Nói đến dòng tư tưởng kiếm đạo (không phải "Kiếm đạo") Nhật Bản thì hẳn nhiều người Việt biết đến "Gorin no sho" (Ngũ Luân thư) của kiếm khách bất bại Miyamoto Musashi sống vào thời Edo, nhờ vào sự phổ cập của mạng Internet trong những năm gần đây. Tuy nhiên ít người biết rằng ngoài "Gorin no sho", còn có một cuốn sách tư tưởng kiếm đạo khác cũng lẫy lừng không kém. Đó là cuốn "Heihōka densho" (Binh pháp gia truyền thư) của kiếm khách kiêm chính trị gia sống cùng thời với Miyamoto Musashi là Yagyū Tajima-no-kami Munenori. Ông là kiếm khách có địa vị cao nhất trong lịch sử Nhật Bản, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chính giới đầu thời Edo. Cuốn "Hyōhōka densho" sẽ được giới thiệu ở một bài viết khác.
"Heihōka densho" lại chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng "Kiếm Thiền nhất như" (kiếm pháp và Thiền đồng thể với nhau) của Thiền tăng Takuan Sōhō trong trước tác của thầy Takuan là "Fudōchi Shinmyō-roku" (Bất động trí thần diệu lục). Bài viết này lược dịch, giới thiệu một số nét chính về cuốn sách "Fudōchi Shinmyō-roku".

Nội dung của sách là bài giảng của Thiền sư Takuan đối với kiếm khách Yagyū Tajima-no-kami Munenori về tư tưởng "Kiếm Thiền nhất như" (thiền sư này có mối quan hệ mật thiết với các kiếm khách tiếng tăm đương thời, trong đó có Miyamoto Musashi) và có tầm ảnh hưởng lớn đến binh pháp, kiếm đạo Nhật Bản, từ thời cổ đã được đề cao.

"Fudōchi Shinmyō-roku" (Bất động trí thần diệu lục) bàn đến việc phải làm sao để phát huy hết năng lực của Yagyū trong vai trò một kiếm khách khi đối mặt với nhiều đối thủ, trong vai trò một chính trị gia phải đối đãi với rất nhiều bộ hạ của mình ra sao. Thầy Takuan lấy ví dụ về Thiên Thủ Quan Âm có thể tự do tự tại, sử dụng ngàn cánh tay một cách vô ngại, từng cánh tay lại phát huy đầy đủ 12 phần công năng. Để được như vậy thì tâm phải không bị câu thúc, chấp vào một cánh tay riêng biệt nào. Khi đó thì tâm thông suốt đến từng cánh tay, mọi ngóc ngách đều không bị trở ngại mà còn có thể chi phối cả ngàn cánh tay. Tâm thông đến ngàn cánh tay, chi phối ngàn cánh tay cũng như một cá nhân mình hiểu thấu từng người khác, bản thân mình nuốt trọn kẻ khác, chi phối mọi kẻ khác.

Lời dạy của Bất động Minh vương

Vốn có câu "chư Phật bất động trí". Bất động, đúng như mặt văn tự, tức là không động, trí tức là trí huệ. Tuy gọi là bất động nhưng chẳng phải hoàn toàn bất động như loài gỗ đá. Tâm hoạt động tự do bát phương tứ hướng, tả hữu thượng hạ mà không bị bất cứ một vật gì, một thứ gì, một điều gì câu thúc, giam cầm, ấy chính là bất động trí vậy.

Cho đến khi hoàn toàn vô tâm vô niệm

Từ khi bắt đầu tu luyện từ thuở sơ tâm, đến khi biến bất động trí thành của riêng bản thân mình thì một lần nữa lại trở về sơ tâm.
Lấy ví dụ trong binh pháp (kiếm thuật), lần đầu tiên cầm kiếm thì không biết phải thủ thế (kamae) như thế nào, tâm cũng chẳng vướng bận điều chi. Khi địch đánh tới thì chẳng nghĩ ngợi gì, chỉ xông lên ứng phó. Ấy là cái tâm ban đầu của buổi chưa biết gì.
Nhưng càng tu luyện thì càng để ý tới những điểm cần để ý, được thầy dạy nhiều điều thì khi cầm kiếm lại chú ý tới những điều ấy thành ra tâm thân trở nên mất tự do.
Nhưng trải qua nhiều năm tháng tu luyện thì chẳng còn bận lòng đến việc phải cầm kiếm thế nào, phải thủ thế ra sao, và như vậy, trở về với trạng thái sơ tâm ban đầu, ở trong trạng thái vô tâm.

Lý nâng đỡ thuật, thuật vận dụng lý

Cần phải tu luyện về lý, phải tu luyện về sự (kỹ thuật).
Tu luyện về lý là tu luyện trở về trạng thái vô tâm, đi đến nơi cần đến mà không bị điều gì câu thúc.
Nhưng nếu chỉ luyện về lý mà không tu về sự thì thân thể, tay chân chẳng thể chuyển động như tâm ý mong mốn.
Luyện về sự trong binh pháp là tu luyện kỹ thuật, ngũ thể.
Lý và sự như hai bánh của chiếc xe, thiếu cái nào cũng chẳng thể nên việc được.

Trạng thái tâm không để hở một phút giây nào

Có câu không để hở một phút giây nào. Nói theo binh pháp là, chẳng hạn có hai vật chồng lên nhau, thì giữa chúng chẳng có khe hở nào để một sợi tóc lọt vào được. Ngay khi vỗ tay thì phát ra tiếng. Giữa khoảng vỗ tay và tiếng phát ra chẳng có một khoảng trống ngừng nghỉ nào để một sợi tóc chui vào được.
Nếu tâm ta dừng ở lưỡi kiếm địch đánh tới thì ngay chỗ đó phát sinh kẽ hở. Và hoạt động của ta sẽ trú ngụ trong kẽ hở đó. Nếu giữa lưỡi kiếm của địch từ bên kia đánh lại và chuyển động đối phó của ta không có một kẽ hở nào để sợi tóc lọt vào được thì đường kiếm của địch đánh tới trở thành đường kiếm của ta là điều đương nhiên.

Điều quan trọng là tâm không dừng

Chuyện đá đánh lửa cũng giống như không để hở phút giây nào.
Khi đá đánh soạt vào nhau, thì trong khoảnh khắc đó tia lửa bay ra. Hoàn toàn không có kẽ hở giữa động tác đánh đá và tia lửa bay ra. Tức là không có khoản trống để dừng tâm. Nếu hiểu điều này là động tác cần phải nhanh chóng thì là hoàn toàn sai lầm. Điều cốt lõi là không dừng tâm ở vật. Cái sự nhanh nhẹn cũng là kết quả của việc không dừng tâm, vì tâm không dừng nên mới nhanh.

Nhà thơ Saigyō ngày xưa có lời thơ rằng, có người vốn ghét đời mà xa lánh, nhưng đời vốn chỉ là quán trọ tạm bợ nên chớ để tâm dừng ở đó mà sinh ra ghét đời.

Để tâm ở đâu?

Nếu để tâm ở chuyển động của địch thì tâm sẽ bị chuyển động của địch câu thúc.
Nếu để tâm ở đường kiếm của địch thì tâm sẽ bị đường kiếm của địch chi phối.
Nếu để tâm ở ý định chém địch, thì tâm sẽ bị giam trong ý định chém địch.
Nếu để tâm trong đường kiếm của mình, thì tâm sẽ bị đường kiếm của mình bắt giữ.
Như vậy, chẳng tìm thấy nơi nào để đặt tâm vào đấy.

Có người nói rằng, nếu để tâm mình ở đâu thì tâm sẽ dừng tại đó, lúc đó coi như đã thua địch. Cho nên cứ nhét tâm mình vào dưới rốn, không để ra ngoài, và chuyển động tự do tự tại, ứng phó với chuyển động của địch là được.

Nhưng theo ta (Takuan), nhìn từ cảnh giới giác ngộ của Phật pháp mà nói thì nhét tâm vào dưới rốn vẫn còn dở lắm, chưa thể nói là hay được. Đó là kẽ hở của việc tu luyện.

Vậy thì đặt tâm ở đâu thì được?

Chẳng đặt ở đâu cả. Khi đó tâm đi khắp cơ thể, vươn dài khắp nơi. Lúc đó thì khi cần dùng tay thì tay có ích, khi chân quan trọng thì chân được việc, khi cần đến mắt thì mắt lanh lợi, ứng theo nơi nào cần đến trong khắp thân thể mà tự do tự tại phát huy công năng như vậy.
Nếu không đặt nặng, suy nghĩ về việc đặt tâm ở đâu thì tự nhiên tâm sẽ lan rộng khắp thân thể, đi xuyên suốt đến mọi nơi.

Điều quan trọng là tâm không dừng ở một chỗ nào, điều này đến từ việc tu luyện. Tâm chẳng dừng ở chỗ nào cả là điều quan trọng.

Khi vô tâm thật sự trở thành thứ của bản thân thì tâm chẳng trụ ở một điều gì, một vật gì, cho nên dù ở tình huống thế nào cũng có thể ứng phó được. Hệt như nước lúc nào cũng tràn đầy.

Tâm trụ lại một chỗ thì chẳng còn tự do tự tại linh hoạt nữa.
Khi trong tâm vừa nghĩ đến điều gì thì tuy vẫn đang nghe chuyện người nói nhưng chẳng thể hiểu được. Bởi vì lúc đó tâm dừng lại ở điều đang nghĩ đến mất rồi.

Như hồ lô nổi trên mặt nước

Đánh hồ lô trên mặt nước, dùng tay đè thì lập tức nó trượt đi. Ném hồ lô vào nước, dùng tay đè thì không những nó chẳng chìm mà len sang bên cạnh, lại dùng tay ấn xuống thì nó chạy mất. Chẳng làm cách nào để nó trụ lại một chỗ được.
Tâm của người lên đến đỉnh cao cũng chẳng có một chút dừng, hệt như đè hồ lô trên mặt nước vậy.


Vứt hết tâm đi

Nói theo binh pháp thì, không dừng tâm ở thanh kiếm của chiêu đánh tới, quên luôn chiêu tấn công mà đánh trả lại, chém địch. Tức là không để cho đối phương hoạt tâm. Địch là không, ta cũng là không, và cả chiêu đánh địch, cả kiếm tấn công thảy đều là không.
Như vậy, phải quên hết tất cả, làm được điều này mới là bậc thượng thủ cao nhân. Khi múa mà tâm không quên được ý muốn tay cầm quạt phải nhịp nhàng, chân phải bước sao cho ngay ngắn để có điệu múa đẹp, nhưng vậy quyết chẳng phải là bậc thầy vũ đạo. Cứ nhất nhất để tâm dừng ở tay và chân thì dù có làm gfi đi nữa cũng chẳng đến chốn cực ý được. Kỹ thuật mà không vứt bỏ được tâm đi, chẳng dựa vào thứ gì cả thì tất cả chỉ là vô ích.

Nhân duyên và quả

Mùa xuân gieo hạt xuống đất gọi là nhân. Dù hạt đã gieo rồi, nhưng nếu không có mưa, sương thì hạt giống không thể nảy mầm, trưởng thành được. Sự trợ giúp của mưa, sương này gọi là duyên. Hạt giống gieo trong mùa xuân là nhân, dựa vào mưa, sương là duyên mà trưởng thành, đến thu kết trái gọi là quả.

Bạn đọc quan tâm có thể mua sách (tiếng Nhật) ở: Amazon.


2 bình luận :

  1. cảm ơn nhóm dịch.

    ReplyDelete
  2. Bạn ơi cho mình hỏi, sách bản tiếng việt chưa dọ

    ReplyDelete

 
Top