Thần Inari, hay Inari Đại minh thần (稲荷大明神 - Inari Daimyōjin) là vị thần chi phối ngũ cốc, thần nông nghiệp trong thần thoại Nhật Bản. Trên khắp nước Nhật có khoảng 3 vạn đền thờ vị thần này, nhưng lớn nhất là đền thờ Inari ở Fushimi, thuộc cổ đô Kyōto. Đền thờ này được xây dựng từ năm Wadō  thứ 4 (711 Tây lịch) và kể từ đó, nơi này trở thành tâm điểm của tín ngưỡng Inari, nơi người Nhật đến để cầu nguyện phong thuận vũ điều, ngũ cốc được mùa, mua may bán đắt, người người được hạnh phúc.





Đền thờ Inari ở Fushimi, Kyōto

Đền thờ Inari ở Fushimi là địa điểm quay phim của bộ phim Hollywood năm 1997 là "Memoirs of a Geisha" (tên phát hành ở Nhật: "Sayuri"). Kể từ đó, đền thờ này đón một lượng du khách lớn đến viếng thăm hàng năm. Điểm độc đáo nhất của đền Fushimi Inari là hơn 10.000 cánh cổng Torii nằm san sát nhau trên một đoạn đường dài, và nhiều tượng cáo (hồ ly) trong khuôn viên. Người ta cho rằng con cáo (hồ ly) là sứ giả của thần Inari nên đôi khi cái tên Inari còn được dùng để chỉ hồ ly.
Năm 2014, đền Fushimi Inari được bầu chọn là địa điểm du lịch được người ngoại quốc yêu thích nhất. Không chỉ vậy, đền Fushimi Inari còn nổi tiếng bởi 10 điều kỳ thú như dưới đây.

#1 Tục gieo đất

Phía sau chính điện của đền Inari là ngọn núi Inari. Núi này được xem là thánh địa của thần Inari giáng lâm khi xưa. Inari là vị thần cai quản ngũ cốc nên người ta cho rằng nếu lấy đất từ núi Inari đem về rải xuống ruộng thì ngũ cốc sẽ xum xuê. Thời xưa người ta lấy viên đất to bằng hạt cơm từ trên núi Inari, bên ngoài sơn bạc và gọi là "Tsubotsubo", đem rải xuống ruộng trong lễ cầu được mùa. Viên đất Tsubotsubo sau phát triển thành hình nhân bằng đất sét. Ngày nay hình nhân Fushimi được xem như một món đồ chơi đặc sắc của địa phương. Đến nay, khi có hình nhân đất sét hay chuông đất sét vỡ thì người dân đem mảnh vỡ chôn trong khu đất của nhà mình như một vết tích của tục gieo đất xuống ruộng để cầu được mùa khi xưa.

Hình nhân đất sét ở Fushimi, tay cầm viên đất sơn màu bạc bên ngoài

#2 Xin lộc đầu năm

Hàng năm cứ vào tháng 2 Tây lịch, lễ hội "Hatsu uma Taisai" (sơ ngọ đại tế, lễ hội lớn của ngày ngọ đầu tiên trong năm) được tổ chức tại đền thờ Fushimi Inari để tưởng nhớ thần Inari giáng lâm vào năm Wadō thứ 4. Kể từ thời Heian thì đây là lễ hội thần Inari lớn nhất trong năm. Trong ngày này, người đến tham bái được ban cho "lộc" là một nhành cây sam (Sugi).
Cây sam (cây Sugi) được cho là cây thần của thần Inari. Ngày xưa, người đến tham bái trong ngày sơ ngọ nhất định phải bẻ một cành cây sam, mang về nhà trồng trong vườn hay chậu nhà mình. Nếu cành cây mọc rễ thì đó là dấu hiệu "cát" (tốt lành), còn nếu cành cây không mọc rễ thì đó là điềm "hung" (xấu). Ngày nay người ta không còn bẻ cành nữa mà cành cây sam được các tư tế ban cho người đến tham bái để làm bùa cầu mua may bán đắt, trong nhà bình an.





#3 Nghìn cánh cổng Torii

Cổng Torii là điểm đặc trưng của những ngôi đền Thần đạo, ngăn cách cõi thế tục với không gian của thần linh. Cổng Torii được sơn màu đỏ, gồm 2 cột dọc đỡ 2 thanh xà bên trên.

Từ chính điện của đền Fushimi Inari theo đường leo lên núi Inari có vô số cánh cổng Torii sơn đỏ đứng san sát nhau tạo thành cảnh quang thần bí. Con đường này còn được gọi là "đường hầm đỏ", tên gọi khác là con đường "nghìn cánh cổng Torii" (Sembon Torii). Tuy gọi là nghìn cổng nhưng số lượng thực tế là hơn10.000 cổng trên suốt con đường dài 4 km.
Tục truyền rằng người nào mang tín ngưỡng Inari và có ước nguyện mong thành sự thật thì phải đi qua hết những cánh cổng này. Cũng có thuyết giải thích rằng những cánh cổng này là do những người theo tín ngưỡng Inari từ thời Edo cúng dường vì ước nguyện của họ đã thành sự thật. 

Lý do lớn nhất khiến người ngoại quốc yêu thích đền thờ Inari ở Fushimi này chí là con đường nghìn cổng Torii. Đứng trước hàng cổng, người ta cảm thấy như đang ở trong một thế giới phi hiện thực, mang đầy màu sắc thần bí của thần thoại Nhật Bản.






# 4 Đá nặng nhẹ


Đi qua khỏi nghìn cánh cổng Torii, có một chỗ gọi là "Oku no in". Tại đây có cặp đèn đá và phía trên đèn đá có hòn "đá nặng nhẹ" (Omokaru ishi). Du khách có thể đứng trước đèn đá bên trái hay bên phải tùy thích để cầu khấn, sau đó dùng hai tay để nâng đèn lên. Nếu như cảm thấy đá nhẹ hơn mình dự định thì lời khấn nguyện sẽ thành công, nếu ngược lại thì thất bại. Người ta nói phàm là người mang ác nghiệp thì có dùng sức thế nào đi nữa cũng không thể nâng hòn đá lên được.



# 5 Ao Shin-ike

Ven đường từ chỗ đá nặng nhẹ tiến về phía ngã 3 đường có cái ao lớn tên là Shin-ike (Tân Trì, ao mới). Truyền thừa cho rằng nếu người nào muốn tìm người bỏ nhà đi hay đi lạc thì chỉ cần đến ao này vỗ tay thì nhất định sẽ tìm được manh mối người đi lạc nhờ vào phương hướng của tiếng vọng lại.
Ngoài ra bên bờ ao còn có chỗ lễ bái gọi là "Kumataka-sha", khi vào đó khấn vái rồi hướng về ao Shin-ike mà vỗ tay 2 lần. Nếu như tiếng vọng lại có cảm giác từ xa thì nguyện vọng sẽ lâu thành sự thật, còn nếu tiếng vọng gần thì sẽ chóng được toại nguyện.
Vì đều liên quan đến tiếng vọng nên ao này còn có tên khác là "Kodama-ike" hay "Kodama-ga-ike", nghĩa là "ao tiếng vọng" và có vẻ như cái tên này phù hợp với sự thần bí của nó hơn.




#6 Đá kiếm

Sâu bên trong núi Inayama có ngôi miếu tên là "Mitsurugi-sha" (Ngự kiếm xã), phía sau có tảng đá khổng lồ buộc dây Shime-nawa được cho là đá thần và gọi là "Tsurugi ishi" (Kiếm thạch). Truyền thuyết cho rằng Lôi thần (thần sét) ngày xưa bị giam trong tảng đá này nên còn có tên là "Kaminari ishi" (Lôi thạch, đá sét). 
Bên cạnh miếu có giếng nước được gọi là "nước nung kiếm". Theo truyền thuyết thì người thợ rèn kiếm thời Heian là Sanjō Kokaji Munechika đã dùng nước trong giếng này để rèn nên danh kiếm "Kogitsune-maru" với sự trợ giúp Kogitsune, con hồ ly sứ giả của thần Inari.



Trong số nhiều ngôi miếu trên núi Inari thì "Mitsurugi-sha" là nơi linh thiêng nhất. Khi đến đây thì du khách cảm thấy lâng lâng, cảm giác như các linh thể đang thấm vào trong người.


#7 Vô số nấm mồ



Trong núi Inari có một nơi với vô số đền thần tí hon được gọi là "O-tsuka" (nấm mồ), trước những đền thần này là những cánh cổng Torii tí hon tạo nên cảng quang kỳ dị. Thực tế những cánh cổng này là do những người mang tín ngưỡng Inari cúng dường, xem như đây là thần bảo hộ cá nhân. Vì cá nhân cúng dường nên kích cỡ, cách thờ cũng thiên sa vạn biệt. So với nhiều nơi khác trong quần thể đền thờ Inari thì nơi này có lịch sử khá gần đây, bắt đầu từ thời Meiji mới có. Đến cuối thời Meiji thì hình thành như ngày nay.
Theo thống kê thì đầu thời Shōwa có 2.500 nấm mồ tí hon này, đến năm Shōwa thứ 40 thì đã hơn 7.000 còn hiện tại không dưới 10.000


#8 Cổng Nune Torii

Trong núi Inari có ngôi miếu "Kada-sha" và trước miếu có cánh cổng Torii bằng đá với tên gọi "Nune Torii". Thoạt nhìn thì thấy nó cũng như những cánh cổng Torii khác, nhưng thực ra có một điểm khác biệt giữa hai thanh xà ngang có phần trụ hình mái đền, trong khi ở cổng Torii thông thường chỉ là trụ đứng.
Hình dạng Torii này là cực kỳ hiếm. Ngoài cổng Nune này thì chỉ còn một nơi duy nhất khác có kiểu cổng này, là ở miếu Inari trong đền thờ Nishiki Temman-gū.



Không ai rõ tại sao cổng Torii này lại có hình dạng khác biệt như vậy, cũng như nguồn gốc, ý nghĩa của tên gọi Nune là gì. Mọi thứ liên quan đến cổng Torii này đều là ẩn số.


#9 Nến bà mụ Inari

Dưới chân núi Inari có ngôi miếu tên là "Osamba Inari-sha" (miếu bà mụ đỡ đẻ Inari). Ngày xưa có cặp cáo đực cáo cái đào hang dưới nền đất của miếu này để làm tổ nuôi con. Vì cáo chăm sóc con rất tốt và sinh nở dễ dàng nên được tín ngưỡng là thần chăm con và sinh dễ, vì vậy nên miếu thờ mới có tên này.
Người đến viếng có thể mang ngọn nến cháy dở trên bàn thờ thần đem về nhà châm lửa đốt. Dân gian tin rằng nếu ngọn nến mau cháy hết thì sự sinh nở sẽ được thuận lợi, dễ dàng.



Bên dưới nền đất của ngôi miếu này có 12 lỗ hang cáo, tương ứng với 12 tháng trong năm. Nếu sản phụ đứng trước lỗ hang tương ứng với tháng mình dự định sinh nở mà khấn nguyện thì sẽ vượt cạn dễ dàng.

#10 Miếu Ōhachi-shima

Bên bờ ao Hachi-shima-ga-ike nằm ở phía Tây chính điện có miếu thờ "Ōhachi-shima" thờ Ōhachi-shima. Đây là tên khác của quần đảo Nhật Bản được nam thần Izanagi và nữ thần Izanami khai sinh trong thần thoại. 
Miếu Ōhachi-shima chỉ là bãi đất với cây cối và được hàng rào đỏ bao quanh, mỗi bề chừng 30m. 



Đền thờ này tượng trưng cho quần đảo Nhật Bản, và từ thời cổ đã có quan niệm rằng Nhật Bản là đất của các vị thần.

Ngoài 10 điều thú vị trên, đền Fushimi Inari còn nổi tiếng về những chuyện mang màu sắc thần bí, ma quái. Người ta cho rằng nếu đi thăm đền vào lúc chạng vạng thì rất dễ lạc đường, gặp những chuyện kỳ quái, nhất là ở gần chỗ nghìn cánh cổng Torii và ao Shin-ike.
Có người đi lạc trong núi Inari không tìm được đường về thì nghe sau lưng có tiếng chỉ đường, khi quay lại thì không thấy ai. Lại có người cảm giác đi lạc mất mấy phút nhưng người khác phải đi tìm suốt mấy tiếng. Có người không hợp duyên nên không bao giờ tới được đền dù có đi bao lần cũng vậy.


1 bình luận :

  1. bác này ngâm cứu về văn hoá Nhật Bản bá đạo thật!

    ReplyDelete

 
Top