Trong đoạn cuối của Tây Du ký, Ngô Thừa Ân viết hai đệ tử của Phật tổ là A Nan và Ca Diếp đòi thầy Huyền Trang phải nộp cái bát vàng mới đưa kinh cho (hối lộ). Ngô Thừa Ân chỉ mô tả như vậy mà không đưa ra giải thích gì, khiến nhiều người nghĩ rằng đó là sự tiêu cực trong cửa Phật, trong khi một số Phật tử lại thấy chi tiết này vô cùng nhảm nhí.
I. Sự vô lý
Tuy nhiên, nếu suy nghĩ một chút thì sẽ thấy vấn đề không có đơn giản. Còn nếu nó đơn giản là một vụ hối lộ thì Ngô Thừa Ân quá tầm thường. Bởi vì như sau đây:
1. A Nan, Ca Diếp là bậc chứng ngộ, lẽ nào lại còn tham luyến vật chất. Nếu tham luyến vật chất, thì với pháp lực của hai ông ấy thì đến núi vàng còn lấy dễ như trở bàn tay, sao lại phải vặn vẹo kẻ từ phương xa đến chỉ để lấy cái bát.
2. A Nan, Ca Diếp là đại đệ tử của Phật tổ. Nếu hai ông này vì lòng tham mà đòi hối lộ thì hóa ra đại đệ tử của Phật cũng chỉ là hạng phàm phu, nên Phật tổ cũng chả hơn phàm phu, và kinh điển của Phật chỉ là mớ giấy tào lao. Như vậy có đáng để Huyền Trang lặn lội mấy nghìn dặm, gặp bao nguy hiểm để gặp những nhân vật tào lao và rước mớ giấy lộn ấy về Đại Đường không? Đừng nói vụ hối lộ của hai ông đệ tử mà Phật không biết. Nếu không biết thì Phật cũng tầm thường như phàm phu thôi.
II. Cách nhìn khác
Như vậy, ta thấy rõ sự phi lý trong việc hai đệ tử Phật đòi thầy Huyền Trang hối lộ. Tuy tác giả không giải thích rõ, nhưng ta cũng có thể nhìn hành động này dưới con mắt mang tính "nhà Phật" hơn.
1. Pháp của Phật thâm sâu, không dễ cầu. Nếu không đánh đổi thứ gì đó quý giá thì không thể cầu được. Điều này có thể thấy rõ qua việc sơ tổ Đạt Ma sang Trung Hoa nhưng không tìm được ai để truyền pháp. Thầy Huệ Khả quyết chí cầu đạo nhưng ngài Đạt Ma không chấp nhận. Đến khi Huệ Khả tự chặt cánh tay mình để nói lên lòng quyết tâm thì Đạt Ma mới truyền. Đây cũng là lý do tại sao các đồ đệ của Đường tăng Huyền Trang có pháp lực cao siêu, trong nháy mắt đã đi ngàn dặm mà vẫn không đưa sư phụ sang Tây Trúc bằng pháp lực mà vẫn phải đi bộ, trải qua vô số khó nhọc và nguy hiểm.
2. Phật dạy "món nợ lớn nhất đời người là tình cảm". Không cần giải thích nhiều về câu này, chỉ cần có chút chiêm nghiệm, từng trải trong cuộc đời thì ai cũng hiểu.
3. Như vậy thì Đường tăng Huyền Trang phải đánh đổi thứ quý giá của mình mới thỉnh được kinh. Bao nhiêu công sức, năm tháng, gian khổ từ Đại Đường sang Tây Trúc nói lên quyết tâm kiên cường của thầy, nhưng đó chưa phải là thứ quý giá nhất. Vậy thứ quý giá nhất của Đường Tăng là gì? Là cái bát vàng. Vì sao? Vì đó là tặng vật của vua Đường cho Đường tăng trước lúc lên đường đi Tây Trúc. Đối với Đường tăng thì cái bát đó chính là tình cảm, là biểu tượng của quê hương đất nước chứ không hề mang ý nghĩa vật chất. Nếu tham vật chất thì Đường tăng đã nhận vô số vàng bạc châu báu, thậm chí cả lời mời chia nửa gian sơn hay kết duyên với công chúa dọc đường đi rồi. Nên nhớ thầy trò Đường tăng đã giúp đỡ cho các vị quân vương, quý tộc trên đường rất nhiều và họ đều mang ơn, muốn báo đáp nhưng thầy Huyền Trang đâu có màn.
III. Tạm kết
Như vậy, có thể hiểu việc A Nan và Ca Diếp đòi Đường tăng đưa cái bát mới cho lấy kinh không phải là vụ hối lộ (đặt nặng ý nghĩa vật chất) mà cốt để thử Đường tăng có vượt qua được cửa ải cuối cùng là tình cảm hay không? Nếu đặt tình cảm cá nhân (vua Đường) lên trên lợi ích của số đông chúng sinh (nhân dân Đông thổ đang chờ kinh) thì có nghĩa là Bồ đề tâm của Đường tăng vẫn chưa đủ mạnh, chưa xứng đáng với tầm vóc và tính chất của việc mà thầy đang làm.
Dù Ngô Thừa Ân không đưa ra bất cứ lý giải nào, nhưng qua đây ta có thể nhìn nhận một tình tiết trong Tây Du ký với một hướng sáng sủa hơn, hợp quan điểm Phật môn hơn.
--Cộng Mạng--
Bạn có cái nhìn thật sâu sắc.
ReplyDeleteBài đọc rất hay !
ReplyDeleteCảm ơn anh!
ReplyDelete