1. Trong một bài trước, blog này có đề cập đến phương châm giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa là: "Nhân bản - dân tộc - khai phóng". Điều này được ghi trong Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1967.
 
Nghe đâu đó là sau này cũng có người nhắc lại, nhưng với trật tự đảo ngược một tí: dân tộc, nhân bản, khai phóng.
Thật ra, đảo ngược trật tự như này là hết sức bậy bạ. Phương châm được ghi vào Hiến pháp được sắp xếp theo trình tự hợp lý: nhân bản rồi mới đến dân tộc.
"Nhân bản" là từ mà ngày nay, trong xã hội đương đại gọi là "nhân văn". Đây là những giá trị đạo đức cốt lõi mà bất cứ ai mang hình hài con người cũng cần phải có. Nó là giá trị chung của toàn thể nhân loại.
Còn "dân tộc" là một tập hợp những con người sống trên cùng một mảnh đất, đưa đến những nét tương đồng trong cách nghĩ, cách sống. Nhưng dân tộc chỉ là một phần nhỏ của nhân loại, do đó "dân tộc" không thể đứng trước "nhân bản".
Nếu "dân tộc" được xếp lên trước "nhân bản" thì thành ra một thứ chủ nghĩa Phát-xít, vì dân tộc mà sẵn sàng chà đạp lên nhân tính, đàn áp những dân tộc khác.
Ta có thể thấy rõ sự thắng thế của "nhân bản" trước dân tộc trong nhiều thời kỳ lịch sử. Đấu bò tót là một thú chơi "đậm đà bản sắc dân tộc" của người Tây Ban Nha, nhưng rồi chính họ cũng bỏ nó vì tính man rợ. Chém lợn, chọi trâu,... cũng đều là những thứ "nồng nàn bản sắc dân tộc", nhưng rồi cũng dần lùi vào sân sau chứ không còn được hưởng ứng nữa. Do đó, "nhân bản" phải xếp trước "dân tộc" vì nó quan trọng hơn.




2. Kinh Ma-thi-ơ (Matthew) của người Cơ Đốc có câu: ai yêu cha mẹ hơn ta thì không xứng đáng với ta; ai yêu con trai hay con gái hơn ta thì cũng không xứng đáng với ta. (Matthew 10:37 "Anyone who loves their father or mother more than me is not worthy of me; anyone who loves their son or daughter more than me is not worthy of me")
Thoạt nghe thì thấy như Thiên chúa xúi con người từ bỏ cha mẹ, con cái. Nhiều người thường dẫn câu này để công kích Cơ Đốc giáo. Với cái não trạng hạn hẹp thì có lẽ nhiều người cũng nghĩ vậy, nhưng nếu nhìn rộng ra thì thấy "ta" (Thiên chúa) ở đây là giá trị tối thượng, còn cha mẹ con cái, là những giá trị nhỏ hẹp hơn. Xét về mối tương quan như ở 1. thì Thiên chúa chính là "nhân bản", còn cha mẹ con cái là "dân tộc". Vậy nên có thể thấy câu Matthew 10:37 là hoàn toàn hợp lý khi xét trên phạm vi tổng quát.

Tư tưởng này còn được thấy bàn bạt trong kinh điển Phật giáo. Nói theo ngôn ngữ của Phật giáo thì đức Phật là bậc giác ngộ vượt qua khỏi mọi ràng buộc, là "thầy của trời và người", là bậc "không ai hơn được". Trong khi đó thì cha mẹ, anh em, con cái,... cũng chỉ là những chúng sinh bình thường còn lặn ngụp trong sinh tử, còn bị nhiều ràng buộc.
Nhưng Phật giáo cũng chủ trương "chúng sinh là Phật sẽ thành", "mọi chúng sinh đều có Phật tính". Nếu vận dụng cách hiểu này vào câu Matthew 10:37 thì có thể hiểu: yêu Thiên chúa, tức là yêu cái tính Thiên chúa có sẵn trong bản thân mình. Nói cách khác là yêu cái Phật tính của mình, lấy đó làm trọng. Cha mẹ, con cái đều là những đối tượng của ngoại cảnh. Có thể hiểu ý nghĩa của Matthew 10:37 là phải biết quý cái "chân tâm rốt ráo" của mình, chứ không  chạy theo đối tượng ngoại cảnh mà được thị hiện ở đây qua hình tướng cha mẹ, thân thích.

1 bình luận :

  1. lần đầy nghe đến gọi là "kinh" mattheaw

    ReplyDelete

 
Top