http://i.imgur.com/5EVofs6.jpg


Xem bản pdf tại đây (click vào)

Phàm là người Việt thì hẳn bất cứ ai cũng đã từng nghe qua cụm từ "trăng hạ huyền" và "trăng thượng huyền" một lần trong đời. Ấy vậy mà, ngày nay thì chắc ít ai để tâm thắc mắc thế nào là trăng hạ huyền, thế nào là trăng thượng huyền. Và số người thắc mắc vì sao gọi như vậy chắc còn ít hơn. Tỷ lệ nghịch với tốc độ đô thị hóa, hình ảnh thiên nhiên càng lúc càng nghèo nàn hơn trong tâm hồn con người.

Tra khá nhiều từ điển tiếng Việt thì nhận thấy một số quyển không có hai mục từ này, số còn lại có thì cũng giải thích một cách đơn sơ và không đi vào chi tiết vì sao gọi như vậy. Dò tìm trên Google với các trang bằng tiếng Việt thì kết quả cũng khá đơn sơ, không mấy chi tiết và tựu trung là 

 Hạ huyền

 "thời gian vào khoảng đầu tuần cuối cùng của tháng âm lịch, mặt trăng đã khuyết thành hình bán nguyệt (thường là ngày 22 hoặc 23 âm lịch); phân biệt với thượng huyền" Thượng huyền "khoảng thời gian vào khoảng giữa của nửa đầu tháng âm lịch, khi mặt trăng có hình bán nguyệt (thường là các ngày 7, 8, 9 âm lịch); phân biệt với hạ huyền

(Theo giải thích từ trang http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/) 

Hay

"Trong quá trình Mặt trăng quay quanh Trái đất, vị trí t­ương đối giữa Mặt trăng, Trái đất, Mặt trời luôn thay đổi. Sau thời kỳ trăng mới mọc, từ đó trở đi Mặt trăng tiếp tục chuyển dịch theo quỹ đạo và mỗi ngày nửa mặt trăng hư­ớng về Trái đất càng đư­ợc Mặt trời chiếu sáng nhiều hơn, trăng l­ưỡi liềm mỗi ngày thêm đầy đặn, đến ngày 7 hoặc 8 thành nửa hình tròn. Ng­ười ta gọi đó là trăng thư­ợng huyền"

 (Theo giải thích từ trang www.hoidap.vinhphucdost.gov.vn) 

 "Khi Mặt Trời và Mặt Trăng sắp hàng nằm về cùng một phía so với Trái Đất, thì Mặt Trăng là "mới" và không nhìn thấy được phần Mặt Trăng được Mặt Trời chiếu sáng. Khi Mặt Trăng tròn dần (diện tích bề mặt của nó được chiếu sáng tăng lên khi nhìn từ Trái Đất), các pha của nó bắt đầu từ trăng mới, trăng lưỡi liềm, bán nguyệt đầu tháng, trăng khuyết, trăng tròn, sau đó lại là trăng khuyết, bán nguyệt cuối tháng, trăng lưỡi liềm và không trăng (bắt đầu trăng non). Nửa vầng trăng thường nhắc đến bán nguyệt đầu tháng (trăng thượng huyền) hoặc bán nguyệt cuối tháng (trăng hạ huyền)

 (Theo giải thích từ trang http://vi.wikipedia.org/wiki/Pha_M%E1%BA%B7t_Tr%C4%83ng) 


Như vậy thì người đọc khó có thể phân biệt được đâu là trăng thượng huyền, đâu là trăng hạ huyền qua hình dạng của chúng, vì đều được mô tả là "trăng đã khuyết thành hình bán nguyệt".


Tiếng Nhật


Danh từ "hạ huyền" và "thượng huyền" thực ra là từ gốc Hán, không phải từ thuần Việt, trong đó "huyền" (弦) mang nghĩa là "dây cung", "dây đàn". Cạnh huyền, đường huyền trong tam giác vuông cũng chính là từ này. Cũng như Việt Nam, Nhật Bản cũng là một quốc gia sử dụng từ gốc Hán nên họ cũng có khái niệm trăng thượng huyền (上弦, âm Nhật: Jōgen) và hạ huyền (下弦, âm Nhật: Kagen).


Hầu hết các từ điển tiếng Nhật đều giải thích rằng trăng thượng huyền hay hạ huyền là một kiểu bán nguyệt (nửa vầng trăng), hay còn gọi là "trăng giương cung" hay "cung nguyệt". Tức là xem nửa mặt trăng như cánh cung, và trường hợp dây cung (huyền) nằm bên trên thì gọi là thượng huyền, còn trường hợp dây cung hướng xuống dưới thì gọi là hạ huyền. Như vậy, theo cách định nghĩa này thì mặt trăng bên trái trong hình bên dưới là trăng thượng huyền, còn bên phải là trăng hạ huyền.


Phân biệt theo thời gian


Thế nhưng cách giải thích này không hoàn toàn chính xác và gây nhầm lẫn như sẽ đề cập bên dưới. Hãy xem trăng thượng huyền và trăng hạ huyền từ lúc chúng mới mọc cho đến lúc tàn trong hình dưới đây.

http://i.imgur.com/k47aRUd.jpg

Bên trái bức ảnh là trăng thượng huyền, bên phải là trăng hạ huyền theo tiến trình thời gian từ lúc mới mọc cho đến khi trăng tàn. Như vậy thì thấy ở trường hợp trăng hạ huyền, ngay khi mới mọc thì đường huyền không nằm bên dưới mà lại hướng lên trên, còn trăng thượng huyền thì ngược lại. Hơn nữa, khi đến đỉnh thì đường huyền không hướng lên hay xuống mà hướng sang ngang ở cả hai trường hợp.
Như vậy thì cách phân biệt trăng thượng huyền hay trăng hạ huyền là dây cung (huyền) hướng lên hay hướng xuống vào lúc trăng tàn. Trăng thượng huyền mọc vào ban ngày, đến chiều tối thì đạt đến đỉnh và lặn vào nửa đêm. Lúc này dây cung (đường huyền) hướng lên trên. Còn trăng hạ huyền thì mọc vào nửa đêm, đạt đến đỉnh vào rạng sáng và lặn vào ban trưa.

Thuyết khác


Nói đến trăng hạ huyền, trăng thượng huyền là nói đến tháng âm lịch. Ngày xưa, các nước Á châu chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, trong đó có Việt Nam và Nhật Bản đều dùng "thái âm lịch" (âm lịch) chứ không dùng "thái dương lịch" (dương lịch) như ngày nay. Nếu thái dương lịch lấy mặt trời làm chuẩn thì thái âm lịch lấy mặt trăng làm chuẩn. Chẳng hạn nói ngày mùng 3 tháng 3 thì đó là ngày thứ 3 kể từ khi trăng mới xuất hiện. Trong những ngày này thì luôn thấy trăng lưỡi liềm ở trời Tây. Và trăng tròn (mãn nguyệt) vào ngày thứ 15 thái âm lịch từ bầu trời phía Đông. Và trong thái âm lịch thì phần đầu tháng được gọi là "thượng", phần giữa là "trung" và phần cuối là "hạ" (ngày nay gọi là thượng tuần, trung tuần và hạ tuần).
Khoảng mùng 7, mùng 8 thuộc phần thượng và ngày 21 ở phần hạ thì mặt trăng lúc này là một nửa (bán nguyệt), trông như hình cánh cung. Một thuyết khác ở Nhật cho rằng nguyên phần bán nguyệt gọi là "huyền", chứ không phải là đường thẳng của bán nguyệt. Do đó, theo thuyết này thì trăng thượng huyền, trăng hạ huyền không phải là đường huyền nằm bên trên hay bên dưới mà là phần huyền (nguyên phần bán nguyệt) xuất hiện vào thời kỳ nào của tháng (thượng hay hạ).


Bài toán


Dưới đây là một đoạn văn với bối cảnh ở Nhật Bản.

"Tôi bắt đầu lờ mờ thấy địa thế cao thấp dưới chân. Ấy là do mắt đã quen với bóng tối, hay thực sự là trời đã sáng rồi nhỉ. Mà dù thế nào đi nữa thì cũng đã bước đi dễ dàng hơn rồi. Nhờ vậy mà đã lên tới đỉnh đồi sớm hơn dự định. Khi lên tới đỉnh thì tầm nhìn mở rộng, tôi thấy vầng trăng hạ huyền bắt đầu hiện ra nơi dãy núi đằng xa. Mà hôm nay là đêm 23 rồi, cũng sắp đến lúc trăng lên rồi sao...

Câu hỏi 1: hãy chọn hướng mà người trong bài thấy mặt trăng
  • a. Đông
  • b. Tây
  • c. Tây Bắc
Câu hỏi 2: người trong bài đã thấy mặt trăng giống như thế nào, A hay B như trong hình dưới đây
 http://i.imgur.com/6pT3sVU.gif
Câu hỏi 3: Người ấy lên đến đỉnh đồi là khi nào?
  • a. Buổi tối
  • b. Nửa đêm
  • c. Rạng sáng
  • d. Ban ngày
Câu trả lời nằm trong phần dưới đây.
Xem lại hình ảnh trăng thượng huyền và trăng hạ huyền từ lúc mới mọc cho đến lúc lặn thì sẽ trả lời được những câu hỏi này. Với dữ kiện "đêm 23" (trăng hạ huyền) thì có thể chọn đáp án a (hướng Đông) cho câu 1.
Đối với câu hỏi 2, nếu căn cứ vào "đường huyền nằm bên dưới là trăng hạ huyền" thì hẳn sẽ có người chọn đáp án B... Nhưng thực ra không phải, mà đáp án A mới là chính xác. Như đã nói trên, khi "đường huyền nằm bên dưới là trăng hạ huyền" chỉ đúng lúc trăng tàn. Còn người trong bài thấy trăng mới mọc, cho nên lúc này đường huyền nằm bên trên.
Còn câu 3 là câu hỏi thường thức, là kiến thức mà bất cứ ai từng sống trong thời kỳ trước cũng biết. Nhưng với cuộc sống ngập tràn ánh sáng nhân tạo ngày nay thì có lẽ câu hỏi này trở thành một câu hỏi lớn đối với nhiều người. Đáp án đúng là b, trăng hạ huyền mọc lúc nửa đêm. 

 

1 bình luận :

  1. Bổ ích lắm ạ. Em có biết về khái niệm này, nhưng thật sự là trong cuộc sống chưa có trường hợp cần sử dụng tới nên đã quên mất, nay vào blog mới sực nhớ ra và tìm hiểu thêm được về nó. Rất cảm ơn (không biết xưng hô thế nào), và hi vọng sẽ có nhiều bài viết thú vị và bổ ích hơn nữa ạ.

    ReplyDelete

 
Top