Lịch sử nhân loại là lịch sử của những cuộc xung đột, mâu thuẫn và chiến tranh bất tận. Chiến tranh là điều không mấy người muốn, nhưng cũng không mấy ai tránh được. Trong cuộc chiến thì hẳn nhiên sẽ có người thắng và kẻ bại, như hai mặt của một tờ giấy. Thắng lợi của người này là thất bại của kẻ kia. Tuy nhiên, có những thứ được người ta quan tâm còn nhiều hơn thất bại hay chiến thắng của bên nào. Một trong số đó chính là cách đối xử, thái độ của phe thắng trận đối với kẻ bại trận. Đó là một trong những chỗ để người ta nhìn nhận ra tính con người, tính mã thượng hào hiệp của một tập thể người, một dân tộc. Hẳn là điều này có liên quan mật thiết với tầm vóc của dân tộc đó.
1. Cuộc nội chiến Hoa Kỳ vào thế kỷ 19 kết thúc bằng thắng lợi của phe miền Bắc với chủ trương giải phóng nô lệ. Thắng lợi của phe miền Bắc chính thức chấm dứt chế độ nô lệ tại đất nước này. Nước Mỹ được thống nhất, nhưng cách đối xử của phe thắng trận miền Bắc với phe bại trận miền Nam làm cả Thế giới phải nể phục. Dù người miền Bắc thắng trận nhưng họ vẫn tôn vinh tướng Robert E.Lee của miền Nam như một vị anh hùng. Người Mỹ cho rằng nếu một người Mỹ bị hạ nhục, bất kể miền Nam hay Bắc, thì tức là dân tộc Mỹ bị hạ nhục. Lá cờ rách nát của phe bại trận miền Nam vẫn được trưng bày trang trọng trong bảo tàng.
"Quân đội hai bên Nam Bắc, quân phục màu xanh, quân phục màu xám, các tướng lãnh, sĩ quan, binh sĩ và dân chúng. Những cái chết đau thương và anh hùng của cả hai bên, những mối tình bất hủ, tràn đầy hình ảnh em hậu phương, anh tiền tuyến".
2. Thời Chiến Quốc ở Trung Hoa có Công tử Khánh Kỵ người nước Ngô, sức khỏe vô song. Phe đối lập là Ngũ Viên (Tử Tư) dùng Yêu Ly để ám sát. Yêu Ly là người nhỏ con, sức khỏe không có, võ nghệ không thông nhưng được lòng quả cảm phi phàm. Yêu Ly tự giết vợ con, tự chặt tay phải của mình, xin theo Công tử Khánh Kỵ, nói dối là muốn báo thù kẻ thù chung với Khánh Kỵ. Yêu Ly được tin dùng. Một lần Khánh Kỵ đi thuyền trên sông, dẫn theo Yêu Ly. Nhân lúc bất ý, Yêu Ly dùng giáo đâm lén vào bụng Khánh Kỵ. Khánh Kỵ sức khỏe phi phàm, xách ngược Yêu Ly lên dìm đầu xuống nước nhiều lần rồi lại để lên trên đầu gối, cúi nhìn rồi cười mà bảo rằng: "Thiên hạ còn có dũng sĩ dám cả gan đâm ta!"
Quân sĩ bèn xúm lại đâm Yêu Ly, Khánh Kỵ ra lệnh lui quân và bảo rằng: "Người này là dũng sĩ! Chớ nên trong một ngày mà để chết hai dũng sĩ của thiên hạ. Đừng giết hắn làm gì, nên tha cho hắn về nước để tỏ lòng trung của hắn."
Sau đó, Yêu Ly tự cho là mình bất nhân, bất nghĩa, bất trí: "Vì đạo thờ vua mà giết cả vợ con, thế là bất nhân; vì vua mới mà giết con vua cũ, thế là bất nghĩa; nên việc cho người mà đến nỗi tàn hại cả thân thể, cả vợ con, thế là bất trí. Đã phạm ba điều ấy, còn mặt nũi nào mà đứng trên cõi đời nữa!" nên tự sát chết.
3. Nước Nhật dưới thời Thiên Hoàng Meiji từng trải qua nhiều biến động và nội chiến. Từ khi thể chế Mạc phủ được thành lập dưới sự lãnh đạo của các vị Tướng Quân võ gia thì quyền lực của Thiên Hoàng chỉ còn là hình ảnh tượng trưng. Nhưng đến khi Thiên Hoàng Meiji lên ngôi thì quyền lực được giành lại cho Thiên Hoàng như ngàn năm trước. Các trung thần Mạc phủ vẫn kháng cự Triều đình (chính phủ Meiji) đến cùng, nhiều lần họ gây cho quan quân (quân Triều đình) tổn thất nặng nề. Nhưng cuối cùng thì lực lượng phản kháng cũng tan rã. Điều đáng nói là các đầu não của phe chống chính phủ chẳng những không bị xử tử mà còn được chính phủ tuyển dụng vào các vị trí quan trọng trong bộ máy. Trong đó có những người như Enomoto Takeaki, được thăng tiến rất cao. Không một ai trong số các cựu thần của Mạc phủ chống chính phủ Meiji bị xử hình.
Sách "Thiên Hoàng Meiji" chương 18 viết về việc này như sau:
Ngày 18 tháng 5 năm Meiji thứ 2 (1869), Enomoto đầu hàng quan quân và bị cầm tù 3 năm, đến năm Meiji thứ 5 thì được đặc xá và lập tức được cất nhắc lên vị trí sứ khai khẩn Hokkaidō.
Các chúa phiên can dự vào việc mưu phản cũng được ân xá khoan hồng. Sau khi cuộc chiến ở vùng Ōu kết thúc thì Thiên Hoàng liền viết sắc thư với ý như sau: thưởng phạt là việc lớn của thiên hạ, một mình Trẫm không thể quyết định. Cần phải tổ chức hội nghị rộng rãi, xét trên tinh thần chí công vô tư, không được mắc sai lầm.
Cựu phiên chủ Aizu là Matsudaira Katamori, vốn cũng mắc tội mưu phản và phải bị xử lý nghiêm nhưng cũng được miễn chết. Sự thật là không chỉ mình Matsudaira Katamori, mà tất cả các chúa phiên mưu phản khác cũng đều được khoan hồng. Không một ai bị xử tử trong vụ chống lại chính phủ. Matsudaira Katamori bị xử quản thúc suốt đời ở phiên trấn Tottori, nhưng chẳng bao lâu sau thì được khoan hồng và bổ nhiệm vào vị trí quản lý đền thờ Tōshō-gū ở Nikkō. Các chúa phiên khác tuy bị tịch thu lãnh địa, nhưng phần lớn cũng được cấp cho lãnh địa mới. Duy chỉ có mỗi mình Kido Takayoshi là chủ trương phải xử tử những kẻ mưu phản. Kido cho rằng bản thân mình không ghét con người, nhưng lại ghét tội của hắn. Vì phường phản loạn mà rất nhiều trung thần nghĩa sĩ tận tâm vì nước đã bỏ mạng. Việc xử phạt là phép lớn của thiên hạ, dù có xử lý khoan dung cũng không được bẻ cong phép lớn này. Tuy nhiên lời nói của Kido không làm dao động các quan trong chính phủ. Đối xử khoan dung đã trở thành xu thế của thời đại.
4. Trong chiến tranh Nhật-Thanh vào thế kỷ 19 cũng thấy câu chuyện tương tự. Quân Thanh thất bại liên miên trước quân đội Nhật Bản. Tướng Thanh là Đề đốc Đinh Nhữ Xương muốn quyết sống mái nhưng thuộc hạ không ai nghe, nên đành viết thư xin đầu hàng, gửi đến tướng Nhật là Itō Sukeyuki. Từ trước đó, Itō đã khuyến cáo Đề đốc Đinh đầu hàng. Thư khuyên hàng của Itō được viết bằng Anh ngữ nhằm để cố vấn ngoại quốc của Đinh được tham gia vào quân nghị quyết định đầu hàng hay không. Thư khuyên hàng của Itō có đoạn như sau:
"Các hạ,
Vì sự bất hạnh lần này mà chúng ta thành ra kẻ địch của nhau. Nhưng trận chiến hôm nay không mang ý nghĩa thù địch giữa hai con người chúng ta. Tôi hy vọng rằng tình bạn giữa chúng ta ngày xưa vẫn còn đủ ấm áp để bảo đảm với các hạ rằng, bức thư này được gửi đi với sự cho phép của các hạ, là nhằm vào động cơ cao cả hơn chỉ là lời khuyến cáo đầu hàng".
Sách "Thiên Hoàng Meiji" chương 46 viết về cách người Nhật đối xử với Đinh Nhữ Xương như sau:
Khi tiếp nhận thư đầu hàng của Đinh Nhữ Xương thì trưởng tư lệnh Itō thông qua quân sứ mà gửi rượu nho, champage gửi Đề đốc Đinh để ủy lạo và thể hiện lễ nghĩa. Sáng ngày 12 tháng 2, pháo hạm Thanh quốc là Trấn Bắc treo cờ trắng, tiếp cận kỳ hạm Matsushima của hạm đội Liên hiệp. Quân sứ mang theo thư xin đầu hàng chính thức của Đề đốc hải quân Đinh Nhữ Xương của hạm Bắc Dương gửi trưởng tư lệnh Itō Sukeyuki. Đề đốc Đinh yêu cầu bảo đảm an toàn cho các đội quân Thanh quốc và cố vấn ngoại quốc, đổi lại sẽ giao nộp tàu bè trong vùng biển Uy Hải Vệ cùng các pháo đài, binh khí. Ngày 16, Đề đốc Đinh làm một bài thơ Hán, ghi trách nhiệm làm mất hải quân Thanh quốc rồi uống thuốc độc tự sát.
Cái chết của Đề đốc Đinh khiến người Nhật động tâm, khiến họ sinh lòng kính trọng ông. Các tác giả tranh gấm cũng cảm kích hành động này mà vẽ lại cảnh cuối đời của Đề đốc trước khi uống thuốc độc. Bức tranh gấm của Mizuno Toshikata vẽ Đề đốc tay cầm ly độc, mắt nhìn quân hạm đang bốc cháy trong cảng. Họa sĩ Migita Toshihide cũng vẽ Đề đốc vào phút cuối đời với một nhân vật to lớn hơn, ngồi thẫn thờ trên ghế, mắt lướt nhìn tờ di thư. Trên cái bàn gần đó có đặt một cốc thủy tinh chứa chất độc.
Khi biết Đề đốc Đinh đã tự sát, trưởng tư lệnh Itō Sukeyuki hạ lệnh cho hạm đội treo cờ rũ, cấm tấu nhạc ngoại trừ các nghi thức. Itō hỏi viên sĩ quan Thanh quốc lên hạm để làm thủ tục đầu hàng rằng hạm nào chứa được nhiều người nhất. Viên sĩ quan đáp rằng ngoại trừ hạm Khang Tế thì các quân hạm khác không thích hợp để vận chuyển. Hạm Khang Tế vốn là tàu vận chuyển, có thể chở được 2,000 người. Itō nói rằng hôm trước có bàn với quý quan về việc xử lý linh cửu của Đề đốc Đinh thì quý quan cho rằng nên dùng tàu Nhung Khắc (tàu buồm lòng phẳng) để chở cùng các quan tài khác ra khỏi cảng. Tuy nhiên Itō cho rằng "ông ấy thực sự là trưởng quan thủy sư của Bắc Dương, (giản lược) tuy bại trận nhưng để một chiếc Nhung Khắc chở linh cửu ông ấy thì nam nhi Nhật Bản không cam lòng. Để an lòng vong linh Đề đốc, ta sẽ không tiếp nhận hạm Khang Tế mà để quý quan tự do xử lý. Nếu như Khang Tế chở linh cửu mà còn chỗ trống thì có thể chở các sĩ quan khác".
Một nhà báo ngoại quốc trên hạm Khang Tế chở linh cửu Khang Tế viết rằng: "hạm đội Nhật Bản đã viếng linh hồn của kẻ địch dũng cảm một cách đậm tình người. Khi tàu hơi nước chở linh cửu ra khỏi cảng thì tất cả mọi tàu bè khác đều treo cờ rũ, kỳ hạm của Bá tước Itō cũng nổ pháo lễ đưa tang khi con tàu tiến đi. Các quân hạm Âu châu neo tại cảng Uy Hải Vệ cũng treo cờ rũ, tán thán lòng dũng cảm của cố Đề đốc".
Trưởng tư lệnh Itō đã hành động khoan dung một cách lạ lùng đối với kẻ thù bại trận. Không chỉ cho phép toàn bộ người Thanh rút lui theo tàu Khang Tế mà còn cho phép tất cả những người không chiến đấu được rời khỏi cảng Uy Hải Vệ. Trận chiến ở Uy Hải Vệ không chỉ kết thúc trong thắng lợi của hải quân Nhật mà còn thể hiện tinh thần Võ sĩ đạo Nhật Bản kể từ sau sự kiện rùng rợn ở Lữ Thuận.
5. Trong chiến tranh Nhật-Nga ngay sau đó, hành động đối xử của người Nhật đối với tù binh Nga đã chiếm được tình cảm của nhiều người Mỹ. Nhà truyền giáo Cơ Đốc, tiến sĩ Sidney Gulick viết:
"Nếu nói về thái độ đối với người ngoại quốc thì không một quốc gia nào để lại những ghi chép đầy tôn kính như Nhật Bản".
[Sidney Lewis Gulick, "The White Peril in the Far East" trang 17-18]
Việc Nhật đối xử quãng đại với tù binh người Nga cũng khiến Gulick chủ trương rằng người Nhật hoàn toàn thông thạo lễ nghi phép tắc Tây phương. Các thủy thủ Nga bị thương trên hạm Variag được dẫn đến Matsuyama và được đối xử như "khách". Họ được ở phòng đủ rộng rãi, có bác sĩ, dược sĩ chuyên nhiệm, có thông dịch và được 11 nữ khán hộ chăm sóc. Giường ngủ kiểu Tây cũng được bố trí, chăn màn, đệm, gối, gia giường cũng được chuẩn bị chu đáo. Họ cũng được cung cấp bữa ăn kiểu Tây, hoa tươi trang trí phòng bệnh cũng được thay mới sau 2, 3 ngày. Các vị khách sinh hoạt thoải mái, được hưởng tự do đầy đủ. Gulick nghĩ rằng, "hẳn là trước đây, những người này chưa từng được trải qua khoảng thời gian nào thoải mái như thế này trong đời họ".
[Cùng tư liệu trên, trang 95-96. Gulick viết về việc các tù binh Nga được đối xử như thế nào. Chuyện này được vợ của một tù binh là Eliza Ruhamah Scidmore xác nhận. Eliza viết, "Chính phủ Nhật đảm bảo tự do riêng tư của tù binh, cấp cho họ cơ sở hạ tầng kiểu Âu châu. Nó còn trên cả mức lữ quán dành cho du khách. Các tù binh sĩ tốt thì được đối xử tử tế mà trong mơ họ cũng không thấy được. Họ được ở trong môi trường sạch sẽ, thoải mái và nhàn hạ". (Eliza Ruhamah Scidmore, "As The Hague Ordains" trang 293)]
6. Một ví dụ rõ nét nhất cho hành động mã thượng, xem địch thủ như kẻ anh hùng được thể hiện trong bài quân ca "Bạt đao đội" (Battō-tai). Bài này ra đời trong bối cảnh cuộc chiến Tây Nam, cuộc nội chiến cuối cùng của nước Nhật. Các Sĩ tộc phương Nam, đứng đầu là Saigō Takamori bất mãn với chính sách của chính phủ Triều đình, tiến quân về thủ đô, nói là để quét sạch lũ gian thần. Quân Triều đình (quan quân) giao chiến gây cấn với quân phản loạn ở Tabaruzaka, nhưng thất bại nặng nề vì chủ lực của quân phản loạn là tầng lớp Võ sĩ Samurai, trong khi lính của quan quân phần lớn là nông dân trưng binh. Vì vậy quan quân quyết định thành lập đội đột kích tuyển chọn từ những cảnh sát tinh thông kiếm thuật, gọi là "Bạt đao đội". Đội quân này mang lại thắng lợi quyết định cho quan quân ở Tabaruzaka, tác động không nhỏ đến chung cuộc.
(Xem thêm: https://gokuraku-shujo.blogspot.com/2018/01/Battotai.html)
Sau đó, Giáo sư trường Đại học Tōkyō là Toyama Masakazu (từng giữ chức Văn bộ đại thần trong chính phủ, tương đương Bộ trưởng Giáo dục) sáng tác bài thơ "Battō-tai no uta". Bài thơ này được Charles Edouard Gabriel Leroux (Đại úy Pháp, được chính phủ Meiji thuê để viết quân nhạc) phổ nhạc theo âm hưởng nhạc Tây, sau chính thức trở thành quân ca Nhật Bản. Trích đoạn một phần bài quân ca này như sau:
吾は官軍我が敵は、天地容れざる朝敵ぞ
Ware wa Kangun, Waga teki wa tenchi irezaru Chōteki zo
(Chúng ta là quan quân, kẻ thù của chúng ta là Triều địch [kẻ thù của Triều đình] thiên địa bất dung)
敵の大将たる者は、古今無双の英雄で
Teki no taishō taru mono wa kokon musō no eiyū de
(Đại tướng của kẻ thù là bậc anh hùng cổ kim vô song)
これに従うつわものは、共に剽悍決死の士
Kore ni shitagau tsuwamono wa hyōkan kesshi no shi
(Binh lính theo hắn đều là kẻ sĩ mạnh mẽ cùng liều quyết tử)
鬼神に恥じぬ勇あるも、天の許さぬ反逆を
Kijin ni hajinu yū aru mo, Ten no yurusanu hangyaku wo
(Dù họ dũng mãnh không thẹn với quỷ thần, nhưng kẻ gây phản nghịch)
起こせし者は昔より、栄えしためし有らざるぞ
Okoseshi mono wa mukashi yori, sakaeshi tameshi arazaru zo
(trời không dung, xưa nay đều không thể khá)
敵の亡ぶるそれ迄は、進めや進め諸共に
Teki no horoburu sore made wa susume ya susume moro tomo ni
(Tiến lên, cùng tiến lên nào, cho tới khi tiêu diệt kẻ thù)
玉散る剣抜きつれて、死する覚悟で進むべし
Tama chiru tsurugi nuki tsurete, shisuru kakugo de susumu beshi
(Tuốt gươm sáng loáng, hãy tiến lên trong tư thế sẵn sàng chết)
....
Nghe bài quân ca này tại đây
Có thể thấy, hành động khen ngợi kẻ thù, đối đãi tử tế, mã thượng với kẻ thù chẳng những không làm suy giảm vị thế của bên thắng trận mà còn nâng cao vị thế, tầm vóc của họ. Những con người lớn, dân tộc lớn thường biết vượt qua những cái nhỏ nhặt tầm thường mà có hành động lớn để có kết quả lớn.
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
Không thiếu tài liệu về cách đối xử của quân Nhật với tù binh trong WWII. Có tài liệu nói rằng Hitler đã dự định đưa ng Do Thái lưu đày tới Madagaskar. Mình tin rằng chỉ khi trên thế thắng hoàn toàn, ng ta mới có thể khoan hồng đúng mực với kẻ địch.
ReplyDelete