Một trong những tấm gương phản chiếu tâm hồn của một dân tộc là kho tàng chuyện cổ của dân tộc đó. Và nhiều học giả đã nhìn nhận, cốt lõi của tâm hồn Nhật Bản chính là tinh thần Phật giáo. Có thể thấy tinh thần này, khi thì đậm đặc, khi thì phảng phất khắp các mặt trong đời sống của quốc dân Nhật. Có thể đó là ngôn ngữ, có thể đó là văn hóa, nghệ thuật, tư tưởng. Còn trong bài này, chúng tôi muốn giới thiệu một phần nhỏ của một tấm gương khác, chuyện cổ tích.



Có thể tìm thấy tư tưởng Phật giáo bàn bạc khắp mọi ngóc ngách trong kho tàng cổ tích Nhật Bản, nhưng thấy rõ ràng nhất có lẽ là qua bộ "Konjaku monogatari shū" (今昔物語集, kim tích vật ngữ tập), tạm dịch là tập sách kể chuyện xưa nay. "Konjaku monogatari shū" là tập sách kể chuyện gồm 31 cuốn, thành lập vào cuối thời Heian (đầu thế kỷ 12) với hơn 1000 câu chuyện được chia thành 3 phần: phần chuyện kể Thiên Trúc (Ấn Độ), phần chuyện kể Chấn Đán (Trung Hoa) và phần chuyện kể Bổn Triều (nước Nhật).
Sở dĩ có tên gọi "Konjaku monogatari shū" là vì mở đầu mỗi câu chuyện luôn có câu "Ima wa mukashi" (今は昔, tạm dịch là "bây giờ kể chuyện ngày xưa"), một hình thức mở đầu giống câu "như thị ngã văn" (tôi nghe như vầy) trong hầu hết kinh điển Phật giáo. Trong đó, Konjaku (kim tích) nghĩa là xưa và nay, Monogatari (vật ngữ) nghĩa là chuyện kể.

Không rõ tác giả của "Konjaku monogatari shū" là ai, nhưng có thuyết cho rằng đó là quan Uji Dainagon Minamoto no Takakuni, một vị quý tộc trong Triều đình. Lại có thuyết khác cho rằng tác giả là một vị tăng lữ. 
Nội dung của tập sách được cấu thành từ ba phần: Thiên Trúc, Chấn Đan và Bổn Triều. Đầu mỗi phần luôn giới thiệu những câu chuyện nhân quả báo ứng dưới nhãn quan Phật giáo. Không phải tất cả những câu chuyện trong "Konjaku monogatari shū" đều là sáng tác, mà còn thấy vay mượn từ nhiều sách khác như "Nhật Bản linh dị ký", "Bổn triều Pháp Hoa nghiệm ký"....

Dưới đây chúng tôi dịch và giới thiệu hai câu chuyện về tiền kiếp trong "Konjaku monogatari shū". Hai câu chuyện này đến nay vẫn hay được người dân cổ đô Kyōto kể lại.

I. Tiền kiếp là bạch mã

Bây giờ kể chuyện ngày xưa, bên tháp Đông trên Tỷ Duệ sơn (núi Hiei, thánh địa Phật giáo Nhật Bản) có người tên Triêu Thiền (朝禅, Chōzen). Triêu Thiền từ nhỏ đã lên núi, xuất gia học tập Phật pháp. Nhưng vì bẩm sinh đầu óc độn căn, mãi chẳng thể học được Phật pháp.
Sư phụ của Triêu Thiền mới nói

"Tâm con ngu độn, nên không thể tiếp thu học vấn được. Nhưng hãy ra sức chăm chỉ đọc tụng kinh Pháp Hoa"

Triêu Thiền theo lời dạy của thầy, ngày đêm miệt mài đọc tụng kinh Pháp Hoa. Ban ngày thì đọc tụng kinh Pháp Hoa trong tăng phòng, đến đêm lại rút vào một góc chánh điện mà đọc tụng kinh Pháp Hoa.
Rồi cuối cùng, Triêu Thiền cũng thuộc được một phần của bộ kinh Pháp Hoa.

Một lần nọ, có vị thầy xem tướng tài ba đến chánh điện. Khi thấy vị thầy tướng ấy vào lễ đường, nhiều thầy tăng khác cũng tập trung lại để nhờ xem tướng. Thầy tướng kia xem cho từng người mà nói tướng thiện ác của họ. Đến khi thấy Triêu Thiền thì rằng

"Tiền thế của ông là con bạch mã. Vì ảnh hưởng dư kiếp mà bây giờ thân thể ông trắng. Tiếng nói của ông hoang dại ồn ào giống với tiếng vó ngựa chạy. Tất cả đều là những cái tật, dư kiếp còn sót lại từ kiếp trước"

Sau khi thầy tướng đi rồi, Triêu Thiền mới kể lại cho những vị tăng khác nghe. Họ cho rằng thầy tướng nói dựa. Trông mặt mũi, nghe tiếng nói thì có thể biết được mệnh ngắn dài thế nào, giàu nghèo ra sao chứ sao biết được tiền kiếp. Điều đó chỉ có đức Phật mới biết thôi.

Triêu Thiền nghe vậy cũng không tin lời người thầy tướng kia, rút vào chánh điện mà niệm rằng

"Hãy cho tôi biết báo ứng của đời trước"

Rồi chiêm bao thấy một lão tăng hiện ra, bảo Triêu Thiền rằng

"Điều thầy tướng kia nói là sự thật. Những tướng ông đang mang trên thân đều là báo ứng của thiện ác cả. Tiền thế của ông là thân con ngựa trắng. Có một lần, có người cưỡi lên con ngựa ấy mà tụng trì kinh Pháp Hoa trên đường. Nhờ công đức ấy mà ông bỏ thân ngựa, chuyển làm người và sinh ra làm sư sãi. Đọc tụng kinh Pháp Hoa có thể giúp ta gặp được Phật pháp. Đọc tụng kinh Pháp Hoa, khuyên người thọ trì thì công đức vô cùng lớn. Nay ông hãy tịnh tâm mà thọ trình kinh Pháp Hoa, chớ có biếng nhác"

Triêu Thiền tỉnh giấc, biết được tiền kiếp của mình nên hối hận vì đã không tin lời thầy tướng. Thầy tướng chân chính có thể xem được báo ứng tiền kiếp nữa. 
Triêu Thiền mới tin sâu sắc, từ đó càng thêm tịnh tâm, tu hành tinh tấn. Chuyện xưa kể lại như vậy.

II. Tiền thế là con cáo

Bây giờ kể chuyện ngày xưa, bên tháp Tây trên núi Tỷ Duệ có vị tăng tên là Xuân Mệnh (春命, Shunmei). Xuân Mệnh từ nhỏ đã lên núi Tỷ Duệ, theo thầy học kinh Pháp Hoa, ngày đêm đọc tục kinh Pháp Hoa mà không làm gì khác.
Ban ngày thì đọc tụng kinh Pháp Hoa trong tăng phòng cho đến chiều tối. Đêm đến lại lui vào Thích Ca đường mà đọc tụng kinh Pháp Hoa. 

Xuân Mệnh vốn xuất thân bần hàn, thiếu thốn nhiều điều nhưng cứ chăm chỉ rút trong núi mà chẳng đi tìm đến làng mạc nào khác. Xuân Mệnh đọc tụng kinh Pháp Hoa như vậy được nhiều năm, thì một hôm nằm chiêm bao thấy Thiên nữ xuất hiện.
Thiên nữ hiện nửa thân, ẩn nửa thân mà nói như vầy

"Tiền thế của ông là con cáo, sống trên trần Pháp Hoa đường trên núi này. Vì thường ngày vẫn nghe kinh Pháp Hoa và tiếng pháp loa (*) mà nay sinh làm thân người, trở thành tăng lữ nơi này mà đọc tụng kinh Pháp Hoa.
Sinh làm thân người vốn khó, gặp được Phật pháp còn khó hơn.
Ông hãy chăm chỉ đọc tụng kinh Pháp Hoa, chớ có biếng nhác"

Rồi Xuân Mệnh tỉnh giấc, biết được báo ứng tiền thế, càng tin sâu đạo lý nhân quả.
Xuân Mệnh ngày càng nhiệt tâm đọc tụng kinh Pháp Hoa, đạt con số sáu vạn bộ. Xuân Mệnh trải qua nhiều năm tháng đọc tụng kinh Pháp Hoa như vậy, đến cuối đời không hề bị chút đau đớn nào, vẫn vừa đọc kinh Pháp Hoa vừa kết thúc mệnh trời. Chuyện xưa kể lại như vậy.


-----------------------------------------------------------------------------------------

(*) Pháp loa (Hōra): một loại pháp cụ thổi làm từ vỏ ốc

Bỏ qua những quan điểm về tôn giáo, qua hai câu chuyện này thì có thể thấy tinh thần Phật giáo ảnh hưởng sâu rộng thế nào đối với giai cấp thống trị ở Nhật đương thời, từ đó lan rộng khắp quốc dân.

0 bình luận :

Post a Comment

 
Top