William Adams là hình mẫu trong cuốn tiểu thuyết Shōgun của James Clavell xuất bản năm 1975, được dựng thành phim sau đó.
Thời niên thiếu
William Adams chào đời năm 1564 tại thành phố Gillingham, bang Kent thuộc Anh quốc. Cha ông là một thuyền viên, và sau khi cha mất thì Williams rời quê, chuyển đến Limehouse ở bờ phía Bắc dòng sông Thames thuộc London năm 12 tuổi. Tại đây Williams theo học Master Nicholas, đầu lãnh của giới thợ đóng tàu. Thế nhưng Williams lại tỏ ra hứng thú với hàng hải hơn là thuật đóng tàu, cho nên ngay khi vừa hết hạn phục vụ năm 1588, ông gia nhập hải quân, tham gia trận hải chiến Armada với tư cách thuyền trưởng thuyền bổ cấp vật tư Richarde Dyffylde. Năm 1589, William kết hôn với Marry Hyne và với nhau hai con, một trai một gái. Sau đó William rời quân ngũ, bận rộn trong việc hàng hải sang Phi châu và các tuyến lên phía Bắc với tư cách thuyền trưởng, nhà hàng hải của thương hội Burberry nên hầu như không còn thời gian gặp gỡ gia đình.
Tàu De Liefde
Trong quá trình hàng hải, William chơi thân với các thuyền viên người Hà Lan, nghe tin tuyển nhà hàng hải dày dặn kinh nghiệm để vượt biển từ Rotterdam đi Cực Đông thì ông bày tỏ ý muốn tham gia cùng với em trai Thomas. Đội thuyền hàng hải lúc này gồm 5 chiếc:
- Hope (hy vọng)
- De Liefde (tình yêu)
- Geloof (tín ngưỡng, chiếc duy nhất trở về Rotterdam)
- Trouw (trung thành)
- Blijde Boodschap (điềm lành/thiên sứ vui vẻ)
Viên tư lệnh tàu Hope là Jacques Mafu tuyển Adams lên tàu và như vậy, đội 5 chiếc cùng xuất phát rời khỏi cảng Rotterdam vào ngày 24 tháng 6 năm 1598.
Tuy nhiên trước khi vượt qua khỏi eo biển Magalhães thì William cùng em trai Thomas được sắp xếp chuyển sang thuyền Liefde. Chiếc Trouw ban đầu của Thomas bị Bồ Đào Nha bắt giữ ở quần đảo Đông Ấn, còn chiếc Blijde Boodschap thì bị người Tây Ban Nha bắt, chiếc Geloof đành từ bỏ ý định mà quay về Rotterdam. Hai chiếc thuyền còn lại trong khi vượt Thái Bình Dương thì tàu Hope bị nhấn chìm, chỉ còn lại Liefde là chiếc duy nhất đến được Cực Đông. Nhưng trong những lần cập cảng tiếp tế lương thực, họ bị kiết lỵ và chứng hoại huyết do thiếu Vitamin C, và bị người da đỏ tấn công nên dần mất đi thuyền viên, bản thân Thomas cũng bị người da đỏ sát hại. Vì vậy, khi lưu lạc đến Nhật thì chỉ còn 24 người so với 110 người lúc xuất phát.
Lưu lạc đến Nhật Bản, tham kiến Ieyasu
Ngày 29 tháng 4 năm 1600 (16 tháng 3 năm Keichō theo Âm lịch), nửa năm sau kể từ trận chiến phân tranh thiên hạ Seki-ga-hara, tàu Liefde trôi dạt đến đảo Kuro-shima (đảo đen) ở thành phố Usuki (chày cối) thuộc phiên trấn Bungo. Các thuyền viên không thể tự lực lên bờ mà phải nhờ chúa thành Usuki là Ōta Kazuyoshi phái một chiếc thuyền nhỏ ra đón mới đặt chân lên được đất Nhật. Chúa Kazuyoshi thông báo sự việc lên quan Bugyō coi sóc Nagasaki là Terazawa Hirotaka. Hirotaka cho bắt giam bọn Adams và tịch thu hết đại pháo, súng ống đạn dược trên tàu rồi xin chỉ thị đến chúa thành Ōsaka là Toyotomi Hideyori. Lúc này có các nhà truyền giáo trong Hội Iesus (dòng Tên) đến, đòi phải tử hình đám người Anh và người Hà Lan ngay lập tức.
Kết cục, đầu lãnh trong số Ngũ Đại Lão là Tokugawa Ieyasu ra lệnh hộ tống đám Adams, Jan Joosten van Loodensteyn đến Ōsaka, cho sửa chữa lại tàu bè. Duy chỉ có thuyền trưởng tàu Hope là Jacob Quaeckernaeck bị giữ lại vì thân thể to lớn nặng nề, không thể di chuyển.
Ngày 12 tháng 5 (30 tháng 3 năm Keichō thứ 5), đám thuyền viên Tây phương lần đầu tiên diện kiến Ieyasu. Vốn ban đầu Ieyasu nghe lời các Hội sĩ Iesus mà tưởng tàu Liefde là tàu hải tặc, nhưng sau khi nghe bọn Adams giải thích tường tận không chút sợ sệt về lộ trình và mục đích hàng hải, cũng như mối bất hòa giữa dòng Protestant (Tin lành/Kháng cách) Anh quốc với dòng Catholic (Công giáo) Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha thì Ieyasu sinh lòng cảm mến, loại bỏ được sự hiểu nhầm. Các thuyền viên tuy có bị giam trong ngục ít lâu, nhưng mặc dù các nhà truyền giáo Iesus liên tục đòi phải tử hình, nhưng Ieyasu làm thinh và mấy lần cho gặp mặt, cuối cùng là phóng thích và cho mời đến Edo.
Trở thành Miura Anjin
Tại Edo, Adams bày tỏ nguyện vọng được trở về nước nhưng không được chấp thuận. Ngược lại, Ieyasu còn cấp cho bổng lộc để giữ chân, cho Adams làm thông ngôn trong những lần đối diện với sứ tiết Anh quốc, tham vấn ý kiến trong giao tiếp ngoại giao. Trong thời kỳ này Adams cũng truyền dạy kiến thức về kỷ hà học (hình học), số học và thuật hàng hải cho Ieyasu và đám hầu cận bên dưới. Dần dần Adams từ bỏ ý định trở về Anh quốc. Năm 1602 (Keichō thứ 7), Adams kết hôn với O-yuki (Maria) con gái của Magome Kageyu, một thương nhân của Ieyasu ở khu Nihon-bashi. Hai người có với nhau một con trai tên Joseph và con gái tên Susanna.
Tàu Liefde mắc ở vịnh Edo cũng chìm, và Adams được yêu cầu kiến tạo một chiếc thuyền buồm kiểu Tây vì vốn có kinh nghiệm đóng tàu. Ban đầu Adams từ chối với lý do lâu ngày không động tới công việc đóng tàu, nhưng sau đành phải chấp nhận. Và xưởng đóng tàu đầu tiên ở Nhật Bản ra đời ở thành phố Itō, cuối cùng chiếc thuyền buồm 80 tấn cũng hoàn chỉnh vào năm 1604 (Keichō thứ 9). Ieyasu thấy ưng ý nên ra lệnh đóng tiếp một tàu cỡ lớn, đến năm 1607 (Keichō thứ 12) thì hoàn thành chiếc tàu 120 tấn.
Nhờ công trạng này mà Adams được Ieyasu ban thưởng, cũng là có ý giữ chân, được cất nhắc lên vị trí Hatamoto lương 250 hộc, không những được phép đeo kiếm bên hông mà còn được cấp cho lãnh địa Hemi thuộc xứ Sagami. William Adams được đổi tên thành Miura Anjin. Cái tên Anjin (按針) nghĩa là hoa tiêu, xuất phát từ nghề nghiệp, còn họ Miura (三浦) bắt nguồn từ bán đảo Miura trong lãnh địa của ông. Như vậy, William Adams tuy là người ngoại bang nhưng lại có số phận kỳ lạ, trở thành một Võ sĩ trên đất Nhật Bản. Lãnh địa của ông sau cũng được con trai Joseph thừa kế, và Joseph cũng nối tiếp xưng danh Miura Anjin.
Năm 1613 (Keichō thứ 18), tàu Clove của công ty Đông Ấn Anh đến Nhật với mục đích mậu dịch, Miura Anjin cũng giúp họ được tham kiến Ieyasu và nhận được "chu ấn trạng" cho phép thông thương. Năm 1614, khi tàu Clove về nước thì Miura Anjin cũng được hai nước Anh Nhật cho phép trở về Anh quốc. Nhưng lúc này do bất đồng với viên tư lệnh John Saris trên tàu nên Miura tiễn người đồng hương về nước. Saris không ưa Anjin/Adams vì bất cứ chuyện gì cũng nhất nhất phải theo kiểu phép tắc của Nhật, trong khi Anjin/Adams lại ghét Saris vì thói hỗn láo vô lễ của thằng trẻ con. Sau khi tàu Clove đi thì Anjin/Adams đến giúp việc cho thương hội Anh quốc dù mức tiền lương thấp hơn ở thương hội Hà Lan trước đây.
Sau khi Ieyasu chết
Mặc dù được Ieyasu tin tưởng, nhưng sau khi Ieyasu qua đời vào tháng 4 năm 1616 (Genna thứ 2) và người kế tục là Tokugawa Hidetada cùng các Mạc thần lại chủ trương tỏa quốc, chỉ cho phép mậu dịch giới hạn ở Hirado nên Anjin rơi vào tình thế bất lợi. Sau đó Anji trở thành quan coi sóc thiên văn, bị đám Mạc thần và Thế tử Tokugawa Iemitsu dè chừng nên Anjin rơi vào trạng thái u uất, đến ngày 16 tháng 5 năm 1620 (24 tháng 4 năm Genna thứ 6) thì qua đời tại Hirado, thọ 55 tuổi.
Văn bia, tượng đài Miura Anjin được dựng nên ở các nơi từng liên quan đến ông như Hirado, Yokosuka và Itō. Mỗi năm đến hè, thành phố Itō còn tổ chức lễ hội Anjin với cuối nhật trình là buổi bắn pháo hoa trên biển.
William Adams/Miura Anjin còn là hình mẫu cho nhân vật chính trong game Niō do hãng Kōei Tecmo phát triển cho máy PlayStation 4 trong năm 2017.
0 bình luận :
Post a Comment