Trích dịch trong cuốn "Bát Cực quyền-quyền pháp truyền thống tinh túy Trung Quốc" của Trương Thế Trung, xuất bản ở Nhật năm 1992.




Tác giả Trương Thế Trung (hàng trước, chính giữa) và Matsuda Ryūchi (bên phải, hàng trước), người có công lớn trong việc phổ biến Bát Cực quyền tại Nhật.

Thầy của tôi là lão sư Hứa Gia Phúc, học Bát Cực quyền từ lão sư Lý Thư Văn.
Lão sư Lý Thư Văn tự là Đồng Thần, người Thương Châu, tỉnh Hà Bắc. Lão sư từ thuở nhỏ đã ham thích võ nghệ, ban đầu theo học Thiếu Lâm quyền, nhưng sau đổi sang Bát Cực quyền.Bất luận trời nóng lạnh, lão sư vẫn hăng say luyện tập cho đến hết ngày. Dù thân thể nhỏ bé nhưng săn chắc, đủ thấy công phu ghê gớm như thế nào.
Thời còn luyện Thiếu Lâm quyền thì lão sư thường hay bị người sư huynh đánh bại, nhưng một hôm gặp lại, hai người giao thủ với nhau thì Lý Thư Văn nhất kích đả bại sư huynh, người kia thổ máu tươi chết ngay tại chỗ.
Từ đó lão sư biết công phu của mình đã đại thành nên bỏ đến Thiên Tân. Ở Thiên Tân có tay họ Triệu, cơ thể cao lớn vạm vỡ quật cường, giỏi võ nghệ và thường tự mãn về tài năng của mình. Lý Thư Văn tìm đến họ Triệu, thách đấu. Lý chỉ dùng một chiêu "đại triển" trong Bát Cực quyền và tay họ Triệu kia lộn vòng, đổ vật ra đất. Rất may lần này không tử vong mà chỉ bị thương nhẹ.
Lại có người họ Lưu sử cây thương lớn, người này rất khỏe, cây thương lại dài và thường dương dương tự đắc. Lý hay tin nên tìm đến thách đấu. Họ Lưu sử cây thương dài 1 trượng 5 xích, còn Lý chỉ một tay cắp cây côn nhỏ dài 5 xích và kẹp cố địch cán côn vào hông trái. Khi hai món võ khí vừa chạm nhau, Lý vụt côn. Trước khi giao đấu, Lý có nhắc đối thủ là "hãy chú ý ở mắt". Và quả nhiên, cả họ Lưu và cây thương đều quay mòng mòng và Lưu bị điểm huyệt vào mắt, thành ra mù lòa.
Sau đó Lý Thư Văn rời Thiên Tân, tới Bắc Kinh và tỷ thí với tay họ Chu, vốn là cao thủ sử cây côn sắt. Họ Chu múa vun vút cây côn sắt nặng hơn 20 cân, nổi tiếng ở Bắc Kinh và đương sự cũng thường nở mũi, cao ngôn lớn lối về võ nghệ của mình. Khi Chu vừa vụt côn lên đầu Lý thì Lý bún người, đập thương xuống. Vừa chạm nhau, ngón tay của Chu rụng rời, cây côn sắt rơi xuống đất và Lý Thư Văn thắng lợi rõ ràng. Ngày hôm sau, báo chí đưa tin về sự việc này khắp các khu phố lớn ở Bắc Kinh, và tiếng tăm "thần thương Lý Thư Văn" bắt đầu vang dội khắp Bắc Kinh từ đó, không ai là không biết tới "thần thương Lý". Nhưng đương thời ở Bắc Kinh có lắm cao thủ, Lý vì sợ bị đánh bất ngờ nên rút về quê cũ ở Thương Châu.
Về quê 3 năm, Lý Thư Văn ngày đêm khổ luyện rồi lại lên Bắc Kinh. Lúc này chẳng còn ai địch lại Lý nữa.

0 bình luận :

Post a Comment

 
Top