Điểm giống nhau giữa Thần đạo đền thần và Do Thái giáo


Thần đạo đền thần (Jinja Shintō) là một nhánh Thần đạo (Shintō) mang tính địa phương với nền tảng thông qua việc tế lễ mà trung tâm là các đền thần địa phương để thắt chặt các mối quan hệ trong cùng địa phương. Nhiều điểm tương đồng giữa Thần đạo đền thờ và Do Thái giáo được Marvin Tokayer chỉ ra trong cuốn "Do Thái và Nhật Bản–cổ đại sử bí ẩn" (Đại học Sản nghiệp năng suất xuất bản năm 1975) và cuốn "Nhật Bản, Do Thái –cổ đại sử phong ấn".


Thần đạo

Nghi lễ Thần đạo

Nhật Bản và Do Thái đều có tục lệ dùng muối và nước để làm sạch cơ thể. Người Nhật gọi tục này là Misogi và tin rằng nó có thể gột rửa tội lỗi và nhơ nhuốc của thân thể.

Trong Do Thái giáo, các thầy tư tế cầm bó thực vật Hyssop mà vẫy trong lễ Pesach (vượt qua) vốn bắt nguồn từ quy định trong "Levi ký (sách Levi)" (23:11). Trước lễ Pesach, người ta dùng bó Hyssop nhúng máu dê non mà quét lên cổng ("Xuất Ai Cập ký" 12:22). Tương tự, các Thần quan (tư tế) trong đền thờ Thần đạo cũng cầm loài thực vật gọi là Sakaki trong lễ tẩy uế Harae.

Lá bùa Mezusa của Do Thái có hình dạng giống với bùa hộ mệnh của Nhật Bản.

Trên cổng thần điện Jerusalem có khắc biểu trưng rất giống với hình hoa cúc 16 cánh vốn là biểu trưng của nhà Thiên Hoàng Nhật Bản.


  
Họa tiết trên cổng thần điện Jerusalem và biểu tượng của Hoàng thất Nhật Bản

Cách thức cấu tạo của đền thờ Thần đạo

Sau khi dân tộc Israel thoát khỏi Ai Cập, họ đi lang thang nên các đền thờ thời kỳ này là kiểu quây màng và mang tính di động. Đúng như tên gọi, chung quay đền được quây bằng màn và ván gỗ, ở giữa là nơi thờ phụng thần linh. Tương tự, trong số các đền thờ Thần đạo, cũng có những đền thờ tồn tại khái niệm quây kín như vậy, và nơi thờ phụng là nơi cực kỳ bí mật.

Cấu tạo của đền thờ di động thời kỳ này và thần điện Israel cổ đại (thần điện Jerusalem) lần lượt là cửa vào, nơi rửa nước, nơi lễ bái, thánh sở và chí thánh sở (nên linh thiêng nhất). Cấu trúc một đền thờ Thần đạo cũng tương tự, từ cổng vào là Chōzuiya (thủ thủy xá) (nơi dùng nước để rửa tay, rửa mặt, súc miệng), Haiden (bái điện) (nơi lễ bái) và Honden (bổn điện) (gian thờ chính, nơi an trí thần). Thần điện Israel cổ đại được dựng bằng gỗ ("Liệt vương ký (sách các vua )" 6:9~) và sau khi xây dựng xong, người ta còn bố trí hòm phước sương ("Lịch đại chí" 24:8). Người ta cũng cho rằng bên trong các đền thờ di động kiểu quây màng có màu đỏ, và trong số các đền thờ Thần đạo cũng có những đền có màu đỏ.

Trước cổng đền thờ Thần đạo luôn có một cặp thú nửa giống sư tử, nửa giống chó gọi là Koma-inu. Trước cổng thần điện Solomon cổ đại cũng có bố trí tượng sư tử. Sư tử là biểu tượng của tộc Judah, nguồn gốc phát tích của vương tộc David.

Trên con đường dẫn từ nội cung đến ngoại cung của Thần cung Ise có khoảng 700 ngọn đèn đá, trên có khắc hình ngôi sao David. Tuy nhiên số đèn đá của Thần cung Ise là do cúng dường từ sau đệ nhị Thế chiến và được cho là có chỉ thị của GHQ, tổng bộ tư lệnh LHQ chiếm đóng Nhật Bản. Trong số đèn đá gốc của Thần cung Ise cũng có những cái tương tự, nhưng số này cũng được cho là từ cúng dường mà có. Về số đèn đá của Thần cung Ise, có ý kiến cho rằng  theo chủ trương của cuộc họp điều tra về Thần cung thì ban đầu định đưa hoa văn hình hoa cúc vào, nhưng dưới áp lực của GHQ nên đã phải chuyển thành hình ngôi sao David và hoa văn của vua Herod. Hình ngôi sao David chỉ là hình kỷ hà học đơn thuần và được biết đến như là phong ấn của Solomon trong giới ma thuật, điều này thường không được các nhà nghiên cứu xem trọng lắm.

Họ Amabe là dòng họ đời đời làm tư tế cho đền thờ Kono ở Kyōto và có họ xa với nguyên thủ tướng Kaifu Toshiki. Hiện tư tế đời thứ 82 của họ này là Amabe Mitsuhiko đã công bố gia huy của dòng họ, vốn được giữ gìn cực kỳ bí mật từ trước đến nay. Gia huy của họ này được khắc trên bia đá của đền thờ Manai, phân viện nằm sâu bên trong đền Kono và có hình dáng ngôi sao 6 cánh, giống với biểu trưng của vua David. Tuy nhiên, hoa văn Kagome trong các họa tiết trang trí truyền thống Nhật Bản cũng có hình ngôi sao 6 cánh, nên họ tư tế đền Kono lấy sao 6 cánh làm gia huy cũng không phải điều khó hiểu và điều này vẫn đang đợi được làm sáng tỏ thêm.


  
Ngôi sao David trên quốc kỳ Isarael và hoa văn Kagome truyền thống

Khác với các đền thờ Thần đạo khác, lịch của thần cung Ise trùng khớp với lịch Do Thái.

Tế lễ

Tại đền thờ lớn Suwa ở tỉnh Nagano từng tồn tại lễ "Ngự đầu tế (Ontōsai)" rất giống với việc Abraham hiến con trai của mình cho thần linh. Theo kinh cựu ước, Abraham được thần linh yêu cầu phải hiến con trai Isaac trên núi (núi Moriah) tại đất Moriah (hiện là Israel). Vì lòng tín ngưỡng đối với thần linh mà Abraham cầm dao toan giết chết Isaac, lúc đó tín ngưỡng của Abraham đã rõ ràng nên thiên sứ xuất hiện và cản lại. Đối với đền thờ lớn Suwa thì ngọn núi Moriya (tỉnh Nagano) chính là nơi thần linh của đền cư ngụ, và trong nhà tư liệu Moriya vẫn còn lưu trữ ghi chép rằng lễ "Ngự đầu tế" được tiến hành cho đến đầu thời Meiji. Trong buổi lễ, viên tư tế Thần đạo trói người thiếu niên vào cột trên núi Moriya, khi tư tế cầm dao toan chém thiếu niên thì có sứ giả xuất hiện cản lại. Nội dung tế lễ tương tự còn thấy có ở Nepal. Về khởi nguồn của lễ "Ngự đầu tế" thì có ý kiến cho rằng nó được tổ chức từ thế kỷ thứ 8, nhưng cũng có chủ trương rằng từ sớm hơn nữa và thực tế vẫn chưa rõ chi tiết.

Có ý kiến cho rằng môn đánh vật Sumō, vốn là một nghi thức Thần đạo, bắt nguồn từ việc Jacob đánh vật với thiên sứ. Vì Jacob đánh vật thắng thiên sứ nên được thần linh ban cho quyền hạn là sứ giả của thần. Còn theo Kojiki (Cổ sự ký), cuốn sách lịch sử cổ nhất Nhật Bản thì Sumō bắt nguồn từ việc đọ sức giữa thần Takemikazuchi và thần Takeminakata, nhờ việc này mà Thiên tôn Ninigi có được quyền cai quản mặt đất.

Trong số rất nhiều cỗ xe rước (dashi) trong lễ hội Gion ở Kyōto, có những xe được trang trí bằng hoa văn, kiểu thêu giống với hoa văn Do Thái cổ đại. Trên tấm thêu trang trí của xe rước Kankoboko của quận Shomogyō, Kyōto là một cảnh trong "sáng thế ký" trong kinh Cựu ước được chế tác từ thế kỷ 16. Còn trên xe rước Koiyama ở quận Nakagyō thì có vẽ hình vua David thời Do Thái cổ đại.
   

Cảnh rước thần và tranh thêu trên xe rước thần Kanboku và Koiyama

Ngày lễ trong năm

Phong tục mang trẻ sơ sinh đến viếng đền thờ sau khi chào đời 30 ngày chỉ thấy ở Nhật Bản và Do Thái.

Bánh Kagami-mochi ngày Tết

Trong số các ngày lễ mang tính chất tôn giáo của người Do Thái, có lễ Pesach (vượt qua) là lễ mừng năm mới trong Do Thái giáo, và là lễ hội lớn nhất, cổ xưa nhất. Giống như lễ đón giáo thừa ở Nhật, người ta không ngủ mà thức cùng gia đình đến sáng. Bình thường, người Do Thái ăn loại bánh mỳ mềm, nở phồng, nhưng chỉ trong ngày lễ Pesach (vượt qua), họ ăn loại "bánh mỳ không hạt" (Matztzāh). Loại bánh mỳ không hạt (bánh mỳ không men) này trùng với bánh gạo Mochi ở Nhật. Hơn nữa bánh Matztzāh cũng có dạng tròn, phẳng dẹt và được đặt chất lên nhau ở hai bên bàn thờ, hình ảnh này rất giống với bánh Kagami-mochi gồm một cặp bánh gạo Mochi lớn nhỏ chồng lên nhau, đặt trước bàn thờ. Thời gian kéo dài của lễ Pesach (vượt qua) được quy định là 7 ngày, trùng khớp với thời gian Tết (âm lịch) Nhật Bản (quy định từ thời Edo).

Người Do Thái dù có sống ở đâu, đời đời đều phải ăn bánh mỳ không hạt với rau đắng để mừng lễ Pesach. Đây là điều bất biến được quy định trong "Xuất Ai Cập ký" (12:1~), "Levi ký" (23:1~). Lễ này bắt đầu từ ngày 14 và kéo dài trong 7 ngày và người ta quét dọn nhà cửa cho hết sạch nấm men trước khi lễ Pesach bắt đầu. Trong lễ người ta ăn bánh mỳ không hạt (không lên men) để kỷ niệm việc năm xưa khi trốn khỏi Ai Cập, tổ tiên người Do Thái không có đủ thời gian để đợi bánh mỳ lên men. Ngày thứ nhất và ngày thứ bảy không được làm việc. Tương tự, từ ngày 28 tháng 12, người Nhật bắt đầu tổng vệ sinh nhà cửa trước khi đón năm mới. Ngày 15 tháng 1 (âm lịch), người Nhật ăn bánh Mochi, một loại bánh gạo không men, đến ngày 7 tháng giêng thì ăn cháo gồm 7 loại rau khác nhau (nanakusa-gayu).

Cổng Torii màu đỏ

Torii là kiểu cổng đặc trưng trước lối vào một đền thờ Thần đạo (Shintō), ngăn cách thế giới trần tục và cõi linh thiêng và được sơn màu đỏ. Về nguồn gốc của Torii thì có thuyết cho rằng nó bắt nguồn từ cổng tháp Torana phía trước tháp chứa Xá lợi của đức Phật ở Ấn Độ, cũng có thuyết cho rằng Torii bắt nguồn từ trụ đá được gọi là "hoa biểu" xây trước các lăng mộ ở Trung Quốc, nhưng cũng có chủ trương cho rằng từ "torii" trong phương ngữ Aramaic, tiếng Do Thái có nghĩa là "cổng" và đó là cổng được quét máu dê bằng nhành cây Hyssop trước lễ Pesach (vượt qua). Lễ Pesach của người Do Thái bắt nguồn từ việc Moses lãnh đạo dân tộc thoát khỏi Ai Cập dưới thời vua Ramesses II. Trước ngày thoát khỏi Ai Cập, thiên sứ sát sinh xuất hiện và tấn công toàn bộ lãnh thổ Ai Cập. Lúc đó Moses lệnh cho người Do Thái quét máu dê lên hai cây cột trước hiên nhà để tránh gặp tai họa do thần linh gây ra, ở yên trong nhà đợi đến khi tai họa qua đi. Những người chủ trương thuyết Nhật Do đồng tổ luận cho đây là gốc tích về màu đỏ của cổng Torii trong Thần đạo.

Chiếc rương thánh và kiệu rước thần

Món bí bảo của người Do Thái là chiếc rương thánh (rương khế ước) thời Do Thái cổ đại, hiện nay không rõ đã thất lạc ở đâu nhưng có nhiều điểm rất giống với kiệu rước thần ở Nhật Bản như sau đây. Chiếc rương thánh này là vật chứa đựng tấm đá khắc mười điều răn mà Moses nhận được từ thần linh và được dát vàng toàn bộ. Theo"xuất Ai Cập ký (sách xuất hành)" trong kinh Cựu ước thì có thể thấy được cách chế tạo chiếc rương giống hệt kiệu rước thần ở Nhật Bản. Phần trên của chiếc rương cóa tượng 2 thiên thần Cherubim giang rộng cánh hướng vào nhau, còn phía trên kiệu thần Nhật Bản thì có tượng chim Phượng hoàng cũng giang rộng cánh. Phía dước chiếc rương thánh có hai thanh gỗ đâm xuyên qua để các thầy tư tế Levi vác trên vai khi di chuyển. Khi vác kiệu, người ta khua chiên trống và tuyệt đối không bao giờ rút hai thanh gỗ ra khỏi chiếc rương. Điều này cũng tương tự với kiệu thần Nhật Bản, ngay cả sau khi buổi lễ kết thúc cũng cứ để nguyên thanh ngang đó mà bảo quản cùng kiệu.

  


Chiếc rương thánh và quang cảnh rước kiệu thần


Khác

Từ chuyện sáng tạo trời đất trong Thần đạo Nhật Bản đã được nhiều nhà nghiên cứu Thần đạo làm sáng tỏ rằng đó là tín ngưỡng độc thần (nhất thần giáo) trong tam vị nhất thể. Tín ngưỡng tam vị nhất thể này rất giống với tam vị nhất thể trong Thiên chúa giáo (Yahweh, Jesus và thánh linh).

Ở thần cung Ise có trống Taiko(thái cổ) được cúng dường cho đền, được gọi là trống Sion. Cách gọi này được truyền thừa từ ngày trước đến nay mà không rõ lý do tại sao, rất có thể liên quan đến Sion, địa danh lịch sử ở Jerusalem. Những năm gần đây, tên trống được viết thành chữ Hán là "thần ân" (ân huệ của thần), có cùng cách phát âm.

Cho đến nay người Do Thái vẫn còn tổ chức lễ Bar Mitzvah, lễ thành nhân cho con trai khi đến năm 13 tuổi. Từ thời cổ, người Nhật cũng tổ chức lễ Gempuku (nguyên phục) cho con trai 13 tuổi để đánh dấu sự trưởng thành của nó.

Người Do Thái có tập quán rửa tay trước khi ăn, sau khi đi toilet và rửa tay ở cửa giáo đường. Người Nhật khi thăm viếng đền thờ cũng luôn rửa tay tẩy uế ở cổng vào. Người Do Thái cũng giống người Nhật khi tắm phải, họ luôn rửa ráy thân thể trước khi bước vào bồn tắm. Còn người Tây phương thì ngâm mình vào bồn rồi mới kỳ cọ cơ thể.

Theo "Levi ký" (23:33~) thì ngày 15 tháng 7 là lễnhà tạm (Sukkot‎), còn gọi là lễ hội thu hoạch, nhưng theo "Liệt vương ký (sách các vua)" (12:32~), tại vương quốc phía Bắc thì ngày 15 tháng 8 mới là ngày lễ. Tại Nhật, ngày 15 tháng 7 (âm lịch) là lễ hội Obon (Vu Lan Bồn), còn ngày 15 tháng 8 là lễ Jūgoya(thập ngũ dạ) (còn gọi là Tsukimi, Trung thu).


Shugendō (Tu nghiệm đạo)

Shugendō (Tu nghiệm đạo) là một thứ tôn giáo hỗn hợp ở Nhật, là sự pha trộn lai tạp giữa tín ngưỡng rừng núi vốn có từ ngàn xưa tại đất nước này với Phật giáo Mật tông và Đạo giáo. Shugendō được thành lập từ cuối thời Heian với trung tâm là sinh hoạt tu hành trong núi rừng của các thầy tu Yamabushi (còn gọi là Shugenja (Tu nghiệm giả)), nghi lễ bùa chú để đạt được sự linh nghiệm của thần Phật. Giữa Shugendō và Do Thái giáo có những điểm tương đồng như dưới đây.

Tín đồ Do Thái giáo khi cầu nguyện thì đeo một chiếc hộp nhỏ màu đen gọi là Phylactery (tên gọi khác là Tefillin) lên trán, thổi kèn làm từ sừng dê gọi là Shofar. Các thầy tu Yamabushi trong Shugendō cũng đeo một chiếc hộp nhỏ màu đen nơi trán gọi là Tokin (chữ Hán: đầu khâm, đầu cân, đâu cân) và khi hành lễ thì thổi loại kèn Horagai làm từ vỏ ốc, có hình dạng và âm chất giống như kèn sừng dê. Về điểm tương đồng này thì không thấy có ở bất kỳ dân tộc, tôn giáo nào khác mà chỉ tồn tại trong giới thầy tu Yamabushi Nhật Bản và các tín đồ Do Thái giáo. Chính vì vậy nên có giả thuyết cho rằng vì không kiếm được sừng dê ở Nhật nên các Yamabushi đã thay bằng vỏ ốc Horagai có cùng âm chất.

Theo quan niệm của người Nhật, quỷ Thiên cẩu (Tengu) là loài yêu quái sống trong núi sâu, có hình dạng của một Yamabushi với cái mũi đỏ, dài, cặp cánh sau lưng, tay cầm quạt, kim cang trượng và có thần thông để gây ra các hiện tượng kỳ bí trong núi. Hình tượng Thiên cẩu cũng thường xuất hiện với cuốn sách ghi chép bí mật của binh pháp gọi là Tora-no-maki (hổ chi quyển, bắt nguồn từ Hổ thao trong Lục thao) trong tay để truyền lại cho Yamabushi. Điểm này tương đồng với việc dân Do Thái nhận được Torah (tấm đá khắc 10 điều răn) từ Thượng đế Yahweh trên núi Sinai.
  

Một binh sĩ Do Thái đội Tefillin khi cầu nguyện và tượng Thiên cẩu 

Các thầy tư tế Levi thời cổ đại mặc lễ phục trắng, rộng thùng thình, đầu đội Phylactery khi tế lễ. Dung mạo của họ giống hệt các thầy tư tế Thần đạo, vốn cũng mặc lễ phụ trắng thùng thình và các thầy tu Shugendō.

Núi Tsurugi ở tỉnh Tokushima, đảo Shikoku được xem là ngọn núi linh thiêng, thánh địa của Shugendō có một thời gian được cho là nơi cất giấu bí bảo của Solomon và lúc đó người ta cũng tổ chức những đội khai quật nhằm tìm kiếm bảo vật này. Mỗi năm ở núi Tsurugi đều có tổ chức lễ rước kiệu thần vào ngày 17 tháng 7 (lịch Gregorio), trùng với lễ hội Gion sau thời Meiji. Theo lịch Do Thái thì ngày 17 tháng 7 được cho là ngày chiếc tàu của Noah trôi đến núi Ararat.

Theo "Xuất Ai Cập ký" (12:22) thì khi dân Israel bỏ trốn khỏi Ai Cập để thoát kiếp nô lệ thì có thiên sứ sát sinh giáng trần trợ giúp, giết chết hết trưởng nam trong các gia đình Ai Cập. Lúc đó người Israel dùng loại thực vật gọi là Hyssop nhúng máu dê, quét lên cổng nhà để làm dấu cho thiên sứ biết đó là nhà của người Israel mà bỏ qua. Sau khi tai qua nạn khỏi thì họ nướng dê ăn thịt và lễ hội Pesach (vượt qua) chính là để kỷ niệm việc này. Ở Okinawa, tỉnh cực Nam Nhật Bản cũng có phong tục "làm ngơ" cũng giống như vậy ("Đại bách khoa sự điển Okinawa", nhà xuất bản Okinawa Times). Mộ của người Ryūkyū được xây theo kiểu lỗ huyệt nằm ngang và sơn màu trắng (cùng hình thức với kiểu mộ Quy Giáp của người Trung Quốc) và giống với mộ của người Do Thái (Matthaion 23:27)

Họ Hata (Tần)

Họ Hata (Tần) từ Đại lục đến Nhật Bản vào đời Thiên Hoàng đời thứ 15 là Ōjin với số lượng 10 vạn (có thuyết nói 19 vạn) người và quy hóa thành người Nhật. Một phần trong số đó sống ở khu Katsuragi thuộc xứ Yamato, còn phần lớn thì sống ở các sơn thành, đến đời Thiên Hoàng Yūryaku (Thiên Hoàng thứ 21, giữa thế kỷ V) thì họ này chuyển đến định cư ở khu Uzumasa thuộc Kyōto.

Họ Hata là một họ có thế lực mạnh, việc xây dựng kinh đô Heian năm 794 cũng như việc kiến tạo khu phần mộ siêu khổng lồ của Thiên Hoàng Nintoku đều có đóng góp rất lớn từ họ này. Nguyên thủ tướng Nhật Hata Tsutomu cũng là người có họ xa với họ Hata (Tần) này.

Trong luận văn "luận về Uzumasa" của học giả ngôn ngữ Saeki Yoshirō (tạp chí "lịch sử địa lý số 100", năm 1908) đã khảo sát rằng họ Hata vốn là người Do Thái và là tín đồ cảnh giáo (tên gọi Trung Hoa của giáo hội Ba Tư, Kitô giáo). Nội dung của bài luận chủ rằng "Đại tịch đại chủ" trong kinh điển cảnh giáo ở Trung Quốc chính là chỉ vua David và đền thờ Thần đạo Ōsake Jinja (Đại Tị thần xã, còn có cách viết khác là Đại Tửu thần xã. Chữ "tị (sake)", trốn tránh có cùng cách đọc với chữ "tửu (sake)", rượu, trong tiếng Nhật, đều là "sake") do họ Hata kiến lập và Đại Tần tự (còn gọi là Ba Tư tự. Đại Tần là cách gọi của người Hán đối với Đế quốc La Mã và lãnh thổ phương Đông của nó), ngôi đền cảnh giáo thời Đường, đều có mối liên hệ với Uzumasa.

Tín ngưỡng Gion (pha trộn giữa Phật giáo và Thần đạo) ở đền thờ Yasaka nằm trong bản địa của họ Hata có nét tương đồng với tín ngưỡng Hebrew cổ đại. Khu vực chung quanh đền thờ Yasaka và thần cung Ise có loại bùa hộ mệnh liên quan đến truyền thuyết Somin (Tô Dân) Shōrai (Tương Lai) (tên một người nghèo trong truyền thuyết, vì làm điều tốt, cho thần linh nghỉ trọ nên được thần truyền cho phép trách tai ách đến tận đời con cháu) và ở đây cũng có dấu hiệu của vua David. Và Yashashkar chính là cách gọi trong tiếng Aramaic đối với tộc Issachar, một trong số mười chi tộc Do Thái.

Tại trang 64, 65 trong cuốn "Luận khảo bổ sung về người Do Thái- điều tra nghị luận tại Nhật" (Tác giả Miyaza Masanori, Shinsensha xuất bản năm 1982) thì từ "Uzu" trong tiếng Aramaic, tiếng Semit là Ish Mashiach, là từ chỉ Jesus Messiah (người được xức dầu thánh).

Điểm lưu ý về họ Hata

Về điểm tương đồng giữa Nhật Bản và Israel thì có ý kiến cho rằng đó là do có phần ảnh hưởng của họ Hata vốn được xem là tín đồ Kitô giáo hệ Do Thái. Trong cuốn "Cổ đại sử phong ấn Nhật Bản, Do Thái ẩn giấu trong kinh thánh 2, phần Phật giáo, cảnh giáo" do Tokuma Shoten xuất bản, tác giả Joseph Kenneth Phillip có chỉ ra những điểm như dưới đây.

Họ Hata vốn sinh sống ở Cung Nguyệt quốc, một đất nước từng tồn tại giữa Uyghur và Kazakhstan, và là cứ điểm của tín đồ Cảnh giáo. Họ tín ngưỡng Cảnh giáo và nói tiếng Aramaic, thứ ngôn ngữ chung ở Trung Đông và được cho là tài ba trong kỹ thuật nuôi tằm, dệt lụa như người Do Thái.

Ở Cung Nguyệt quốc có địa phương tên Yamatou (Yamato là tên gọi khác của nước Nhật) và núi Khan Tengri (phát âm kiểu Nhật: Han Tenguri). "Tengri" trong ngôn ngữ Trung Á như tiếng Kyrgyzstan nghĩa là thần linh. Họ Hata được cho là đã mấy lần vượt biển sang Nhật Bản vào những năm 360 Tây lịch để trốn khỏi ách lao dịch xây dựng Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc, đến cuối thế kỷ 5 thì có khoảng 2 vạn người, dung mạo có nét đặc trưng, thân thể cao lớn. 

Cuối thế kỷ 5 có Hata-no-sake-no Kimi (Tần Tửu Công) phát triển kỹ thuật nấu rượu Nhật Bản, lại đóng góp nhiều thành quả trong nghề nuôi tằm nên được mang danh hiệu Uzumasa. Họ Hata này có kỹ thuật tơ lụa và tri thức Tây phương nên được Thiên Hoàng bảo hộ, cho phụng sự bên mình và trở thành hào tộc nhờ nghề tơ lụa (dệt Hata). Theo ghi chép về Thiên Hoàng Kōgyoku (642~645) trong cuốn sách lịch sử thời Nara là Nihon Shoki (Nhật Bản thư kỷ) thành lập năm 720 thì có nhân vật Hata-no Kawakatsu (Tần Hà Thắng)là một hào tộc theo tín ngưỡng Uzumasa (bắt nguồn từ "Ish Mashiach" trong tiếng Aramaic, thứ tiếng thuộc ngữ hệ Semitic và được sử dụng rộng rãi ở Tây Á thời cổ đại. Tiếng Hebrew (Do Thái) là Yhoshuah ha-Mashiah; Joshua người được chọn lựa, tiếng Hy Lạp là Ίησοῦς Χριστός, Jesus Christos)

Đến năm 748, có nhân vật Tần Đại Tửu trở thành Trưởng quan coi sóc kho chứa đồ cống nạp của Thiên Hoàng và can dự nhiều đến việc tài chính của Triều đình. Họ Hata vẫn lấy khu Uzumasa ở Kyōtō làm cứ điểm trong khi một bộ phận họ này chuyển đến khu Usa thuộc tỉnh Ōita ngày nay. Theo một thuyết khác thì họ này cũng bắt tay xây dựng đền thờ Hachiman thờ thần Yahada (YHWDH: Do Thái/Judah, Yehuda). Yahawara (יְהוּדָה) theo tiếng Aramaic nghĩa là tộc Judah trong số 10 chi tộc mất tích. Khoảng năm 749, đền thờ Hachiman bành trướng thế lực nhanh chóng, lan đến tận kinh đô Nara, phổ biến kiệu rước thần và cũng từ đó đền thần Hachiman lan rộng khắp cả nước Nhật.

Có thuyết cho rằng họ Hata đã cống hiến nhiều trong việc kiến tạo kinh đô Heian, kinh đô được thiên từ Nara về đây (Kyōto) vào năm 794 để tránh khỏi thế lực Phật giáo. Và ngay sau đó, lễ hội Gion bắt đầu ở Kyōto. Ngoài ra nhân vật Hata-no-kimi Irogu (Tần Công Y Lữ Cụ) cũng được cho là người kiến tạo nên đền thờ Inari (Inari là vị thần ngũ cốc, theo cách giải thích khác là JNRI/INRI: viết tắt của cụm từ IESUS NAZARENUS REX IUDAEORUM, tức Jesus, vua của người Do Thái, xứ Nazareth. Đây là tên khác của chúa Cơ Đốc trong tiếng La Tinh vốn là thứ tiếng phổ thông của tầng lớp thống trị La Mã đương thời). Họ Hata cũng được cho là can thiệp nhiều vào thần cung Ise trước khi nó được dời đến vị trí hiện tại. Họ Hata này còn tham gia xây dựng nhiều đền thờ Thần đạo khác ở Kyōto như đền thờ Matsu-no-o, đền thờ Shimogamo.

Cảnh giáo tuy là một nhánh của Cơ Đốc giáo nhưng lại gần gũi với Do Thái giáo, cho nên nhiều ý kiến cho rằng họ Hata bắt nguồn từ người Judah ở vương quốc phía Nam. Nhưng nhiều người trong tộc Hata sử dụng gia huy hình chiếc thuyền nên cũng được cho là có quan hệ với tộc Zebulun trong số 10 chi tộc mất tích, cũng sử dụng hoa văn này.

Tên đền thờ Ōsake (大酒, Đại Tửu) thờ Uzumasa minh thần ở khu Uzumasa, Kyōto thời cổ còn được viết là 大辟 (Đại Tích, cũng đọc là "Ōsake"). Đại Tích (hay Đại Vệ) là cách phiên âm của người Trung Quốc, chỉ vua David (Bính âm: dà pi, dà wèi).

Kỹ nhạc (Gigaku) là môn múa vui nhộn từ Đại lục truyền đến Nhật Bản sớm nhất, trong các loại mặt nạ sử dụng trong kỹ nhạc có mặt nạ Túy Hồ Vương(Suiko-ō) (người mang mặt nạ này diễn tả điệu bộ say rượu của vua Ba Tư qua điệu múa). Mặt nạ Túy Hồ Vương được cho là do Hata-no Kawakatsu mang về Nhật từ Cung Nguyệt quốc và có cái mũi dài giống với quỷ Thiên cẩu hay người Do Thái.

Về nguồn gốc của các đền thờ Thần đạo (Shintō) thì hầu hết các ý kiến của giới học giả đều cho rằng là bắt nguồn từ các tự viện Phật giáo. Ngôi chùa Phật giáo chính thống đầu tiên ở Nhật là Asuka-dera năm 596, còn thần cung Ise được kiến lập vào năm 674. Nhưng các luận giả "Nhật Do đồng tổ luận" thì cho rằng Thần đạo là tín ngưỡng với chủ thể là "thần", còn Phật giáo vốn dĩ không xem thần linh là đối tượng để tín ngưỡng, và xét về hình thức thì khó có thể nói đền thờ Thần đạo (Yashiro) phái sinh từ chùa chiền Phật giáo mà gần gũi với tín ngưỡng Do Thái thời cổ đại hơn.


Đóng đinh

Đóng đinh là một hình thức hành hình ở Nhật từ thời cổ. Đầu tiên người ta dựng trụ đóng đinh ở pháp trường, buộc chặt tay chân, ngực và phần eo vào cột rồi xé bỏ y phục (dùng giáo đâm từ dưới lên, xé một phần y phục để lộ từ phần ngực xuống hông, dùng phần y đã xé bỏ buộc vào giữa cơ thể). Trụ được đóng trên mặt đất, nếu tội nhân là nữ thì trụ hình chữ nhật, dưới chân phạm nhân có giá đỡ trọng lượng cơ thể, còn trụ dùng cho nam hình chữ thập nhưng có 2 thanh ngang thay vì 1 thanh và có phần đỡ thể trọng ở háng phạm nhân. Kẻ hành hình gồm hai người thân phận thấp kém (Hinin) cầm giáo, thay phiên nhau ra hiệu lệnh đứng hai bên trái phải của phạm nhân. Đầu tiên họ để giáo giao thoa trước mặt phạm nhân, sau đó hô to "arya arya" rồi đâm giáo vào mạn hông phải của phạm nhân, xuyên qua vai trái sao cho mũi giáo nhô ra khỏi vai chừng 30cm, sau đó xiên từ hông trái lên vai phải, sau đó hai kẻ hành hình cùng đâm xuyên qua người kẻ chịu tội từ hai bên trái phải theo cùng cách thức. Theo cách này thì phạm nhân tuyệt mệnh sau khoảng 2, 3 lần đâm xuyên vì sốc ngoại thương hoặc do chảy máu nhiều, nhưng việc hành hình vẫn tiếp tục khoảng 30 lần đâm xuyên sau khi đã chết. Để máu không chảy ra ngoài cán giáo, mỗi lần đâm xuyên qua người phạm nhân thì kẻ hành hình xoắn ngọn giáo, khoét vào nội tạng của nạn nhân và lau giáo bằng rơm. Máu tươi của phạm nhân phun ra từ vết thương bên hông còn kéo theo cả nội tạng như ruột gan và cả những đồ chưa tiêu hóa hết. Cách hành hình này gây tổn thương nặng cho nội tạng từ cơ quan tiêu hóa cho đến phổi, đôi khi mũi giáo còn chạm vào xương nên sự đau đớn so với chém đầu thì hơn nhiều lần. Như vậy hình phạt đóng đinh ở Nhật hoàn toàn khác với hình phạt đóng đinh ở Tây phương cả về cách thức lẫn quá trình dẫn tới cái chết, về thực chất thì đây là hình phạt đâm giáo đến chết.

Cuối cùng kẻ thi hành án túm tóc phạm nhân, kéo ngẫng mặt lên rồi đâm giáo vào cổ họng phạm nhân từ phải sang trái. Xác chết bị bỏ mặc cho phơi sương gió ở pháp trường 3 ngày, sau đó bị ném xuống hố để dọn dẹp. 

Jesus Christ cũng bị hành hình đóng đinh, và theo kinh Cựu ước thì những người bị xử hình đóng đinh là kẻ bị nguyền rủa. Tại La Mã, tội đóng đinh trên thập tự giá là tội phản nghịch quốc gia. Vì tính tàn nhẫn của nó nên chỉ có những kẻ phản nghịch Đế quốc La Mã mới chịu hình phạt này, và kẻ chịu hình còn bị tước đoạt quyền công dân, cho nên đóng đinh trên thập tự giá là hình phạt nặng nề nhất. Hình phạt đóng đinh ở thời đại này không khiến phạm nhân chết ngay lập tức, mà kẻ chịu hình bị đóng đinh vào cổ tay và cổ chân, khi không chịu được sức nặng của cơ thể thì sẽ chết vì hô hấp khó khăn. Vì vậy nên kẻ chịu hình thường trải qua một quá trình đau khổ kéo dài có khi đến 48 tiếng trước khi chết. Trong ngày Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá cũng có hai tên trộm khác (không liên quan gì đến Jesus) cũng bị treo lên thập tự giá, nhưng người Do Thái kiêng kỵ, sợ họ chết trong ngày an tức (ngày nghỉ) nên đã nhờ người lính bẻ chân và làm họ chết ngạt trước ngày an tức. Người lính toan bẻ chân Jesus nhưng vì Jesus đã chết rồi nên không bẻ nữa. Trong sách Phúc Âm có ghi rằng sau khi xác nhận đã chết, một người lính dùng giáo đâm xuyên qua bụng Jesus.

(Còn)

0 bình luận :

Post a Comment

 
Top