Bài viết được dịch từ sách "Hajimeru! Hakkyokuken" của tác giả Aoki Yoshinori, nhà xuất bản Airyūdō.
Như Thị Duyên dịch.


Matsuda Ryūchi, người có công lớn trong việc truyền bá Bát cực quyền tại Nhật


Bát cực quyền được cấu thành từ những kỹ pháp đơn giản

Không cần phải nói, Bát cực quyền là một môn phái trong võ thuật Bắc phái Trung Quốc. Khi đề cập đến bản chất của nó thì đương nhiên phải đề cập đến bản chất của võ thuật Bắc phái Trung Quốc.

Điều đầu tiên cần phải suy nghĩ chắc hẳn là ý nghĩa sự tồn tại của võ thuật. Nhưng câu trả lời có thể đơn giản chỉ là "làm sao để sát thương địch thủ một cách nhanh chóng". Nhưng nói vậy thì thẳng đuột, chẳng có tí chiều sâu nào. Cho nên nếu nói sâu sắc hơn thì ý nghĩa vốn có của võ thuật nằm ở 3 điểm: điểm thứ nhất, khi gặp địch nơi chiến loạn thì mục đích đầu tiên là đánh bại địch và giữ an toàn cho bản thân; thứ hai, dù đang trong thời bình nhưng cũng có thể dùng võ thuật đối phó khi bị địch đánh bất ngờ; thứ ba, là phương tiện để kẻ yếu có thể đối kháng với kẻ mạnh trong lúc tranh chấp nơi đường phố.
Đầu tiên, nếu suy nghĩ từ chỗ mà Bát cực quyền tìm kiếm, nhấn mạnh vào điểm "sát thương địch thủ nhanh chóng hơn" thì ta sẽ chú mục đến điểm nuôi dưỡng sức mạnh để làm được việc đó. Đây cũng chính là điểm khiến Bát cực quyền được hâm mộ tại Nhật Bản. Nó thể hiện ở uy lực phát kình, một chiêu hạ gục đối thủ.
Tại đây có 2 điểm cần xem là vấn đề. Thứ nhất là chương trình huấn luyện để có được uy lực đó, và thứ hai là những thứ phải lược bỏ khi đặt trọng điểm ở việc xây dựng uy lực (lực phát kình). Suy nghĩ sâu về 2 điểm này thì hẳn sẽ lý giải về Bát cực quyền thêm sâu sắc.

Ở điểm thứ nhất, phần nhiều người hâm mộ Bát cực quyền thường bỏ qua yếu tố chương trình huấn luyện để có được uy lực. Thực tế, nếu là người trải qua huấn luyện bài bản thì sẽ đối mặt với một thực tế không mấy hay ho là tại Nhật, không dễ gì học được Bát cực quyền, và thứ mà người ta học được chỉ là biểu diễn trên bề mặt như mấy bài sáo lộ mà thôi. Thực tế, trong một lớp dạy Bát cực quyền trước đây, người chủ đứng lớp đã chỉ thị cho vị lão sư người Trung Quốc (người này học theo truyền thống rất bài bản) rằng "hãy dạy nhiều sáo lộ, vì học trò muốn thế". Dù vị lão sư có là người đàng hoàng thế nào đi nữa thì cũng không thể có ý kiến gì về phương pháp giảng dạy trước sức mạnh của đồng tiền. Đó không phải là Bát cực quyền.

Phần lớn người học đều không học thực tế từ sáo lộ mà chỉ biết được kiến thức từ sách vở. Và để gây sự hứng thú cho người đọc thì sách vở cũng thường lược bỏ những trang luyện tập đơn điệu mà tập trung vào phần giới thiệu sáo lộ. Và kết quả là phần quan trọng nhất là quá trình huấn luyện gian khổ để có được uy lực thì lại không được giới thiệu, khiến rất nhiều người hâm mộ Bát cực quyền tại Nhật bỏ qua điểm này.

Thực ra cuốn sách này được xuất bản với mục đích thương mại, nên cũng không thể nói điều quá khó với người đọc, chiều theo ý người đọc cũng là điều dễ hiểu nhưng nó cũng giải thích những phần thâm sâu của Bát cực quyền, mà nếu người nào không tập luyện từ những phần cơ bản nhất thì sẽ thấy đây chẳng qua chỉ là một thứ thuốc gây ảo giác mà thôi.

Dù gì thì tôi cũng muốn quý vị biết rằng có phương pháp luyện tập để nuôi dưỡng nên uy lực không chỉ 100%, mà cả 200% cũng được luôn. Và còn một điểm nữa, tôi cũng muốn quý vị biết rằng vì Bát cực quyền đặt trọng tâm ở việc nuôi dưỡng uy lực nên không có những kỹ thuật đa chủng đa dạng như ở các môn phái khác, để vận dụng thân pháp phát sinh được uy lực cực lớn nên nó được cấu thành từ những kỹ pháp đơn điệu.

Một chiêu hạ thủ địch bằng uy lực không thể lường, có thể nhanh chóng đối ứng với kẻ địch, nhanh chóng giải quyết mà không làm tổn hao tinh thần của bản thân, còn kỹ thuật thì đơn điệu, dễ học. Bát cực quyền là môn võ như vậy.



2 bình luận :

  1. Mình ko hiểu lắm cái giải thích thứ ba? Luyện võ để mạnh hay để yếu vậy?

    ReplyDelete

 
Top