Câu chuyện về tượng Phật (phần tiếp)
Tượng Đại Nhật Như Lai, tác giả: Phật sư Unkei
Người Nhật vẫn có câu "nhất đao tam lễ" (Ittō sanrai) là khi tạc tôn tượng, người tạc cứ mỗi nhát dao là lễ bái ba lần, điều này hẳn có liên hệ với quan niệm cây thần hoặc thần linh trú ngụ trong thân cây được chọn làm vật liệu để tạc tượng. Mà cũng có thể vì đương thời, các Phật sư không vẽ nháp tôn tượng lên vật liệu mà chỉ khắc theo hình dung trong đầu nên cần lễ ba lần để xác nhận hình dáng của tượng. Bằng chứng là trong những thời kỳ đầu (Asuka, Nara, Heian) thì đa phần các Phật sư không xem bức tượng Phật mình đẽo gọt nên là tác phẩm điêu khắc nên không ghi tên mình vào tượng Phật.
Chuyện sau đây không liên quan trực tiếp đến tượng Phật, nhưng y phục tăng lữ Phật giáo mặc được gọi là "phẩn tảo y" (糞掃衣- Funsō-e), nghĩa là áo quét phân. Đây là loại áo cà sa may từ các mảnh vải vụn chắp vá, đã bạc màu và thường có màu vàng hay nhuốm đỏ. Về tên gọi thì người ta cho rằng xuất phát từ loại vải may áo được nhặt từ chỗ bụi bặm dơ bẩn, hay loại vải thô lậu dùng để lau chùi nhà xí hay loại áo của Thích Ca Như Lai mặc trong nhiều năm gian khổ trước khi giác ngộ.
Về chủng loại tượng Phật thì gồm các chủng loại: Như Lai, Bồ Tát, Thiên bộ, La Hán và đến thời Heian thì xuất hiện thêm tượng Minh vương với vị trí giữa Bồ Tát và Thiên Bộ.
"Như Lai" tức Phật Đà, bậc giác ngộ sau một thời gian dài khổ hạnh. Tượng Như Lai có đặc điểm là phục sức giản dị, trên thân chỉ khoác một tấm vải thô gọi là "nạp y". Trong số rất nhiều tượng Như Lai thì chỉ có Đại Nhật Như Lai là có hình dạng, phục sức như tượng Bồ Tát.
Ngày xưa ở Nhật, người ta tin rằng sáng lễ Dược Sư Như Lai, trưa lễ Thích Ca Như Lai, tối bái A Di Đà Như Lai là có tín tâm vững mạnh nhất. Trong Kim đường của Pháp Long tự (Hōryū-ji) thì tượng bổn tôn ở phía Đông là Dược Sư Như Lai, bổn tôn ở chính giữa là Thích Ca Như Lai, bổn tôn phía Tây là A Di Đà Như Lai. Các tăng lữ ở Pháp Long tự lễ bái các vị bổn tôn theo ba thời trong ngày như vậy. Tượng thờ chính trong một ngôi chùa gọi là bổn tông.
Tượng Bồ Tát là hình mẫu của Thích Ca Như Lai trước khi xuất gia, khi còn là Vương tử Tất Đạt Đa. Vì thế nên tượng Bồ Tát thường mang nhiều đồ trang sức hào nhoáng.
Thiên bộ gồm Phạm Thiên, Đế Thích Thiên và Tứ Thiên Vương. Ngoài ra, tượng các cao tăng, vĩ nhân trong lịch sử ở Nhật cũng được gọi chung là tượng Phật, chẳng hạn như tượng Hành Cơ (Gyōki) Bồ Tát.
Về tư thế của tượng Phật thì gồm lập tượng (đứng), tọa tượng (ngồi), ngọa tượng (nằm), kết già phu tọa (ngồi xếp bằng), bán già phu tọa (ngồi bán già), ỷ tọa, luân vương tọa, quỵ tọa, ki tọa, bán già ỷ tọa, giao cước ỷ tọa....
Lập tượng là tượng đứng thẳng bất động, thường thấy nhất ở tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Tượng đứng bước một chân ra trước gọi là "du cước tượng", bức tượng ở Pháp Hoa tự (Hokke-ji), thành phố Nara thuộc dạng này.
Tọa tượng là tượng ngồi, và tôn giả luôn thấy ở dạng tọa tượng là Đại Nhật Như Lai. Ban đầu các vị Phật được tạc tượng trong tư thế ngồi, nhưng về sau vì chúng sinh lầm than mà tượng các ngài đã chuyển sang dạng đứng để ứng cứu lời khẩn nguyện của chúng sinh.
Niết Bàn tượng ở Nam Tạng viện (Nanzō-in), tượng đồng lớn nhất Thế giới
Ngọa tượng là tượng nằm, gồm "Niết Bàn tượng" (tượng Phật nhập Niết Bàn) và "tẩm Thích Ca tượng" (tượng Thích Ca nằm ngủ). Cả tượng Phật ngủ và tượng Phật nhập Niết Bàn đều là tượng Thích Ca Như Lai và là đề tài rất phổ biến ở các quốc gia theo Phật giáo Tiểu thừa, bởi đối tượng tín ngưỡng chỉ là Thích Ca Như Lai. Nhật Bản là quốc gia theo Phật giáo Đại thừa nên rất ít tượng Thích Ca nằm. Vào ngày 15 tháng 2 hàng năm tại Pháp Long tự (Hōryū-ji) đều có tổ chức "Niết Bàn hội" kỷ niệm ngày Thích Ca Như Lai nhập diệt. Đức Thích Ca khi nhập Niết Bàn thì đầu quay về hướng Bắc, mặt hướng về phía Tây, nằm ngang, gối đầu lên tay phải nhưng cũng có những pho tượng Niết Bàn không gối đầu lên tay phải. Vì sự điển này mà ở Nhật, người ta đặt xác người chết đầu quay về hướng Bắc, mặt ngoảnh về Tây. Đầu Bắc diện Tây là tư thế nằm ngủ lý tưởng vì khi đó phần thân phải nằm bên dưới, không gây áp lực lên quả tim bên trái cơ thể.
Thích Ca Niết Bàn tượng ở Pháp Long tự (Hōryū-ji)
Kết già phu tọa là một kiểu ngồi xếp bằng, xếp hai chân vào nhau, mắt cá chân này đặt lên bắp đùi chân kia và lòng bàn chân hướng lên trên. Kiểu ngồi này còn được gọi là Thiền định tọa và là kiểu ngồi tiêu biểu của tượng Phật cũng như giới tăng lữ khi tọa Thiền.
Người Ấn Độ cho rằng bên phải cơ thể là phần thanh tịnh, còn bên trái là bất tịnh nên bên phải là Phật, bên trái là ta. Vì vậy nên ngồi xếp bằng chân bên hữu lên trên gọi là Cát tường tọa, còn chân bên tả lên trên là Hàng ma tọa. Tượng bổn tôn ở Dược Sư tự (Yakushi-ji) ngồi chân trái lên trên, tức Hàng ma tọa, còn tượng bổn tôn ở Đường Chiêu Đề tự (Tōshōdai-ji) có phần pháp y phủ lên trên nên không xác nhận được.
Nếu kết già phu tọa là kiểu ngồi hai chân xếp lên nhau thì kiểu ngồi chỉ có một chân xếp dưới chân kia gọi là bán già phu tọa, và thường thấy ở tượng Bồ Tát.
Ỷ tọa, hay còn gọi là ỷ tượng, là kiểu tượng như đặt hông lên ghế và không thấy nhiều ở Nhật. Tượng Thích Ca Như Lai ở Thâm Đại tự (Jindai-ji) thuộc kiểu tượng này.
Tượng Thích Ca Như Lai ở Thâm Đại tự (Jindai-ji)
Quỵ tọa là kiểu ngồi truyền thống của người Nhật Bản, mông không chạm đất và còn gọi là chánh tọa.
Luân vương tọa là kiểu ngồi xếp bằng, dựng một chân lên và ngày nay còn thấy ở kiểu ngồi của phụ nữ Đại Hàn. Tại Nhật, trong khoảng thời Muromachi, Azuchi Momoyama thì nam giới ngồi xếp bằng kiểu bán già, nữ giới ngồi bán già với một chân dựng lên. Tuy nhiên, luân vương tọa của tượng Phật thì lòng bàn chân phải chồng lên lòng bàn chân trái.
Tượng Như ý Luân Quan Âm ở Quán Tâm tự (Kanshin-ji)
Bán già ỷ tọa là kiểu ngồi gác một chân lên chân kia, còn chân còn lại buông thỏng. Kiểu tượng này thường thấy tay trái nâng má, giống với tượng người suy nghĩ của điêu khắc gia Rodin. Tượng ngồi trên cái bệ gọi là "tháp" (榻) nên còn gọi là tháp tượng. Kiểu ngồi này thường thấy ở tượng Di Lặc Bồ Tát tại Nhật Bản, nhưng tại Trung Quốc thì được cho là tượng Thái tử Tất Đạt Đa trong trạng thái tư duy. Di Lặc Bồ Tát là vị tôn giả sẽ thành Phật sau khi Thích Ca Như Lai nhập diệt 56 ức 7 nghìn vạn năm, cũng có đầy đủ các hảo tướng như các vị Như Lai. Tuy nhiên tại Trung Quốc và Việt Nam, quan niệm dân gian xem nhà sư Bố Đại là hiện thân của Di Lặc nên tượng Di Lặc có hình dáng phốp pháp, bệ vệ của sư Bồ Đại.
Tượng Di Lặc Bồ Tát trong tư thế bán già ỷ tọa ở Trung Cung tự (Chūgū-ji)
(Còn)
0 bình luận :
Post a Comment