừ trong nhiều loạt phim trước đó. Theo Suzuki Takeyuki thì đây là một kinh nghiệm ông rút ra được khi thực hiện bộ Anime "Đấu tướng Daimos", rằng những yếu tố yêu đương này chính là vũ khí để thu hút người xem lớn tuổi.
Thực ra yếu tố luyến ái cũng được thể hiện trong "Quang Chiến đội Maskman", nhưng bị chỉ trích rằng tập trung quá nhiều vào nhân vật chính. Rút kinh nghiệm này, tình yêu trong Jetman được dàn trải đều cho các nhân vật, như tình cảm của Black Condor Yūki Gai và Yellow Owl Raita đối với White Swan Kaori, nhưng Kaori lại dành tình cảm cho Red Hawk Tendō Ryū còn Ryū thì không thể nào quên được người yêu cũ Rie của mình vốn đã trở thành một nhân vật trong hàng đầu lãnh bên địch. Mối quan hệ tứ giác phức tạp này là điểm chưa từng thấy trong các loạt phim trước đó và nó cũng là nhân tố khiến Điểu nhân Chiến đội bao lần rơi vào nguy cơ sụp đổ.



Ngoài việc miêu tả tình yêu giữa các thành viên với nhau, một mảng lớn trong Jetman còn tập trung vào yếu tố hài hước vốn đã là một đặc điểm của series. Tình yêu và sự hài hước là hai yếu tố không thể thiếu trong trào lưu phim truyền hình lúc bấy giờ. Để mô tả về Jetman, trong ca khúc kết thúc của "Hải tặc Chiến đội Gōkaiger" (năm 2011), từ khóa cho loạt phim Jetman này là "trendy" (trào lưu).

Tranh chấp trong nội bộ tổ chức địch

Khác với các phim Sentai trước đó, tổ chức địch (Bairam) trong Jetman không tồn tại nhân vật đầu lãnh ("trùm") với sức mạnh áp đảo và thống lãnh tất cả để xâm lược Địa cầu. Tổ chức địch chỉ gồm vỏn vẹn 4 đầu lãnh thường xuyên bày mưu tính kế, tranh chấp nhau ngôi vị Đế vương để thống lãnh những kẻ còn lại, vừa quấy rối nền hòa bình của Địa cầu. Số lượng quái thú trong Jetman cũng ít hơn nhiều so với các phim Sentai khác. 
Đây chính là điểm hấp dẫn của Jetman, mạch truyện không còn theo một tuyến tính nhám chán dễ đoán biết trước ở các phim Sentai khác. Mặc dù việc tranh chấp trong nội bộ tổ chức địch cũng tồn tại ở một số phim, nhưng trong Jetman thì yếu tố này nổi trội hơn cả. Cao trào là khi một đầu lãnh bên địch bắt tay với tổ chức Jetman để cùng tiêu diệt một đầu lãnh hùng mạnh khác trong tổ chức địch. Như vậy, khái niệm địch ta là hai kẻ thù không đội trời chung, vốn là đặc điểm truyền thống của Super Sentai, nay trở nên mờ nhạt trong Jetman.

Đặc trưng về mặt biểu diễn


Vốn đặt nặng tính gây cấn, Jetman cho thấy nhiều kỹ xảo Tokusatsu mang tính cách tân như cảnh Jet Hawk bay trong công trường, cảnh Jet Icarus hợp thể khi đạo diễn dùng hình nộm thay cho cảnh quay mô hình trong tíc tắc. Đặc biệt, Robot khổng lồ trong Jetman cũng để lại ấn tượng mạnh mẽ hơn so với nhiều loạt phim trước đó, điều này dẫn đến doanh thu cao trong mảng chế tác đồ chơi phỏng theo hình dạng của Robot trong phim và ảnh hưởng nhiều đến sự ra đời của Thủ hộ thú (Jū-ranger) hay Khí truyền thú (Dai-ranger). 



Nếu như sự xuất hiện của Robot khổng lồ trong các phim Sentai khác đồng nghĩa với sức mạnh và chiến thắng tuyệt đối cho "phe ta" thì điều này không còn chỗ đứng trong Jetman. Trong nhiều tập phim, có thể thấy Robot của "phe ta" bị quái nhân đả thương trầm trọng đến mức phải sửa chữa. Trong nhiều tập phim, "phe ta" bị quái thú bên địch đánh cho xiểng liểng, và có nhiều tập đến khi kết thúc vẫn không thấy Robot khổng lồ xuất hiện. Nếu như trong các phim Sentai khác, Robot khổng lồ xuất hiện đều như vắt chanh trong mỗi tập và đều dùng những chiêu thức giống nhau để kết thúc quái thú khổng lồ thì những yếu tố nhàm chán này không được lặp lại trong Jetman.

Sự kiện Jet Garuda


Từ tháng 7 năm 1992 kéo dài cho đến tháng 1 năm 1993, công ty sản xuất đồ chơi khoa học dành cho thiến niên ở Hàn Quốc đã tự ý sao chép và phân phối mẫu đồ chơi Jet Garuda mà không thông qua Bandai, công ty thiết kế nên mẫu đồ chơi này. Bấy giờ Hàn Quốc đã tham gia Công ước Quốc tế về bản quyền nên việc này xâm phạm đến quyền lợi được bảo hộ của hãng phim Tōei và hãng đồ chơi Bandai. Sau đó công ty đồ chơi Hàn Quốc bị tòa xử thua, và sự kiện rầm rộ này đánh dấu một bước ngoặc trong việc xử lý vi phạm tác quyền ở đất nước này, vốn trước đó hầu như không quan tâm đến tác quyền nhân vật.

Đánh giá


Với nhiều điểm cách tân như vậy, Điểu nhân Chiến đội Jetman là loạt phim đầu tiên trong series phim vốn vẫn được xem là dành cho con nít, nay lại thu hút được nhiều người xem lớn tuổi. Trong khi nhà đài phát sóng và ngay cả sau khi kết thúc, Terebi Asahi, cục truyền hình ANN đều nhận được nhiều ý kiến bày tỏ hảo cảm từ phía người xem đài, cũng như nhiều ý kiến tốt trên các tờ báo lớn. Có những tập, số lượng ý kiến phản hồi nhiều đến độ nhà đài phải kinh ngạc. Tuy nhiên Jetman cũng gặp phải một số phản đối từ phía những nhà bảo hộ trẻ em, rằng "liệu cho trẻ nhỏ xem đề tài yêu đương như vậy có ổn không". Nhân vật Black Condor Yūki Gai được các bà nội trợ yêu thích, và có người còn viết thư bày tỏ hy vọng của mình là Gai không chết sau khi tập cuối phim được trình chiếu. Theo dự án ban đầu, nhân vật Gai phải chết nhưng vấp phải sự phản đối từ phía người hâm mộ, nhà làm phim đã không miêu tả cái chết của Gai mà bỏ lửng cho khán giả tự suy đoán.


Theo nhận định chính thức của hãng phim Tōei cùng nhiều comment trên Internet cũng như tạp chí, sách báo thì người Nhật xem Jetman là đỉnh cao cách mạng của thể loại Super Sentai. 
Theo nguyệt san Toyjournal thì tổng doanh thu của Jetman đã vượt mức 150 tỷ En Nhật. Jetman còn được rất nhiều fan bầu chọn là loạt phim hay nhất trong đại gia đình Super Sentai. Trong đợt đầu phiếu của tạp chí "B-CLUB" thì Jetman đứng vị trí đầu bảng về các phim Sentai được yêu thích. Jetman cũng tỏa sáng trong vị trí số 1 trong đại hội Super Sentai Request do hãng phim Tōei tổ chức.


Một số comment về Điểu nhân Chiến đội Jetman (Chōjin Sentai Jettoman)


Comment 1: tình yêu, phản trắc, tình đồng chí, giận dữ, vui sướng, đau khổ... Nói chung là hỷ nộ ái ố, đủ mọi cảm xúc của con người được thể hiện đầy đủ trong Chōjin Sentai Jettoman! Đỉnh cao nhất của thể loại phim "siêu nhơn"!

Comment 2: Chōjin Sentai Jettoman có một tâm hồn người lớn trong vóc dáng của trẻ con. Có thể nói đây là "phim người lớn" dành cho con nít hoặc cũng có thể xem là "phim con nít" dành cho người lớn.

Comment 3: quái thú xuất hiện --> các "siêu nhơn" địch không nổi --> gọi Robot khổng lồ --> thắng lợi tuyệt đối. Cổ rồi! Jetman không chấp nhận những motif dễ dãi như vậy!

Comment 4: hãy xem Jetman để thấy rằng Sentai cũng có những phim "dành cho người lớn".

Comment 5: 5 anh em "siêu nhơn" giờ lại quay sang yêu lẫn nhau!

Comment 6: xem Jetman, và người lớn cũng sẽ đổ lệ.

Link tải Chōjin Sentai Jetman với phụ đề Việt ngữ do Gokuraku Shujō thực hiện.

+ Google drive: click vào đây.


Loạt phim này do hãng Tōei giữ bản quyền, phụ đề Việt ngữ do Gokuraku Shujō thực hiện và phân phối miễn phí qua hình thức download, nhằm lưu giữ và truyền bá một series phim cũ và có giá trị của Tōei. Mọi hành vi kiếm tiền, trục lợi từ bản dịch này đều là phạm pháp.

2 bình luận :

  1. cho hỏi, bác có biết bộ kamen rider black(1987) không, mình thấy bác hay dịch phim cũ nên thử nhờ bác dịch bộ này xem, thanks nhiều

    ReplyDelete
  2. ad có thể reup jetman được không?

    ReplyDelete

 
Top