Sau bài viết "mã bộ trạm thung", chúng tôi nhận được khá nhiều đề nghị viết tiếp về "nhiệt thân pháp". Trong bài này, chúng tôi dịch lại phần hướng dẫn nhiệt thân pháp của Vương Thụy Đình (王 瑞亭) và Lâm Mậu Mỹ (林 茂美).
Nhiệt thân pháp là loạt động tác chuẩn bị trước khi bắt đầu mã bộ trạm thung, mang lại hiệu quả duy trì sức khỏe đáng kể. Khi thực hiện 9 chủng loại động tác này, phần nội tạng chủ yếu trong cơ thể được kích thích, máu lưu thông tốt hơn và tất nhiên, cơ thể phát nhiệt làm đổ mồ hôi. Việc thực hiện hết 9 loại động tác này chỉ tốn chừng 15 phút.
Bài viết được chia làm 3 kỳ, mỗi phần 3 động tác và từng động tác đều có video hướng dẫn. Vui lòng xem thêm video bên cạnh lời giải thích.
* Người mắc bệnh tim mạch và cao huyết áp thì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tập khí công.
1. Xoay vai
Chú ý hướng lòng bàn tay lên trên, xoay cánh tay, khi đến ngang mặt thì trở ra ngoài, khi hạ xuống thì lòng bàn tay cũng hướng xuống dưới. Điều quan trọng ở động tác này là xoay khớp vai cho chắc chắn. Và khi xoay cánh tay cũng không giữ cùng một tốc độ mà nên gia giảm. Về hô hấp thì hít vào khi cánh tay nâng lên, thở ra khi hạ xuống thành nhịp đều. Ngoài ra cũng phải để ý đến hình dạng, góc độ và vị trí lòng bàn tay còn lại. Nên để trước bụng như đang ôm khối "khí" vậy.
Phần thân dưới thì gập đầu gối, tạo thành nhịp chuyển động cơ thể về phía trước-sau, tay bên nào xoay thì chân bên đó bước ra trước, chân ngược lại để sau. Chú ý để xương vai và chân sau tạo thành trục. Chú ý là dù hông chuyển động theo chiều trước-sau nhưng không được chuyển động theo chiều trên-dưới, lưng phải thẳng.
Thực hiện động tác này 7~10 lần, sau đó đổi tay (đổi luôn chân) và cũng thực hiện 7~10 lần.
2. Cọ vai
Đứng hơi gập đầu gối để lợi dụng lực nảy. Đầu tiên để cánh tay phải ở chính giữa, mặt trước của cơ thể, còn cánh tay trái buông thỏng sau lưng. Lúc này hướng lòng bàn tay tả, hữu ra phía ngoài. Nâng tay hữu lên sao cho có cảm giác như cùi chõ được câu lên. Khi cùi chõ đi qua ngang mặt thì vòng ra phía sau, đồng thời tay trái xoay ra phía trước. Trong động tác này cần chú ý hướng lòng bàn tay, cách nâng cùi chõ, chuyển động xoay hông và tay trái đưa ra trước.
Tập động tác này với tay phải phía trước 7~10 lần, sau đó đưa tay trái ra trước và cũng xoay 7~10 lần. Điểm quan trọng khác là xoay sao cho cánh tay không rời khỏi cơ thể mà cọ sát với thân mình. Điểm mấu chốt là nâng sao cho có cảm giác như cùi chõ được câu lên vậy. Lợi dụng lực nảy của đầu gối để xoay nhanh và thành nhịp.
Về hô hấp thì hít vào khi nâng chõ lên, thở ra khi hạ xuống. Trong quá trình thực hiện động tác này thì cơ thể hay ngả về phía sau, nên cần xác nhận kỹ tư thế khi tập.
3. Mèo rửa mặt
Bước chân trái ra trước nửa bước, đầu mũi bàn chân chạm đất. Chân phải hơi gập gối và chịu trọng lượng cơ thể. Vai phải xoắn về chính giữa, phía trước cơ thể, trung tâm lòng bàn tay hướng về phía màng tang bên trái. Tay trái thì gập cùi chõ, lòng bàn tay hướng vào hông. Thực hiện đến bước này thì xem là xoay 1 lần. Thực hiện như vậy 7~10 lần, tiếp theo là tư thế ngược.
Tư thế ngược là bước chân phải ra nửa bước, vai trái xoắn ra phía trước, chính giữa cơ thể, lòng bàn tay hướng về màng tang bên phải, thực hiện 7~10 lần.
Động tác này nên thực hiện nhanh, thành nhịp. Khi hạ lòng bàn tay từ bên màng tang xuống thì thở ra. Trọng điểm là chuyển động xoắn hông, xoay vai và cùi chõ. Phần thân trên thả lỏng, thân dưới chắc chắn đỡ hông. Khi vặn người chú ý không để phần thân trên vật vờ.
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
:D
ReplyDelete