Làng Yagyū ở tỉnh Nara, Nhật Bản được xem là một trong những thánh địa kiếm thuật của đất nước này. Đây là địa phận của dòng họ Yagyū lừng danh từ thời Chiến quốc, mà đỉnh cao là thời của Yagyū Tajima-no-kami Munenori, một kiếm khách và là nhà chính trị nổi tiếng đương thời. Dòng họ Yagyū các thời về sau cũng sản sinh ra nhiều nhân vật kiệt xuất ở nhiều lãnh vực.
Ngày nay, tại đền thờ Amano Iwatate thuộc lãnh địa nhà Yagyū này vẫn còn một tảng đá hoa cương khổng lồ, bề ngang chừng 7m, dài 8m, cao 2m, có một vết nứt chính giữa ngọt như vết chém. Tảng đá này nằm cách đền thờ chừng 100m về phía Bắc, và vết nứt trên đá được cho là đường kiếm của Yagyū Muneyoshi.
Yagyū Muneyoshi thời trai trẻ bồng bột tâm binh mã, tự phụ với võ nghệ của mình. Nhưng một hôm có cao nhân từ phương xa đến trú lại làng Yagyū. Nghe tiếng cao nhân, Muneyoshi xin thách đấu nhưng cả 3 lần đều thảm bại. Thán phục tài nghệ, Muneyoshi xin làm đệ tử. Vị cao nhân đó chính là Kami-izumi Ise-no-kami Nobutsuna thuộc phái kiếm Kage-ryū (Ảnh lưu).
Một thời gian sau thì Nobutsuna bỏ đi, để lại cho Muneyoshi một công án là "vô đao".
Muneyoshi mất ăn mất ngủ, ngày đêm nghiền ngẫm cái lý vô đao nhưng không sao ngộ được. Một đêm trằn trọc, thấy hơi hướm sau nhà bất thường nên ra kiểm tra thì thấy có quỷ Thiên Cẩu xuất hiện. Muneyoshi tuốt kiếm chém đứt đôi Thiên Cẩu, nhưng vừa hay giật mình tỉnh lại thì chỉ thấy một tảng đá vừa bị mình chém đứt đôi.
Vì vậy nên tảng đá này được gọi là "nhất đao thạch" (Ittō-seki). Và cũng tại nơi này mà Muneyoshi ngộ ra cực ý "vô đao", trở thành khai tổ của phái kiếm Shinkage-ryū (Tân Ảnh lưu). Ngày nay trên mặt đá còn lại nhiều dấu vết mà người ta cho là dấu chân Thiên Cẩu năm xưa.
0 bình luận :
Post a Comment