Tiểu thuyết "Fukurō no shiro" (thành cú vọ) của tác giả Shiba Ryō Tarō lần đầu tiên được đăng liên tục trên "Chūgai Nippō", một nhật báo về tôn giáo từ tháng 4 năm 1958 (niên hiệu Shōwa thứ 33) cho đến tháng 2 năm 1959 và được nhà xuất bản Kōdansha in thành sách khổ bỏ túi năm 1959. Đến năm 1960 thì tiểu thuyết này nhận được giải thưởng văn học Naoki lần thứ 42.
Ban đầu tác phẩm này có tên là "Fukurō no iru tojō" (đô thành nơi chim cú ở) vì nó trực tiếp miêu tả hành vi sống về đêm của bọn Ninja Iga như bầy chim cú. Nhưng đến khi xuất bản thành sách khổ bỏ túi thì được đổi tên lại thành "Fukurō no shiro" như hiện nay.



Bạn đọc quan tâm có thể mua sách tại: Amazon.

Có thể nói đây là một trong những tác phẩm đầu tay đã thúc đẩy tác giả Shiba Ryō Tarō viết về lịch sử, và sau này ông còn viết nhiều tác phẩm khác về Ninja. Ông nhận được huân chương văn hóa, huân chương danh dự nhất của đất nước Mặt trời mọc vì những cống hiến cho văn học dã sử của mình. "Fukurō no shiro" chính là cuốn tiểu thuyết đưa ông vào thế giới của những nhân vật lịch sử. Shiba được mệnh danh là người bạn của nhân vật lịch sử bởi lẽ trong suốt sự nghiệp viết lách của mình, ông dành phần lớn tập trung cho đề tài lịch sử. Từ đó đã hình thành nên khái niệm "sử quan Shiba Ryō Tarō", cách nhìn nhận độc đáo về lịch sử của chính tác giả. Có thể nó không đúng với thực sử, nhưng nó luôn được hợp lý hóa và đem lại nhiều hứng thú cho người đọc. Tên tuổi ông luôn bảo đảm bằng vàng cho bất cứ cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn nào về lịch sử, chúng luôn đứng trong danh sách bán chạy nhất nước Nhật. Trong tiểu thuyết này, tác giả cũng đã thể hiện "sử quan" độc đáo của mình khi xây dựng một câu chuyện với sự đan xen phức tạp của những nhân vật hư cấu và nhân vật trong thực sử. Người đọc cảm nhận một cách tự nhiên về sự lồng ghép mà không thấy mối ghép này.

Nội dung chính của tác phẩm là một sự tương đối hóa của tác giả đối với mọi thứ, tình yêu, danh dự, thù hận, nhân sinh quan.... Thông qua tên Ninja xứ Iga là Tsuzura Jūzō, tác giả đã thành công khi xây dựng một mẫu người cầu đạo, vứt bỏ mọi thứ của bản thân để hoàn thành cái đạo của mình. "Đạo" ở đây được hiểu là con đường cần phải đi của mỗi người, điều mình cho là đúng hay là lý tưởng của bản thân. Đối với Jūzō thì "đạo" chính là lối sống của Ninja, điều mà xã hội phong kiến Nhật Bản lúc đó luôn miệt thị bởi nó đi ngược lại mọi quy tắc đạo đức, tiết tháo của Võ Sĩ đạo. Con người chúng ta, từ lúc sinh ra cho đến lúc nhắm mắt, không có mấy người thấy được cái "đạo" của mình. Trong số thấy được đó, phần đông lại không có đủ dũng khí để đi theo cái "đạo" đó. Bởi lẽ chúng ta bị ràng buộc trong vô số xiềng xích của cuộc sống mà có lẽ là không mấy ai muốn thoát ra. Bởi nếu thoát ra hết mọi ràng buộc thì đời còn gì là nghĩa lý?

Tsuzura Jūzō là một nhân vật trưởng thành trong cái "đạo" của mình, muốn sống chết vì nó và vứt bỏ mọi thứ cá nhân như tình yêu, sự nghiệp vì nó. Một kẻ tài năng như Jūzō nếu chỉ cần có cái tâm an phận như bao người bình thường khác thì có lẽ hắn đã sống đời một võ sĩ bổng lộc ngàn hộc, đứng trên ngàn người, hưởng mọi đặc quyền đặc lợi. Nhưng hắn không chọn con đường mà người bình thường vẫn chọn đó. Hắn muốn hy sinh bản thân cho "đạo". Chuyện ám sát Hideyoshi, kẻ nắm thiên hạ cũng là một hành động hy sinh vì đạo. Hắn đã chọn con đường của Kinh Kha, bởi lẽ ra đi là không còn đường trở về. Nhưng khác với Kinh Kha, hành động của Jūzō xuất phát từ lòng hận thù và khoái cảm khi sống trong "đạo". Cái tâm theo đuổi "đạo" đến cùng còn được thấy qua một bộ tiểu thuyết khác rất nổi tiếng là "Miyamoto Musashi" của đại văn hào Yoshikawa Eiji trước đệ nhị Thế chiến. Hình tượng Tsuzura Jūzō ở đây cũng giống như hình tượng Musashi, luôn khắc khổ, hy sinh vì lý tưởng của bản thân. Xét về điểm này thì cả Jūzō và Musashi đều giống các vị khổ hạnh tăng trên đường tìm đến giác ngộ, lý tưởng cả đời của họ. Nhưng dĩ nhiên là giữa Jūzō và Musashi cũng có những điểm khác nhau. Đó là điểm khác nhau trong suy nghĩ, nhận thức giữa hai thế hệ bị chiến tranh chia cắt. Tác giả Shiba Ryō Tarō đã tương đối hóa hết mọi thứ, kể cái cái "đạo" của Jūzō khi hắn đột nhập vào lâu đài của Hideyoshi nhưng giờ đây, trước mặt hắn, kẻ thống trị nước Nhật bạo tàn này chỉ là một lão già yếu đuối không còn sức tự vệ....

Bên cạnh Jūzō còn một hệ thống những nhân vật phụ phức tạp khác mà chủ yếu tác giả tập trung vào Kazama Gohei như là một kiểu nhân vật luôn hành động vì lợi. Hễ có lợi là làm, không từ mọi phương tiện thủ đoạn. Dĩ nhiên con người ai cũng hành động vì lợi cả. Bố thí một kẻ ăn mày, khen ai đó một câu thật lòng, người vui mà ta cũng vui. Ta thấy vui, ấy cũng là cái lợi vậy. Ý nghĩa của "lợi" bao la rộng khắp, nhưng người đời chỉ bó hẹp cho nó trong cái nghĩa lợi dục vật chất. Và Gohei đúng là mẫu người triệt để cho định nghĩa hẹp của từ "lợi".
Nhân vật Kisaru bên cạnh Gohei là hình mẫu thiếu nữ ngây thơ nơi đồng hoang dã nội. Kết cục của Kisaru khiến người đọc phải suy nghĩ về sợi dây nhân quả của ý nghiệp, thân nghiệp và khẩu nghiệp. Không có gì vô lý khi Kisaru lại nhận được kết cục như thế với tính cách như thế.
Kohagi là một nhân vật phá cách của hình tượng phụ nữ thời phong kiến. Nàng đã chủ động tiếp cận, trao thân cho Jūzō ngay lần đầu khi giả trang làm du nữ. Hành động này nói lên tính kháng cự số phận của nàng. Phụ nữ Á châu thời phong kiến dường như không có chút đặc quyền nào trong xã hội, luôn là quân cờ chính trị trong tay những kẻ quyền lực-là-đàn-ông. Dù mang trong mình nét thùy mị diệu dàng của một tiểu thư được giáo dưỡng trong cửa danh gia, nhưng Kohagi luôn mang tinh thần phản kháng cao độ với số phận được sắp đặt trước và luôn tính toán từng bước đi của mình. Có thể nói đây là nhân vật bí ẩn nhất trong tác phẩm vì mọi sự về nàng chỉ được tiết lộ trong phần cuối của câu chuyện. Trước đó nàng luôn ẩn mình trong màn sương mù dày đặc, lúc là địch lúc là ta khiến người đọc luôn tò mò không biết con người này thật sự là như thế nào.

Đề tài Ninja lần đầu tiên xuất hiện khi nhà xuất bản Tachikawa Bunko tạo ra hình tượng nhân vật Ninja Sarutobi Sasuke và kể từ đó đề tài này rất được đại chúng ưa chuộng. Từ sau Thế chiến cho đến những năm Shōwa 30 thì trong trào lưu tiểu thuyết thời đại, hình tượng Ninja luôn được xây dựng với bộ trang phục đen, hành động bí mật xuất quỷ nhập thần. Sau đó nó còn được cổ súy bởi một loạt những tiểu thuyết như "Shinobi no mono", "Yagyū Bugei-chō" của Gomi Yasusuke,... và rất nhiều trong số đó đã được dựng thành phim. Tiểu thuyết "Fukurō no shiro" cũng đã 2 lần được dựng thành phim cho đến thời điểm này. Điểm khác nhau giữa "Fukurō no shiro" và những tiểu thuyết Ninja khác là nó miêu tả chính diện một tên Ninja bằng xương bằng thịt cùng những suy nghĩ, hành động của hắn chứ không chỉ là miêu tả gián tiếp với những hành động ẩn mật, biến hóa khôn lường qua cách nhìn của người thứ ba. Sau Thế chiến còn một tiểu thuyết Ninja khác nữa là "Kōga Ninpō-chō" của Yamada Fūtarō. "Kōga Ninpō-chō" đậm màu sắc bạo lực, ma quái và sắc dục, đây là những đặc điểm của tác giả này. Nhân vật Ninja trong đó được miêu tả với những năng lực siêu nhiên tà dị và cuốn tiểu thuyết này tỏ ra rất hợp với văn hóa đại chúng. Nó đã được dựng thành phim truyện, truyện tranh và phim hoạt hình (Anime) rất ăn khách trong giới trẻ hiện nay. Trái lại, nhân vật Ninja trong "Fukurō no shiro" được mô tả như là những con người xương thịt bình thường, năng lực đặc dị của họ có được là do luyện tập tích cực và không có gì là siêu nhiên kỳ bí cả.

Để kết thúc bài viết này xin lượt qua "định nghĩa" về Ninja để độc giả dễ dàng hình dung hơn.

Ninja là cách đọc âm Hán-Nhật của chữ Hán 忍者, âm Hán Việt đọc là "nhẫn giả". Cách đọc thuần Nhật là "shinobi no mono", nghĩa là kẻ đột nhập. Từ "nhẫn" ở đây có 2 ý nghĩa là xuất phát từ động từ "shinobu" trong tiếng Nhật (đột nhập, lẻn vào) và ý nghĩa nhẫn nhục chịu đựng gian khổ trong quá trình luyện tập. Ninja là danh từ chỉ cá nhân hoặc đoàn thể gián điệp, đặc công trong thời phong kiến ở Nhật (từ thời Kamakura đến thời Edo). Ninja là những kẻ ám sát lén lút, chuyên nghe trộm, giả trang trà trộn vào trận địch để thu thập tin tức, gây xáo trộn hàng ngũ, phao tin thất thiệt, phóng hỏa đốt nhà, cướp bóc giật dọc,....nói chung là những hành động bị coi là đê tiện hèn hạ mà một võ sĩ Samurai không thể làm được. Ninja được các lãnh chúa phong kiến khắp nơi trên nước Nhật thuê mướn để tiêu diệt đối thủ trong bóng tối. Tuy người ta vẫn không biết đích xác Ninja được hình thành từ khi nào nhưng có thể suy đoán được nó đã tồn tại từ thế kỷ thứ 8, 9 khi tầng lớp quý tộc nổi loạn bại trận chạy trốn đến những vùng núi cao hiểm trở và tự trang bị cho mình những kỹ năng sống còn nơi khắc nghiệt. Đây là hình thức đặc công, gián điệp có tổ chức, quy mô và bài bản sớm nhất Thế giới.

Trang phục truyền thống của Ninja là bộ quần áo dạ hành đen vì chúng thường hành động về đêm và không thể để người khác phát hiện ra hành vi lén lút của mình. Đã có thời người ta tin rằng Ninja là những người có năng lực thần bí như độn thổ, phi thân, chạy trên tường, đi trên mặt nước,....nhưng thực chất đây chỉ là kết quả của quá trình luyện tập khắc nghiệt khi còn bé cộng với sự hỗ trợ của những loại dụng cụ đặc biệt gọi là "Nhẫn cụ" (Ningu). Đó là những thứ đồ dùng được chế tạo cho những mục đích đặc biệt như leo tường, leo mái nhà. Món đồ "tay gấu" (Kumade) trong tiểu thuyết này là một trong số đó. Thuật Ninja được gọi là Ninjutsu (Nhẫn thuật), Ninpō (Nhẫn pháp) bao gồm võ nghệ kiếm pháp, thuật cải trang, đột nhập và bất cứ thứ gì cần thiết cho đặc vụ của mình. Chẳng hạn như khi giả trang làm thầy tu thì Ninja phải học cách đọc kinh, am hiểu giới luật như một nhà sư thực thụ để địch không phát hiện được. Như vậy Ninja là những kẻ cực kỳ tháo vát và biết rõ mọi thứ mình làm. Hay nói cách khác đó là những nhà chuyên môn, những tay điệp viên chuyên nghiệp như thời nay.
Ninja còn có nhiều tên gọi khác như "Shinobi", "Rappa", "Suppa", "Toppa", "Onmitsu".... nhưng đại chúng nhất, được mọi nơi trên Thế giới biết đến vẫn là từ "Ninja". Có thể nói Ninja là hình tượng văn hóa của Nhật. Không một người Nhật nào không yêu thích Ninja, nhất là trẻ con vì đối với chúng, đó là những người hùng tựa như Superman (siêu nhân) hay Spiderman (người nhện). Và dĩ nhiên là không chỉ giới hạn trong nước Nhật...

Ninja có nhiều lưu phái trên khắp nước Nhật, nhưng nổi tiếng nhất là phái Iga và Kōga ở tỉnh Mie ngày nay. Ngày xưa, Iga và Kōga là hai xứ núi non hiểm trở, sống bằng nông nghiệp và cô lập với thế giới bên ngoài. Đây là điểm mấu chốt khiến mọi thông tin, hiểu biết về thế giới Ninja của người bên ngoài luôn bị bao bọc trong tấm màn đen mù mờ, hệt như bản chất của Ninja.
Tuy chỉ cách nhau một dãy núi nhưng Ninja Kōga luôn trung thành tuyệt đối với chủ còn Iga thì luôn tráo trở và chẳng trung thành với ai.
Năm Tenshō thứ 7 (1579), một Ninja Iga là Yamashita Kai phản bội đồng bọn, mật báo với con trai thứ của tướng Oda Nobunaga là Nobuo rằng nội bộ Iga đã mất đoàn kết, đây là thời điểm thuận lợi để tiến hành xâm lược. Nobuo nghe theo và cho xây thành Maruyama làm cứ điểm tấn công Iga nhưng đã bị Ninja Iga đoán biết trước nên cuộc xâm lược thất bại nặng nề. Đây là cuộc loạn Iga năm Tenshō lần đầu.
Nobunaga hay tin bại trận đã phẫn nộ huy động đại quân đè bẹp Iga, toàn bộ Ninja xứ này phải sống lưu vong ở các xứ khác. Sử sách gọi đây là cuộc loạn Iga năm Tenshō lần hai. Shiba Ryō Tarō đã xây dựng tiểu thuyết "Fukurō no shiro" trên cái nền lịch sử này....

0 bình luận :

Post a Comment

 
Top