Bánh mỳ Nga 

Tác giả: Takahashi Seiryō
(Truyện ngắn đăng trong sách Quốc ngữ dành cho học sinh lớp 6  Nhật Bản)

Vào thời đó, tại khu phố nhỏ nơi tôi lớn lên ở miền Đông Bắc nước Nhật thì bánh mỳ là thứ đồ ăn trân quý, không dễ gì mua được. Đối với bọn trẻ chúng tôi thì chiếc bánh mỳ ngọt thơm phức, mềm xốp là thức ăn quý giá hơn bất kỳ thứ gì hết. 

Những năm đó, có ngôi nhà nhỏ được dựng lên ngay bãi đất trống bên cạnh khu trồng cây vông của nhà tôi. Nó hệt như ngôi nhà trong thế giới cổ tích. Ngôi nhà như chiếc hộp lớn, hai bên có cửa sổ nhỏ và chính giữa có cánh cửa ra vào. Đằng sau ngôi nhà có một ống khói nhô ra.

 

Ngôi nhà nhỏ nhắn, kỳ lạ và trước đây tôi chưa từng thấy bao giờ. Nhưng ngôi nhà không phải là thứ kỳ lạ duy nhất. Những người ở trong đó đều là người ngoại quốc. Khi trông thấy họ thì mọi người đều ngạc nhiên. Trong khu phố nhỏ tôi sống thì hầu như không thể gặp được người ngoại quốc. Vậy mà những người ngoại quốc ấy lại đến đây, dựng ngôi nhà nhỏ và sống trong đó.

Gia đình ngoại quốc đó gồm ba mẹ và hai đứa con trai, con gái nhỏ. Bọn trẻ chúng tôi không biết được hai vị cha mẹ kia bao nhiêu tuổi. Nhưng tôi có cảm giác thằng con trai lớn hơn mình 2, 3 tuổi gì đó, và năm đó tôi đang học lớp 5 ở bậc Tiểu học. Còn đứa con gái thì chắc bằng tuổi em gái tôi, đang học lớp 3. 

Tôi tự nghĩ, không rõ người ngoại quốc đến khu phố hẻo lánh bất tiện này làm gì nhỉ. Và rồi có khói bốc lên từ ống khói nhỏ đó, mùi bánh mỳ nướng ngạt ngào bay ra từ cửa sổ. Một lát sau thì có âm thanh nặng nề vang lên, người ngoại quốc mở cửa bước ra, trên vai đeo cái thùng ghi dòng chữ "bánh mỳ Nga".

Ngoại ngoại quốc đó là người Nga. Ông ta làm nghề bán bánh mỳ. Nhưng tại sao lại phải đến khu phố nhỏ hẻo lánh này để buôn bán. Lúc đó tôi hãy còn là con nít mà vẫn thấy tội nghiệp. Khi hỏi ba tôi thì ông đáp:

- Uhm, chắc là ông ấy không sống được ở đất nước mình.

Tôi lại hỏi:

- Tại sao vậy?
- Chắc là có nhiều lý do... Nhưng tội nghiệp thật đấy. Hẳn là ông ấy đã lang thang nhiều nơi rồi mới đến cái nơi hẻo lánh này...

Ba tôi nói, tỏ vẻ đồng cảm. Mỗi ngày người Nga đó đều ra ngoài, vác trên vai cái thùng nặng nề nhét đầy bánh mỳ. Mỗi khi đó thì thằng con trai cũng vác cái thùng nhỏ, lững thững theo sau.


Ngay cả những người dân phố vốn thấy cái gì mới đều hiếu kỳ, thì ban đầu cũng chỉ đứng nhìn từ xa chứ không dám tới gần. Cứ như họ trông thấy thứ gì đó khủng khiếp lắm. Rồi dần dần cái tên "bánh mỳ Nga" được người người trong phố biết đến. Nhưng ông ngoại quốc vẫn không bán được như mong đợi.

Khu phố quê tôi là một khu phố nhỏ dưới thành. Đó là ngôi thành nhỏ mà ngày xưa chỉ có các vị quan trông giữ khi lãnh chúa đi vắng. Trường học, cơ quan hành chính, công ty và những tòa nhà lớn đều nằm trên ngọn đồi thoáng đãng nhìn xuống dưới phố. Mỗi ngày, cha con ông Nga đều trèo lên đồi để bán bánh mỳ. Khi đi học về thì tụi bạn cùng lớp hay trêu tôi:

- Ê, có ông người Nga chỗ mày tới bán bánh mỳ đó.
- Không phải chỗ tao. Đằng sau nhà tao.
- Cũng vậy thôi mà.
- Khác nhau chứ.


Rồi một đứa bắt chước giọng rao hàng của ông Nga:

- Pánh mề đê, pánh mề Nga xơm ngon đê ai mua hơm~

Nó cất cao giọng, cả bọn phá lên cười. Tôi cảm thấy ghét cái ông Nga dọn đến sống đằng sau nhà mình.

- Pánh mề đê, pánh mề Nga xơm ngon đê ai mua hơm~

Hẳn là ngày hôm đó, ông ta không bán được như mong đợi. Ông Nga đến chỗ bọn trẻ con trên đường tan học về, vừa cất giọng rao bánh.
Trông thấy cảnh đó thì tôi lại có cảm giác như chính mình đang đi rao bánh mỳ, và không biết tại sao lại thấy xấu hổ vô cùng. Nhưng khi nghĩ ông ấy không bán được thì lại có cảm giác tội nghiệp. Hôm đó, tôi về nhà và nói:

- Hôm nay bánh mỳ Nga ế lắm.
  
Nghe vậy, ba mẹ đưa tiền cho tôi, nói:

- Vậy thì con sang mua giúp họ.

Tôi chạy sang, gõ cửa nhà ông Nga. Tôi mở cửa, âm thanh nặng nề vang lên. Tôi nhòm thấy khuôn mặt tươi cười của ông Nga râu ria xồm xoàm. Và ông cũng cho tôi thêm nhiều bánh.
Ba mẹ tôi bán cửa hàng rau quả, thấy vậy liền sai tôi mau rau củ, hoa quả sang biếu nhà ông Nga.


Chắc vì thỉnh thoảng mới được ăn nên tôi thấy bánh mỳ ngon nhất trần đời. Mọi người trong nhà tôi cũng trở nên thích bánh mỳ. Ngay cả bà nội tôi vốn người bài ngoại, ghét lai căn mà cũng cười hỏi tôi:

- Không biết hôm nay ông bánh mỳ bán chạy không nhỉ.

Rồi dần dần bánh mỳ Nga cũng bán được. Thậm chí còn có người tìm đến tận nhà ông Nga để mua. Chúng bạn cùng lớp trước đây trêu tôi, giờ cũng hỏi thăm bao giờ bán hết, nhờ tôi mua hộ chúng lần tới. Và rồi chúng tôi trở nên thân mật với mấy người Nga đó. Hoa vông tím nở một cách đẹp đẽ trong tĩnh lặng.
Em gái tôi và đứa con gái Nga thường chơi đùa ở khu đất trống trước vườn cây vông. Đứa con gái nói nó muốn đi học, thường ca hát nô đùa với em gái tôi.
Còn tôi cũng thân với thằng anh trai. Nó cũng chỉ là đứa trẻ không hơn tôi bao tuổi, nhưng khi thấy nó vác thùng bánh mỳ theo sau ba nó đi bán thì trông nó cứ như người lớn. Khi bán xong, trở về nhà thì quả đúng nó vẫn là đứa trẻ. Tôi thường chơi đánh đáo với nó.
Trở nên thân nhau, tôi với nó thường trộm đồ ăn trong nhà đổi cho nhau. Nó lén lấy bánh mỳ, còn tôi trộm hoa quả. Hai đứa đổi nhau, vừa ăn vừa cười. Thằng con trai kể cho tôi nghe nhiều chuyện ở nước ngoài nên tôi thấy nó vĩ đại hơn bất cứ người lớn nào khác trong phố.

Nhưng rồi có chuyện không hay xảy ra. Nhật Bản phát động chiến tranh ở Mãn Châu. Ngay tại khu phố hẻo lánh xó xỉnh của nước Nhật này thì ai ai cũng đều say sưa bàn chuyện chiến tranh. Lũ trẻ con chúng tôi mỗi ngày đến trường cũng đều nói chuyện chiến tranh như người lớn. Quân ca bỗng nhiên được hát trong phố. Nhiều lính tráng mặc áo xắn tay, được đưa tiễn trong tiếng hô "Vạn tuế" (Banzai) đua nhau ra chiến trường. Trong bầu không khí hối hả này, đâu đó trong phố nghe có tiếng đồn:

- Tay bánh mỳ Nga là gián điệp.

Cả người lớn, trẻ con, ai ai trong phố cũng đều nói vậy. Ông ta đến khu phố hẻo lánh kém tiện nghi này mở hiệu bánh mỳ là để làm gián điệp. Ngay cả lũ bạn ở trường nhờ tôi mua hộ bánh mỳ cũng thì thầm.

- Ông bánh mỳ Nga là gián điệp đó.

Chúng nhìn mặt tôi, nói:

- Ê, chỗ mày có gián điệp đó.
- Chỗ tao làm gì có. Tôi trả lời thì lũ bạn lại nói:

- Sao lại không. Đằng sau nhà mày đó.
- Là cái ông bánh mỳ Nga. Hắn là gián điệp. 

Chúng nói như đó là chuyện hiển nhiên.

- Làm sao biết ông ta là gián điệp hay không.
- Gián điệp chắc luôn.
- Tại sao?
- Thì người lớn đều nói vậy mà.
- Vậy ông ấy gián điệp chuyện gì?

Thấy tôi không cho ông bánh mỳ Nga là gián điệp thì chúng lộ vẻ ngạc nhiên trên mặt. Rồi một đứa bạn cùng lớp nói:

- Thằng này là đồng bọn của gián điệp!
- Đúng đó.
- Đúng rồi đó.

Rồi chúng nó nói như thể tôi là đồng bọn của tên gián điệp vậy. Rồi chúng vây lại, áp đến như để trừng trị cái thằng đồng bọn của gián điệp gây hại cho đất nước. Lần này không phải là trêu đùa nữa, mà chúng chửi rũa như thể căm hận từ tận đáy lòng. Tôi bực lắm, lặng thinh bỏ về nhà, vừa nghĩ rằng ông người Nga đó không thể nào là gián điệp được. Nhưng người lớn ai cũng nói vậy nên tôi đâm bán tín bán nghi, không biết thế nào. Về đến nhà, tôi đem chuyện này hỏi ba thì ông đáp.

- Chà, biết thế nào nhỏ. Chắc không phải gián điệp đâu. Vì chẳng có chứng cứ rõ ràng gì mà...

Ba tôi bần thần, tỏ vẻ đồng tình với gia đình người Nga. Rồi bánh mỳ Nga không bán được nữa. Ngôi nhà của người Nga bỗng nhiên yên lặng, lũ con nít không còn chơi với chúng tôi nữa. Có mấy ông người lớn say rượu lại đến sau nhà tôi, cất giọng thét lớn.

- Tên gián điệp kẻ thù của nước Nhật đang ở đây!

Cuối cùng gia đình người Nga đó dỡ nhà, rời khỏi phố. Nhìn thấy họ đeo cái túi lớn nhét đầy đồ đạc thì tôi lại thấy tội nghiệp cho ông ngoại quốc không chốn nương thân, phải lang thang khắp Thế giới. Gia đình người Nga đó đến nhà tôi để chào tạm biệt. 

- Tôy hơm phải rán điệp đâu.

Ông Nga nói với ba tôi. Ba tôi mỉm cười, đáp:

 - Anh bảo trọng, sống mạnh giỏi hén.

Mẹ tôi lấy hoa quả tặng cho hai đứa trẻ. Ông Nga vừa nói cảm ơn vừa chìa bàn tay to lớn, bắt tay từng người. Mọi người ai nấy đều nở nụ cười, nhưng sao vẫn có chút buồn trong buổi chia tay.
Ngôi nhà của người Nga bị phá, chừa ra một mảnh đất trống nhỏ xíu mà không hiểu sao gia đình 4 người đó có thể sống được. Những táng lá vông lớn đón ánh nắng mùa thu, đu đưa xào xạc khiến khung cảnh trở nên buồn bã. Và tôi cảm giác như đâu đó vang lên tiếng cầu nguyện đêm qua cùng tiếng hát thánh ca trong yên lặng.

Đến bây giờ, mỗi lần ăn bánh mỳ thì tôi đều nhớ đến gia đình ông Nga ngày xưa. Giờ là thời đại mà ai cũng có thể mua bánh mỳ dễ dàng, nhưng tôi cảm thấy chiếc bánh mỳ Nga thuở nhỏ được ăn vẫn ngon hơn nhiều. Và mỗi lần như vậy, tôi cũng nhớ lại nhiều kỷ niệm da diết thời nhỏ.

3 bình luận :

 
Top