image host


Choi Yong Sul, đạo chủ sáng lập Hapkido


Hapkido là cách đọc của người Đại Hàn đối với 3 chữ Hán 合氣道, mà nếu đọc theo cách của người Nhật là Aikidō, còn đọc theo âm Hán Việt là Hiệp (Hợp) Khí Đạo. Đây là môn võ nghệ mới phát sinh ở Đại Hàn sau cuộc đệ nhị Thế chiến. Về đòn thế thì Hapkido (Hiệp Khí Đạo Đại Hàn) có nhiều nét tương đồng với Daitō-ryū Hiệp khí Nhu thuật (Aiki Jūjutsu) vì bắt nguồn từ lưu phái võ Nhật này. Nếu không nhìn nhận kỹ thì dễ thấy Hapkido tương đồng với Aikidō, nhưng kỳ thực không phải như vậy.
Hapkido do Thôi Long Thuật (崔龍述, âm Hàn: Choi Yong Sul) học Daitō-ryū Aiki Jūjutsu từ Takeda Sōkaku tại Nhật, sau về "Đại Hàn Hiệp Khí Quyền Thuật Đạo Tràng" tại xứ Kim Chi. Về môn võ này, có thể tham khảo thêm bài viết tại Wikipedia.

Phần dưới đây viết về tiểu sử Thôi Long Thuật và một số vấn đề liên quan tới tên gọi của môn võ nghệ này.

Thôi Long Thuật (崔龍述, Choi Yong Sul, 1904-1986) ra đời năm 1904 (năm Meiji thứ 37) tại Trung Thanh Bắc đạo (Chungcheong Bắc đạo), huyện Vĩnh Đồng (Yeongdong), Đại Hàn ngay trước khi nước này bị sáp nhập vào Nhật Bản. Năm 8 tuổi (1912, năm Meiji 45), Thuật bị một thương nhân bánh kẹo người Nhật tên là Morimoto bắt cóc về quận Moji thuộc thành phố Kita Kyūshū, Nhật Bản. Morimoto vốn không có con nên muốn biến Thuật thành con nuôi, nhưng Thuật không thích trở thành người Nhật, ra sức kêu khóc chống cự nên Morimoto đành thôi. Rồi Thuật chạy trốn khỏi nhà Morimoto, vừa ăn xin vừa lang thang đến Ōsaka, rồi bị cảnh sát bắt. Sau đó Thuật được gửi đến chỗ thầy tu Watanabe Kintarō.

Thuật nói tiếng Nhật không giỏi, hay gây vấn đề với những đứa trẻ khác và không được giáo dục chính quy. Nhưng mặt khác, thuật tỏ ra hứng thú với những bức tranh vẽ võ thuật và các trận chiến trong chùa. Thấy vậy, thầy tu Watanabe mới gửi Thuật đến chỗ người bạn thân là Takeda Sōkaku, lúc này đang là võ thuật gia nổi tiếng, được biết đến như tổ chấn hưng phái Hiệp khí Nhu thuật. Bấy giờ Thuật được 11 tuổi (1915, năm Taishō thứ 4).

Thuật được đặt cho cái tên Nhật là Yoshida Asao (吉田朝男) và ăn ngủ luôn tại võ đường kiêm nhà riêng của Takeda Sōkaku tại Akita, miền Bắc nước Nhật. Kể từ đó cho tới năm kết thúc chiến tranh, Thuật hầu hạ bên cạnh Takeda và là trợ thủ giảng dạy Daitō-ryū Aiki Jūjutsu trong khi chu du khắp nước Nhật. Năm 1932 (Shōwa thứ 7), Thuật 32 tuổi, trở thành người chịu trách nhiệm dẫn 4 môn đồ khác, thay mặt sư phụ đến Hạ Uy Di (Hawaii) diễn võ. Và trong thời gian chiến tranh, Thuật cũng được quân đội nhờ làm công việc bắt bớ các binh sĩ đào ngũ. Thuật là đệ tử của Takeda Sōkaku đào tạo lâu nhất, và cũng là đệ tử duy nhất được truyền thụ hết 3808 cá điều kỹ thuật của Daitō-ryū.

Khi quân Nhật lâm vào thế bất lợi trong đệ nhị Thế chiến, người Nhật bắt đầu chuẩn bị cho chiến tranh du kích và thành lập ra một lực lượng đặc biệt, tập hợp các võ thuật gia có tiếng tăm để quyết một trận cuối cùng ngay trên chính đất Nhật. Lúc đó Thuật có chí nguyện muốn gia nhập đội, nhưng Takeda Sōkaku lấy lý do một chấn thương ngoại khoa đơn giản mà bắt Thuật nhập viện, không cho tham gia. Vì Takeda Sōkaku sợ rằng vạn nhất Thuật mà tử trận thì tuyệt học của Daitō-ryū sẽ đứt mạch. Bấy giờ Thuật biết rằng Sōkaku đã chọn mình làm người kế tục Daitō-ryū.

Năm 1945 (Shōwa 20), việc quân Nhật đầu hàng đồng minh khiến Takeda Sōkaku cảm thấy nhục nhã, nhịn ăn mà chết. Trước lúc chết, Sōkaku lệnh cho Thuật trở về Đại Hàn vì nếu Thuật mà xưng là người kế tục của Daitō-ryū tại Nhật thì sẽ bị những người Nhật khác ganh ghét mà làm hại đến tính mạng.

Theo lời sư phụ, Thuật trở về quê hương, đổi lại tên cũ là Thôi Long Thuật. Nhưng lúc đó tình hình xã hội sau chiến tranh đang lộn xộn, Thuật bị trộm hết toàn bộ tài sản cùng các truyền thư được sư phụ Takeda Sōkaku truyền thụ. Thuật cùng gia đình làm nghề nướng bánh gạo sống qua ngày tại thành phố Đại Khâu (Daegu).

Năm 1948 (Shōwa 23), Thôi Long Thuật 44 tuổi, một lần nọ đến hãng nấu rượu mua bã cho lợn ăn. Thời kỳ đó lương thực khan hiếm nên người mua xếp hàng dài, lộn xộn nên xảy ra kình cự. Lúc đó Thuật dùng kỹ thuật Hiệp khí Nhu Thuật của Daitō-ryū giải quyết hết đám đông một cách gọn gàng. Lúc đó có con trai của chủ hãng là Seo Bok-Seob chứng kiến. Seo Bok-Seob bấy giờ có tư cách đai đen Jūdō, thấy kỹ thuật của Thuật thì hết sức hứng thú, gọi vào phòng tỷ thí. Rồi Seo Bok-Seob cảm phục trước kỹ thuật Daitō-ryū nên xin nhập môn, trở thành đệ tử đầu tiên tại Hàn Quốc.

Tháng 2 năm 1951 (Shōwa 26), "Đại Hàn Hiệp Khí Quyền Thuật Đạo Tràng" được thành lập trên tầng 2 của hãng nấu rượu Đại Khâu. Người Đại Hàn đọc "Hiệp Khí Đạo" là Hapkido.

Thôi Long Thuật qua đời năm 1986, con trai ông trở thành đạo chủ đời thứ 2. Nhưng người này cũng chết vào năm 1987, và tại thời điểm đó chưa chỉ định đạo chủ đời thứ 3. Năm 2000, đệ tử Kim Nhuần Tương (Kim Yoon-sang) kế tục vị trí đạo chủ đời thứ 3. Lúc này Kim lại đổi tên môn phái thành Hiệp Khí Nhu Thuật, âm Hàn là Hapki Yusul.

Kỹ thuật Hapkido

Theo những gì thấy được từ Hapkido ngày nay thì môn này bao gồm các đòn đấm đá, đòn quật (nage-waza), kỹ thuật khóa, bẻ khớp (kansetsu-waza) khiến nhiều người nghĩ đến Aikidō. Những năm gần đây, có thể là do ảnh hưởng của võ thuật tổng hợp mà còn thấy biểu diễn cả kỹ thuật khống chế trên sàn (ne-waza). Môn võ này được quân đội áp dụng, và đang biến đổi từng ngày để có tính thực chiến hơn.
Nhưng nhìn vào những hình ảnh Thôi Long Thuật giảng dạy thì thấy gần với kỹ thuật Daitō-ryū. Còn người hình thành nên Hapkido như hiện tại là Trì Hán Tải (Ji Han Jae), đệ tử của Thuật. Tại Mỹ, Thuật được giới thiệu như người sáng lập Hapkido và được gọi là Grandmaster hay Doju (đạo chủ).
Trì Hán Tải đến xin Thuật nhập môn vào năm 13 tuổi, tự mình nghiên cứu Taekwondo, thuật đánh trường bổng, đoản bổng và cả phương pháp hít thở, gây dựng nên phong cách đặc biệt của mình. Năm 1958, (Trì 22 tuổi) thì lập đạo tràng riêng ở Hán Thành (Seoul), năm 26 tuổi thì được tuyển làm vệ sĩ cho Tổng thống.

Danh xưng Hapkido

Năm 1942, Đại Nhật Bản Võ Đức Hội (Dai Nippon Butoku-kai) ấn định tên riêng "Hiệp Khí Đạo" (âm Nhật: Aikidō) tại Nhật. Lúc bấy giờ thì Ueshiba Morihei vẫn còn đang xưng môn võ của mình là Daitō-ryū hay Ueshiba-ryū. Năm 1948, Hoàng Võ Hội đổi tên thành Hiệp Khí Hội (Aikikai) và cũng xưng Hiệp Khí Đạo từ đây.

Mặt khác, ban đầu Thôi Long Thuật tự gọi môn võ của mình là "Yawara" (Nhu, một tên khác của Nhu thuật), dần dần gọi là "Nhu thuật" (âm Hàn: Yu Sul), Nhu Quyền Thuật (âm Hàn: Yu Kwon Sul), Hiệp Khí Nhu Quyền Thuật (Hapki Yu Kwon Sul) nhưng vì cái tên này quá dài, khó phổ cập nên từ năm 1958, thêm chữ "đạo" (âm Hàn: do) để thể hiện cho võ đạo mà trở thành Hapkido như ngày nay. Có thuyết cho rằng tên Hapkido do chính Thôi Long Thuật đặt, cũng có thuyết nói là do đệ tử Trì Hán Tải nghĩ ra, nhưng nhường lại để vinh danh sư phụ.

Năm 1960, cơ chế du nhập từ Nhật Bản được nới lỏng, nhiều thư tịch liên quan đến võ thuật Nhật Bản vào Hàn Quốc. Lúc đó người Hàn lần đầu tiên biết đến có môn võ tên là "Hiệp Khí Đạo" (Aikidō) ở Nhật. Và để tránh nhầm lẫn, người Hàn đổi tên thành "Khí Đạo" (Kido). Năm 1963, Đại Hàn Khí Đạo Hội (Dae Han Kido Hwe) được thành lập, Thôi Long Thuật được bổ nhiệm làm hội trưởng, nhưng bỏ ngay sau đó vì ý kiến trái ngược. Năm 1965, Đại Hàn Hiệp Khí Đạo Hiệp Hội (Dae Han Hapkido Hyub Hwe) được thành lập. Trong khoảng thời gian này, rất nhiều tổ chức bị phân lịch và sinh ra nhiều tổ chức mới. Năm 1973, Đại Hàn Dân Quốc Hiệp Khí Đạo Hiệp Hội (Dae Han Min Gook Hapkido Hyub Hwe) được chính phủ Hàn Quốc thừa nhận. Kết cuộc, từ thời điểm này thì cái tên "Khí Đạo" (Kido) đã biến mất, cái tên Hapkido được xem là chuẩn mực.

Ám sát Phác Chính Hy

Tháng 10 năm 1979, Tổng thống Phác Chính Hy (Park Chung Hee) vốn xuất thân từ quân nhân, bị ám sát. Phạm nhân là Kim Tải Quê (Kim Jae-gyu), bộ trưởng bộ tình báo trung ương Đại Hàn Dân Quốc (KCIA), và là tâm phúc của Tổng thống. Vụ này gây chấn động xã hội Hàn Quốc đương thời.
Lúc bấy giờ, Trì Hán Tải đang là giáo viên Hapkido trong KCIA và được xem là sư phụ trực tiếp của Kim và cũng là người đề cử Kim vào KCIA. Kết quả là Trì cũng bị tống giam 1 năm vì là kẻ tình nghi. Mỉa mai thay, đây lại là sự kiện thúc đẩy sự phổ cập của Hapkido.
Sau khi ra tù, năm 1984, Trì sang Mỹ thành lập Thần Võ Hiệp Khí Đạo, đồng thời cũng lập Đại Hàn Hiệp Khí Đạo Hiệp Hội (KHF), bắt đầu có tầm ảnh hưởng tại hải ngoại.

Quan hệ với Aikidō

Từ mặt lịch sử và kỹ thuật thì có thể nói Hapkido Đại Hàn và Aikidō Nhật Bản là 2 môn võ khác nhau, tuy cùng chung chữ Hán trong tên gọi (合気道). Và quá trình hình thành nên tên gọi Hapkido cũng hoàn toàn không liên quan đến danh xưng Aikidō phía Nhật Bản. Thế nhưng Hapkido bắt đầu có tầm ảnh hưởng tại Âu Mỹ đã gây ra sự nhầm lẫn, hộn loạn trong người Âu Mỹ vốn mơ hồ về lịch sử, văn hóa vùng Cực Đông.

Trong trường hợp khác, có thể thấy sự tranh cãi ở Đại Hàn về nguồn gốc của môn Kiếm đạo (Kendō) từ Nhật phổ cập sang, mà người Hàn đọc là Kumdo. Vốn có tính dân tộc cực đoan mạnh mẽ, người Đại Hàn cho là Kiếm đạo (Nhật: Kendō, Hàn: Kumdo) và một số điểm văn hóa khác như Ninja,... đều có xuất phát từ Hàn. Tuy nhiên điều này không đúng với trường hợp của Hapkido. Bởi lẽ, khác với Kendō, Aikidō chưa từng được phổ cập ở Hàn trước đó, và đến tận bây giờ người Nhật hầu như cũng không biết đến Hapkido. Nếu nói Aikidō và Hapkido có cùng nguồn gốc từ Daitō-ryū Jūjutsu của Takeda Sōkaku thì cũng có thể thấy, cả 2 môn võ này đều đã đi chệch khỏi quỹ đạo của Daitō-ryū rất nhiều. Nói Hapkido là môn võ Đại Hàn thì hợp lý hơn.

Tuy nhiên, theo ghi chép của Honma Manabu, một Aikidō-ka hoạt động tại Mỹ và là đệ tử trực tiếp của Ueshiba Morihei thì trong khoảng thập niên 1980, nhằm phổ cập Hapkido thì rất nhiều đạo tràng môn võ này đã treo ảnh Ueshiba Morihei, ngụy trang thành đạo tràng Aikidō Nhật Bản vốn đã có tiếng từ trước đó.

Còn tại Nhật, người ta hầu như không biết đến sự tồn tại của Hapkido. Thậm chí trong bộ phim "Tử vong du hý" của Lý Tiểu Long, có sự tham gia của Trì Hán Tải (vai vệ sĩ tầng 4), thì các thư tịch đều ghi là "Karate-ka Hàn Quốc" hay "Taekwondo-ka" mà không hề nhắc tới từ Hapkido.

Tại Hàn Quốc, sau chiến tranh thì Thôi Long Thuật có gửi thư cho Ueshiba Morihei. Theo ký thuật bên Hàn Quốc thì Thuật lấy làm tức giận vì mình là sư huynh mà lại bị Morihei qua mặt, sáng lập ra "Hiệp Khí Đạo". Theo tiểu sử Thôi Long Thuật thì ông này được gửi đến cho Takeda Sōkaku năm 1915, và cũng năm này Ueshiba Morihei gặp Sōkaku nên không biết rõ ai là sư huynh, ai là sư đệ. Nhưng xét về mặt tuổi tác thì Thuật nhỏ hơn Ueshiba gần 20 tuổi.

Mặt khác, một đệ tử của Trì Hán Tải là Minh Tại Nam ( Myung Jae-nam) sáng lập ra môn võ Hàn Khí Đạo (Hankido, lấp Hapkido làm nền tảng, thêm các chuyển động từ vũ điệu dân gian của Đại Hàn) lại có quan hệ giao lưu với Aikikai (Hiệp Khí hội) Nhật Bản.

Năm 1996, có Doãn Dực Nam (theo học Kobayashi Yasuo, Aikidō-ka 8 dan) thành lập Đại Hàn Hiệp Khí Đạo Hội (Korean Aikido Federation) tại Hán Thành và trở thành đoàn thể chính thức tham gia vào Liên minh Aikidō Quốc tế (IAF) năm 2008.

0 bình luận :

Post a Comment

 
Top