Đọc bản pdf tại đây (click)
Tiền quỷ, Hậu quỷ (前鬼・後鬼), âm Hán Nhật đọc là "Zenki, Goki" là cặp vợ chồng quỷ theo hầu bên cạnh En-no-Ozunu, pháp sư khai tổ của Shugen-dō (Tu nghiệm đạo), một tín ngưỡng rừng núi đặc trưng của người Nhật và có nhiều mối liên hệ mật thiết với Phật giáo Mật tông. Trong đó, Tiền quỷ (Zenki) là chồng, còn Hậu quỷ (Goki) là vợ. Trong các tranh tượng điêu khắc thể hiện chân dung pháp sư En-no-Ozunu thường thấy thể hiện Tiền Quỷ và Hậu quỷ hầu hai bên tả hữu. Cặp quỷ này cũng thường được thể hiện hình ảnh nhỏ hơn En-no-Ozunu.
En-no-Ozunu là nhân vật lịch sử, sống trong thời Asuka (thế kỷ thứ 7).
Tượng Tiền quỷ, Hậu quỷ hầu bên cạnh En-no-Ozunu ở chùa Ōmine.
Khái quát
Cặp quỷ này còn được xưng là "Thiện đồng quỷ" (善童鬼, Zendōki) và "Diệu đồng quỷ" (妙童鬼, Myōdōki). Tiền quỷ có tên là "Nghĩa Giác" (義覚, Gikaku) hay "Nghĩa Học" (義学, Gigaku) còn Hậu quỷ tên "Nghĩa Huyền" (義玄, Gigen) hay "Nghĩa Hiền" (義賢, Giken). Cặp đôi này được cho là đệ tử của En-no-Ozunu, vừa là Shiki-gami của pháp sư này. Shiki-gami (thức thần) là một dạng quỷ thần do Âm Dương sư sai khiến, hiểu nôm na là một dạng âm binh phục tùng mệnh lệnh của thầy pháp. Cũng có khi Nghĩa Giác và Nghĩa Huyền được cho là một.
Tiền quỷ là chồng, tượng trưng cho phần dương trong âm dương, là con quỷ đỏ lưng đeo hòm sách, tay cầm búa rìu để mở đường tiến lên cho Ozunu, đúng như tên gọi của nó. Tiền quỷ được cho là xuất thân từ làng Shimo Kitayama ở quận Yoshino, tỉnh Nara ngày nay.
Hậu quỷ là vợ, tượng trưng cho phần âm và được thể hiện là quỷ xanh, tay mang bình nước "lý thủy" (nước có minh lực) và lưng đeo hòm đựng hạt giống. Hậu quỷ được cho là xuất thân từ làng Tenkawa, quận Yoshino, tỉnh Nara ngày nay.
Theo đặc tính âm dương thì Tiền quỷ được miêu tả có miệng mở rộng (như khi đọc chữ "a"), còn Hậu quỷ ngậm miệng (như khi đọc "uhn") nhưng thực tế cũng thấy nhiều trường hợp ngược lại.
Truyền thừa
Cặp đôi quỷ này sống ở vùng núi Ikoma thuộc Nara và thường gây nhiễu họa cho người. Sau đó En-no-Ozunu đã dùng bí chú Bất động Minh vương mà trói buộc chúng. Cũng có nguồn kể rằng Ozunu đã giấu đứa con út trong số 5 đứa con của chúng vào trong cây búa sắt để chúng thấu được nỗi đau của những bậc cha mẹ bị giết con. Từ đó cặp quỷ đổi tâm tính, theo hầu Ozunu và được đổi tên thành Nghĩa Giác (Nghĩa Học) và Nghĩa Huyền (Nghĩa Hiền). Ngọn núi nơi Ozunu thu phục quỷ được gọi là "núi bắt quỷ" (Oni-dori-yama), nay thuộc thành phố Ikoma, tỉnh Nara.
Ngoài ra, ở làng Subashiri thuộc tỉnh Shizuoka cũng có truyền thuyết Ozunu điều phục Tiền quỷ và Hậu quỷ.
Truyền thuyết kể rằng cặp này đã sinh 5 quỷ con ở đất Shimo Kitayama, và tại nơi này có mộ của đôi quỷ. Một nguồn khác kể rằng sau này Tiền quỷ trở thành Thiên cẩu (Tengu) trong số bát đại Thiên cẩu.
Ngũ quỷ
Tiền quỷ và Hậu quỷ có 5 đứa con, được gọi là "ngũ quỷ" (五鬼, goki) hay "ngũ phường" (五坊, gobō), lần lượt là: Chân Nghĩa (Shingi), Nghĩa Kế (Gikei), Nghĩa Thượng (Gijō), Nghĩa Đạt (Gitatsu) và Nghĩa Nguyên (Gigen). Có nguồn cho rằng ngũ quỷ này đồng nhất với ngũ đại đệ tử của Ozunu là Nghĩa Giác, Nghĩa Huyền, Nghĩa Chân, Thọ Huyền và Phương Huyền.
Ngũ quỷ mở quán trọ cho các hành giả đi hành hương ở làng Shimo Kitayama và trở thành tổ của 5 gia tộc: Ngũ Quỷ Kế (Goki-tsugu), Ngũ Quỷ Hùng (Goki-kuma), Ngũ Quỷ Thượng (Goki-jō), Ngũ Quỷ Trợ (Goki-jo) và Ngũ Quỷ Đồng (Goki-dō). Năm nhà này có quan hệ hôn nhân với nhau và kinh doanh lữ điếm dành cho hành giả và truyền đời đến nay. Con trai trong năm nhà đều có chữ "nghĩa" trong tên gọi.
Đến đầu thời Minh Trị (Meiji), nhất là vào năm 1872 thì Tu Nghiệm đạo suy thoái mạnh vì sắc lệnh cấm chỉ của nhà nước. Khi đó Ngũ Quỷ Hùng, Ngũ Quỷ Thượng và Ngũ Quỷ phá sản, bỏ làng ra đi. Sau đó đến nhà Ngũ Quỷ Kế cũng bỏ dở việc kinh doanh, chỉ còn lại duy nhất nhà Ngũ Quỷ Trợ tồn tại với nghề kinh doanh lữ điếm dành cho hành giả, đến nay là đời thứ 61. Chủ nhân hiện tại của nhà Ngũ Quỷ Trợ là ông Ngũ Quỷ Trợ Nghĩa Chi (Goki-jo Yoshiyuki).
Good to know (b)
ReplyDelete