Phương châm giáo dục của nước CHXHCN VN hiện giờ là gì? Những người làm bên ngành giáo dục đều lớ ngớ khi gặp câu hỏi này. Có người trả lời, đó là 5 điều bác Hồ dạy cho trẻ em. Nhưng nhiều người khác cho rằng đó không phải là phương châm giáo dục, mà chỉ là phát biểu của bác Hồ tại một thời điểm nhất thời nào đó, dành cho trẻ em mà thôi.
Với một nền giáo dục mà không có phương châm, định hướng thì chuyện hàng năm đều bị dân đen đem ra làm trò bêu rếu, nhạo báng, thì cũng không phải là điều phi logic lắm.
Nhìn lại lịch sử, trong quá khứ, đã từng có một vùng lãnh thổ VN (mà ngày nay CHXHCN VN không công nhận tính chính thống của nó) đề ra phương châm, đường hướng hẳn hoi cho giáo dục.
Phương châm giáo dục của miền Nam VN trước 1975 là "nhân bản, dân tộc, khai phóng". Định hướng này được quy định trong Hiến pháp.
Suy nghĩ một chút thì sẽ thấy hết sức hợp lý khi sắp xếp 3 yếu tố theo trình tự trên. "Nhân bản" (mà ngày nay còn được gọi là "nhân văn") là yếu tố trên hết, đó là những đặc tính mà phàm đã là con người thì ai cũng phải có. Nó được đặt lên trước "dân tộc", vì xét cho cùng thì dân tộc cũng chỉ là một phần của nhân loại, không thể "vì dân tộc" mà chèn ép nhân loại. Nếu xếp thứ tự ngược lại thì có thể sẽ thành một thứ chủ nghĩa phát xít, sẵn sàng vì lợi ý của dân tộc mình mà chà đạp lên những giá trị chung của nhân loại. Nước Đức trong quá khứ và Trung cộng hiện tại là những ví dụ điển hình.
Cuối cùng là "khai phóng". Trong giáo dục, dù là giáo dục về học thuật hay giáo dục về lòng nhân bản, thì không thể không cần đến sự tự do khai mở. Đó chính là khai phóng. Nếu bị gò bó, kiểm soát, trói buộc thì học thuật và đạo đức con người không thể tiến bộ được.
Người VN vẫn hay tự hào về những người "gốc Việt" bên kia biên giới. Nhiều người vẫn nói, dân tộc Việt giỏi giang, kiên trì sao không mấy người thành công ở tầm Quốc tế. Đa phần những người có tiếng tăm ở tầm Quốc tế đều là sau khi họ đã đi sang phía bên kia biên giới. Đó là một minh chứng rõ ràng cho việc "khai phóng" bị đè nén ở phía bên này biên giới. Bao nhiêu phát minh nông dân, như tàu ngầm, máy đốt rác, xe điện... đều không được đón chào, bị đe dọa ở bên này, để rồi nhiều người tiếc nuối khi có nhiều phát minh, chất xám được bên ngoài biên giới mua lại và biến thành những thứ nên cơm nên cháo.
"Khai phóng" không chỉ ở mặt học thuật, mà còn phải ở cả mặt tinh thần, đạo đức. Anh bạn Mỹ nọ có con đi học mẫu giáo, nó vẽ cái cây và tô lá màu vàng. Nó được cô giáo khuyến khích vẽ những thứ nó muốn, tô màu gì nó thích. Các bạn của nó cũng vậy. Trong khi đó thì con em chúng ta ở đây, nếu tô lá cây màu vàng chắc chắn sẽ bị ép phải tô lại thành màu xanh vì "không phản ánh đúng hiện thực xã hội". Trong tiết học văn, nếu em nào nêu cảm nghĩ về tác phẩm, nhân vật trong tác phẩm theo ý cá nhân thì chắc chắn rằng sẽ bị "định hướng" lại.
Cứ như thế mà tính dối trá lươn lẹo được hun đúc ngay từ nhỏ, để rồi chính chúng ta về sau cứ than phiền tại sao con người ngày càng sống tệ, sống bạc với nhau. Chúng ta ngày nay vẫn cứ gào thét tại sao lại để chảy máu chất xám, trong khi cái cốt lõi vì sao lại như thế thì không ai chịu thừa nhận, không ai dám thừa nhận và không ai muốn làm gì để thay đổi nó.
0 bình luận :
Post a Comment