Từ thế ca
Có người từng nói, người Nhật Bản vốn không có triết lý gì đáng kể đối với cuộc sống, nhưng họ lại có một quan niệm đặc biệt đối với cái chết. Cái đẹp trong văn hóa truyền thống Nhật Bản hội đủ các yếu tố: "u", "nhàn", "thanh", "nhã" và đậm mùi chết chóc. Cái chết trong nét đẹp truyền thống của người Nhật không mang tính man rợ, kinh dị hay ám ảnh mà đượm vẻ man mác, một chút luyến tiếc như lòng người vốn biết nhưng vẫn cố cưỡng lại lẽ vô thường của cõi đời.
Có khá nhiều khía cạnh thể hiện sự chết chóc là một nét đẹp trong tâm thức của người Nhật. Một trong những khía cạnh đó là thơ từ thế (từ thế ca, từ thế cú), bài ca từ biệt cõi đời, hay gọi tắt là "từ thế".
"Từ thế" (辞世 - Jisei) vốn là danh từ chỉ sự chia lìa cõi đời, sau đó được dùng để chỉ hình thức thơ ca ngắn của người sáng tác lúc chuẩn bị lìa đời. Hình thức của kiểu thơ này gồm có Hán thi (thơ chữ Hán), kệ, Waka (Hòa ca, thể thơ theo nhịp 5-7) hay Haiku. Thơ từ thế được sáng tác ngay lúc tác giả chuẩn bị lìa đời. Đây là phong tục cố hữu ở vùng Đông Á, nhưng thấy rõ rệt nhất là ở Nhật. Nội dung của thơ từ thế thường là sự cảm khái, tóm lược về cuộc đời của tác giả trước lúc chết.
Thiền sư dòng Lâm Tế (Rinzai) sống cuối thời Kamakura là Yakuō Tokuken viết, "lời của kẻ trước lúc chết không phải là lời tầm thường, đó là bức tường mà bất cứ ai cũng phải đi qua".
Đến nay vẫn chưa xác định được tục viết thơ từ thế khởi nguồn từ khi nào, nhưng hình thức này nở rộng vào thời trung cổ ở Nhật và là không thể thiếu đối với giới văn nhân trước lúc chết, hoặc giới Võ sĩ trước khi tiến hành nghi thức Seppuku (mổ bụng tự sát). Trong trường hợp này thì thể thơ Waka với nhịp điệu 5-7 được sử dụng nhiều, còn các Thiền sư cũng có tục để lại thơ tuyệt bút trước lúc qua đời, theo hình thức kệ (Kệ đà).
Akechi Mitsuhide, bộ tướng của Oda Nobunaga cuối thời Chiến quốc, người nổi lửa ở chùa Bản Năng (Honnō) giết chết chủ mình, sau đó bị thuộc hạ của Oda truy sát. Trước lúc tự sát, Akechi để lại bài thơ từ thế chữ Hán rằng:
"Thuận nghịch vô nhị môn, đại đạo triệt tâm nguyên, ngũ thập ngũ niên mộng, giác lai quy nhất nguyên" (順逆無二門 大道徹心源 五十五年夢 覚来帰一元).
(Dịch ý: quy thuận và phản nghịch vốn một lẽ, ta như tỉnh giấc mộng 55 năm mà trở về với cái đạo lớn, gốc rễ của tâm)
Uesugi Kenshin, danh tướng sùng Phật giáo thời Chiến quốc, trước lúc qua đời cũng để lại thơ từ thế dưới hình thức kệ của nhà Phật, phảng phất lẽ vô thường:
"Tứ thập cửu niên, nhất thùy mộng, nhất kỳ vinh hoa, nhất bôi tửu" (四十九年一睡夢 一期栄華一盃酒).
(Dịch ý: 49 năm, một giấc mộng, một thời vinh hoa, một chén rượu)
Đến thời Edo thì thơ từ thế ở hình thứ kệ biến mất, đồng thời chứng kiến trào lưu chuyển đổi từ thể thơ Waka sang thơ Haiku, Kyōka (Cuồng ca - thơ điên). Trong thời kỳ này, văn chương từ thế đạt đến đỉnh cao khi miêu tả cái chết một cách nhẹ nhàng, sáng sủa nhưng vẫn lột tả được tầm quan trọng của nó. Yếu tố thô tục, hài hước vốn không có trong thơ Waka cũng được sử dụng rộng rãi trong thời kỳ này. Những người bị buộc phải chọn cái chết vì lý do chính trị thường sử dụng Hán thi cho bài ca từ biệt cõi đời của mình cũng là một nét đặc trưng trong thời kỳ này.
Một trong những bài thơ từ thế nổi tiếng thời Edo ở dạng Waka được nhắc đến nhiều qua các phim Jidai-geki là bài thơ của Asano Naganori, chúa phiên Akō ở xứ Harima. Bài thơ của Asano gắn liền với sự kiện 47 Rōnin (Võ sĩ vô chủ) báo thù cho chủ cũ trong sự kiện "Lãng sĩ thành Akō". (Tham khảo: bài này).
"Kaze sasou 風さそふ
Hana yori mo nao 花よりもなほ
Ware wa mata 我はまた
Haru no nagori wo 春の名残を
Ikani to ya sen" いかにとやせん
(Dịch ý: hơn cả cánh hoa (anh đào) trước gió, ta còn luyến tiếc mùa xuân này lắm thay)
Xem video:
https://www.facebook.com/gokurakushujo.vietsub/videos/947842752045644/
Về thơ từ thế ở hình thức Haiku, không thể không nhắc tới bài thơ của Thi thánh Matsuo Bashō. Đây là bài thơ Haiku cuối cùng của Bashō sau chuyến đi đến xứ Iga.
"Tabi ni yande 旅に病んで
Yume wa karenon wo 夢は枯野を
Kake mawaru" かけ廻る
(Dịch ý: mang bệnh trên đường lữ hành, mộng ta vẫn còn lởn vởn trên cánh đồng khô)
Suy nghĩ về cái chết, cũng như những bài thơ từ thế của người Nhật được vị học giả thơ ca Nhật Bản là Yoel Hoffmann (Do Thái) viết trong cuốn "Japanese Death Poems". Cuốn sách này tập hợp nhiều bài thơ từ thế của các Thiền sư, Võ sĩ Nhật Bản qua các thời đại, được Yoel dịch Anh ngữ. Cuốn sách được xuất bản từ năm 1986 và nhận được nhiều phản ứng tích cực từ độc giả phương Tây.
0 bình luận :
Post a Comment