Ngày 28 tháng 11 năm Meiji thứ 16 (1883) diễn ra lễ khánh thành tòa nhà 2 tầng kiểu Tây "Rokumeikan" (Lộc Minh quán, tòa nhà "nai kêu") dưới sự tổ chức của Ngoại vụ khanh Inoue Kaoru cùng phu nhân Takeko. Tòa nhà Enryōkan là nơi tiếp đãi khách quý ngoại quốc từ trước (mở đầu là đón tiếp Công tước Edinburgh) đến nay nhưng vốn là công trình rẻ tiền, ban đầu được Mạc phủ dựng lên làm trường học hải quân. Khi được chuyển sang làm nơi tá túc cho khách quý ngoại quốc thì tuy bên trong được tân trang lại nhưng tòa nhà cũng không tránh khỏi hư hại vì đã cũ. Vì vậy, rõ ràng là chính phủ cần một tòa nhà mới.
Người thiết kế Rokumeikan là kiến trúc sư Anh quốc Josiah Conder. Tòa nhà có mái kiểu Mansard (kiểu mái có cấu tạo phần trên ít cong, phần dưới góc cong lớn) nên còn được gọi là "phong cách Phục hưng kiểu Pháp". Tuy nhiên phần mái cổng dạng vòm ở mặt trước lại phảng phất phong cách Hồi giáo, trong khi phần cột lại mang ảnh hưởng của Ấn Độ. Chỉ có cách bố trí của hàng cây tùng, ao nước, hàng cọ và đèn đá trong khu vườn là cho thấy nét Nhật Bản trong công trình kiến trúc đa phong cách này. Kiểu dáng kiến trúc của tòa nhà này phản ánh sở thích Quốc tế của Inoue. Sự có mặt của phu nhân Inoue trong lễ khánh thành là điều không thể tưởng tượng ra nổi trong một buổi lễ của quốc gia vào 15 năm trước. Điều này dự báo trước rằng trong tương lai, nữ giới sẽ đóng vai nổi bật trong hoạt động của tòa nhà.

Tòa nhà Rokumeikan được dựng lên trên nền móng dinh thự của cựu phiên trấn Satsuma với tổng chi phí 180.000 En (tòa nhà của Ngoại vụ sảnh đương thời có giá 40.000 En). (1) Dĩ nhiên sự huấn luyện khắc nghiệt kiểu Sparta, đặc trưng của Võ sĩ Satsuma không thể nào sánh được với mục đích sử dụng phù phiếm của tòa nhà mới này. Ngoại quan như những ngôi nhà xuất hiện trong truyện cổ tích đã thay thế cho bức tường uy nghiêm khó gần của dinh thự Võ gia vào cuối thời Mạc phủ. Tòa nhà này tượng trưng cho những thay đổi lớn đã xảy ra chỉ trong 15 năm qua. Xuất phát của tên gọi Rokumeikan bắng nguồn từ "Thư kinh", tập thơ Trung Quốc thời cổ đại, lấy ý từ bài thơ "lộc minh" bàn về lễ nghĩa tiếp đãi khác quý của gia chủ. 

Bài thơ "lộc minh":


U u lộc minh, 
Thực dã chi bình. 
Ngã hữu gia tân, 
Cổ sắt xuy sênh. 
Xuy sênh cổ hoàng, 
Thừa khuông thị tương. 
Nhân chi hảo ngã, 
Thi ngã chu hành



Dịch nghĩa (thivien.net)

Con hươu kêu hoà dịu 
Để gọi nhau ăn cỏ bình ở đồng nội 
Ta có nhiều tân khách tốt 
Thì đánh đàn thổi sáo lên 
Thổi sao thổi kèn lên 
Hãy bưng cái rổ đựng hàng lụa để ta trao tặng tân khách 
Những người mến thích ta 

Hãy chỉ cho ta nẻo đường nào to tát (để ta noi theo)

Tên gọi hoàn toàn thích hợp với mục đích của tòa nhà mới này. Chức năng chính của nó là tiếp đãi khách quý ngoại quốc. (2) Như vậy, người ngoại quốc không còn bị coi là kẻ phiền toái bất tịnh làm vấy bẩn đất nước của những vị thần nữa, mà giờ đây họ được tiếp đãi tử tế, đầy kính ý tại tòa nhà Rokumeikan này.
Ngoài ra Rokumeikan còn một chức năng quan trọng khác, đó là chứng minh cho người ngoại quốc thấy rằng giờ đây người Nhật đã vứt bỏ quá khứ cổ hủ, có thể theo lễ nghi phép tắc kiểu Âu trên bàn ăn hay những quy tắc trong hội khiêu vũ kiểu Tây. Những bữa ăn được phục vụ ở Rokumeikan đều hết sức tỷ mỷ, phần nhiều đều có Menu bằng tiếng Pháp. Những buổi khiêu vũ tổ chức ở đại sảnh là nơi các quý ông Nhật Bản mặc trang phục dạ hội, những quý bà khoát lên mình bộ thời trang Paris cùng nhau say sưa nhảy múa trong giai điệu Waltz, điệu Polka, điệu Mazurka, điệu Galop mới nhất của Âu châu do đội quân nhạc lục hải quân biểu diễn. Đây cũng là nơi để người ngoại quốc sống ở Tōkyō dạy cho những người chưa biết cách khiêu vũ. 
Những luận khách bảo thủ Nhật Bản tham gia vào hội khiêu vũ thường chau mặt nhíu mày, cảnh cáo rằng nam nữ ôm nhau trước mặt công chúng là hành vi cực kỳ vô đạo đức. Chẳng hạn một bài báo đương thời viết về khiêu vũ như sau:

"Quý cô tựa đầu vào vai nam tử rồi hướng khuôn mặt xinh đẹp về bên tai của nam tử. Cánh tay nàng quàng ra sau cổ nam tử, hai bộ ngực phập phồng chạm nhau, lên xuống nhịp nhàng theo hơi thở như nhịp sóng. Hai đôi chân hòa quyện vào nhau như thể dây leo bám quanh gốc tùng. Cánh tay rắn chắc của nam tử vòng quanh eo quý cô, cứ mỗi nhịp lại kéo nàng sát vào cơ thể mình. Ánh mắt lưu lệ của cô dán chặt vào nam tử nhưng không nhìn thấy gì vì ánh sáng chói chang. Âm nhạc khuấy động cô nhưng tai cô không nghe thấy gì ngoại trừ âm hưởng vang vọng của ngọn thác từ nơi xa xôi. Cô di chuyển như trong giấc chiêm bao, toàn thân bám chặt lấy nam tử. Thử hỏi đến nước này thì đức hạnh của trang thục nữ đã vứt đi đâu?" 

Nhiều người Nhật đều có chung phản cảm về mặt đạo đức như thế này đối với hội khiêu vũ. Tuy nhiên những người ở tầng lớp thượng lưu nghĩ rằng đây là thú vui thiết yếu về mặt xã giao. Để cải thiện kỹ thuật khiêu vũ, họ tham gia vào những buổi luyện tập vào mỗi tối được tổ chức ở Rokumeikan từ tháng 10 năm Meiji thứ 17 (1884). Ký sự đương thời viết về việc này như sau:

"Phu nhân của Tham nghị Inoue, Tham nghị Ōyama, ngài Mori Văn bộ sảnh cùng lệnh nương của các quan chức cao cấp khác tập trung tại Rokumeikan ở phố Yamashita từ 6 giờ chiều ngày 27 để luyện tập khiêu vũ. Đây là buổi luyện tập cho tiết Thiên trường vào ngày mùng 3 tháng sau. Các quý bà quý cô này đã luyện tập thuần thục nhưng nếu các quý ông chưa thạo kỹ năng này thì thật khó coi trong lễ dạ hội. Các quan chức Ngoại vụ, Cung nội đều đã bắt đầu luyện tập khiêu vũ từ trước nhưng có tin đồn rằng không biết liệu có kịp cho ngày 3 tháng sau hay không". 

Có lẽ những người nhảy múa ở Rokumeikan không suy nghĩ gì khác ngoài việc thể hiện những bộ trang sức đắt tiền và khả năng khiêu vũ của mình. Tuy nhiên Inoue Kaoru mong đợi sẽ thuyết phục được người ngoại quốc thông qua việc đào sâu thêm mối quan hệ với họ về mặt sở thích. Mục đích cuối cùng của Inoue là bãi bỏ trị ngoại pháp quyền, muốn thuyết phục liệt cường rằng người Nhật Bản đã đạt tới tầm cap của chuẩn mực văn hóa Âu châu nên người Nhật cần phải được đối xử ngang hàng. Trị ngoại pháp quyền là biểu tượng của lòng bất tín của người Âu châu đối với nền tư pháp Nhật Bản và là một ví dụ điển hình thể hiện sự ưu việt của người ngoại quốc đối với người Nhật Bản.


Không biết tòa nhà hưởng lạc Rokumeikan cống hiến được bao nhiêu phần ý nghĩa trong việc chấm dứt hiệp ước bất bình đẳng. Trái với sự mong đợi từ phía Nhật Bản, người Âu châu trong buổi khiêu vũ không hề thấy ấn tượng với những nỗ lực của người Nhật nhằm chứng minh rằng mình có thể hành động theo kiểu Âu châu. Sự thật là người Âu châu nhìn nam nữ Nhật Bản trong những bộ trang sức ngoại quốc đắt tiền với con mắt kỳ dị, thậm chí là khôi hài. Trong bức biếm họa của mình, họa sĩ Pháp Georges Bigot vẽ một đôi nam nữ đứng trước gương. Phần tóc của người nữ được bôi keo, dựng đứng lên trên như chiếc mũ trụ, trên cắm một chiếc lông đà điểu. Chiếc váy xòe cùng cái ô trên tay đều là hàng thời trang thanh lịch đang thịnh hành ở Paris. Người nam có bộ ria mép được cố định bằng sáp, tay cầm chiếc mũ nồi bằng lụa. Bên dưới chiếc áo thanh nhã là cặp chân như hai que diêm. Hình ảnh phản chiếu trong gương là một đôi khỉ. 




Bức biếm họa không chút khoan dung này của Bigot có tựa đề "quý ông quý bà gặp nhau xã giao". Đây chính là hình ảnh người Nhật Bản ở Rokumeikan phản chiếu trong mắt người ngoại quốc. Bigot đến Nhật năm Meiji thứ 18 và được mời đến dự buổi khiêu vũ trong tiết Thiên trường (sinh nhật của Thiên Hoàng) viết về trải nghiệm của mình trong nhật ký và cuốn tiểu thuyết "hội khiêu vũ Edo".  Ấn tượng của một người khách về hội khiêu vũ ở Rokumeikan như sau:

"Hội khiêu vũ kiểu Âu châu đầu tiên được tổ chức ngay giữa Tōkyō chỉ là trò khỉ bắt chước. Những cô gái trẻ mặc bộ đồ vải muslin, đeo găng lên đến tận khuỷu tay, kẹp quyển sổ trắng như ngà voi giữa những ngón tay, ngồi trên ghế và nở nụ cười gượng. Có lẽ đôi tai của các cô cảm thấy khó hiểu với những giai điệu Tây của chúng ta, nhưng họ vẫn nhảy được điệu Polka và điệu Waltz theo giai điệu Operetta. (giản lược)
Sự bắt chước kệnh cỡm này khiến người ngoại quốc thấy thích thú nhưng nó cũng cho thấy rằng quốc dân nước này không có niềm hứng thú và hoàn toàn thiếu vắng lòng tự hào dân tộc". 

(Trích đoạn trong sách "Thiên Hoàng Minh Trị")

0 bình luận :

Post a Comment

 
Top