Một
 
Hãng taxi nào đó trưng quảng cáo tuyển dụng tài xế lên chính thân xe:
"Lương tháng xxx triệu, tỷ lệ ăn chia lên đến yyy%"
Chợt thấy lăn tăn với từ "ăn chia". Chẳng lẽ tiếng Việt đã xuống cấp tới mức này rồi sao. Mà không phải. Ngôn ngữ là một trong những đặc trưng phản ánh tâm thức của con người sống trong xã hội rõ rệt nhất. Không phải là ngôn ngữ xuống cấp, mà là tâm thức của con người xuống cấp và nó thể hiện rõ rệt qua lời ăn tiếng nói. Nhưng dòng quảng cáo đó vẫn tồn tại hết năm này qua tháng nọ.



Hai

Nhận được báo nội bộ trong công ty:
"Chúng ta đã đòi được tiền đền bù từ công ty X".
Báo cáo được gửi chính thức cho các ban bệ. Một cảm giác rất chợ búa lại tồn tại trong môi trường được cho là trí thức. Không một ai ý kiến gì.
Trong bất kỳ ngôn ngữ nào, ở thời đại nào đi nữa cũng luôn tồn tại những từ ngữ cao sang, lối diễn đạt thanh nhã bên cạnh những từ chợ búa đường xá, lối nói thô thiển. Nhưng vấn đề là loại ngôn ngữ thế nào thì phù hợp với môi trường thế đó. Ở chợ xá, không thể đòi hỏi những lời thanh cao như thơ Đường, còn trong nhà trường thì không thể chấp nhận những lời bán cá. Nếu lũ đầu trộm đuôi cướp dùng từ "ăn chia" để bàn về chiến lợi phẩm của chúng thì sẽ chẳng là vấn đề gì, vì đây là từ hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh, bản chất của chúng.
Nhưng ta vẫn thấy những từ ngữ thiếu phẩm cách, lối diễn đạt thô tục như vậy vẫn tồn tại trong môi trường trí thức, ngày càng lộ rõ, lan rộng ở môi trường công cộng. Như vậy phải chăng là số người phù hợp với loại ngôn ngữ thiếu phẩm cách kia, ngày càng lan rộng, len cả vào môi trường trí thức?



Ba

Sau biến cố lịch sử năm nọ, một loạt toilet công cộng ở Sài Gòn được đóng tấm bản, trên có ghi chữ to, rõ ràng:

- NHÀ ỈA
Còn các bệnh viện phụ sản thì được đổi thành:
- NHÀ ĐẺ
Cho nó bình dân giản dị, dễ hiểu. Một thời gian sau thì người ta tự thấy xấu hổ với những thứ mình viết ra, nên đã gỡ xuống hết. May mắn thay là vẫn còn có sự xấu hổ.


Bốn

Tôi không sống trong thời của Thạch Lam, Khái Hưng, Nhất Linh hay thời của Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Duy,... nhưng qua thư tịch để lại thì ai cũng nhận thấy một điều rằng, đã có một thời kỳ, tiếng Việt rất đẹp và sáng. Hẳn là do lòng người thời đó cũng rất đẹp và sáng. Hoặc giả là thứ văn hóa thô thiển, thiếu phẩm cách không được nổi trội dù là có tồn tại. Trái ngược với ngày nay.
Vì sao lại như vậy? Nhiều người đưa ra nhiều cách giải thích, nhưng có lẽ hợp lý hơn cả là thứ văn hóa thiếu phẩm cách đã gặp được môi trường phát triển thuận lợi. Hay nói một cách dân dã hơn, là "gặp thời". Còn nói theo kiểu các cụ nhà Nho thì là "tiểu nhân đắc chí".

Tiếng Việt có cái may mắn là rất dễ đánh vần. Chỉ cần học dăm ba tuần là có thể ráp vần, đọc viết được hết chữ. Tiếng Nhật, tiếng Hán thì ngược lại, thuộc loại học chữ nào biết chữ đó. Người Nhật học chữ quốc ngữ của họ rất khổ. Hầu như ai ai cũng sắm trong nhà một quyển từ điển quốc ngữ. Vì nếu không như thế thì họ chẳng thể đọc/viết được chữ nước họ. Còn cái may mắn của tiếng Việt hóa ra lại là cái dở. Ai ai cũng có thể đọc/viết tiếng Việt thông thạo nên chẳng mấy ai cần từ điển tiếng Việt. Thành ra càng ngày, người ta càng ít hiểu ít biết hơn về thứ ngôn từ mà mình đang sử dụng. Từ ngữ, ngoài ý nghĩa ra thì còn có sắc thái. Nhưng với tình trạng không mấy ai có từ điển quốc ngữ trong nhà, thì càng ngày, việc hiểu được ý nghĩa của từ đã khó rồi, còn nói gì đến việc nắm được sắc thái của từ.

1 bình luận :

 
Top