Gió thổi thì hàng thùng đắt khách
Một người thợ đóng thùng, tranh của danh họa Hokusai trong loạt tranh 36 cảnh núi Phú Sĩ.
Trong tiếng Nhật có câu thành ngữ "gió thổi thì hàng thùng đắt khách" (風が吹けば桶屋が儲かる-kaze ga fukeba okeya ga mōkaru) để nói tỷ dụ về một hiện tượng mà khi nó phát sinh lại dẫn đến những sự việc tưởng chừng là không liên quan đến nó. Ngày nay câu này còn dùng để mỉa mai những lý sự, lý luận cùn về mối quan hệ nhân quả cực với rất ít khả năng xảy ra.
Ngoài ra, còn có những dị bản khác của câu này như "gió thổi thì hàng làm hộp đắt khách", "gió thổi thì hàng thùng vui".
Nguồn gốc
Câu tục ngữ này xuất phát từ cuốn 3 trong tập sách "Seken gakusha katagi" thời Edo (Năm Meiwa thứ 5, 1768) thuộc loại Uki-yo Zōshi, một thể loại văn chương cận đại viết về đời phù phiếm trong thời Edo. Tuy nhiên trong sách này thì "thùng" (oke) được thay bằng "hộp" (hako). Ngoài ra câu này còn xuất hiện trong phần 2 của cuốn sách kể chuyện tiếu lâm khôi hài là "Tōkai-dō Chū Hiza-kurige" (1803) và cũng dùng "hộp" thay cho "thùng". Nội dung của câu chuyện để dẫn đến câu tục ngữ này như sau.
Có trận gió to nổi lên, ông hàng thùng rất đỗi vui mừng, bảo vợ rằng ta sắp giàu to rồi. Bà vợ hỏi vì sao, ông chồng giải thích rằng gió to thì cát bụi mù mịt chứ sao. Cát bụi mù mịt thì liên quan gì đến việc ta giàu? Bà kém thế, bụi mù mịt thì nhiều người bị bay vào mắt, thành người mù chứ sao. Người mù thì can hệ chi? Bà này dốt thế, mù thì còn làm ăn được gì ngoài việc khảy đàn Shamisen đi hát xẩm. Vậy thì sao? Đã làm nghề hát xẩm ắt phải cần đàn, mà cần đàn thì phải giết mèo để lấy dao. Vậy liên quan chi? Dốt! Giết mèo thì mèo chết nhiều, nên chuột lộng hành, chúng nó cắn phá hết thùng của người ta nên hàng ta bán đắt mà giàu to chứ sao!
Tóm lại,
1. Gió to thì cát bụi mù mịt.
2. Cát bụi vào mắt thì nhiều người bị mù.
3. Người mù mua đàn Shamisen (đàn 3 dây, đây là một trong hai cái nghề duy nhất bên cạnh nghề đấm bóp cho người mù trong xã hội đương thời).
4. Để làm đàn Shamisen thì cần giết mèo để lấy da.
5. Giết mèo thì chuột sinh nhiều.
6. Chuột nhiều thì cắn phá nhiều thùng.
7. Cho nên nhu cầu cần thùng tăng cao.
Dị bản
Có một số dị bản rằng thùng tức là hòm (cách mai táng phổ biến của người Nhật thời xưa là bỏ xác người vào thùng gỗ, chôn dọc xuống đất chứ không chôn ngang), vì lý do gì đó mà số người chết gia tăng. Có các thuyết cho rằng khi gió to thì đám cháy lây lan khiến nhiều người chết, biển động, núi động nên có nhiều người chết. Ngoài lề là thành phố Edo đương thời nổi tiếng với việc ẩu đả và cháy nhà. Một ngày mà không có đánh nhau với cháy nhà thì không phải là một ngày ở Edo.
Tại vùng Hokkai-dō phía Bắc thì câu chuyện lại hoàn toàn chẳng liên quan gì đến thùng cả.
1. Gió bắc thổi thì các tảng băng trôi vào bờ.
2. Ban đêm nhiệt độ xuống thấp, trong phòng cũng có khi xuống dưới băng điểm.
3. Thùng muối dưa, muối cá, thùng để tắm bị đóng băng, hư hỏng.
4. Nhu cầu về thùng gia tăng.
Nhân quả
Câu tục ngữ này chủ yếu được dùng với ý mỉa mai lý luận về những mối quan hệ nhân quả viễn vong, thiếu tính xác thực. Nhưng nhìn nhận ở góc độ vi tế hơn thì thấy đây là điều hoàn toàn có lý. Trong nhà Phật có khái niệm "trùng trùng duyên khởi", từ sự việc nhỏ đến nỗi tưởng chừng là không ảnh hưởng đến điều gì, nhưng lại là nhân tố để gây nên những sự kiện ở các mức độ ảnh hưởng khác nhau. Sự việc này là cái nhân để gây nên sự việc kia, và tiếp tục đến lược nó, sự việc đó lại gây nên những việc khác. Các sự việc nối tiếp nhau, trùng trùng điệp điệp, tầng tầng lớp lớp mà qua con mắt trần tục, chúng ta rất dễ bỏ sót. Nói nôm na là ở góc độ nào đó thì điều này giống với hiệu ứng Domino. Chỉ cần một cái nhân nhỏ ban đầu có thể gây nên cái quả lớn phía sau.
hay
ReplyDelete