Thời điểm cuối năm đã cận kề, nhà nhà đều tất bật với việc trang hoàng, mua sắm chuẩn bị cho cái Tết đến. Đây cũng là thời điểm những kẻ tha phương cầu thực nơi xứ xa bỗng dưng nhớ về quê cũ, lòng bỗng thấy chạnh lại khi nghe tiếng nhạc văng vẳng phương xa:

“Tết con không về chắc mẹ buồn lắm, mái tranh nghèo không người sửa sang”

Không một bà mẹ nào lại không trông ngóng đứa con trở về sum họp với gia đình trong ba ngày Tết. “Về quê ăn Tết” là cụm từ cửa miệng của các bà mẹ trong thời gian này, nhắc nhở đứa con luôn nhớ về truyền thống của dân tộc. Tôi nghe bỗng thấy mỉm cười trong lòng. Hóa ra truyền thống đã “ăn” sâu vào tiềm thức của dân mình đấy chứ nhỉ. Tại sao lại phải “ăn” Tết? Trong khi thật tế là ngày nay, người ta chơi nhiều hơn là ăn uống trong ba ngày nay. Ấy thế mà từ “ăn Tết” đã trở thành cố hữu trong tâm trí mỗi người, và có lẽ không ai nghĩ đến chuyện thay nó bằng từ khác như “chơi Tết”, “hưởng Tết”,....
Tương tự, tiếng Việt cũng có rất nhiều từ đi với “ăn” khác, như “ăn cưới”, “ăn hỏi”, “ăn cỗ”, “ăn tiệc”, “ăn chận”, “ăn cướp”,....(và thậm chí là trong miền Nam còn có từ “ăn đám ma”, “ăn đám giỗ” nữa). Không phải là nhà nghiên cứu ngôn ngữ nhưng người viết nhận thấy từ “ăn” trong tiếng Việt không đơn thuần chỉ hành động đưa thức ăn vào mồm, bắt đầu một quy trình tiêu hóa và hấp thụ mà còn chỉ sự, hành động liên quan đến sự hưởng thụ nữa. Chẳng hạn, nếu như “ăn cưới” ít nhiều liên quan trực tiếp đến hành động ăn thì “ăn hối lộ” lại liên quan đến sự hưởng thụ. Ngoài ra, người viết còn nghe được từ “ăn hiếp” (bắt nạt) ở một số địa phương phía Nam nữa. Có lẽ từ “ăn” trong trường hợp này chỉ là ghép vào để thuận miệng mà nói, giống như trường hợp “chợ búa”.
Người ta nói ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu lề thói sinh hoạt, cá tánh hay lối suy nghĩ của một dân tộc rõ nét nhất. Như vậy có thể thấy ông cha ta ngày xưa đã bị chuyện ăn uống ám ảnh như thế nào. Miền Bắc không được thiên nhiên ưu đãi, canh tác trồng trọt khó khăn nên có lẽ lịch sử dân tộc Việt Nam là một chuỗi đói nghèo khốn khổ triền miên. Con người lao động quần quật quanh năm mà không đủ ăn, lúc nào cũng mong ngóng đến một dịp nào đó để ăn uống cho thỏa thê. Có lẽ vì vậy mà “ăn Tết”, “ăn cỗ” đã mọc rễ vững chắc trong tâm trí người Việt, dù cho sau này ông cha ta khai phá miền Nam, vùng đất màu mỡ nhưng cũng không bỏ được nếp nghĩ này. Trong dân gian cũng có lưu truyền câu chuyện con cá gỗ, và theo tìm hiểu của người viết thì người Việt Nam có thói quen ăn mặn hơn so với các dân tộc khác. Người viết còn nghe được câu chuyện ngày xưa, khi Tết nhất đến thì những gia đình nghèo đông con nấu món “thịt kho Tàu” cho rất nhiều muối để chỉ cần một ít thức ăn cũng đủ cho cả buổi cơm gia đình. Những chi tiết này cho biết ngày xưa dân tộc ta đã phải lao khổ như thế nào.
Ngày nay, kinh tế nước nhà phát triển theo đà tiến của Thế giới, người dân không còn nghĩ đến chuyện ăn no mặc ấm nữa mà hướng đến chuyện ăn ngon mặc đẹp. Những thế hệ sinh sau đẻ muộn có lẽ không biết đến đói rét là gì, nhưng dân tộc Việt Nam không được phép quên lịch sử của bản thân mình. Rằng ngày xưa chúng ta đã phải khổ cực như thế nào, rằng thậm chí đến bây giờ, ở đâu đó trên mảnh đất quê hương vẫn còn có những người chật vật với mưu sinh hàng ngày....



N.N

0 bình luận :

Post a Comment

 
Top