I. Dẫn nhập

Vốn là người hay để ý nhận xét về sự biến đổi của ngôn ngữ, tôi nhận thấy độ dăm bảy năm trở lại đây, khi mà Internet phát triển hơn trước thì hay xuất hiện cụm từ "Việt hóa". Cụm từ này thường thấy xuất hiện chủ yếu trong giới trẻ, thường gặp trên mạng Internet và sau này một số báo chí chính thống cũng bắt đầu sử dụng theo. Cụm từ này có ý nghĩa như thế nào? Cách dùng ra sao? Phần dưới đây sẽ bàn tới.

II. Phân tích

Tra một số từ điển tiếng Việt online thì không thấy có mục từ "Việt hóa". Tuy nhiên, chỉ cần là người có chút đỉnh kiến thức về tiếng Việt thì vẫn có thể hiểu được ý nghĩa của cụm từ này, dù là lờ mờ hay rõ ràng.
Xét về mặt hình thức thì "Việt hóa" là một từ Hán Việt (越化), trong đó "Việt" (越) là chỉ tên nước, tên dân tộc Việt Nam, còn hóa (化) nghĩa là sự thay đổi, biến chuyển, hay làm cho thay đổi, biến chuyển. Như vậy, "Việt hóa" có nghĩa là làm cho (thứ gì đó) biến đổi, chuyển thành như Việt Nam, giống Việt Nam, có đặc tính như Việt Nam.

Tuy nhiên cụm từ này thường hay thấy xuất hiện trong cộng đồng mạng trẻ với ý nghĩa: dịch thuật từ tiếng ngoại quốc sang tiếng Việt. Chẳng hạn, một nhóm bạn trẻ đã dịch phần mềm văn phòng Microsoft Word sang tiếng Việt và gọi đó là "Việt hóa". Tương tự, nhiều phần mềm ngoại lai khác cũng được dịch sang tiếng Việt, hay gần đây là nhiều game PC, console được dịch sang tiếng Việt và cũng được gọi là "Việt hóa".

Nói một cách nghiêm mật thì cách gọi này là không đúng so với ý nghĩa của từ "Việt hóa". Bởi bản dịch của những phần mềm này không có gì thay đổi so với bản gốc, ngoại trừ phần ngôn ngữ được chuyển sang tiếng Việt. Không ai gọi việc dịch một cuốn sách, một bộ phim từ tiếng ngoại quốc sang tiếng Việt là "Việt hóa" cả. Nếu ngoài việc dịch ngôn ngữ ra, bản dịch còn có thêm những sửa đổi về mặt nội dung hay hình thức, chẳng hạn như thay đổi bối cảnh miền Viễn Tây trong tiểu thuyết thành bối cảnh miền sơn cước Việt Nam, nhân vật cao bồi cưỡi ngựa bắn súng được đổi thành thanh niên đầu đội nón lá thân cưỡi trâu, miệng ngâm nga mấy câu nhạc Trịnh thì lúc ấy hãy gọi là Việt hóa.
Từ những cái tên như Schtroumpf, Gargamel trở thành "Xì trum", "Gà mên" hay Vova Valoscop trở thành "Vô ra va lốp cốp" có thể xem là phiên âm, nhưng cũng có thể xem là "Việt hóa". Từ Johan & Pirlouit chuyển thành Lữ Hân & Phi Lục chính là "Việt hóa", trong khi Montesquieu trở thành "Mạnh Đức Tư Cưu" hay Don Quijote trở thành "Đường Cát Khả Đức" lại là phiên âm, hay nói cách khác là bản "dịch".

Tương tự, nếu đã có "Việt hóa" thì cũng có "Âu hóa", "Tây hóa", "Mỹ hóa",... Trong làng game từ trước đến nay đã có không ít trường hợp "Tây hóa", nhưng ví dụ rõ ràng nhất là series game "Hiryū no ken" (Phi long quyền). 
Hiryū no ken lần đầu tiên xuất hiện trên máy Famicom (NES) vào thập niên 80 của thế kỷ trước, và nó gây được cơn sốt trong cộng đồng gamer thời đó bởi độ khó kinh điển cùng lối chơi mới lạ. Hãng sản xuất Culture Brain đã có suy nghĩ rất cấp tiến so với cùng thời, là địa phương hóa các phiên bản game này để xuất sang thị trường Âu Mỹ. Các bản Famicom được đổi tên thành Flying Warriors, còn phiên bản cho máy Super Famicom (SNES) được đổi thành Ultimae Fighters.



Tên game được "Mỹ hóa"

Thiết kế của những bộ giáp của nhân vật sau khi biến thân dựa trên các pho tượng cổ trong Phật giáo Nhật Bản: tứ Thiên vương và Dược Sư thập nhị thần tướng. Ngoài ra, Phi long quyền còn có nhiều yếu tố khác mang đậm chất Á Đông, hay nói cụ thể là đậm chất văn hóa Phật giáo. Đó là danh xưng các vị Minh vương (Myō-ō) xuất hiện trong game, là pháp lực, chân ngôn, mạn đà la...



Không chỉ những cái tên Á Đông như Ryūhi (Long Phi), Shōryū (Thiếu Long)... bị đổi thành Rick hay Jimmy, mà cả ngoại hình nhân vật cũng bị thay đổi theo


Chính vì những yếu tố đậm nét Á Đông này mà hãng phát triển đã gặp khó khăn trong việc "địa phương hóa" khi phát hành game ở thị trường Âu Mỹ. Toàn bộ yếu tố Á Đông bị loại bỏ, thay bằng những yếu tố Tây phương thông thường. Tên các chiêu thức không còn đậm chất "kiếm hiệp" hay Phật giáo mật tông nữa mà chuyển sang các danh từ dễ hiểu đối với người Tây phương.

Một ví dụ thể hiện rõ nét yếu tố "Mỹ hóa" của Hiryū no ken là phiên bản Golden Fighter trên máy SFC. Bản tiếng tiếng Nhật được Culture Brain phát hành năm 1992, và bản tiếng Anh cách một năm sau đó. Tuy nhiên bản tiếng Anh không đơn thuần chỉ là bản chuyển ngữ mà còn là một bản "Mỹ hóa" bởi các yếu tố đồ họa thuần Á Đông đều được thay đổi.



Tính địa phương thể hiện rõ trong bản "Mỹ hóa"

Bộ giáp của các nhân vật vốn dựa trên thiết kế của các vị thần tướng trong Phật giáo, thì khi sang trời Tây được chuyển hóa thành áo choàng, phục trang bó sát người vốn thường thấy ở các nhân vật siêu anh hùng Âu Mỹ như Batman, Superman,...


So sánh 3 phiên bản: Nhật, Anh, Việt. Bản Việt chỉ là bản dịch, còn bản tiếng Anh là bản Âu hóa





Hai thanh kiếm Tàu trong bản Nhật cũng bị biến thành kiếm ánh sáng như trong Star Wars

Như vậy có thể thấy bản tiếng Việt của Hiryū no ken Golden Fighter chỉ là một bản dịch, còn bản tiếng Anh mới là bản "XYZ hóa".




III. Kết luận

Ngôn ngữ có tính biến đổi. Theo thời gian, mọi từ ngữ và cách sử dụng dần biến đổi và đây là điều không thể tránh khỏi. Ngôn ngữ cũng không có tính bắt buộc. Trường lớp sách vở chỉ dạy cho con người thứ ngôn ngữ được cho là đúng tại thời điểm đó, nhưng không thể buộc ai sử dụng ngược lại. Chính vì vậy mà có những cách dùng từ bị cho là sai vào thời gian đầu, nhưng cái sai đó quá phổ biến và dần dà lại trở thành đúng. Cho nên việc dùng cụm từ "Việt hóa" để chỉ bất cứ điều gì đi nữa thì cũng là điều chấp nhận được, và không ai ngăn cấm được. 
Tuy nhiên, trong giới hạn thường thức của những quy ước về mặt ngôn từ (phục vụ mục đích truyền đạt) thì cũng cần phân biệt đâu là đúng và đâu là sai. Một bản game được chuyển ngữ từ tiếng ngoại quốc sang tiếng Việt thì nên được gọi là bản dịch, bản "Việt ngữ hóa" thì đúng hơn là bản "Việt hóa".

1 bình luận :

 
Top