Câu chuyện về tượng Phật (tiếp theo và hết)

Hôm nay lại tiếp tục nói về các hảo tướng được thể hiện ở tượng Phật.
Ta thường thấy trên đỉnh đầu tượng Phật luôn có một phần nhô cao lên, đó là tướng nhục kế (búi tóc thịt) hay còn gọi là đỉnh (đảnh) kế. Hình dạng và kích thước nhục kế của Như Lai khác nhau từng vị, nhưng tựu trung đều có dạng như cái bát úp ngược, nổi lên trên đỉnh đầu. Nhục kế tượng trưng cho trí huệ vô ngại của Như Lai và không thấy có ở Bồ Tát. Các thời về sau, người ta còn cho viên ngọc đỏ (nhục kế châu) vào phía trước của phần giao của nhục kế và phần tóc nền. 





 

 Nhục kế (phần tóc thịt trên đỉnh đầu) ở tượng Dược Sư Như Lai

Tướng bạch hào là sợi lông trắng, mềm, dài 1 trượng 5 xích (4.5m) xoắn về phía bên phải, cuộn như cái thước cuộn, thành viên ngọc trắng đính ở giữa trán, giữa hai lông mày của đức Phật. Vì thế ta hay thấy giữa trán tượng Phật có đính bảo châu. Bạch hào còn được gọi là mi gian quang (ánh sáng giữa hai lông mày), phóng ra ánh sáng từ bi đến mọi nơi mọi chỗ, thấu hết những chúng sinh khổ não. 

 
 Tướng Bạch hào và Loa phát ở tượng Tỳ Lô Giá Na, Đông Đại tự (Tōdai-ji)

Về mặt chế tác, người ta đục một lỗ trên trán, đắp đất trắng vào lỗ, sau đó nhét viên thủy tinh vào để thể hiện ánh sáng lấp lánh của tướng bạch hào.







 Tượng bổn tôn ở Tân Dược Sư tự (Shin Yakushi-ji) không có tướng Bạch hào.

Tượng Phật thời kỳ đầu ở Ấn Độ không có bạch hào, và một số tượng thời Asuka ở Nhật cũng không có.
Một hảo tướng khác của Phật là nhĩ đóa (dái tai) dài, chảy xuống tận vai. Tai như vầy bây giờ gọi là phúc nhĩ. Phần nhĩ đóa có lỗ gọi là nhĩ đóa hoàn. Tai Phật to, dài có công năng nghe thấu mọi thanh âm của chúng sinh các cõi. Cũng có ý kiến cho rằng tiền thân của Phật Thích Ca là bậc vương tử, đương thời có tục đeo nhĩ đang (một loại hoa tai) nên tai to thì càng đeo được nhiều đồ trang sức hào nhoáng. 



 
 Tướng Bạch hào, Loa phát, Nhĩ đóa lớn ở tượng Di Lặc Như Lai

Còn biểu hiện cho các tượng Bồ Tát là đầu đội vương miện, nơi ngực đeo chuỗi ngọc anh lạc, tay đeo vòng oản xuyến.
Một hảo tướng khác của đức Phật là "loa phát", tức tóc xanh xoắn lại, cuộn về bên hữu như vỏ ốc. Tượng "Ngũ Kiếp Tư Duy A Di Đà Như Lai" ở Ngũ Kiếp viện (Gokō-in) thuộc thành phố Nara có tướng loa phát to lớn dị thường. Tượng thể hiện hình ảnh đức A Di Đà sau một thời gian dài (ngũ kiếp) tư duy khổ hạnh, từ bậc Bồ Tát trở thành đấng Thiên Nhân Sư (thầy của trời và người) nên tóc phát triển nhiều như vậy. 
 
Ngũ Kiếp Tư Duy A Di Đà Như Lai

Ngoài ra tượng Phật còn một kiểu tóc khác gọi là "thế phát" (tóc cạo) như tượng Thích Ca Như Lai ở Giải Mãn tự (Kaniman-ji), tượng Dược Sư Như Lai ngồi ở Pháp Long tự (Hōryū-ji), tượng Thích Ca Như Lai ở Thâm Đại tự. 

                                       
                                    
Kiểu tóc thế phát của Thích Ca Như Lai tọa tượng ở Giải Mãn tự 

"Tam đạo tướng" là tướng 3 ngấn ở cổ Như Lai, thể hiện công đức viên mãn, từ ái. Trong các tượng thời cổ thì người ta tạo hình mang tính ước lệ, khắc 3 đường nơi cổ tượng, nhưng cũng có tượng thể hiện rõ 3 khấc chồng lên nhau như tượng bổn tôn ở Dược Sư tự (Yakushi-ji) .
 Tướng Tam đạo ở tượng bổn tôn, Dược Sư tự
Cũng như tướng Bạch hào, một số tượng cổ thời Asuka không thấy có tướng Tam đạo. 
Trên ngực tượng Phật cũng thường thấy thể hiện tướng Vạn tự (chữ Vạn), một dấu hiệu tốt lành. Tượng bổn tôn ở Dược Sư tự cũng có tướng Vạn tự nhưng nhìn bằng mắt thường thì không thấy được, chỉ quan sát được bằng ống nhòm.
Vạn tự gồm có hai loại là tả phương Vạn (quay về bên trái) và hữu phương Vạn (quay về bên phải). Rất nhiều người Tây phương đã kinh hoàng khi nhìn thấy Vạn tự vì họ nhầm lẫn với biểu tượng của Phát xít Đức.
Nguồn gốc của Vạn tự được cho là dúm lông trên ngực của thần Visnu thời cổ ở Ấn Độ, và lông là thứ để bảo vệ cơ thể nên có lẽ từ đó được nâng lên tầm tín ngưỡng cùng với tướng Bạch hào và Loa phát.
Tại các nước chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, trong đó có Việt Nam và Nhật Bản thì tả phương, hữu phương Vạn tự đều là dấu hiệu của sự tốt lành, nhưng ở Ấn Độ thì có phân chia hai loại này riêng biệt.

 Hết bài "câu chuyện về tượng Phật".
 

0 bình luận :

Post a Comment

 
Top