Nhật Do đồng tổ luận (日ユ同祖論) là tên một thuyết cho rằng người Nhật Bản và người Do Thái (người Israel cổ đại) là hai dân tộc anh em có cùng tổ tiên. Thuyết này chủ yếu do người Nhật và người Do Thái đề xướng.
Thuyết Nhật Do đồng tổ luận chủ yếu có 3 quan điểm như sau.
  1. Thuyết 10 chi tộc Israel cổ đại mất tích đã đến Nhật Bản.
  2. Thuyết cho rằng không chỉ 10 chi tộc Israel cổ đại mà cả 12 chi tộc đã đến Nhật Bản.
  3. Thuyết người Nhật cổ đại là tổ tiên của người Do Thái.
Loạt bài này chủ yếu bàn về thuyết #1.




Tri thức tiền đề (gia hệ Abraham và dự ngôn trong kinh thánh)


Trong kinh cựu ước có nhắc đến việc Jacob (tên khác là Israel) là cháu của Abraham (thế kỷ 17 trước CN), và 12 người con trai của Jacob là tổ tiên của 12 chi tộc Israel. 12 chi tộc này gồm tộc Asher, tộc Ephraim, tộc Gad, tộc Benjamin, tộc Issachar, tộc Reuben, tộc Manasseh, tộc Dan, tộc Naphtali, tộc Zebulun, tộc Judah và tộc Simeon. Đến thời Jacob thì họ chuyển đến sống ở vùng đất Ai Cập, sau đó con cháu bị người Ai Cập bắt làm nô lệ. Sau 400 năm sống dưới ách nô lệ, đến thế kỷ 13 trước CN, Moses lãnh đạo dân tộc trốn khỏi Ai Cập, 12 chi tộc Israel sau 40 năm lang thang ở bán đảo Sinai, bắt đầu định cư và tiến hành chinh phạt cả vùng đó kéo dài trong khoảng 200 năm.  

12 chi tộc Israel

Họ đến sống ở vùng đất Canaan, đến thời vua David (trị vì 1004~965 trước CN) thì 12 chi tộc thống nhất về một mối, lập thành vương quốc Israel. Sau khi vua Solomon (965~930 trước CN) mất thì đất nước bị phân liệt thành hai miền Nam Bắc, miền Bắc là vương quốc Israel do 10 chi tộc cai trị, thủ đô là Samaria, còn miền Nam là vương quốc Judah do 2 chi tộc còn lại (trong đó có tộc Judah) cai trị, thủ đô là Jerusalem.

Năm 722 trước CN, Bắc vương quốc Israel bị người Assyria tiêu diệt, tầng lớp lãnh đạo trong 10 chi tộc bị bắt làm tù binh, dẫn về Assyria, nhưng số người còn lại của 10 chi tộc sau đó không rõ là đã đi đâu. Việc này hoàn toàn không có tài liệu văn thư nào ghi chép lại nên 2 chi tộc còn lại ở Nam vương quốc Judah gọi họ là "10 chi tộc mất tích". Cũng có tiên tri cho rằng sau khi bị Assyria chinh phục, 10 chi tộc này đã chuyển đến nơi không bị quấy rầy để nâng cao tín ngưỡng của mình (Ezra, chương 4, 13:39~47).

Đến năm 586 trước CN, Nam vương quốc Judah của 2 chi tộc còn lại bị  vương quốc Tân Babylonia tiêu diệt, tầng lớp lãnh đạo bị bắt về Babylon làm tù binh nhưng để củng cố mối liên hệ về mặt tôn giáo, họ lấy Lề luật(Torah) làm chỗ dựa tinh thần thay cho thủ đô Jerusalem và điện thờ đã mất, xác lập nên Do Thái giáo, thứ tôn giáo xem trọng Lề luật chứ không chỉ điện thờ. Sau khi tộc Judah ly tán, họ được gọi là người Do Thái (Judah).

Hiện tại có 2 cách phân biệt người Do Thái, đó là những người tín ngưỡng Do Thái giáo (tôn giáo chỉ tin vào kinh Cựu ước, không tin vào Tân ước) (đoàn thể tôn giáo) và những người có cha mẹ là người Do Thái (đoàn thể dân tộc). Có thuyết cho rằng người Israel đương thời là giống dân da màu, còn người Do Thái da trắng (Ashkenazim) là do người Khazar cải đạo sang Do Thái giáo và xưng là người Do Thái vào thế kỷ thứ 8. Cũng có thuyết cho rằng người Do Thái được đề cập trong "Nhật Do đồng tổ luận" là người Do Thái da màu (Sephardim), và việc cùng chung tổ tiên là chỉ Abraham và Jacob.

Theo sách Ezra cuốn 4 (còn gọi là cuốn 2), từ 13:39 có viết "Đám đông xuất hiện trong huyền ảo đó là... 9 bộ tộc (tùy theo bản chép mà số lượng khác nhau, 9 bộ tộc, 9 bộ tộc rưỡi, 10 bộ tộc). Họ xa lìa đám dị giáo đồ, đến đất nước mà tổ tiên họ chưa từng sống,  cùng nhau gánh vác kế hoạch để bảo vệ những quy tắc đã không thể bảo vệ được ở đất nước mình và tiến về nơi đất nước xa xôi...... Đó là vùng đất gọi là Alzaret (tiếng Do Thái, nghĩa là một vùng đất khác, hoặc nơi cùng trời cuối đất). Họ sẽ sống tại đó cho đến tận cùng...."

Còn sách Ezekiel 37 có viết "Chúa thần nói như thế này..... Hỡi con dân của ta, khi ta mở ngôi mộ của các vị... thì các vị sẽ ngộ ra rằng ta chính là chúa..... Ta đã lấy cái cây của Joseph đang trong tay Ephraim và bộ tộc Israel, bạn của Joseph, hợp nhất với cái cây của Judah để làm thành một cây.... Ta để họ thành một đất nước ở núi non Israel, vùng đất của ta. Một người làm vua sẽ trở thành vua của tất cả họ. Họ sẽ không bao giờ trở thành 2 đất nước lần nữa, không bao giờ bị chia cắt thành 2 vương quốc nữa.... Khi chốn thần thánh của ta được đặt vĩnh cữu giữa họ thì dân các nước khác sẽ biết được rằng ta là vị chúa thánh hóa Israel".

Kinh cựu ước cho rằng Noah là hậu duệ đời thứ 10 của Adam, con người đầu tiên. Noah có 3 người con là Shem-tổ tiên của người da vàng, Ham-tổ tiên của người da đen và Japheth-tổ tiên của người da trắng. Ở đây có điểm cần chú ý để tránh hiểu nhầm là chung quanh vùng đất Israel đương thời, ngoài người Isael cổ đại, còn có nhiều dân tộc khác sinh sống, và vì kinh cựu ước được viết với góc nhìn của người Israel hoặc các dân tộc trong ngữ hệ Shem, chẳng hạn như người Arameans nên chỉ có thể xem người Israel cổ đại (người Do Thái) đã rời xa đất Israel và tản mác đi các nơi khác, không có nghĩa là người Do Thái cổ đại có diện mạo giống Á châu và người Nhật hiện đại, cũng không có nghĩa là người Do Thái là tổ tiên của toàn nhân loại.

Khởi nguồn

Khi Nicholas McLeod đến Nhật vào thời Meiji (Minh Trị) để mậu dịch thì ông có nhận thấy nhiều điểm tương đồng giữa Nhật Bản và Do Thái cổ đại nên bắt đầu điều tra, và cũng là người đầu tiên đề xướng, hệ thống hóa "Nhật Do đồng tổ luận". Lịch sử của "Nhật Do đồng tổ luận" bắt đầu từ cuốn sách "The Epitome of The Ancient History of Japan" do Nicholas viết bằng tiếng Anh, xuất bản ở Nhật (1878). Nội dung cuốn sách còn được trích dẫn trong mục "10 chi tộc mất tích" của cuốn "Do Thái đại bách khoa sự điển" xuất bản ở New York năm 1901. Nicholas cũng là nhân vật đề xuất "Hàn Do đồng tổ luận", cho rằng người Đại Hàn có chung nguồn gốc với người Do Thái. Vì vậy nên có nhiều ý kiến cho rằng Nicholas là nhân vật ba phải, bất cứ gì cũng liên kết với 10 chi tộc mất tích được. Nicholas chủ trương rằng phần lớn trong 10 chi tộc mất tích đã đi qua làng Herai tỉnh Aomori, làng Amami thuộc Okinawa và bán đảo Triều Tiên để đến chùa Kurama, Nhật Bản. Còn chi tộc Dan còn lại thì ở lại bán đảo Triều Tiên. Các thuyết này về mặt lý luận đều mang tính hợp lý.


Điểm giống nhau giữa Thần đạo của Hoàng thất và Do Thái giáo

Chiếu cải cách Taika

Cuộc cải cách Taika (Đại Hóa)có những điểm tương đồng với Lề luật(Torah)của Moses và được Joseph Eidelberg chỉ ra trong cuốn "Nihon shoki và khởi nguồn Do Thái của tiếng Nhật" (Tokuma Shoten xuất bản). 
Cải cách Taika (Đại Hóa) là cuộc cải cách năm 654 do trung tâm là dòng họ tư tế Thần đạo (Shintō) là Nakatomi gây ra để lật đổ dòng họ Soga thuộc nhánh Phật giáo đang chuyên quyền lúc đó, nhất thời phục hưng Thần đạo dù lúc này toàn bộ thư tịch của Triều đình đã cháy sạch do họ Soga phóng hỏa. Khoảng thời gian từ cải cách Taika cho đến khi ban hành chế độ Luật lệnh Taihō (Đại  Bảo) năm 701 là quá trình hấp thu văn hóa Đường quốc và phục hưng, chế độ hóa Thần đạo. Nội dung cuộc cải cách Taika lấy trung tâm là những điểm trọng điểm của Thần đạo đương thời và có nhiều điểm tương đồng với kinh Cựu ước.

Niên hiệu đầu tiên ở Nhật Bản là Taika (Đại Hóa), giống với từ là thQWH (tikvah) trong  tiếng Hebrew, nghĩa là "hy vọng" (quốc ca Israel hiện tại là:Hatikvah (H.thQWH): niềm hy vọng). Niên hiệu Taika bắt đầu từ mồng 1 tháng 7 (Âm lịch) năm thứ 4 của Thiên hoàng Kōgyoku, trong khi ngày mồng 1 tháng 7 theo lịch Do Thái (tính theo lịch Gregorio rơi vào khoảng tháng 9~10) là lễ Rō’š hašŠānāh (lễ tân niên), là ngày khởi đầu của năm (Thượng đế nói với Moses rằng: "hãy nói lại với người Israel, ngày đầu tiên của tháng thứ bảy là ngày an tức nghỉ ngơi, phải tuân theo và thổi kèn làm từ sừng động vật để kỷ niệm, lấy đó làm ngày tụ họp linh thiêng. Các ngươi không được làm bất cứ công việc gì. Các ngươi hãy đốt lửa và mang theo hiến vật để dâng lên Thượng đế...", Levi ký (23:24) tức sách Levi)

Trong khi chính phủ Taika (Đại Hóa) ở Nhật Bản lấy ngày 14 tháng 7 (âm lịch) làm ngày tập hợp hiến vật dâng lên cho thần thánh thì trong Do Thái giáo, ngày 15 tháng 7 là ngày bắt đầu lễ "nhà tạm" (Sukkot, một trong ba lễ hội lớn của Do Thái giáo, người ta dựng căn nhà tạm nơi đồng dã, thu hoạch nho để cảm tạ thần thánh, kỷ niệm lối sống nơi hoang dã sau khi tổ tiên thoát khỏi Ai Cập). Tuy nhiên, theo lịch Do Thái thì một ngày bắt đầu từ khi mặt trời lặn, cho nên nếu tính theo lịch Gregorio thì lễ"nhà tạm(Sukkot)" bắt đầu từ khoảng 18 giờ ngày 14 tháng 7). 

Trong chiếu chỉ cải cách có viết "đứa con sinh ra giữa nam nô lệ và nữ nô lệ sẽ thuộc về bên nô lệ", nội dung này cũng tương đồng với "Xuất Ai Cập ký(sách xuất hành)" (21:4) kể về việc Moses lãnh đạo dân Israel thoát khỏi Ai Cập. Ngoài ra, chiếu cũng viết việc phân chia đất đai phải ứng với số người trong gia đình, tương đồng với sách "Dân số ký" (26:54) của người Israel, cấm cắt tóc khi người thân chết, giống với sách "Levi ký", (21:5), định rõ hạn định trong trường hợp đền bù đối với vật vay mượn, giống với nội dung trong "Xuất Ai Cập ký" (22:13).

Việc thờ thần của Hoàng thất

Sau cải cách Taika, Thần đạo được chế độ hóa để trở thành nghi thức của Hoàng thất, và trong số nhiều quy định trong lệnh thờ cúng của Luật lệnh Taihō (Đại Bảo) năm 701, có nhiều bộ phận được truyền thừa đến tận ngày nay. Lệnh thờ cúng của Luật lệnh Taihō, ngoài việc ban hành các dịp lễ lớn như Daijō-sai (Đại thường tế) (lễ Shinjō-sai đầu tiên sau khi Thiên Hoàng lên ngôi, chỉ tổ chức một lần trong đời. Lễ dâng cốc vật mới trong năm lên nữ thần Thái Dương Amaterasu Ōmikami) và Shinjō-sai (Tân thường tế) (Thiên Hoàng dâng cốc vật trong năm lên thiên thần địa kỳ) còn ấn định lễ Ōharai (lễ diệt tội, tẩy uế). Theo thần thoại Nhật Bản, khi nữ thần Amaterasu Ōmikami ra khỏi hang núi Ama-no-Iwato thì thần Ama-no-Koyane-no-Mikoto đọc lời khấn nguyện lên thần thánh để thanh tịnh hóa tội lỗi của Susa-no-o, và dòng họ Nakatomi là con cháu của Koyane kế thừa nghi lễ này đến tận ngày nay. Lễ Ōharai được tiến hành vào ngày 30 tháng 6 và 31 tháng 12, trùng khớp với trong Do Thái giáo. Trong văn tế đọc trong lễ Ōharai có đề ra những điều cấm, chia thành hai loại là "tội ở trời (Amatsu tsumi)" và "tội ở đất nước (Kunitsu tsumi)" tương đồng với những điều cấm trong kinh Cựu ước như tội gieo hai thứ hạt (Levi ký 19:19), tội loạn luân (Levi ký  18:6~), tội làm tổn thương thân thể người (Levi ký 19:28), chú thuật (Thânmệnhký (sách đệ nhị luật), 18:11), người có bứu (Levi ký 21:20)

Như đã nói trên, lễ Daijō-sai (Đại thường tế) và lễ Shinjō-sai (Tân thường tế) là nghi lễ dâng cốc vật thu hoạch được lên thần linh, và nhất là trong lễ Daijō-sai có dựng nhà tạm, và ngày lễ Sukkot của người Do Thái cũng là lễ đồ thu hoạch được và dựng nhà tạm để kỷ niệm việc tổ tiên sau khi trốn khỏi Ai Cập, đời đời sống trong những căn nhà tạm.

Bát Chỉ Kính

Các đời Thiên Hoàng khi lên ngai đều được kế thừa 3 loại thần khí là Bát Chỉ Kính(Yata-no-kagami), Thiên Tùng Vân Kiếm(Ama-no-murakumo-no-tsurugi)hay còn gọi là Thảo Thế Kiếm (Kusanagi-no-tsurugi) và Bát Thước Quỳnh Câu Ngọc (Yasakani-no-magatama). Về chiếc gương Bát Chỉ Kính thì có những chuyện như dưới đây.
Trong bài tiểu luận "Nhật Bản thần bí" của mục sư Ikuta Meshunzō thuộc giáo hội Kiyome có thuật lại chuyện một tiến sĩ S nọ thuộc học viện A tìm đến học viện kinh thánh để gặp ân sư thì được vợ của ân sư kể cho câu chuyện rằng mặt sau của Bát Chỉ Kính trong cung có khắc hoa văn, nhưng sau này mới phát giác rằng những hoa văn đó là văn tự Hebrew, khi nhờ giải mã thì biết được đó là đoạn 14 của chương 3 trong "Xuất Ai Cập ký (sách xuất hành)", rằng: "ta là đấng tồn tại".

Tam chủng thần khí của Hoàng gia Nhật Bản và tượng Koma-inu trước cổng đền thờ

Liên quan đến việc này, trả lời câu hỏi của mục sư Ozaki Kyōichi trong buổi tọa đàm Nhật-Do được tổ chức tại nhà doanh nhân Michael Kogan (người Do Thái gốc Ô Khắc Lan (Ukraina), người sáng lập tập đoàn Taitō) vào ngày 25 tháng 1 năm 1953 (Shōwa 28), ngài Mikasa-no-miya (Hoàng tử thứ 4 của Thiên Hoàng Taishō)  trả lời rằng bản thân ngài cũng như Thiên Hoàng Shōwa chưa từng nhìn thấy chiếc gương và sẽ tiến hành điều tra. Trong bản tin Tōkyō buổi tối 26 tháng 1 năm 1953 có đăng rằng họ Mikasa sẽ điều tra nguồn gốc Do Thái của chiếc gương thần ("Mikasa Will Check the Hebrew Words on the Holy Mirror!")


Sư tử và thú một sừng

Sư tử và thú một sừng giữ một ý nghĩa quan trọng trong Hoàng gia Nhật Bản và Thần đạo (Shintō), nhưng sư tử là biểu trưng của tộc Judah, còn thú một sừng lại là biểu trưng của vương tộc Joseph thuộc Bắc vương quốc Israel. Trong điện Seiryō thuộc khu Hoàng cung cũ ở Kyōto được cho là có biểu trưng sư tử (lion) và thú một sừng (unicorn), trên mũ miện của Thiên Hoàng cũng có vẽ hình thú một sừng (sách "Giải mã bí ẩn nền văn minh cố hữu Nhật Bản bằng Do Thái", Tokuma shoten xuất bản). Hiện tại trong điện Seiryō ở Kyōto vẫn còn chiếc ghế của Thiên Hoàng, phía trước có một cặp thú Koma-inu có sừng và không sừng. Ở phần bệ của đài cao dành cho Thiên Hoàng ngồi khi lên ngai (Takamikura) có tranh vẽ sư tử và thú một sừng (Kỳ Lân). Trong cuốn "Đại bách khoa sự điển" và cuốn "Thế giới đại bách khoa sự điển" do Heibonsha xuất bản có viết về con thú Koma-inu rằng: "Vào thời Heian.....phía trước ngự trướng (ghế ngồi của Thiên Hoàng) và..... có đặt sư tử và Koma-inu. Con thú mở miệng là sư tử, được đặt bên trái, con thú ngậm miệng, đầu một sừng là Koma-inu, được đặt bên phải".
Ngoài ra còn có ghi chép rằng con thú Koma-inu ở đền thờ Shimogamo ở Kyōto cũng có một sừng. Trong cuốn "Koma-inu Jiten" do Ebisu Kōshō xuất bản có đăng ảnh hình vẽ trên cửa lùa ở điện Shishin, khu Hoàng cung cũ cũng có dạng tương tự. Ngoài ra còn có nhiều ảnh Koma-inu có một sừng ở đền thờ Yasaka. Gia đình đại tài phiệt Do Thái là Rothschild cũng có biểu trưng là hình ảnh sư tử và Unicorn. Ở các nơi trên Thế giới đều thấy có lệ đặt hai tượng sư tử hai bên lối vào một công trình kiến trúc và được cho là bắt nguồn từ việc đặt hai sư tử hai bên ngai vua trong thần điện Solomon thời cổ đại (Liệt vương ký(sách các vua)10:19).


Biểu trưng của họ Rothschild  và biểu trưng của tộc Judah


Lăng Thiên Hoàng Nintoku và chiếc bình Mana

Lăng của Thiên Hoàng Nintoku ở thành phố Sakai thuộc phủ Ōsaka được cho là có hình dạng giống với chiếc bình Mana (pot of manna / jar of manna), một trong ba loại thần khí của người Do Thái chứa trong chiếc hộp khế ước (Ark of the Covenant). Luận cứ của việc này là lăng có chỗ phồng to ra như phần quai cầm và thân chiếc bình. Tùy vào cách nhìn mà còn thấy lăng có hình dạng lỗ khóa, đổi hướng nhìn khác lại thấy giống chiếc bình. Phần trước của lăng có hình thoi, phần sau hình tròn.



Lăng mộ Thiên Hoàng Nintoku và chiếc bình Mana

(Còn)

2 bình luận :

 
Top