Tháng tám Âm lịch, nhớ đêm Trung thu, nhớ hội múa lân, nhớ đèn kéo quân. Nhưng nhớ gì cho bằng nhớ quả hồng. Nói không ngoa chứ khách sẵn sàng đánh đổi bất cứ thứ gì để bầu chọn cho quả hồng là loại trái cây ngon nhất trần đời. Thuở bé chỉ được cha mẹ tuyên truyền vào cái đầu óc ngây thơ là: quả hồng ăn rất vô duyên, chác bỏ miệng. Và quả thật cái ký ức tuổi thơ về đêm phá cỗ trông trăng cũng gắn liền với cái vị chát của quả hồng.
Nhưng mãi đến sau này mới có được cái duyên hiểu được sự thật rằng: quả hồng rất ngon. Không phải cứ người lớn nói gì cũng đúng, mà hãy tự mình khám phá ra giá trị cho mình. Nghe đâu người Hy lạp cổ đại bảo quả hồng là loại hoa quả của các vị thần, và đã có chuyện một anh chàng sau khi ăn thử quả hồng đã quên mất đường về nhà vì nó quá ngon. Tiết trời đang hây hây cái lạnh của mùa thu, hồng cũng rẻ hẳn. Ngày nào khách cũng ghé chợ mua một cân hồng. Có khi ăn lần lượt quả này đến quả khác, hết một cân vẫn chưa thấy thỏa mãn nên lại vác chân ra chợ mua thêm.


Hồng là cây họ thị lưỡng tính, tiếng Anh là persimmon hay Sharon fruit, tiếng Nhật là kaki (柿) và có nhiều loại. Khoảng tháng năm cây ra hoa rồi kết quả, đến mùa thu thì bắt đầu chín, sắc chuyển sang đỏ dần. Cây hồng có nhiều lợi ích, ở Nhật người ta lấy lá sắc uống thay trà, gỗ thì làm đồ gia dụng, quả thì ăn sống hoặc sấy khô. Quả hồng sống chát là do chứa nhiều chất tannin nên còn được dùng làm thuốc chống mốc. Chất tannin sẽ chuyển thành đường khi quả chín nên quả càng chát thì sẽ càng ngọt về sau.
Mà vị ngọt của quả hồng của thực kỳ lạ. Nó không ngọt lịm như quả xa-pô-chê, không ngọt một cách áp đặt như quả mít đến khi ăn xong vẫn còn dư vị trong miệng. Mùi hương của nó cũng không đậm đặc như nhiều loại trái cây khác, cũng không thoang thoảng. Vị ngọt của hồng là một vị ngọt thanh cao thần thánh, ăn mãi không biết chán. Khách đi giữa trời nắng mà cắn một miếng hồng đã chín rục cho ngập tận răng cứ sướng đến như là uống nước Cam lồ của đức Quán Thế Âm. Vị ngọt của hồng thật vương giả, vì nó thanh mà không để lại dư vị trong miệng, ăn xong không thấy khát nước.

Mùi hương của hồng cũng rất xứng đáng với bậc vương giả. Nhiều người cho rằng hồng không có mùi hương nhưng thực ra không phải vậy. Đặc trưng của nó gần giống với quả nho, tức là ngửi thì không thấy mùi gì, chỉ khi cắn trong miệng mới bắt đầu cảm thấy mùi hương thoảng lên mũi và cũng không để lại dư âm khi ăn xong. Quả hồng có một mùi hương rất đặc trưng, nhẹ nhàng không áp đặt ai chứ không ngào ngạt và cực đoan như xầu riêng hay quả thị. Thanh, nhẹ, trong suốt là đặc điểm của mùi hồng.
Mùi vị của quả hồng làm khách nhớ lại hình tượng người quân tử, bậc đại trí khi hành sự thì để tâm vào nó, nhưng sự qua rồi thì xem như gió thoảng chẳng lưu tâm. Giống như cánh nhạn bay qua mặt hồ lạnh lẽo, bay qua rồi thì bóng nhạn cũng không còn lưu trên hồ.
Thế nhưng hình dáng của quả hồng lại không có gì độc đáo và rất dễ nhầm lẫn với những thứ trái cây khác, dù là nó rất đẹp. Quả hồng chín rục là lúc ăn ngon nhất, mềm và ngọt nhất và cũng là đẹp nhất. Toàn thân quả như một khối ngọc ruby trong suốt, đỏ đến thích mắt. Khách nghe nói người miền bắc muốn làm đẹp mâm trái cây của mình trong những lúc trái mùa đã dùng cà chua thay cho hồng. Có lẽ vì những đặc tính thanh nhã này mà quả hồng thường xuất hiện trong thơ ca Nhật Bản.

Ở Việt Nam thường thấy hai loại hồng: loại hồng ngọt, phải để chín rục ăn mới ngon và loại hồng ngâm. Hồng ngâm thịt giòn nhưng chát, phải ngâm nước trước khi ăn nên mới có tên gọi như vậy. Chất tannin trong hồng ngọt không tan trong nước nên cứ để thế mà ăn, còn tannin trong hồng ngâm tan được trong nước nên ngoài cách đợi cho chín tự nhiên người ta còn đem ủ.

Quả hồng (kaki) là từ chỉ mùa trong thơ Haiku (kigo), gợi liên tưởng về mùa thu. Năm 1789, quả hồng từ Nhật đến châu Âu, đến Mỹ năm 1870 nên tên khoa học của quả này là Diospyros Kaki. Người ta còn sấy khô quả hồng để bảo quản lâu hơn. Tiếng Nhật gọi là hoshi-gaki (干し柿). Kỹ thuật sấy hồng theo chân người Nhật sang châu Mỹ nên ngày nay bang California vẫn còn lưu truyền kỹ thuật này. Hồng vốn chứa nhiều vitamin A và C, người ta nói mỗi ngày chỉ cần ăn một quả là đủ lượng vitamin. Nhưng khi sấy khô thì vitamin C mất đi, bù lại vitamin A tăng gấp đôi. Do vậy nên ai mắt kém thì nên tích cực ăn hồng khô. Nhưng người bị thiếu máu không nên ăn nhiều quá vì chất tannin ngăn chặn sự hấp thu chất sắt trong cơ thể.
Ngoài cách sấy khô, hồng còn được dùng làm mứt, làm bánh hay ngâm rượu ở các xứ Nhật Bản, Triều Tiên. Gỗ hồng dùng làm nhiều thứ vật dụng trong nhà. Theo số liệu năm 2005 thì Trung Quốc là nước có sản lượng hồng lớn nhất Thế giới, tiếp sau là Đại Hàn và Nhật Bản.
Người ta hay nói "quần kaki" , "vải kaki" ấy là xuất phát từ tiếng Nhật. Kaki shibu (柿渋) là chất dịch ép ra từ quả hồng xanh khi còn nhiều chất chát tannin rồi cho lên men. Người ta dùng để quét lên gỗ, giấy làm thuốc chống mốc, chống thắm nước. Ngoài ra còn dùng để nhuộm vải. Tài liệu cổ ghi lại rằng thời Heian, các võ sĩ cấp thấp mặc y phục nhuộm theo phương pháp này gọi là Kakizome. Đến bây giờ "Kaki" đã trở thành một danh từ chỉ màu cố hữu.


Nhất Như

2 bình luận :

  1. "Người ta hay nói "quần kaki" , "vải kaki" ấy là xuất phát từ tiếng Nhật."
    Cái này thì tui nghĩ là đồng âm thôi. Cái từ chỉ loại vải đấy trong tiếng Anh nó là khaki chứ ko phải kaki, mà tra wiki hay từ điển Oxford cũng đều bảo nó là từ gốc Ba Tư.

    ReplyDelete

 
Top