Khái quát
Bạt đao đội (抜刀隊 - Battō-tai) là tên gọi của một đội quân cận chiến gồm các cảnh sát tinh nhuệ, thông thạo kiếm thuật được thành lập trong trận đánh ở Tabaruzaka vào năm Meiji thứ 10 (1877). Trận chiến này là một nhân tố quan trọng giúp chính phủ Meiji nắm được thắng lợi trong cuộc chiến tranh vùng Tây Nam. Cuộc chiến Tây Nam là cuộc chiến giữa quân chính phủ Meiji (gọi là "quan quân") và quân của các Sĩ tộc phía Tây Nam Nhật Bản nổi loạn, do một quan chức cao cấp trong chính phủ là Saigō Takamori lãnh đạo. Chiến tranh Tây Nam là cuộc nội chiến cuối cùng trong lịch sử Nhật Bản, tính đến thời điểm năm 2018.
Từ "bạt đao" (Battō) mang nghĩa là rút đao, rút kiếm. Từ này còn là một thuật ngữ trong kiếm thuật, chỉ lối đánh bất ngờ, khi kiếm đang ở trong vỏ thì xuất kỳ bất ý rút ra, đồng thời cũng lấy mạng đối thủ. Đây là lối đánh độc đáo, chỉ thấy duy nhất trong kiếm thuật Nhật Bản vì thanh kiếm Nhật có độ cong phù hợp để rút nhanh ra khỏi vỏ.
Nhân vật cảnh sát Saitō Hajime (nhân vật lịch sử) trong bộ Manga Rurōni Kenshin cũng là một thành viên trong Bạt đao đội tại thời điểm chiến tranh Tây Nam.
Bối cảnh thành lập
Quỷ Nộ Minh Môn (鬼怒鳴門), học giả người Mỹ (tên thật là Donald Keene, phiên âm Nhật là "do-na-ru-do-kiin, đọc theo lối Á Đông họ trước tên sau sẽ thành "Kiin [quỷ nộ] Donarudo [minh môn]) nghiên cứu về Nhật Bản nhận định về cuộc chiến Tây Nam trong sách "Thiên Hoàng Meiji", chương 28 như sau:
"Tháng 2 năm Meiji thứ 10 (1877) là một tháng đáng ghi nhớ nhất trong lịch sử Nhật Bản cận đại. Cuộc nội chiến cuối cùng của nước Nhật, cuộc chiến Tây Nam, đã bộc phát trong tháng này và là cuộc chiến mà các vị anh hùng Duy Tân chia rẽ thành hai bên địch ta. Cuộc chiến tranh Tây Nam không chỉ là mối đe dọa lớn nhất đối với khí vận dân chủ chủ nghĩa mà đầu não trong chính phủ muốn hướng đến, mà nó còn là vấn đề trọng đại liên quan đến sự tồn vong của cả thể chế. Ban đầu khi cuộc chiến bộc phát, không ai biết được liệu cuộc nổi loạn của Satsuma có thành công hay không. Nếu như Satsuma thành công thì chắc chắn bản đồ chính trị Nhật Bản sẽ được vẽ lại."
Bấy giờ Saigō Takamori bất mãn với chính phủ Triều đình, rút về phiên trấn quê nhà Satsuma (Kagoshima) ở phía Tây Nam nước Nhật. Các phiên trấn miền Tây Nam là nơi tập trung của nhiều Sĩ tộc bất bình với chính phủ, hăm he thời cơ để thay đổi bộ máy nhà nước. Từ tháng 2 năm này, chính phủ nhận được tin báo khẩn cấp từ Kumamoto về cuộc bạo động ở đây. Lục quân khanh Yamagata Aritomo cho rằng tình hình Kagoshima đang cực kỳ cấp bách. Nếu xảy ra bạo động thì sẽ kéo theo điều gì, và kết quả sẽ sinh ra những biến động gì thì khó mà lường trước được, quyết không thể xem nhẹ. Nếu như Kagoshima động thủ thì những kẻ cùng chí hướng ở Kyūshū, Shikoku, San-in, San-yō, Tōkai, Hokuriku, Tōhoku sẽ tham gia vào, bạo loạn sẽ lan rộng khắp cả nước. Trong 8 xứ Sagami, Musashi, Kōzuke, Shimotsuke, Awa, Kazusa, Shimōsa và Hitachi thì cũng có nhiều cựu phiên trấn nhỏ không biết sẽ ngả về bên nào.
Bấy giờ ở Kagoshima cũng xuất hiện tin đồn rằng chính phủ đang phái thích khách đến ám sát Saigō Takamori. Saigō là nhân vật được lòng nhiều người trong cả nước Nhật nên tin đồn này khiến phe Saigō tức giận, quyết định kéo quân tiến về thủ đô. Từ đó dẫn đến xung đột giữa quan quân (quân chính phủ) với quân phản loạn (quân Saigō). Một trong những trận đánh quyết định dẫn đến sự ra đời của Bạt đao đội là trận Tabaruzaka. Trong trận này, quân chính phủ (lục quân) tuy chiếm ưu thế về số lượng nhưng phần lớn là lính trưng binh xuất thân từ nông phu, không thạo đánh nhau. Trong khi đó thì lực lượng chủ lực của quân Saigō là các Sĩ tộc, tức tầng lớp Võ sĩ tinh thông kiếm thuật. Vì vậy mà lực lượng của quân chính phủ giảm sút đáng kể khi cận chiến với quân phản loạn. Trước tình hình này, các đầu não trong quân chính phủ quyết định chọn những người xuất sắc về kiếm thuật trong đội cảnh thị Naokiguchi để thành lập đội cận chiến đối phó với quân Saigō. Đội quân này được gọi là "Bạt đao đội" (Battō-tai).
Bạt đao đội được thành lập qua 3 lần. Lần thứ nhất là sau ngày 11 tháng 3 năm meiji thứ 10 (1877), gồm hơn 100 cảnh sát tinh nhuệ được chọn lựa từ đội cảnh thị Naokiguchi (354 người). Sau khi đội thứ nhất giảm sút nhân số sau trận đột kích Futamata thì đội Bạt đao thứ 2, thứ 3 được thành lập, và cuối cùng chiếm được Tabaruzaka từ quân Saigō, mở đường đột phá cho quân chính phủ (quan quân). Quỷ Nộ Minh Môn viết về chiến công của Bạt đao đội trong sách "Thiên Hoàng Meiji" như sau:
"Thắng lợi đầu tiên của quân chính phủ là do "Bạt đao đội" mang lại. Đây là đội quân được tuyển chọn với trăm cảnh sát tuần tra. Họ dùng gươm đao tấn công vào mạn bên của đồn lũy địch mà quân chính quy đánh mấy ngày cũng không phá nổi. Ngày 15 tháng 3, quân chính phủ bắt đầu tấn công vào Tabaruzaka, cứ điểm phòng vệ của địch. Kể từ khi cuộc chiến Tây Nam nổ ra, cả hai bên đều có nhiều người hy sinh. Ngày 20, quân chính phủ đột phá được trận địch, chiếm được đồn lũy. Bấy giờ có ghi chép rằng: "số lính giặc bỏ mạng đến mấy trăm, xác người ngáng cả lối đi, nước trong hào một màu máu đỏ". Quân chính phủ đuổi theo quân địch bỏ chạy. Cuộc chiến vây thành Kumamoto còn kéo dài thêm 3 tuần, và chiến tranh Tây Nam chỉ kết thúc vào cuối tháng 9 nhưng thắng lợi của quân chính phủ ở Tabaruzaka dường như đã cho thấy trước kết cục. Dù sớm hay muộn thì quân chính phủ với quân số và vật tư chiếm ưu thế cũng sẽ đánh bại các Sĩ tộc Satsuma quật cường."
Ảnh hưởng
Kể từ thời Duy tân Meiji thì kiếm thuật Nhật Bản bị xem nhẹ so với súng ống Tây phương, Võ sĩ bị cấm mang đao kiếm. Nhưng sau khi Bạt đao đội lập chiến công giúp quân chính phủ giành thắng lợi quan trọng thì giá trị của kiếm thuật và đao kiếm được nhìn nhận lại. Tổng giám sở cảnh thị Kawaji Toshiyoshi viết cuốn "Kích kiếm tái hưng luận" (Gekiken saikō-ron, luận về việc chấn hưng kiếm thuật) thể hiện rõ quan điểm muốn khuyến khích việc dạy kiếm thuật cho cảnh sát. Đến năm Meiji thứ 12 (1879) thì cơ quan dạy võ nghệ, kiếm thuật cho cảnh sát ra đời. Cơ quan này chiêu mộ nhiều kiếm sư nổi tiếng đương thời như Kajikawa Yoshimasa, Ueda Sama-no-suke, Henmi Sōsuke,... Sau thời gian đó, cơ quan này liên tục tuyển dụng nhiều kiếm khách tài ba như Shingai Tadaatsu, Shimoe Hidetarō, Tokunō Sekishirō,... Những kiếm khách này đã hình thành nên nền tảng kiếm thuật cảnh thị. Cơ quan này cũng tổ chức đại hội đấu kiếm với quy mô lớn ở đền thờ Yayaoi. Sở cảnh thị đương thời cũng là cứ điểm lớn nhất của các kiếm khách. Cho đến hiện tại thì lực lượng cảnh sát vẫn là lực lượng hùng mạnh nhất trong giới Kiếm đạo (Kendō) Nhật Bản.
Quân ca
Vào năm Meiji thứ 15 (1882), Giáo sư trường Đại học Tōkyō là Toyama Masakazu sáng tác bài thơ với tựa đề "Battō-tai no shi" (thơ về Bạt đao đội). Bài thơ này được Charles Edouard Gabriel Leroux (Đại úy Lục quân Pháp, kiêm nhạc sỹ, được chính phủ Meiji thuê để viết quân nhạc) phổ nhạc, đến năm Meiji thứ 18 (1885) thì hình thành bài quân ca "Battō-tai". Leroux dựa trên âm điệu của bài quân ca "Battō-tai" này để sáng tác bài "Fusōka" (Phù Tang ca), đến năm Meiji thứ 19 thì chính thức được chọn làm nhạc hành quân của Lục quân Đại Nhật Bản Đại đế quốc.
Hiện tại, bài quân ca "Battō-tai" là nhạc hành quân chính thức của lực lượng cơ động thuộc sở cảnh thị và đội Tự vệ trên bờ. Bài này cũng được trình diễn trong các buổi diễn binh của đội Tự vệ.
Bài quân ca "Battō-tai" đi vào lòng người ở giai điệu hùng tráng của quân nhạc Pháp quốc và ca từ bi thống, anh hùng mã thượng của Samurai Nhật Bản. Bài quân ca này có những ca từ tán tụng sự vũ dũng hào hùng của phe địch, một điều vô cùng hiếm thấy trong quân nhạc các nước. Nội dung bài quân ca này sẽ được đề cập trong bài sau.
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
0 bình luận :
Post a Comment