Tác giả: Aoki Yoshinori, đăng trong sách "Hajimeru! Hakkyoku-ken"

Ở đây tôi sẽ nói một chút về phương pháp luyện công cần thiết để có thể thẩm thấu được Bát Cực quyền. Bát Cực quyền vốn là môn quyền pháp thuộc võ thuật Bắc phái Trung Quốc, nên nó mang những nền tảng chung với quyền pháp Bắc phái. Vì vậy, để xây dựng nên nền tảng đó thì cần phải thực hành những công phu cơ bản của quyền pháp Bắc phái Trung Quốc.
Nói một cách cụ thể, ở mức tối thiểu, nếu không luyện thuần thục "trường quyền căn bản công" thì đừng nói là nắm được động tác của võ thuật Bắc phái, mà ngay cả việc điều khiển cơ thể mình như ý còn không làm được nữa là. Việc này cũng tương tự đối với các môn phái Thái Cực quyền, Hình Ý quyền và Bát Quái chưởng, vốn nằm trong phân loại nội gia quyền.
Hiện tại, có nhiều người học nội gia quyền lại có nhận định sai lầm rằng, Bát Cực quyền là ngoại gia quyền, là thứ võ thuật thấp kém hơn nội gia quyền. Nhưng thực ra, dù là nội gia quyền hay Bát Cực quyền thì chúng cũng không khác nhau về bản chất, và cũng không thể nói đằng nào là cao cấp, đằng nào là hạ cấp. Rốt ráo thì đằng nào cũng đi qua những cách luyện tập giống nhau và có cách chiến đấu tương tự nhau.



Một khi Bát Cực quyền được thành lập như một môn quyền pháp Bắc phái thì dĩ nhiên nó mang những nền tảng chung với quyền pháp Bắc phái, nên quý vị phải hiểu rằng cần phải thực hành những công phu cơ bản chung đó. Vậy thì phương pháp luyện công cần thiết của Bát Cực quyền là gì? Trước khi nghĩ đến điều đó thì cần phải nhớ lại các đặc trưng của Bát Cực quyền.

Nói đến đặc trưng của Bát Cực quyền, thì đầu tiên phải nói đến điểm vận dụng kình lực mãnh liệt để đánh địch, và phải nghĩ đến đến điểm kỹ pháp đơn giản trên cơ chế phát sinh kình lực. Khi đã nghĩ được hai điểm này thì tự khắc bản thân sẽ nhìn thấy phương pháp luyện công cần thiết.
Đầu tiên là phương pháp luyện công cần thiết để phát sinh kình lực mãnh liệt. Có thể những người nhanh nhạy sẽ nghĩ ngay đến nội công pháp bí truyền, nhưng còn có luyện công pháp quan trọng hơn. Vốn ban đầu, phương pháp làm phát sinh kình lực mãnh liệt, hay khi phát kình thì cần những gì? Đây là điểm mà nhiều người bỏ sót, và cũng là điểm quyết định phân biệt giữa người chỉ tập theo sách với người học theo thầy, cũng như là yếu tố quyết định chênh lệch giữa họ. 
Hoặc giả cũng có người nói rằng đó là việc cường hóa phần hạ bàn của cơ thể. Quả đúng vậy, để phát sinh được kình lực mãnh liệt thì càn phải có sức mạnh từ chân và hông. Nhưng không chỉ có vậy. Thực ra, để có thể kiểm soát cơ thể với hiệu suất cao nhất để phát kình thì không được bỏ qua điểm thao tác cơ thể. Tức là luyện công pháp để thực hiện động tác phát kình.
Thật ra, phương pháp luyện công này được bao hàm trong động tác cơ bản của Bát Cực quyền. Nhưng nếu luyện tập nó như động tác cơ bản và khi luyện tập nó như động tác phát kình thì hiệu quả mang lại rất khác nhau. Cụ thể, nếu không luyện tập nó như động tác cơ bản thì hoàn toàn không có được chút uy lực nào. Nhưng khi ý thức về nó và luyện tập như động tác phát kình thì có những điểm cần phải chú ý, và khi học nó như động tác cần thiết để phát kình bằng việc tuân thủ những quy tắc đó thì cần phải trui rèn gân cốt đến mức cần thiết để thực hành.
Gợi ý về điểm chú ý khi luyện tập như động tác phát kình, thì đó là điểm di chuyển trọng tâm và mối liên quan với sức mạnh của chân và hông. Thực ra, nếu được giải thích đầy đủ thì ai cũng có thể làm được việc di chuyển trọng tâm một cách dễ dàng. Và tuy có nhiều công phu để luyện chân và hông trở nên mạnh mẽ, nhưng cơ bản thì chỉ cần tập trung vào mã bộ trạm thung công và luyện bài sáo lộ Bát Cực tiểu giá.
Tôi cũng sẽ đề cập một chút đến một điểm cần phải suy nghĩ khác. Đó là điểm dễ sa đà cố chấp vào kỹ pháp đơn giản. Thử nghĩ xem, nếu như kỹ thuật tấn công trở nên đơn giản thì sẽ có những bất lợi nào? Câu trả lời chỉ là: có khả năng bản thân cũng sẽ trúng đòn tấn công của địch. Tức là vì kỹ thuật đơn giản mà đối thủ sẽ đọc được dễ dàng, từ đó ra đòn phản kích. Để bổ sung cho khuyết điểm đó, luyện công pháp của Bát Cực quyền có phương pháp dưỡng dục sức chịu đựng gọi là "bài đả công". Bằng cách luyện "bài đả công", ta xây dựng được một thân thể vững chắc, chịu được đợt tấn công của địch mà không hề hấn gì, để từ đó giành thắng lợi vào phút cuối cùng.

Nói tóm gọn, luyện công pháp cần thiết của Bát Cực quyền gồm 3 điểm. Đầu tiên là luyện công để chân và hông trở nên mạnh mẽ, tiếp đến là điều khiển chuyển động của cơ thể và cuối cùng là "bài đả công" để xây dựng sức chịu đựng.

1 bình luận :

  1. Võ cỗ truyền trung quốc đều xem trọng 3 điều này,nhưng nôn sinh lại ít kiên nhẫn để thực hiện

    ReplyDelete

 
Top