Drakue, Dorakue, Doragon Kuesuto, DQ đều là những cách gọi, cách viết đối với "Dragon Quest".



Dragon Quest XI Sari sugishi toki wo motomete (tạm dịch: đi tìm thời gian đã qua, tiếng Anh: Echoes of an Elusive Age) là phiên bản trong series Dragon Quest (DQ) của hãng Square Enix được phát hành cho máy Sony PlayStation 4 và Nintendō 3DS vào ngày 29 tháng 7 năm 2017. Phiên bản này còn được dự định phát triển cho nền tảng Microsoft Windows thông qua Steam và Nintendō Switch trong tương lai. Bản tiếng Nhật cho PS4 và 3DS được phát hành vào ngày 29 tháng 7 năm 2017, bản tiếng Hoa (chỉ có ở PS4) được phát hành cho thị trường Đài Loan vào ngày 11 tháng 11 cùng năm. Dự kiến phiên bản tiếng Anh cho PS4/Steam sẽ được phát hành vào tháng 9 năm 2018.
Các phiên bản PS4/Steam/Switch đều được phát triển với Unreal Engine 4. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 137 vạn bản cho PS4 và 180 vạn bản cho 3DS được bán ra ở thị trường Nhật Bản.
Phiên bản 3DS và PS4 tùy giống nhau về cơ bản, nhưng mỗi phiên bản có một số điểm riêng biệt về mặt nội dung và gameplay.


I.Vài nét về series Dragon Quest

Dragon Quest là series RPG được phát hành từ ngày 27 tháng 5 năm 1986 cho máy Nintendō Famicom (Nes) do hãng Enix (hiện tại là Square Enix) phát triển. DQ được gọi là dòng game "RPG thủy tổ" và là một trong những dòng game làm nên tên tuổi của Square. Họa sỹ Toriyama Akira, biên kịch Horii Yūji, nhà soạn nhạc Sugiyama Kōichi là những tên tuổi làm nên chất riêng biệt của dòng game này. 
Tên gọi Dragon Quest bắt nguồn từ khi biên kịch Horii Yūji còn học ở trường đào tạo kịch họa. Ông được Koike Kazuo (tác giả Manga huyền thoại với nhiều bộ đi vào lịch sử, mà tiêu biểu là "Kozure Ōkami" - sói mang con) chỉ rằng để tạo ấn tượng cho một tiêu đề thì phải kết hợp những từ dễ và khó với nhau, trọc âm (trong tiếng Nhật) dễ để lại ấn tượng hơn cả. Dragon Quest theo cách phát âm kiểu Nhật là Doragon Kuesuto, trong đó "do" là trọc âm, "doragon" (dragon) rất dễ phát âm đối với người Nhật, còn "kuesuto" (quest) thì khó phát âm hơn. Tên của series game này còn được gọi tắt là "Dorakue", viết tắt là DQ.

Xuất phát từ Nes, sau đó DQ được phát triển lên Snes, GBA, PSP, PS2, DS và các hệ máy tân tiến khác theo thời đại. Dòng DQ còn có nhiều tác phẩm ăn theo ở dạng tiểu thuyết, Anime và Manga. Tại Việt Nam, Dragon Quest được biết đến qua bộ Manga cùng tên và được "Việt hóa" thành "Dấu ấn rồng thiêng".
Các phiên bản từ VII trở về trước được biết đến với cái tên "Dragon Warrior" ở bên ngoài Nhật Bản. Và tuy cùng thời, cùng chủ phát hành với dòng Final Fantasy nhưng nếu như FF nổi tiếng cả ở Nhật Bản lẫn khắp Thế giới thì dòng DQ hầu như chỉ nổi tiếng ở Nhật. 
Dòng DQ được gọi là "RPG của quốc dân Nhật Bản" nhưng lại ít nổi tiếng bên ngoài đất nước này. Có nhiều lý do để DQ không được nhiều người Tây phương biết đến, mà một trong những lý do chính là do hãng Square đã không chú trọng đến vấn đề biên dịch. Các bản dịch Anh ngữ trước đây thường bị đánh giá không tốt, và những nét uy mua, tinh tế đặc trưng của Horii Yūji trong câu thoại đều không được chuyển tải qua các bản dịch.

II.Khái quát về DQ XI

Phiên bản DQ đánh số 11 được công bố sẽ phát triển vào ngày 28 tháng 7 năm 2015. Các phiên bản trước đó trong series chỉ được phát triển cho một hệ máy của Nintendō hoặc Sony, nhưng đến DQ XI thì đây là lần đầu tiên dòng game này xuất hiện đồng thời ở các máy chơi game của 2 hãng. 
Dự án bắt đầu từ năm 2013, ban đầu Square chỉ định phát triển cho PS4, nhưng sau đó họ phát triển thêm cho 3DS. Từ phiên bản DQ X trở về trước thì Square luôn dùng engine của chính họ hoặc đặt gia công, nhưng với DQ XI thì họ lần đầu tiên sử dụng engine của một hãng game khác là Unreal Engine 4. 
DQ X là phiên bản MMORPG cần kết nối mạng để chơi, nhưng phiên bản XI này cũng giống các bản từ XI trở về trước, đều là game RPG có thể chơi offine. Hệ thống chiến đấu ở X theo thời gian thực, nhưng XI đã quay về với truyền thống đánh theo lượt như từ IX trở về trước.

III. Gameplay

a. Chiến đấu:

- Ngoại trừ những trận đấu trùm theo event thì các trận chiến trong DQ XI theo hình thức "symbol encounter", tức người chơi thấy được đối tượng chiến đấu trên "field" nên hoàn toàn có thể chủ động né tránh hoặc khai chiến, không bị cưỡng chế như kiểu "random encounter" (đụng độ ngẫu nhiên). Số lượng nhân vật trong DQ XI nhiều hơn số lượng có thể tham gia vào một trận đấu, nhưng lượng exp nhận được sau mỗi trận đánh được chia đồng đồng cho tất cả các nhân vật. Chính vì vậy nên các nhân vật, dù không tham gia chiến đấu hết, nhưng vẫn có cơ hội Level up đồng đều như nhau, tránh tình trạng chênh lệch sức mạnh giữa các nhân vật.

- Hệ thống chiến đấu ở phiên bản DS mang tính biểu tượng như các phiên bản trước, nhưng ở bản PS4 thì cảnh chiến đấu được tả thực như dòng Final Fantasy. Ở bản PS4, các nhân vật lần lượt được điều khiển qua các command. Lượt của nhân vật được xác định bằng chỉ số nhanh nhẹn của nhân vật đó nên khó xác định lượt hơn bản 3DS và các bản trước. Theo truyền thống của dòng DQ thì đầu mỗi lượt, người chơi sẽ nhập các command điều khiển cho tất cả các nhân vật tham chiến. Ở bản PS4, người chơi có thể tự do xoay góc camera theo ý muốn, có thể quan sát, ngắm nghía mọi thứ trong trận đánh.

- Ngoài cách nhập command thì người chơi còn có thể giao cho AI điều khiển nhân vật theo từng hệ mệnh lệnh, chẳng hạn như: tự do hành động nhưng không được dùng MP, luôn phòng thủ...

- Khi nhân vật tấn công/bị tấn công thì chỉ số zorn sẽ tăng lên. Đến khi đầy thì nhân vật sẽ rơi vào trạng thái zorn. Hiệu ứng zorn của mỗi nhân vật sẽ khác nhau: có nhân vật là gia tăng tốc độ, có nhân vật gia tăng sức mạnh vật lý,... Nhưng ưu điểm lớn nhất của zorn là giúp nhân vật liên kết với nhân vật khác để thi triển các chiêu thức đặc biệt. Tùy vào nhân vật/số lượng nhân vật ở trạng thái zorn, tùy vào vũ khí trang bị và các đặc kỹ học được mà kiểu phối hợp có thể khác nhau. DQ XI có cả thảy 84 kiểu phối hợp tuyệt kỹ.

- DQ XI có hệ thống Skill point/skill pannel. Mỗi khi nhân vật Level up thì nhận được một số Skill point. Có thể dùng những điểm này để học thêm đặc kỹ mới. Đặc kỹ mới chỉ có thể học được sau khi đã học đặc kỹ cũ ở vị trí lân cận. Điều này tạo nên tính đa dạng, dù cùng level nhưng có thể người chơi này có đặc kỹ này nhưng không có đặc kỹ kia như người chơi khác. Từ giữa game trở đi, người chơi có thể reset các đặc kỹ đã học để thu hồi skill point và học những đặc kỹ khác. Mỗi nhân vật được chọn lựa nhiều hệ đặc kỹ khác nhau, có hệ dùng cho kiếm to cầm 2 tay, có hệ dùng cho kiếm cầm 1 tay,....

- Ma pháp chỉ có thể học được bằng cách Level up. Có nhân vật chuyên dùng ma pháp nhưng cũng có nhân vật không thể dùng ma pháp. Có thể nói ma pháp đóng vai trò rất quan trọng trong DQ XI. Nó giúp hồi phục HP, di chuyển giữa các địa điểm, giải trừ các trạng thái bất lợi, hồi sinh nhân vật chết.



b. Field và map:

- Người chơi có thể cắm trại ở vị trí những bức tượng nữ thần trên field. Có thể nghỉ ngơi, hồi phục HP, giải độc, hồi sinh nhân vật đã chết và save game. Ngoài ra DQ XI còn có hệ thống "lò rèn kỳ lạ" ở điểm cắm trại. Đây là một mini game cho phép người chơi phối hợp các nguyên liệu, theo công thức đã học để rèn nên vũ khí, đồ trang bị. Nếu rèn khéo thì có thể cường hóa món đồ, khiến các chỉ số của món đồ mạnh hơn lúc đầu.

- Có hệ thống thời gian trong ngày: sáng, trưa, chiều, tối và các loại thời tiết. Thời gian và thời tiết ảnh hưởng đến sự xuất hiện của một số loại quái vật trên field.

- Có khá nhiều phương tiện di chuyển trên field. Người chơi có thể gọi ngựa ở các vị trí nhất định. Ngựa trong phiên bản PS4 giúp người chơi di chuyển nhanh hơn và còn có thể húc văng các loại quái vật nhỏ, giúp tránh độc trên field, phá hủy chướng ngại vật. Tuy nhiên ngựa trong bản 3DS không thể thực hiện các chức năng này. Ngoài ngựa, còn có nhiều loại quái vật mà nhân vật có thể cưỡi. Mỗi loại quái có mỗi cách di chuyển riêng, phù hợp với loại địa hình ở field. Có loại nhảy cao, có loại di chuyển được trên mặt nước, có loại bám được tường, có loại bay lượn trên không...

- Phương tiện duy nhất giúp di chuyển trên map là thuyền (chạy trên nước) và cá voi Ketos (vật cưỡi của thần linh). Ngoài ra, nhân vật chính còn học được phép thuật Rura giúp dịch chuyển tức thời đến những địa danh đã từng đến.

- Các địa danh trong DQ XI phảng phất dáng dấp các địa danh ở đời thực. Làng Homura trong game được thiết kế như một ngôi làng Nhật Bản thời cổ, thành phố cảng Sortico trông giống như Tây Ban Nha, thành phố Darharne là phiên bản tái hiện của Venezie với hệ thống kênh lạch với những con thuyền Gondola. Vương quốc Samandi thì giống như vương quốc Ả rập trên sa mạc, Thánh địa Lamda có kiến trúc phong cách Hy Lạp cổ đại và làng Douruda mang dáng dấp của thành trì Phổ Đà La (Potala) ở Tây Tạng.

c. Dụng cụ, đồ trang bị:

- Có các túi đồ dùng chung là: túi dụng cụ, túi trang bị, túi đồ vật quan trọng. Chỉ có thể dùng được đồ trong những túi đồ này bên ngoài trận đánh. Ngoài những túi đồ này thì mỗi nhân vật còn mang theo một túi đồ cho riêng mình, chứa được tối đa 24 món gồm đủ các chủng loại. Để dùng được món đồ nào đó trong trận đấu thì bắt buộc món đồ đó phải được đưa vào túi của nhân vật. Như vậy, món đồ mà mỗi nhân vật có thể dùng trong trận đấu khác nhau rất nhiều, tùy thuộc vào việc người chơi đưa gì vào túi của nhân vật trước trận đánh.

- Đồ trang bị thì giống các phiên bản từ VIII trở về trước. Mỗi nhân vật có thể trang bị ở: tay trái, tay phải, đầu, thân, trang sức. Có vũ khí chỉ cần 1 tay để mang, lại có món cầm cả 2 tay. Các đồ trang sức như hoa tai, dây chuyền, vòng tay, vòng chân... có tác dụng đặc biệt như chuyên phòng vệ lửa, nước,...

- Từ sau bản VIII, đồ họa của DQ được 3D hóa nhờ sức mạnh phần cứng nên hình ảnh của vũ khí cũng được phản ánh trong trận đánh. Ngoài ra, có một số set đồ đặc biệt mà nếu nhân vật mang hết thì bề ngoài của nhân vật sẽ thay đổi.

d. Mini game:

- Ngoài "lò rèn kỳ lạ" thì DQ XI còn có một số mini game khác khá thú vị như đua ngựa, bắn cung, các trò cờ bạc đỏ đen trong Casino, tìm kiếm mề đay vàng và thực hiện quest phụ. Các mini game này đều thưởng cho người chơi những vật phẩm đáng giá. Một số món đặc biệt chỉ có được trong mini game. Hệ thống quest phong phú, tuy không liên quan trực tiếp đến nội dung chính nhưng được viết rất cẩn thận, hé mở những mảnh khuất trong bối cảnh riêng của từng nhân vật, từng địa điểm trong game.

e. Chú hồi sinh:

- Chú hồi sinh (Fukkatsu no Jumon) là một chức năng có từ phiên bản DQ II trên Nintendō Famicom. Ngày đó chưa có phương tiện lưu trữ file save riêng nên các game RPG dài đều dùng hệ thống mật mã cho phép người chơi bắt đầu từ chỗ đã ngừng ở lần chơi trước. DQ XI cũng áp dụng hệ thống này, ngoài cách save trực tiếp lên ổ cứng. Chú hồi sinh của 2 bản PS4 và 3DS có thể dùng cho nhau, song không thể giữ được một số Item của riêng phiên bản đó. 

- Người chơi có thể bắt đầu game bằng các chú hồi sinh ở phiên bản Famicom. Bằng cách này, người chơi có được một số thuận lợi hơn, như bắt đầu với một số tiền lớn, một số điểm kinh nghiệm lớn,...

- Người chơi có thể bắt đầu game với một số bùa chú ràng buộc. Nói cách khác thì đây là những điều kiện trói buộc khiến trò chơi trở nên khó khăn hơn, nhưng không thể chạy khỏi các trận đánh, nhận được ít exp hơn....

f. Ending:

- Game vẫn chưa kết thúc sau khi đánh hạ "trùm cuối". Câu chuyện vẫn tiến triển sau đó. Sau khi đánh bại con trùm ẩn, người chơi có cơ hội download phiên bản Dragon Quest I (gốc từ Famicom được port sang smart phone) từ PlayStation Store hoặc Nintendō eshop.

g. Danh hiệu:

- DQ XI có một hệ thống danh hiệu phong phú để trao cho người chơi khi đạt được những điều kiện nhất định. Chẳng hạn như danh hiệu dành cho người húc văng 100 quái vật, danh hiệu cho tỷ phú có được 1 tỷ.... Nói chung thì số danh hiệu này không ảnh hưởng gì đến nội dung, quá trình chơi mà chỉ mang tính cho vui. Có khá nhiều danh hiệu bựa.

IV. Âm nhạc

Phần âm nhạc của DQ XI do Sugiyama Kōichi phụ trách nên người hâm mộ của dòng DQ sẽ nhận ra nhiều nét quen thuộc. Một số bản BGM cũ ở các phiên bản trước cũng được sử dụng lại. Nhạc nền của DQ XI thể hiện đúng tính chất dõng sỹ cứu thế giới, rất hoành tráng, hào hùng. Nhưng khác với dòng Final Fantasy, số lượng BGM của DQ khá ít. DQ XI có bản nhạc riêng trên field, có bản nhạc chiến đấu, có bản nhạc trong dungeon, có bản nhạc khi buồn, có bản nhạc khi câu chuyện đang gay cấn... Nhưng ngoài ra thì không có bản BGM chủ đề cho từng nhân vật hay cho từng địa danh như Final Fantasy hay nhiều game RPG khác.
Theo ý cá nhân thì nhạc nền của dòng DQ đủ hay để chấp nhận được, nhưng không để lại nhiều dấu ấn. Âm nhạc trong DQ XI cũng vậy.

V. Đồ họa

Đồ họa của bản 3DS không nhiều khác biệt với các phiên bản trên Snes/Nes/GBA. Tuy nhiên đồ họa của DQ XI trên PS4 thực sự xuất sắc, nếu không muốn nói là hoàn hảo. Hình ảnh của DQ XI được 3D hóa dựa trên phong cách vẽ của họa sỹ Toriyama Akira (cha đẻ Dragon Ball) nên có người thích, có người không thích. Một số người nói các nhân vật trong DQ chỉ mang một khuôn mặt duy nhất của Tôn Ngộ Không (Xôn Gô Cu). Điều này đúng. Nhưng nếu loại trừ điểm phong cách này ra thì khó có thể chê bai DQ XI ở điểm đồ họa nào. Các thời điểm khác nhau trong ngày mang lại ánh sáng, đổ bóng khác nhau. Nói chung là vi diệu. Thưởng thức DQ XI chính là thưởng thức những trận đánh, thưởng thức những câu thoại tinh tế, uy mua và cũng là thưởng thức những khung cảnh tuyệt đẹp được tái hiện tuyệt vời trên máy PS4.
Sức mạnh đồ họa của PS4 khiến diễn xuất của các nhân vật thêm rất nhiều phần sống động so với truyền thống. 

VI. Tính uy mua và những nét độc đáo trong lối dẫn chuyện

Nội dung của DQ XI, hay cũng như các phiên bản khác trong series, hay cũng như nhiều dòng RPG Nhật Bản khác, đều là "dõng sỹ trừ gian cứu thế giới". Đề tài này cổ như bản thân máy chơi game Nintendō Famicom. Nhưng DQ XI nói riêng, hay dòng DQ nói chung vẫn luôn khiến dân Nhật phát cuồng. Đó là nhờ tài dẫn dắt câu chuyện độc đáo của biên kịch Horii Yūji.
Sau khi đã hoàn thành game, có thể người chơi nhìn lại, đánh giá câu chuyện của DQ XI không phải là quá xuất sắc. Tuy nhiên, trong quá trình chơi thì cảm giác hoàn toàn khác hẳn. Câu chuyện được tách thành những mảnh nhỏ, và ở mỗi thời điểm, người chơi chỉ biết được từng phần nhỏ. Cách dẫn chuyện tinh tế luôn khiến người chơi tò mò, muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Lời thoại của các nhân vật cũng hết sức trau chuốt và đầy tính uy mua. Đây là thế mạnh của DQ nhưng cũng khiến nó gặp bất lợi khi tiến ra thị trường Thế giới, vì hầu hết những cái tinh tế, uy mua trong lời thoại đều rất khó hoặc không thể chuyển tải qua các bản dịch.
Chẳng hạn, nhân vật chính được yêu cầu hãy trang bị một thanh kiếm cùn. Sau khi suy nghĩ, tìm kiếm hết mọi vũ khí trang bị mà không thấy có thanh kiếm cùn nào, người chơi được gợi ý là "hãy trang bị thanh kiếm không có lưỡi". Và trong số vũ khí trang bị thì không có món nào mang tên hay có tính chất như vậy. Đáp án đúng ở đây là "thanh kiếm thép". Có thể người chơi sẽ bật cười khanh khách khi được nghe giải thích: (kiếm) thép ('hagane') chính là (thanh kiếm) không có lưỡi ('ha ga nai', nói trại thành 'ha ga nee'). Có rất nhiều những kiểu chơi chữ, cách dùng từ dí dỏm như vậy.
Có một nhân vật lại cái (PD, pê đê, gay...) trong DQ XI. Ngoài phần diễn xuất hết sức 'thích đực' thì ngôn từ của anh chàng này cũng được trau chuốt, khiến người đọc luôn cảm nhận chất lại cái đích thực của anh chàng này trong từng câu chữ. Những nét độc đáo này e rằng rất khó được chuyển tải qua các bản dịch.
Theo truyền thống của dòng DQ, nhân vật chính của DQ XI không có tên cố định mà do người chơi tự chọn. Trong suốt quá trình chơi, nhân vật chính không nói câu nào, và khi cần nói thì cũng chỉ dùng những câu trần thuật gián tiếp như: nhân vật chính đã kể lại những chuyện đã xảy ra. Nhà sản xuất không muốn tạo nên một hình tượng cá tính cho nhân vật chính bằng ngôn từ. Vì thế nên tính cách của nhân vật chính là do lựa chọn, ấn tượng, suy nghĩ của người chơi chứ không có phần của người viết kịch bản.

VII. Nội dung

Nội dung của DQ XI được hé lộ dần dần theo từng chặng đường của người chơi, qua lời thoại và những đoạn movie. Nhân vật chính là Vương tử của thành trì Yugda, nhưng vì một biến cố mà bị thả trôi sông, lưu lạc đến miền quê mùa Ishi. Game chính thức bắt đầu khi nhân vật chính được 16 tuổi, được người mẹ nuôi căn dặn tìm đến Vương quốc Dercadarl để tìm hiểu về thân phận thật sự của mình theo tờ di chúc bên mình. Nhưng khi tìm đến Vương quốc Dercadarl thì nhân vật chính bị Quốc vương xứ này truy bắt, bị gọi là đứa con của ác ma. Trong ngục tù, nhân vật chính làm quen với tay trộm Camus. Cả hai tìm cách trốn khỏi nhà lao, rồi cùng những nhân vật gặp gỡ sau đó khám phá ra những bí mật ghê gớm...
Câu chuyện của DQ XI đúng chuẩn mực "dõng sỹ cứu thế giới" nhưng được kể lại một cách thú vị khiến người chơi luôn cảm thấy hào hứng. Ngoài những nét dí dỏm uy mua, DQ XI còn có những đoạn cảm động như mối tình trăm năm giữa nàng tiên cá với chàng đánh cá trần thế đoản mệnh. Từng nhân vật trong DQ XI đều có những câu chuyện làm nên bối cảnh của họ, giải thích cho hành động, tính cách của họ.
Một điểm thú vị của DQ XI là câu chuyện vẫn tiếp tục tiến triển khi người chơi nghĩ rằng đã kết thúc vì đã đánh bại được "trùm cuối". Nội dung của DQ XI có liên quan đến Loto (Roto). Bản thân lục địa trong game được gọi là Lotozeria. Ở đoạn cuối game, có sự giao thoa với vũ trụ của DQ III. Horii Yūji cho rằng đây không phải là thế giới song song, mà là một sự tổng hòa của lịch sử và muốn từng người chơi có những suy nghĩ khác nhau về nội dung.


VIII.Phiên bản hải ngoại

Phiên bản hải ngoại cho DQ XI được dự định ra mắt vào ngày 24 tháng 9 năm 2018 trên các nền tảng: PS4/Steam. Bản 3DS không có kế hoạch bán ra thị trường hải ngoại. Không rõ khi nào thì bản Steam được phát hành ở Nhật. Bản cho Nintendō Switch cũng được dự định, nhưng sẽ là từ năm sau trở đi. Game được dịch sang 5 ngôn ngữ khác ngoài tiếng Hoa. Tựa đề của phiên bản hải ngoại là "Dragon Quest XI: Echoes of an Elusive Age".
So với phiên bản Nhật thì bản hải ngoại sắp tới sẽ có những điểm khác biệt sau:

- Có lồng tiếng cho nhân vật.
- Có chế độ chủ quan: đây là chế độ nhìn từ góc của người thứ nhất. Tuy nhiên khi ở chế độ này thì không di chuyển được, mà chỉ dùng để quan sát đối tượng, xem phong cảnh.
- Thiết kế menu khác
- Có thêm hard mode gọi là "Draconian Quest".



IX.Một số hình ảnh



Đường lên núi lửa Mususubi giống với lối vào các ngôi đền Thần đạo ở Nhật





Một góc rất Tàu




Không khí Tây Tạng



Kiến trúc Hy Lạp



Vẻ đẹp Địa Trung Hải



DQ XI có nhiều phương tiện di chuyển trên field



Trùm cuối khá giống "Phi-de đại đế"



Cây thế giới hồi sinh sau khi đánh bại trùm cuối

2 bình luận :

  1. fan dòng này kể từ khi chơi bản viii trên ps2. bên nhật thì nổi tiếng là thế ấy mà ngoài nước thì nhiều người ko biết hay số biết khá ít và thích lại càng ít hơn. thời này là của action rpg nên classic-jrpg khá ít fan (ở vn)

    ReplyDelete

 
Top