Tanaka Fumon và thanh trường kiếm

 Chuyện dân gian tỉnh Fukui

Nhật Bản ngày xưa có rất nhiều cao thủ kiếm thuật, họ được gọi là kiếm hào. Trong số đó có nhân vật Sasaki Kojirō nổi danh với chiêu kiếm "Tsubame-gaeshi" và được ưa chuộng bậc nhất nhì, không kém gì Miyamoto Musashi.
Đây là câu chuyện về Sasaki Kojirō được lưu truyền ở tỉnh Fukui.

Khoảng 400 năm trước, có vị lãnh chúa là Asakura Yoshikage xây thành ở thung lũng Ichijō, xứ Echizen (nay là tỉnh Fukui). Trong số gia thần của chúa có một Samurai là Tomita Seigen rất giỏi kiếm pháp.
Seigen sáng tạo ra kiếm pháp Chūjō-ryū, nổi tiếng vô song ở khắp miền Hokuriku. Món đắc ý nhất của Seigen là kiếm pháp đánh đoản kiếm Kodachi.
Một hôm có đứa trẻ nít tên là Kojirō tìm đến chỗ Seigen, xin làm đệ tử.
"Con muốn mạnh lên. Xin nhận con làm đệ tử."
Vì thoạt nhìn thì thấy Kojirō là đứa trẻ yếu đuối nên Seigen từ chối.
"Con xin thầy. Con muốn mạnh lên. Xin nhận con làm đệ tử."
Dù có từ chối mấy đi nữa nhưng thằng bé vẫn cứ xin làm đệ tử. Đành chịu thua, Seigen nhận Kojirō và cho nó làm chân sai vặt trong võ đường.
Kojirō làm chân sai vặt, thỉnh thoảng có thời gian lại hăng say tập kiếm, đến năm 16 tuổi thì trở thành kẻ sử kiếm giỏi nhất võ đường. Rồi cậu xưng danh là Sasaki Kojirō, những khi Tomita Seigen đi vắng đều được giao lại võ đường thay cho thầy.
Như vậy Kojirō đã mạnh lên theo đúng ước nguyện, nhưng vẫn không thắng được sư phụ.
"Phải làm sao mới vượt qua được sư phụ?"

Kojirō cứ trằn trọc mãi. Rồi một hôm nhìn thấy cây sào tre để phơi đồ thì mới nghĩ rằng
"Ta được thầy dạy đoản kiếm Kodachi, nếu vẫn dùng Kodachi thì thầy lợi hại hơn nên không thể vượt qua được. Nhưng nếu làm thanh kiếm dài ra thì..."

Và rồi Kojirō vứt bỏ đoản kiếm, bắt đầu mang kiếm dài nhưng không dễ gì sử dụng được.
Sư phụ Seigen cũng nói
"Thứ quan trọng bậc nhất trong kiếm là tốc độ. Kiếm dài như vậy thì không vung nhanh được đâu."
Tuy vậy Kojirō vẫn không bỏ cuộc.
Mỗi ngày Kojirō đều luyện tập với thanh trường kiếm, rồi dần dần dùng thành thạo cả thanh kiếm dài đến độ không đeo bên hông được.
Nhưng vẫn không thắng được sư phụ.
Một lần nọ, Kojirō đang ngắm nước chảy dưới thác Ichijō thì một cánh én bay lại, nghiêng mình trên không lượn một vòng rồi bay lên mất.
"Người ta nói én đang bay thì chẳng có cao thủ kiếm nào chém nó được. Nếu như ta chém được én thì không chừng sẽ thắng được thầy."
Vậy là mỗi ngày Kojirō đều ra thác, liên tục thử chém én và cuối cùng luyện được tuyệt kỹ chém rụng én.
Nhờ chiêu đó mà Kojirō thắng được sư phụ, gọi kiếm pháp đó là Gan-ryū, còn tuyệt kỹ chém én gọi là Tsubame-gaeshi. Sau Kojirō lang thang khắp các xứ để trau dồi thêm kiếm thuật.
Chuyện này xảy ra vài năm trước trận quyết đấu với Miyamoto Musashi.

1 bình luận :

 
Top