FLOWER


Khái quát

Flower (Flowery) là tiêu đề một game do hãng thatgamecompany (Mỹ quốc) chế tác và được Sony Computer Entertainment phát hành vào tháng 2 năm 2009 cho máy PlayStation 3 và máy PlayStation Vita, PlayStation 4 vào thời gian sau đó. Flower được đổi tên thành Flowery tại thị trường Nhật Bản vì lý do thương hiệu.

Ngày 12 tháng 9 năm 2009, Flower được phát hành với hình thức download từ PlayStation Store, và sau khi được bán ra, nó trở thành một hiện tượng trên các blog chuyên review về game, trở thành đề tài bàn tán suốt một thời gian. Flower dần dần nhận được nhiều đánh giá tích cực và được đề cử là Best download game tại GDC2009.

Điểm độc đáo

Thật dễ hiểu khi Flower giành được nhiều tình cảm từ cộng đồng người chơi, bởi nó mang nhiều điểm sáng tạo độc đáo so với những game khác. Người chơi không bị giới hạn thời gian trong Flower, cũng không mang tính đối kháng, cạnh tranh như phần lớn game trên thị trường. Flower mang lại một cảm giác thư thái cho người chơi, khiến họ cảm thấy yêu đời hơn. Flower nhận được giải thưởng "game độc lập hay nhất năm 2009" từ Spike Video Game và giải "game casual hay nhất năm" từ Academy of Interactive Arts and Sciences. Năm 2013, viện bảo tàng lịch sử tự nhiên, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, giáo dục tiêu biểu của nước Mỹ là Smithsonia quyết định chọn Flower làm sản phẩm lưu giữ vĩnh viễn của họ.




Ban đầu bạn chỉ là một cánh hoa đơn độc, lên đường tìm những nụ hoa khác

Trong Flower, người chơi vào vai một cánh hoa theo gió bay xuyên suốt màn chơi, chạm vào những nụ hoa chưa nở trên đồng để khai hoa cả đồng cỏ. Khi thỏa mãn một số điều kiện, như biến một vùng khô cằn thành cánh đồng hoa tươi tốt, thì người chơi được qua màn. Dù có những khu vực giới hạn khi chưa đạt được điều kiện, nhưng người chơi trong vai cánh hoa vẫn được tự do phiêu du trong màn chơi rộng lớn mà không bị giới hạn về thời gian cũng như điểm số. Chính vì vậy Flower mang lại một cảm giác rất tự do, tự do như những cánh hoa nơi đồng nội, phiêu du theo con gió đến bất cứ đâu như ý mình.



Gameplay của Flower giống với game đua xe nhưng không bị giới hạn thời gian, không gian và cũng không hề có điểm số. Mặt khác, Flower cũng giống với game rắn Xenza cổ điển ở chỗ, ban đầu bạn chỉ là một cánh hoa, và khi chạm vào một nụ hoa làm nó nở thì có thêm một cánh hoa nữa bay theo bạn. Cứ như thế, một binh đoàn cánh hoa đủ màu sắc kéo dài theo gió bay khắp nơi, chỉ khác là trong Flower không có khái niệm Game Over, cũng như "mất máu" khi lỡ đâm đầu vào chính cái đuôi của mình. Tuy thế, trong Flower vẫn tồn tại khái niệm "chết" nhưng không phải là cái "chết" tuyệt đối. Khi chạm vào những cột điện cũ kỹ trong đống đổ nát của cái nhà máy hoang tàng, bạn sẽ bị giật điện và mất đi một lượng cánh hoa theo sau. Nhưng dù có bị giật điện bao lần, chỉ còn mỗi cánh hoa ban đầu thì cánh hoa duy nhất này vẫn không bao giờ "chết". Nó thật sự là cánh hoa bất tử chứ không giống cái đầu rắn Xenza mong manh.
Game có 6 màn chơi chính và 1 màn chơi phụ, chính là phần Ending. Không giống như Ending và Staff-roll của nhiều game khác, trong Flower, bạn vẫn có thể tương tác với môi trường chung quanh ngay cả ở phần kết thúc, coi đó như một màn chơi. Đây là điểm sáng tạo rất thú vị.

Một điểm thú vị khác của Flower là cách điều khiển. Đây là một trong số ít game mà bạn có thể điều khiển chỉ bằng một tay. Flower vận dụng hết tính năng kiểm tra 6 trục (SIXAXIS) trên tay cầm DualShock 3. Nghiêng tay cầm về một hướng thì cánh hoa sẽ bay theo hướng đó. Lên, xuống, trái, phải đều được. Ngoại trừ các nút PS, Select và Start thì khi giữ yên một nút bất kỳ, gió sẽ thổi mạnh hơn, đưa cánh hoa bay nhanh hơn theo hướng người chơi điều khiển. Người chơi cũng có thể dùng tay cầm PlayStation Move để điều khiển trong bản Âu Mỹ.

Khỏi phải nói nhiều về đồ họa của Flower. Mặc dù là game casual nhưng nhà sản xuất tỷ mỷ ở từng khung hình, mang lại những hình ảnh chất lượng xứng tầm với khả năng phần cứng của máy PlayStation 3. Những cánh hoa phiêu du trong gió trên đồng cỏ xanh, và biến thành một bầy đom đóm soi sáng màn đêm ở nông trại. Những cơn bão, sấm chớp đến và đi như những giai đoạn của cuộc sống, hình ảnh khu công nghiệp hoang phế với đống sắt thép khô cằn bỗng hồi sinh thành một thành phố tươi đẹp khi những cánh hoa tràn vào. Tất cả đều rất tuyệt vời.




Một khoảnh đất khô cháy đang phục hồi sau khi đàn hoa đi qua

Nhạc nền trong game là những bản nhạc nhẹ nhàng được lựa chọn kỹ càng, cực kỳ phù hợp với chủ đề của Flower. Mỗi nụ hoa trên cánh đồng là một nốt nhạc. Khi người chơi chạm vào, chúng sẽ vang lên những nốt khác nhau. Khi chạm vào một loạt nụ hoa nằm cạnh nhau, chúng sẽ tấu lên một bản giao hưởng. Mỗi một màn chơi trong Flower có một bản nhạc chủ đề, mang lại cảm giác thư thái cho người chơi nhưng cũng có màn mang chủ đề u ám, nặng nề như chính bản thân cuộc sống.

Mặc dù Flower không hề có lời thoại, số lượng chữ trong game gần như bằng zero ngoại trừ một hai câu hướng dẫn cách điều khiển, nhưng người chơi có thể hình dung được ý đồ của nhà sản xuất không mấy khó khăn. Thuở ban sơn, con người vốn được sinh ra từ thiên nhiên như bao loài sinh vật khác trên cõi đất này, sống với thiên nhiên và chết trong vòng tay của mẹ thiên nhiên. Nhưng bất hạnh thay cho loài người hiện đại, họ đã quên đi vẻ đẹp của tự nhiên và những món quà mà mẹ thiên nhiên ban tặng, để rồi chôn mình trong đống sắt thép của các nhà máy và những bức tường bê tông. Và cứu cánh của nhân loại chính là những cánh hoa. Hoa biến nơi khô cằn sỏi đá thành nơi tươi tốt. Hoa biến đống sắt thép công nghiệp thành những công trình đẹp đẽ, mang thi vị đến những bức tường giam kín đời người. Hoa là ánh sáng thi vị vẽ nên bức tranh đẹp đẽ nơi đồng quê ban đêm.


Đời vẫn đẹp sao

Mặc dù không có lời thoại, người chơi có thể hiểu ý nghĩa của game theo bất cứ chiều hướng nào họ muốn nhưng cũng dễ dàng nhận thấy thông điệp tích cực mà nhà sản xuất gửi gắm. Ban đầu bạn chỉ là một cánh hoa đơn độc giữa một đồng cỏ khô héo bao la, cũng giống như bạn tưởng mình là người tốt duy nhất trong xã hội. Nhưng đó đây vẫn còn những nụ hoa rải rác khắp nơi, giống như tính thiện, cái đẹp của con người không bao giờ mất đi hết dù ở trong môi trường tồi tệ như thế nào. Khi cánh hoa đầu tiên bay đến những nụ hoa ẩn mình này, làm chúng khai hoa và kêu gọi thêm những bông hoa này góp cánh cho cuộc hành trình thuyết phục những nụ khác nở hoa, có thể thấy rõ ý đồ gửi gắm ở đây: hãy lan tỏa cái tốt, hãy tích cực vận động những cái tốt tiềm tàng để cùng nhân rộng cái tốt đó lên. Một khi tất cả các nụ hoa đều nở rộ thì ta sẽ có một khoảnh đất đầy hoa, và tiếp tục nhân rộng sẽ được một cánh đồng tràn ngập trong hoa. Một khi những cái tốt tiềm tàng bên trong mỗi người được khai thác và lan tỏa sang người khác thì cái cằn cỗi trong tâm hồn, trong nhân cách bị đẩy lùi và cõi đời trần tục sẽ là chốn thiên đường. Đừng ngại vì bạn chỉ có một mình, đừng nản chí vì sỏi đá khô cằn quá nhiều. Hãy từng bước nhân rộng những cánh hoa, từng cánh một, và thời gian sẽ trả phần xứng đáng cho kẻ kiên trì.







Hoặc có thể hiểu theo một cách khác trần tục hơn. Một chàng công tử lang thang khắp nơi để giúp các nàng thơ "khai hoa". Chàng đi đến đâu thì các nàng đều phá bỏ sự e dè mà gửi gắm cho chàng một phần máu mủ của mình.
Dù hiểu theo cách nào đi nữa thì cuộc đời vẫn đẹp sao.
Đó là cảm giác mà Flower mang lại cho người chơi.

"You may say I'm a dreamer
But I'm not the only one
I hope some day you'll join us
And the World will live as one"

(John Lennon)

Lời kết

Flower được đánh giá Cero hạng A, phù hợp với mọi đối tượng. Mặc dù hơi ngắn với 6 màn chơi chính, nhưng cái bán $6.9 là một lựa chọn hoàn hảo nếu bạn muốn tìm game giải trí nhẹ nhàng, mang lại cảm giác thư thái, tin yêu vào cuộc sống hoặc chơi cùng gia đình mà không phải lén lút giấu diếm như nhiều game bạo lực từ trên giường kéo ra đường.
Những ai đang yêu đời, yêu cuộc sống thì chắc chắn không thể bỏ qua Flower. Chơi để củng cố niềm tin. Còn những ai đang sầu đời, chán đời, thất tình, thất nghiệp, có ý định tự tử... cũng nên chơi để loại bỏ những ý nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu :D:D:D:D:D:D

1 bình luận :

  1. hồi bé chơi cái game Cloud, chạy loăng quăng, chả biết làm gì, toàn nghịch mấy đám mây
    giờ mới biết là game đó cũng của thatgamecompany

    ReplyDelete

 
Top