Nue (鵺、鵼、恠鳥、奴延鳥) là một loại yêu quái (yōkai) hay chướng linh (mono-no-ke) trong truyền thuyết Nhật Bản.
Hình dạng
Yêu quái Nue thấy xuất hiện trong tác phẩm quân ký "Heike-monogatari" (Bình gia vật ngữ, chuyện kể về nhà họ Taira) và được miêu tả là có đầu khỉ, mình chồn, 4 chân như hổ và đuôi rắn. Tùy vào văn kiện mà có chỗ không đề cập gì tới thân mình, có chỗ lại tả nó mang mình hổ. Trong tác phẩm "Gempei Suisei-ki" (Nguyên Bình thịnh suy ký, ký ghi chép chuyện thịnh suy của 2 họ Minamoto và Taira) thì tả nó có lưng hổ, chân của chồn và đuôi cáo. Còn có tư liệu tả Nue mang đầu mèo và mình gà.
Tạo hình Nue trong game Nioh (PlayStation 4)
Từ hình dạng được miêu tả, Nue được cho là con thú tổ hợp đại diện cho can chi, gồm dần (hổ) ở Đông Bắc, tỵ (rắn) ở Đông Nam, thân (khỉ) ở Tây Nam và càn (chó và lợn rừng) ở Tây Bắc.
Tượng Minamoto Yorimasa bắn Nue trong khuôn viên chùa Trường Minh
Nue được cho là có tiếng kêu "hyo, hyo" rợn người, giống với tiếng chim Toratsugumi (một loại chim hoét). "Nue" cũng là tên khác để gọi loài chim Toratsugumi. Có thuyết cho rằng Nue chính là lôi thú, con yêu quái xuất hiện mỗi khi có sét đánh.
Nue được cho là xuất hiện từ cuối thời Heian, nhưng tùy vào tư liệu mà thấy nói ở thời Thiên hoàng Nijō, có chỗ nói ở thời Thiên hoàng Konoe, nơi khác lại nói thời Thiên hoàng Goshirakawa, thời Thiên hoàng Toba.
Tên gọi
Nguyên lai, chữ 鵺 (chữ "dạ" đứng cạnh chữ "điểu") được cho là để chỉ loài chim giống con trĩ, chữ "dạ" là chữ tượng thanh, không có ý nghĩa. Một cách viết khác của "Nue" là 鵼 (chữ "không" đứng cạnh chữ "điểu") để chỉ loài quái điểu. Loài chim này được cho là hót vào đêm, thường thấy tên trong các tác phẩm cổ điển "Koji-ki", "Man-yō-shū" nhưng hiện tại người ta cho đó là chim Toratsugumi. Tiếng hót rầu rĩ của loài chim này khiến người thời Heian cho nó là hung điểu, chim báo điềm gỡ. Mỗi khi Thiên hoàng và các quý tộc nghe thấy tiếng chim này đều cúng tế cầu khấn để không xảy ra chuyện lớn.
Trong "Heike-monogatari" còn đề cập tới một con quái vật "không rõ thực thể, chỉ biết tiếng kêu giống Nue" mà không có tên, hiện nay thì người ta xem con quái vật này chính là Nue. Chính vì điển tích văn chương này mà từ "Nue" trong tiếng Nhật còn được dùng để chỉ người hành tung không rõ ràng.
Tiễu trừ Nue
Trong "Hekei-monogatari" và cuốn địa chí xứ Settsu là "Settsu meisho zue" (họa đồ về các điểm nổi tiếng của xứ Settsu) có thuật lại chuyện tiễu trừ yêu quái Nue như sau. Vào cuối thời Heian, trong cung điện Seiryō nơi Thiên hoàng Konoe sinh sống, mỗi đêm đều nghe thấy tiếng kêu quái dị vang vọng cùng làn khói đen xuất hiện. Việc này khiến Thiên hoàng sợ hãi, cuối cùng lâm bệnh, bao nhiêu thuốc thang và cúng lễ đều không khỏi. Các cận vệ biết được chuyện trước kia có võ tướng Minamoto Yoshiie nhờ tài cung tên mà khiến yêu quái hết quấy nhiễu nên ra lệnh cho xạ thủ Minamoto Yorimasa tiễu trừ quái vật. Một đêm nọ Yorimasa dẫn theo gia thần là I-no-hayata, cắp theo cánh cung của tổ tiên là Minamoto Yorimitsu để lại, lên đường trừ yêu quái. Lúc này làn khói đen quái dị bắt đầu bao trùm lên điện Seiryō, Yorimasa bắn mũi tên nhọn do mình tự vót, yêu quái rú lên rồi rơi xuống phía Bắc thành Nijō. Không bỏ lỡ cơ hội, gia thần I-no-hayata đè con thú xuống rồi kết liễu nó. Lúc bấy giờ trong cung đình nghe đâu có 2, 3 tiếng kêu trên không rồi im bặt. Sau đó Thiên hoàng khỏi bệnh, ban thưởng cho Minamoto Yorimasa thanh kiếm Sư tử vương.
Về cái xác yêu quái sau khi bị giết thì có nhiều thuyết nói khác nhau. Theo "Heike-monogatari" thì người kinh đô sợ nó tác quái nên đem xác nó lên thuyền, thả trôi sông Kamo. Chiếc thuyền theo nhánh sông này trôi xuống sông Yodo ở Ōsaka, rồi bị nước đẩy lên bờ sông Ashiya và sông Sumiyoshi ở Hyōgo. Người ở sông Ashiya đem đất sét đắp lên xác Nue rồi đắp mồ chôn. Mồ này được ghi trong địa chí "Settsu meisho zue" là nằm giữa sông Ashiya và sông Sumiyoshi.
I-no-hayata và Nue
Theo cuốn địa chí "Ashiwake-bune" đầu thời Edo thì thuyền chở xác Nue trôi xuống hạ lưu sông Yodo, người làng sợ nó tác quái nên báo cho sư trụ trì Mẫu Ân tự, đem đất sét đắp thành mồ chôn. Đến thời Meiji thì nấm mồ bị phá khiến oán linh của Nue lại quấy nhiễu, dân làng phiền não nên lại cho đắp mồ.
Còn theo "Gempei Suisei-ki" và tập tùy bút "Kanden Jihitsu" thì xác Nue được chôn ở chùa Kiyomizu thuộc địa phận cổ đô Kyōto, nhưng đến thời Edo lại đào lên nên bị oán linh quấy nhiễu.
Theo một thuyết khác thì Nue sau khi chết, đầu thai làm con ngựa tên Kinoshita và được Yorimasa nuôi dưỡng. Nghe tiếng con ngựa tốt, Taira Munemori chiếm ngựa, việc này trở thành động cơ để Yorimasa dấy binh đánh họ Taira và cuối cùng bỏ mạng.
Lại có thuyết nói xác Nue rơi xuống phía Tây hồ Hamana ở tỉnh Shizuoka, trong khi thuyết khác nói các phần đầu, thân, cánh và đuôi của Nue lần lượt rơi xuống các điểm trong thành phố Hamamatsu nên ngày nay những địa điểm này đều mang tên các bộ vị của Nue.
Người ở tỉnh Ehime thì tin rằng bản thể của Nue chính là mẹ của Yorimasa. Vào thời họ Taira cực thịnh, mẹ của Yorimasa vì nhớ quê mà đến đất này sống ẩn dật. Trong vùng núi nơi này có ao Azo-ga-ike có tiếng linh thiêng, mẹ Yorimasa mới tìm đến khấn với long thần, cầu cho con trai được hiển hách và dòng họ Minamoto phục hưng trở lại. Vì lời cầu nguyện này và lòng căm hận họ Taira mà mẹ Yorimasa hóa thành Nue, bay đến kinh đô làm Thiên hoàng mắc bệnh, rồi để con trai bắn chết để lập công trạng.
Di tích
+ Mồ Nue (gần ga Ashiya ở Ōsaka): nơi có mồ chôn Nue trôi sông theo mô tả trong "Heike-monogatari". Gần khu này có cầu tên Nuezuka-bashi cũng là vì tích này.
+ Mồ Nue (quận Miyako-jima thuộc Ōsaka): mồ chôn Nue sau khi trôi xuống sông Yodo theo mô tả trong sách địa chỉ "Ashiwake-bune". Mồ hiện tại do phủ Ōsaka trùng tu năm 1870, còn miếu thờ do dân địa phương trùng tu năm 1957.
+ Mồ Nue (phủ Kyōto): gần sân vận động công viên Okazaki. Không rõ tính liên quan với truyền thuyết chôn Nue trong chùa Kiyomizu. Theo kết quả khai quật thì đây là mộ cổ từ thời Kofun.
+ Ao Nue: ao trong công viên Nijō (Kyōto). Đây được cho là nơi Yorimasa rửa mũi tên nhuốm máu sau khi bắn Nue.
+ Đền thần Shimei ở Kyōto: trước khi Yorimasa tiễu trừ Nue có đến đây cầu khấn, sau khi tiễu trừ yêu quái thành công thì cúng dường đầu mũi tên. Phần mũi tên này được xem là bảo vật của đền, bình thường chỉ trưng bày ảnh, đến dịp tế lễ vào tháng 9 hằng nam mới công khai vật thật.
+ Địa Tạng Yane ở thành phố Kameoka, Kyōto: khi Yorimasa tiễu trừ Nue có khấn với bổn tôn Địa Tạng Bồ Tát. Địa Tạng báo mộng cho Yorimasa làm tên từ cánh chim bồ câu. Vì vậy mà hình tượng Địa Tạng ở đây cầm theo mũi tên.
+ Trường Minh tự ở tỉnh Hyōgo: đất này vốn là lãnh địa của Yorimasa. Trong khuôn viên chùa có tượng Yorimasa tiễu trừ Nue, cạnh chùa của bụi trúc được cho là nơi Yorimasa vót trúc làm tên bắn Nue.a
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
8-)
ReplyDeleteXưởng gia công in ấn
ReplyDeleteIn tem decan sản phẩm
In vỏ hộp tráng kim
In thùng carton tại hà nội
Xưởng nhận gia công sau in