Thường trụ tử thân
Trong quan điểm sống của người Nhật (tầng lớp Võ sĩ), có một khái niệm gọi là "thường trụ tử thân" (常住死身, âm Nhật: shini-mi), tạm hiểu là thân tâm luôn ở (trụ) trạng thái sẵn sàng đón nhật cái chết bất cứ lúc nào. Người Võ sĩ phải sống trong trạng thái không lúc nào rời tâm (suy nghĩ) khỏi cái chết của bản thân, như vậy mới là sống.
Khái niệm này lần đầu tiên được đề ra trong tập sách "Hagukure" (diệp ẩn), tập sách đặt nền móng quy cũ cho đạo Võ sĩ (Võ sĩ đạo - Bushi-dō) ra đời vào giữa thời Edo. Sách do Yamamoto Jōchō, một phiên sĩ phiên Saga thuộc xứ Hizen, viết về những quy tắc sống của người Samurai sao cho đúng với cái đạo của kẻ Võ sĩ (Samurai). Chính vì luôn sống trong tâm trạng sẵn sàng đón nhận cái chết nên người Võ sĩ được tự do hoàn toàn, tâm không còn bị ràng buộc vào cái chết, vốn là nỗi lo sợ và sự chi phối tâm can lớn nhất đối với đa số con người.
Văn hào Mishima Yukio trong cuốn sách "nhập môn Hagakure" cũng viết về quan niệm này rằng "đạt được tự do nhờ thường trụ tử thân là một triết học được phát hiện trong Hagakure. Nếu luôn nghĩ đến khi vạn nhất, có thể chết bất cứ lúc nào thì con người sẽ không hành động sai lầm. Jōchō nghĩ rằng nếu con người có hành động sai lầm nào thì đó chính là lúc cần chết mà lại không chết".
Tác giả của Hagakure cũng đặt ra câu hỏi rằng, nếu đặt hết tâm ý tự do vào cái chết trong sự cùng cực của ý chí tự do của con người, vậy thì ý chí tự do đó là gì? Đó là cái chết hành động (chém chết) và tự sát (Seppuku-mổ bụng). Đây là cách suy nghĩ độc đáo của Võ sĩ Nhật Bản. Việc mổ bụng (Seppuku) là một kiểu tự sát tích cực, và không giống với kiểu tự sát trong cảm giác thua thiệt, bại trận của Tây phương. Mổ bụng (Seppuku) là một biểu hiện của ý chí tự do cực hạn của con người để bảo vệ danh dự.
Và cũng chính vì luôn sống trong tâm cảnh sẵn sàng đón nhận cái chết mà con người có được năng lượng sống một cách thần kỳ. Dưới đây là hai câu chuyện được sống nhờ sẵn sàng đón nhận cái chết.
1. Chuyện người hầu pha trà
Câu chuyện này được ghi lại trong sách vở.
Một vị kiếm sư lừng danh nọ có người hầu đi theo phục vụ pha trà. Một hôm có tay kiếm khách nọ nghe tiếng Võ sĩ liền tìm đến thách đấu, nhưng không gặp nên đòi tỷ thí với người hầu. Người hầu bảo tôi chẳng biết võ nghệ gì, chỉ là một chân pha trà thôi, nhưng tay kiếm khách nọ không nghe vào nhất mực đòi tỷ kiếm.
Người hầu đành phải nhận lời vì nếu từ chối sợ làm ảnh hưởng đến uy danh của chủ. Trong lòng lo lắng, người hầu gặp một kiếm khách khác và giải bày tâm sự. Kiếm khách nọ bảo, nếu anh chuyên pha trà thì hãy thử pha trà cho tôi xem, rồi tôi sẽ chỉ cho một chiêu kiếm mà chỉ có hòa cho đến thắng chứ anh không thể thua được.
Người hầu vâng lời, liền thực hiện nghi thức pha trà như mọi khi anh ta vẫn pha cho chủ nhân.
Võ sĩ nọ thấy rồi liền bảo, hôm sau anh đến tỷ thí chỉ cần giơ kiếm như vầy như vầy, và quan trọng nhất là giữ cái tâm giống như lúc anh pha trà là được.
Người hầu ngạc nhiên, nhưng cũng có phần an tâm. Đến hôm tỷ kiếm, người hầu cũng rút kiếm giống như được chỉ bảo. Tay kiếm khách thách đấu kia thấy động tác của người hầu bỗng tối tăm mặt mày, mồ hôi vã đầy người và xin hủy trận đấu.
Người hầu ngạc nhiên, đem chuyện hỏi người kiếm sĩ đã chỉ điểm cho mình tại sao như vậy thì được đáp rằng, vì khi anh pha trà, anh dốc hết tâm lực vào việc pha trà, nhất tâm chuyên niệm, chẳng để tâm vào chỗ nào nữa hết. Cách anh pha trà cũng như cách bọn tôi đánh kiếm hay suy niệm về cái chết. Tuy không biết võ vẽ nhưng cái tâm sẵn sàng đón nhận cái chết trong hành động pha trà của anh thực chẳng khác gì cái tâm của kẻ sĩ chúng tôi. Vậy nên anh thắng tay kiếm khách xoàng kia.
2. Chuyện chưởng môn Tenshin Shōden Katori Shintō-ryū
Đây là câu chuyện có thực trong thời gian gần đây, và nhân vật trong câu chuyện này hiện vẫn còn khỏe mạnh.
Tenshin Shōden Katori Shintō-ryū là một trong những cổ phái võ nghệ Nhật Bản vẫn được lưu truyền đến ngày nay.
Các môn sinh phái này đều biết chuyện năm xưa, khi phái được địa phương công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thì có lưu phái khác đến thách đấu.
Vị chưởng môn lo âu, vì tỷ thí với phái khác là trái với quy định của lưu phái, mà từ chối thì sẽ mất cơ hội nhận danh hiệu, và cũng là dịp tốt để quảng bá môn phái đến với đại chúng. Đắn đo nhiều, rồi ông quyết định chấp nhận lời tỷ thí. Cũng từ đó, ông ra sức luyện tập thêm và không lúc nào rời khỏi tâm niệm sẵn sàng mổ bụng tạ tội nếu để thua trong trận đấu sắp tới.
Rồi khi người của lưu phái thách đấu nọ thấy ông sống trong cảnh sẵn sàng đón nhận cái chết thì không hiểu sao, họ xin rút lại lời thách đấu. Và kết quả là Katori Shintō-ryū được tỉnh Chiba công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh.
Qua hai câu chuyện trên, tạm khép lại bài viết này bằng câu mở đầu trong cuốn "Hagakure": đạo Võ sĩ là tìm thấy cái chết (Bushi-dō towa shinuru koto to mitsuke tari).
0 bình luận :
Post a Comment