Khái quát

"Kōjō no tsuki" (荒城の月), tạm dịch là "trăng trên thành hoang", là ca khúc Nhật Bản được cho là một trong những bài ca tiêu biểu nhất thể hiện rõ nét suy nghĩ, tâm tình đặc trưng của con người Nhật Bản. Ca khúc này do nhà thơ Doi Bansui viết lời, Taki Rentarō soạn nhạc vào năm Meiji thứ 34 (1901) với giai điệu và lời ca buồn, thể hiện góc nhìn vô thường của con người Nhật Bản với sự hưng vong thịnh suy của cõi trần gian. "Kōjō no tsuki" là nhạc khúc kết hợp điệu 5, 7 đặc trưng của dòng nhạc cổ điển/truyền thống Nhật Bản là Imayō, và âm điệu của nhạc Tây phương.
Năm 2007, "Kōjō no tsuki" được chọn vào danh sách trăm bài hát tiêu biểu do sở văn hóa Nhật Bản lựa chọn.

"Kōjō no tsuki" được xếp vào danh sách những ca khúc không thể nào quên của nền âm nhạc Nhật Bản cận đại, và từng được bầu chọn là ca khúc Nhật Bản mà người Nhật yêu thích nhất. "Kōjō no tsuki" cũng được biết đến nhiều ở hải ngoại, không thua gì niềm tự hào "Ue wo muite arukō" của Sakamoto Kyū (ca khúc này được thị trường Tây phương cover với cái tên "Sukiyaki" và từng được xếp hạng Billboard). Khi ban nhạc Đức quốc "Scorpions" đến Nhật vào năm 1978, họ đã biểu diễn ca khúc này, góp phần làm nó được biết đến nhiều hơn tại hải ngoại. "Scorpions" cũng từng biểu diễn lại ca khúc này trong buổi Live tại Ōsaka năm 2016.


Lịch sử

Ca khúc này ra đời vào năm Meiji thứ 34 (1901), khi Văn bộ sảnh (Bộ giáo dục) Nhật Bản tổ chức cuộc thi viết ca khúc để đưa vào sách "Xướng ca" (sách giáo khoa âm nhạc ở bậc tiểu học, trung học trong chương trình đào tạo của Văn bộ sảnh). Đương thời, Doi Bansui là nhà thơ tân tiến của trường âm nhạc Tōkyō (nay là Đại học nghệ thuật Tōkyō) được nhà trường nhờ viết lời cho sách "Xướng ca" trung học. Kết quả tuyển chọn trong cuộc thi viết nhạc là ca khúc của Taki Rentarō, bấy giờ cũng thuộc khoa nghiên cứu của trường, được lựa chọn. Ca khúc Kōjō no tsuki" ra trong bối cảnh mà cả người viết lời và người viết nhạc không hề gặp nhau, giành được nhiều hảo ý từ báo chí.

Nhà thơ Doi Bansui vốn người vùng Sendai phía Bắc Nhật Bản, ông viết lời ca khúc này với hình ảnh khu phế tích của thành Aoba, cư thành của tướng Data Masamune năm xưa ở vùng này. Trong khi đó thì nhạc sỹ Taki Rentarō lại liên tưởng đến phế tích thành Oka ở xứ Bungo, phía Nam Nhật Bản. Dù ra đời ở Tōkyō, nhưng dòng họ Taki trước đó từng giữ vị trí Gia lão, Samurai cao cấp coi sóc chính sự ở xứ Bungo. Cũng cần nói thêm rằng, trước thời điểm ca khúc này ra đời ít lâu thì nước Nhật vừa trải qua những biến động lớn về mặt cơ cấu xã hội. Nền chính trị Võ gia tập trung quyền lực trong tay dòng họ Tokugawa với các thế lực võ sỹ chư hầu đã chấm dứt, nhường chỗ cho tân chính phủ Meiji. Miền Nam, quê hương của Taki Rentarō, và miền Đông Bắc, quê hương của Doi Bansui cũng vừa chứng kiến cảnh bại trận của các thế lực Samurai trước chính phủ mới. Những đặc quyền đặc lợi, những thói quen sinh hoạt của giai cấp Samurai trong xã hội cũ đã không còn chỗ đứng. Sự thay đổi những giá trị này đã tác động đến tâm tình của nhiều người trong xã hội, mà có lẽ trong đó có cả Taki Rentarō và Doi Bansui, càng làm họ thấm thía hơn trước cái vô thường của lẽ đời.


Ca từ

Ca từ của "Kōjō no tsuki" thắm đượm nỗi buồn vô thường một cách đẹp đẽ. Cả bài gồm bốn khổ thơ. Khổ thơ đầu gợi lại hình ảnh vinh hoa của ngôi thành năm xưa, khi tiếng cười nói, chén thù chén tạc vang trên lầu cao của thành, dưới bóng hoa xuân và gốc tùng ngàn năm. Cây tùng được cho là loài cây sống lâu ngàn đời, và chữ "ngàn đời" (thiên đại, sendai) đồng âm với địa danh Sendai (Thiên Đài), nơi Date Masamune cai quản, đóng cư thành.
Câu "ánh sáng ngày xưa, nay ở đâu" (mukashi no hikari ima izuko) được lặp đi lặp lại ở cuối hai khổ thơ đầu như một sự da diết, luyến tiếc vào quá khứ. Ở những khổ thơ sau, hình ảnh vầng trăng trên nền thành, nay đã hoang phế vì vật đổi sao dời, như một sự đối chiếu giữa cái thường hằng và cái biến đổi. Trăng chiếu nửa đêm trên thành, nhưng giờ đây chỉ còn trơ gốc đá với rêu phong và tiếng gió lùa qua gốc cổ tùng. Ánh trăng năm xưa vẫn còn đó, nhưng giờ đây trăng sáng vì ai. Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?

 Dưới đây là lời ca khúc do Bảo Thụ dịch thô sang Việt ngữ

春高楼の花の宴 Haru kōrō no hana no en
Thành cao mở hội dưới hoa xuân
めぐる盃影さして Meguru sakazuki kage sashite
Chén rượu tiếng cười in bóng trăng
千代の松が枝わけいでし Chiyo no matsugae wake ideshi
Chị Hằng ngấp nghé gốc cổ tùng
むかしの光今何処 Mukashi no hikari ima izuko
Ánh sáng năm xưa nay còn đâu

秋陣営の霜の色 Aki jin-ei no shimo no iro
Doanh trại giữa thu nhuốm màu sương
鳴きゆく雁の数みせて Nakiyuki kari kazu misete
Bầy nhạn kêu vang giữa từng không
植うるつるぎに照りそいし Uuru tsurugi ni teri soishi
Ngọn kiếm cắm trơ chiếu bóng trăng
昔のひかりいまいずこ Mukashi no hikari ima izuko
Ánh sáng năm xưa nay còn đâu

いま荒城の夜半の月 Ima kōjō no yowa no tsuki
Trăng chiếu nửa đêm trên thành hoang
変わらぬ光誰がためぞ Kawaranu hikari taga tame zo
Ánh sáng ngàn thu chiếu vì ai
垣に残るは唯かづら Kaki ni nokoro wa tada kazura
Gốc thành còn trơ nhánh cỏ hoang
松に歌うはただ嵐 Matsu ni utau wa tada arashi
Vẳng nghe gió lùa giữa rặng tùng

天上影はかわらねど Tenjō kage wa kawaranedo
Trời cao in bóng vẫn thường hằng
栄枯は移る世の姿 Eiko wa utsuru yo no sugata
Thịnh suy biến chuyển chuyện cõi đời
うつさんとてか今もなお Utsusan toteka imamo nao
Đến nay trăng sáng hãy còn soi
ああ荒城の夜半の月 Ahh kōjō no yowa no tsuki
Hỡi ôi trăng sáng nửa đêm trên thành hoang



0 bình luận :

Post a Comment

 
Top