Tháng 10 năm 2008 là tròn mười năm kể từ ngày mất của Bùi Giáng, người được mệnh danh là nhà thơ cuối cùng của Việt Nam. Tôi biết đến thơ Bùi Giáng khi còn là một thằng bé học lớp tám. Trước đó có đôi lần nghe qua tên ông nhưng một thằng bé nào mấy để ý. Ngày ông mất, chuyện đó trở thành đề tài đàm luận của gia đình tôi trong suốt một thời gian dài, và cũng từ đó tôi biết đến tập thơ “Suối nguồn”. Chính xác hơn là một vài bài trích từ tập thơ này. Trong số đó, tôi đã có ấn tượng mạnh với hai câu

Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không

Có lẽ chỉ hai câu này đã khiến tôi hiểu được phần nào đó của cuộc đời. Nó đã khiến một thằng bé lớp tám phải trằn trọc suy nghĩ và thấy cảm thương cho số kiếp của loài người. Sau này tìm đọc thơ Bùi Giáng, có những bài tôi thích, có những bài không thích, có những bài dửng dưng, có lẽ là chưa đủ ngộ tính để tiếp nhận. Đánh giá về nhà thơ này, có nhiều ý kiến khác nhau nhưng tựu trung là chia thành hai phái: một khen một chê.
Có người còn khuyên tôi nên tránh xa cái “lão quỷ sứ” ấy ra. Mày có thấy ai làm thơ như lão quỷ ấy không:

Một mai tôi chết đi
Nếu Thẩm Thúy Hằng đái lên mộ tôi vài giọt
Hân hạnh cho tôi quá

(Bài thơ này người viết không nhớ rõ nguyên văn, đại khái nội dung là như vậy)

Cũng chẳng có gì lạ. Những bài thơ kiểu này thì lão quỷ sứ ấy thiếu gì. Rất nhiều bài của Bùi Giáng rất bình thường, à, phải nói là rất tầm thường nếu nhìn từ con mắt của người bình thường. Ngôn từ của lão ấy chẳng có tính văn nghệ chút nào. Đấy là ý kiến của phe chê Bùi Giáng. Và tôi cũng đồng ý với họ ở điểm tầm thường của ông, nhưng không có nghĩa là đồng ý hoàn toàn. Tôi nghĩ, tầm thường ở đây chẳng phải là cái vỏ đơn sơ bọc bên ngoài cái nội dung phong phú gì gì đó mà người đời vẫn thường ca tụng. Tầm thường ở đây hiểu theo đúng nghĩa của nó, trần tục, vô giá trị và nhớ cũng được, không cũng chẳng sao. Thế nhưng có đọc nhiều thơ của ông, đọc hết những dịch phẩm của ông mới thấy được cái tài hoa của ông. Tài hoa xuất phát từ đâu? Người viết sẽ lý giải trong phần sau theo suy nghĩ của mình.

Ngược lại, phe tâng bốc Bùi Giáng thì không tiếc những lời có cánh ca tụng ông. Nhất là sau khi ông mất. Vinh quang quá muộn màng như bao vĩ nhân khác. Tôi nghĩ phần nhiều trong số này có lẽ không hiểu về nhân vật mà họ tâng bốc mà chỉ là một thứ mốt của thời đại. Là trí thức phải biết Bùi Giáng, phải đọc thơ Bùi Giáng, phải khen Bùi Giáng….Ta chẳng lạ lùng gì với những thứ mốt này. Chẳng hạn, giờ có mốt “Thiền”. Những gì điên điên khùng khùng mà người đời không hiểu được thường “được” gán cho danh từ “Thiền”. May quá, ít ra là họ cũng không chửi bới nó.
Lúc còn sống nghe nói người đời xa lánh ông, hắt hủi ông như một thằng gàn dở. Bỏ hết mọi thứ ràng buộc của thế gian, những thứ mà thế gian vẫn cho là hạnh phúc như nhà cửa, thân thích, danh vọng….để một đời lang thang ăn mày. Bùi Giáng là một tên hũ nho thường xuyên ghi sổ nợ chồng chất ở các quán rượu. Tôi nghe điều này từ rất nhiều người tiếp xúc với ông ở Sài Gòn. Hắn là một tên điên tối ngày say sưa. Dĩ nhiên, bậc trí giả dù cho hình tướng có là ngạ quỷ đi nữa thì cũng luôn tỏa ra sức thu hút mãnh liệt đối với những bậc trí giả khác. Thời còn sống, cũng có nhiều người mến mộ mà tìm đến ông. Tôi lại liên tưởng đến Thiền sư Ô Sào xưa kia, bỏ hết mọi thứ của cuộc đời để sống trên cành cây. Vua quan đến cầu đạo thì cứ dửng dưng ngồi trên cây mà phảy tay.

Kiếp con người là một tập hợp, một chuỗi những ràng buộc tinh mật liên kết với nhau. Cũng có người hiểu Bùi Giáng, nhưng nào có ai dám làm như ông. Dám thẳng tay vứt bỏ xiềng xích không? Không, chắc là anh còn ngán sự cơ cực của thiếu thốn vật chất, thiếu thốn tình thương, anh còn sợ vợ con, còn sợ thân thích, còn sợ…..
Vấn đề là ở chỗ đấy. Trong mắt tôi, Bùi Giáng là một nhà sư mang hình hài của người thế tục. Nhà sư là người xung phong đi tìm kiếm chân lý trong đời, dám làm những chuyện mà thế gian không hiểu được. Nhà sư là người dám vứt bỏ mọi ràng buộc, mọi xiềng xích để tiếp cận chân lý, tiếp cận với cái chân như như, thật như như. Bùi Giáng là một hình mẫu của nhà sư Phật giáo. Đừng hiểu sư cứ phải ăn chay, niệm Phật, ở chùa. Hiểu thế thì chẳng hiểu còn hơn. Ăn chay, niệm Phật, ở chùa hay giới luật này nọ cũng chẳng qua chỉ là phương tiện hỗ trợ để đạt đến cái mục đích tối hậu mà thôi. Tự thân nó chẳng phải mục đích. Thành ra nói Bùi Giáng là người thế tục gần với sư nhất. Bùi Giáng không phải người bị cuộc đời thao túng như chúng ta mà chính là người ung dung đối đãi với cuộc đời. Không phủ nhận nó, không phản khán nó mà cũng không chạy trốn nó.

Trong phạm vi hiểu biết của mình, người viết thấy Matsuo Bashou là nhà thơ giống với Bùi Giáng nhất. Ông này là nhà thơ Haiku thời Edo ở Nhật, những ai ưa thích văn nghệ chắc cũng đều biết qua. Bashou là thi tăng, cũng lang thang khắp nước Nhật, cũng ăn vày ăn vạ khắp nơi, đi đến đâu làm thơ đến đó. Nhưng Bashou có cái may mắn hơn là được thế hệ ông ta chấp nhận, được dân tộc ông ta đánh giá đúng mức. Thời còn sống, Bashou đã rất nổi tiếng. Tầng lớp quý tộc, quan lại luôn cầu cạnh ông. Có giai thoại rằng có ông quan địa phương nọ mến mộ Bashou đã lâu, muốn được diện kiến một lần cho thỏa lòng khao khát. Một hôm nghe tin Bashou lang thang đến địa phương mình mới cho lính đi rước về. Lính đến nơi thì chỉ thấy một tên bợm rượu đang say sưa lăn lóc. Tên này chính là Matsuo Bashou đây mà, chuyên uống rượu quỵt ở hàng tôi. Hệt như Bùi Giáng! Bọn lính nghi ngại nhưng cũng rước tên bợm về. Đến vị quan kia cũng không ngờ được người mình muốn gặp lại như thế này, lòng bán tín bán nghi nhưng cũng không dám thất lễ. Quan làm bài thơ đặt trong phòng Bashou rồi bỏ đi.

Akatombo
Hane wo musireba
Tougarasi

(Chuồn chuồn đỏ, nếu ngắt cánh đi, thành quả ớt)

Bashou tỉnh rượu, thấy bài thơ liền chữa lại rồi lẳng lặng bỏ đi.

Tougarasi
Hane wo tukereba
Akatombo

(Quả ớt, chắp thêm cánh, thành chuồn chuồn đỏ)

Quan đem bài thơ này đi hỏi các thi thánh lúc bấy giờ. Họ đều quả quyết phong thái như vậy đích thị là Bashou. Quan giật mình, tiếc hùi hụi, sai lính đi tìm nhưng chẳng thấy tông tích như mây như gió của Bashou đâu nữa.

Bùi Giáng cũng là một người như thế. Bạt mạn, bất chấp, dám xả bỏ hết mọi thứ. Theo tôi, Bùi Giáng, Bahsou là người sống thực với chính mình, chính bản lai diện mục của mình. Nói đúng hơn, Bùi Giáng, sống đúng như bản lai của một con người, điều mà loài người ngày càng quên đi theo quá trình tiến hóa, phát triển của mình. Nó là bộ mặt trần trụi, là tố nhan không tô phết của con người. Có những cái rất đẹp, có những cái rất tục tĩu, dơ dáy. Bùi Giáng đã nắm hết những cái ấy, thấy sao thì thể hiện ra thơ thế thôi, không hơn không kém. Đó là chỗ tài hoa phát tiết ra. Công nhận, Bùi Giáng là người tài. Nhưng cũng chưa hẳn là tài năng thiên bẩm. Theo tôi, tài năng của Bùi Giáng phát xuất rất tự nhiên từ chỗ “thấy” được “bản chất” của sự vật. Giống như gàu nước đầy thì tự tràn ra ngoài. Điều này cũng tương đồng với nhiều nhà sư nghệ sĩ khác. Bản thân họ chẳng chú tâm đến văn chương nghệ thuật làm gì vì nó không phải mục đích, cứu cánh của họ. Nhưng người đời vẫn cứ ca tụng họ đấy. Những vị ấy hà tất phải học tập ai, nghiên cứu ai? Những gì họ thể hiện ra ngoài thành cái mà chúng ta gọi là nghệ thuật chẳng qua chỉ là điều tự nhiên, chân như như, thật như như.
Để minh chứng cho việc này, người viết kể lại câu chuyện mà mình nghe được. Trong buổi thuyết pháp của một cao tăng nọ bỗng dưng có cơn gió thổi vào phòng làm tung bay hết mọi giấy tờ trên bàn. Tăng đang giảng, vẫn điềm nhiên huơ tay thâu tóm lại hết những tài liệu đang lơ lửng trên không, không bỏ sót tờ nào trước sự ngạc nhiên của hội chúng. Họ cho rằng sư còn là cao thủ võ nghệ nữa, nhưng kỳ thực sư chẳng biết gì về võ nghệ. Mục đích của võ nghệ chẳng qua chỉ là dùng kỹ thuật để đả thông đến trạng thái tâm thức như sư mà thôi. Điều này lý giải rằng tại sao thời phong kiến ở Nhật, các vị lãnh chúa thường thỉnh Thiền sư về dạy kiếm cho kiếm sĩ của mình, dù các sư chẳng rành chuyện gươm giáo. Kiếm sĩ bất bại Miyamoto Musashi trong lịch sử Nhật Bản cũng là người được Thiền sư Takuan khai ngộ. Chính ông cũng thừa nhận đi hết kỹ thuật chỉ đến được tâm thức khởi đầu như các Thiền sư mà thôi. Vậy nên hành Thiền là một việc không thể thiếu trong sinh hoạt của võ sĩ Samurai ngày xưa.
Như vậy có thể thấy, tài hoa (kỹ thuật) của Bùi Giáng không đơn thuần là cái kỹ thuật (vật chất) mà còn là sự phát tiết của tinh thần không ràng buộc. Đến lúc thế thì nó phải thế. Giống như bản chất của Thiền. Chẳng có gì để nói nhiều nhưng thế gian không hiểu nên mới nói nhiều. Tài hoa đó là cảnh giới của người sống thực với chính bản thân, với bản lai diện mục chăng?
Nói thế, chứ xã hội sẽ ra sao nếu mọi người đều sống như Bùi Giáng? Đó là một mối ràng buộc lớn đối với kiếp nhân sinh của chúng ta.

Nhất Như, 2008


0 bình luận :

Post a Comment

 
Top