Bài viết được dịch từ sách "Hajimeru! Hakkyokuken" của tác giả Aoki Yoshinori, nhà xuất bản Airyūdō.
Như Thị Duyên dịch.Đặc trưng của Bát cực quyền là phát sinh kình lực dữ dội
Hẳn mọi người đều biết đặc trưng của Bát cực quyền là dùng kình lực mạnh mẽ để hạ địch bằng một cú đánh. Và đây cũng là điểm mà nhiều người hâm mộ Bát cực quyền say mê.
Nhưng phải chăng Bát cực quyền là môn quyền pháp duy nhất dùng cách phát kình mạnh mẽ? Dĩ nhiên là không rồi. Tâm ý lục hợp quyền và môn quyền pháp được gọi là anh em với nó là Hình ý quyền cũng phát kình mạnh mẽ, và ngay cả Thái cực quyền thực ra cũng là môn võ thuật sử dụng kình lực rất mãnh liệt dù điều này là khó hiểu đối với nhiều người, có thể vì ấn tượng đối với các bài sáo lộ thể hiện trên bề mặt hay hình thức đối luyện của môn võ này. Thực ra, sáo lộ của Thái cực quyền là một hình thức luyện tập cơ thể để có thể sản sinh ra kình lực mạnh mẽ chứ không phải là những kỹ pháp thực chiến như nhiều người nói.
Quay trở lại vấn đề, nếu vận dụng kình lực mạnh mẽ là điểm đặc trưng duy nhất của Bát cực quyền thì đâu cần thiết phải phân biệt với những môn phái khác cũng vận dụng kình lực mạnh mẽ. Nhưng Bát cực quyền là Bát cực quyền, nó không phải là Thái cực quyền, cũng không phải Tâm ý quyền. Vậy tại sao nó khác biệt với các môn phái khác? Nó có gì khác so với những môn phái vận dụng kình lực mạnh mẽ khác?
Điểm khác biệt đầu tiên là cơ chế phát kình. Vì cơ chế phát kình khác nên quy kết lại, đương nhiên kỹ thuật và phương pháp chiến đấu cũng khác nhau. Nói một cách đơn giản về sai biệt trong cơ chế phát kình thì Tâm ý lục hợp quyền chủ yếu phát sinh kình lực mạnh mẽ nhờ động tác xoay phần thân trên theo chiều dọc, Hình ý quyền thì xoay phần thân trên theo chiều dọc, động tác nhỏ gọn và phát sinh kình lực mãnh liệt nhờ động tác xoắn cơ thể. Thái cực quyền thì ngoài động tác vặn người như Hình ý quyền, nó còn có thêm kiểu xoắn gọi là "triển ty kình" để phát sinh kình lực mạnh mẽ. Chỉ viết bằng lời thì khó thể hiện, khó hiểu nhưng chỉ cần được thực truyền là sẽ hiểu.
Dĩ nhiên, hầu hết các môn võ thuật Bắc phái ở Trung Quốc, bao gồm Bát cực quyền đều lấy căn bản là bước chân sau để phát sinh kình lực, các môn Tâm ý lục hợp, Hình ý quyền, Thái cực quyền cũng không phải ngoại lệ, nhưng đối với Bát cực quyền thì quá trình gia tăng kình lực sau đó có thay đổi ít nhiều.
Và Hình ý quyền, Bát cực quyền cùng Bát quái chưởng có nhiều yếu tố chung nhau, có những người thống hợp lại thành một, gọi là Nội gia tam quyền. Hẳn họ cũng đã nghiên cứu kỹ càng. Và vì có nhiều yếu tố chung nhau trong hệ thống gia tăng kình lực nên "thuật lý" trong chiến đấu cũng gióng nhau, nên việc thống hợp ba môn phái thành một cũng không phải khó hiểu.
Quay lại vấn đề, hệ thống gia tăng kình lực trong Bát cực quyền là như thế nào. Và tại sao nó lại có thể sản sinh ra kình lực khủng khiếp mà các môn phái khác cũng phải thừa nhận. Nhưng trước đó tôi sẽ giải thích tuần tự về quá trình phát kình và giải thích một cách đơn giản về cơ chế phát kình.
Bát cực quyền là một phái võ Bắc phái, nên đương nhiên phát sinh kình lực ban đầu bằng cách "bước chân sau" như đề cập lúc nãy. Nguyên lý này giống như đột ngột tiến lên, đánh cả thân thể về phía trước, mang cả trọng tâm cơ thể mà tông vào địch. Lợi điểm của việc này là dù là thuận bộ (tay chân cùng bên) hay bão bộ (tay chân trái bên) cũng đều có thể phát sinh uy lực như nhau. Dĩ nhiên, nếu xét đến việc gia tăng kình lực về sau thì bão bộ, tức chân trước và đấm ra bằng tay ngược bên sẽ có được uy lực lớn hơn, nhưng dù là thuận bộ cũng khá mạnh rồi.
Kỹ pháp của Bát cực quyền thoạt nhìn thì là thuận bộ, tức vận động thuận chân, nhưng trong đó có phần vận động ngược chân để sản sinh ra uy lực đồng đẳng hoặc mạnh mẽ hơn nữa. Tại sao có thể làm được như vậy, chỉ cần đào sâu vào điểm này thì có thể thấy rõ bí ẩn trong cách phát kình của Bát cực quyền.
Một đặc điểm trong cách đánh của Bát cực quyền rất dễ bắt mắt là sử dụng nhiều mã bộ. Vì vậy, thoạt nhìn thì dễ hiểu lầm là đánh bằng vận động thuận chân. Kỳ thực, đó là sự pha trộn giữa vận động thuận chân và ngược chân. Và khi phối hợp hai loại vận động này một cách hợp lý thì có thể phát sinh ra kình lực mãnh liệt. Mặt khác, cũng vì vậy mà nó không thể biến kỹ pháp chiến đấu thành ra phức tạp được, nên kỹ pháp chỉ có thể là những động tác đơn giản. Hai điểm này có thể nói là đặc trưng của Bát cực quyền.
cảm thấy dễ hiểu
ReplyDeleteNhớ là có đọc ở đâu đó có nói thế này: "Bát cực quyền là sự phối hợp cách di chuyển của hình ý và cách đi quyền của thái cực", không biết là có liên quan gì không? Nếu không tiến bộ thì có thể luyện thêm hình ý và thái cực để bù đắp vào không bạn?
ReplyDeleteCái phần "Kỹ pháp của Bát cực quyền thoạt nhìn thì là thuận bộ, tức vận động thuận chân, nhưng trong đó có phần vận động ngược chân để sản sinh ra uy lực đồng đẳng hoặc mạnh mẽ hơn nữa. Tại sao có thể làm được như vậy, chỉ cần đào sâu vào điểm này thì có thể thấy rõ bí ẩn trong cách phát kình của Bát cực quyền.
ReplyDeleteMột đặc điểm trong cách đánh của Bát cực quyền rất dễ bắt mắt là sử dụng nhiều mã bộ. Vì vậy, thoạt nhìn thì dễ hiểu lầm là đánh bằng vận động thuận chân. Kỳ thực, đó là sự pha trộn giữa vận động thuận chân và ngược chân." có vẻ khó hiểu nhỉ? Liệu có phải là chân truyền không?
"Và Hình ý quyền, Bát cực quyền cùng Bát quái chưởng có nhiều yếu tố chung nhau, có những người thống hợp lại thành một, gọi là Nội gia tam quyền."
DeleteKhông biết người viết có nhầm lẫn gì không nhưng theo tôi biết thì 3 phái nội gia quyền bao gồm Hình Ý, Thái Cực và Bát Quái mà.
This comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDelete