Các nhà tư tưởng đồng thời đại với Thích Ca
Dịch từ bài viết số 02 trong loạt bài viết về Phật giáo cho thanh thiếu niên.
Tác giả: Hotta Kazuyoshi, Đại học Đông Kinh
Bài viết vào tháng 10 năm 2009
Khoảng thời gian khi Phật giáo ra đời cũng là lúc người Aryan, vốn nắm giữ quyền lực mạnh mẽ từ trước đó, đã có sự hỗn huyết với các dân tộc Ấn Độ bản địa. Đó cũng là lúc các giá trị quan được đa dạng hóa, do sự phát triển của công thương nghiệp. Trong dòng chảy của thời đại mới như vậy, đã có các nhà tư tưởng không thừa nhận những quyền uy xã hội đã hình thành từ trước đó. Phật giáo cũng là một dòng tư tưởng như vậy vào lúc đó.
Trong kinh điển Phật giáo có bộ "Sa mô quả kinh", có giới thiệu sáu nhà tư tưởng được gọi là "lục sư ngoại đạo". Từ "ngoại đạo" mang nghĩa là "kẻ đi trệch đường", "người lìa xa đạo" và tùy vào cách nhìn mà có thể nó trở thành từ thất kính. Tuy nhiên, ở đây nên hiểu từ "ngoại đạo" có nghĩa là "người không nằm trong Phật giáo". Với góc nhìn hiện đại thì những dòng tư tưởng của họ được dán cho những cái nhãn mang tên "duy vật luận", "quyết định luận" (hay còn gọi là "vận mệnh luận"), "hoài nghi luận", "khoái lạc chủ nghĩa", "khổ hạnh chủ nghĩa", "hư vô chủ nghĩa".... Dĩ nhiên, theo ý nghĩa hiện đại thì vẫn có những chỗ sai biệt trong tư tưởng của họ với những tư tưởng kể trên, và cũng có những tư tưởng phức hợp bao gồm nhiều tư tưởng khác nên không thể gán chung bằng cái tên "~ luận" hay "~ chủ nghĩa".
Vậy ta hiểu thế nào về sáu nhà tư tưởng này.
***
Ngoại đạo sư Ajita Kesakambalin (phiên âm Hán: A Kỳ Đa Sí Khâm Bà La) cho rằng con người được cấu thành từ 4 nguyên tố là: địa, thủy, hỏa và phong (đất, nước, lửa, gió). Ông này cũng phủ định "thiện nghiệp lạc quả" (làm tốt thì nhận kết quả tốt), "ác nghiệp khổ quả" (làm xấu nhận kết quả xấu) và đề xướng rằng chết đi chỉ còn hư vô.
Ngoại đạo sư Pakudha Kaccayana (Già La Cưu Đà Gia Chiên Diên) cũng có cùng tư tưởng như vậy, nhưng điểm khác biệt là ông ta thêm vào 3 nguyên tố: "khổ", "lạc" và "linh hồn", thành ra con người do 7 nguyên tố cấu thành. Có thể nói giữa hai người này có điểm chung là suy nghĩ mang tính duy vật luận.
Ngoại đạo sư Purana Kassapa (Phủ Lan Na Ca Diếp) cũng phủ định "thiện nghiệp lạc quả", "ác nghiệp khổ quả" và kiến giải của ông được gọi là "đạo đức phủ định luận". Về mặt phủ nhận đạo đức thì ông này tương đồng với hai người kể trên.
Nhân vật Makkhali Gosala (Mạt Già Lê Cù Xá Lợi) cho rằng sinh vật sống được cấu thành từ 12 yếu tố, gồm: "hư vô", "khổ", "lạc", "linh hồn", "đắc" (được), "thất" (mất), "sinh" và "tử", ngoài 4 nguyên tố cơ bản là "địa", "thủy", "hỏa", "phong". Ông này đề xướng rằng tất cả đều được vận mệnh quyết định. Lại như ông Sanjaya Belatthiputta (San Xà Gia Bì La Tri Tử) kêu gọi dừng ngay việc phán đoán "có kiếp sau hay không", không đưa ra câu trả lời rõ ràng. Thuyết của Sanjaya được gọi là "bất khả tri luận" hay "hoài nghi luận", còn thuyết của Gosala được gọi là "quyết định luận", "túc mệnh luận" và còn có chỗ cho "đạo đức phủ định luận" trong tư tưởng của những người này.
Lại như ông Nigantha Nataputta (Ny Kiền Đà Nhược Đề Tử) lại cấm phán đoán, nhận định một mặt, một chiều về sự, vật. Thuyết của ông này được gọi bằng những cái tên khác nhau như "đa diện chủ nghĩa" (phu cực đoan thuyết), "phủ định chủ nghĩa", "tương đối chủ nghĩa". Về thực chất, Nigantha là khai tổ của Kỳ Na (Jaina) giáo hiện vẫn còn tồn tại đến nay. Về Kỳ Na giáo thì tôi sẽ giải thích rõ hơn ở một bài khác.
***
Vậy, thử tóm gọn tư tưởng của họ thì sẽ như thế nào?
"Con người được cấu thành từ vật chất, sau khi chết thành hư vô (duy vật luận) hay, không rõ có sự tồn tại sau khi chết hay không (hoài nghi luận, bất khả tri luận). Vậy thì có làm gì tốt hay làm gì xấu đi nữa thì kiếp sau cũng không nhận được báo ứng (đạo đức phủ định luận), hoặc là kết quả đã được vận mệnh quyết định sẵn cả rồi (vận mệnh luận, quyết định luận). Cho nên ta làm gì mà chả được. Cứ việc làm những gì mình thích, sống sao cho vui vẻ là được".
Quan điểm này tương đồng với cách nhìn đời của đa số con người hiện đại, nhưng ý tưởng này từng được xem là sự đe dọa đối với người Ấn Độ đương thời.
Tuy nhiên, dù gọi là "đạo đức phủ định luận" hay "khoái lạc chủ nghĩa" nhưng họ lại sống cuộc đời xa lìa thế tục, một nét gì đó rất Ấn Độ.
Hotta Kazuyoshi
0 bình luận :
Post a Comment