Tượng Di Lặc Bồ Tát ngồi vắt tréo chân, thế kỷ 2-3 ở Gandhara, Pakistan. Ngồi vắt tréo chân là kiểu ngồi của vương hầu của dân du mục, còn kiểu tóc trên đỉnh đầu là kiểu của người Hy Lạp. Gandhara là nơi đầu tiên thể hiện hình tượng Di Lặc Bồ Tát.
Theo định nghĩa hẹp thì "tượng Phật" là danh từ chỉ các loại tranh vẽ, tượng điêu khắc bằng các chất liệu của các vị Phật (Như Lai). Theo nghĩa rộng hơn thì "tượng Phật" còn chỉ các vị Bồ Tát, Minh vương và các vị tăng lữ, long thần hộ pháp trong Phật giáo.
Vốn ban sơ, Phật giáo nguyên thủy không có chuyện sùng bái ngẫu tượng (thờ cúng tượng). Có thuyết giải thích rằng vì thời Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế thì người Ấn Độ không có văn hóa ngẫu tượng, hoặc không thể miêu tả được vẻ siêu việt của ngài. Mãi sau này khi Phật giáo Đại thừa ra đời thì mới xuất hiện tục thờ cúng tượng Phật.
Việc tạo tác và thờ cúng tượng Phật có ý nghĩa lớn là giúp chúng sinh đời Mạt pháp, những người sinh ra trong cảnh lầm lạc không được gặp Phật có được một động lực cụ thể để dẫn tâm niệm về nẻo đường đúng. Việc này cũng giống như đối với con nít hư thì cần có những lời răn đe hay khen thưởng cụ thể để chúng không sa vào chỗ lầm lạc. Đến khi đủ lớn đủ lực thì những hình thức thưởng phạt đó là không cần thiết nữa, và trở nên vô ý nghĩa.
Chính vì vậy nên cổ lai chứng kiến nhiều trường hợp thoạt nhìn thì tưởng là kỳ quái của các Thiền sư. Chẳng hạn như chuyện sư Đan Hà chẻ tượng Phật ra làm củi đun. Lại có câu chuyện khác về Thiền sư Ikkyū (Nhất Hưu) một lần nọ đến chùa Bổn Nguyện (Hongan-ji) thăm người bạn thân là Rennyo Shōnin (Liên Như Thượng Nhân) nhưng Rennyo Shōnin đi vắng, sư Ikkyū chờ chán nên mới lấy tượng Phật bổn tôn ở chùa ra làm gối lót đầu ngủ.
Khi Rennyo Shōnin về đến chùa, thấy cảnh đó thì đầu tiên quát "ai là người lấy cái thùng đựng gạo của ta làm gối đầu...", sau đó hai người cùng cười lớn.
Như vậy, Ikkyū chỉ xem tượng Phật như một cái gối, còn Rennyo Shōnin chỉ xem tượng như cái thùng đựng gạo.
Tượng Đại Phật A Di Đà Như Lai ở Kamakura, Nhật Bản
Phật Thích Ca cũng từng dạy, nếu dùng con mắt thịt mà nhìn Như Lai thì chẳng thấy được Như Lai. Mọi hình tướng chỉ là hình tướng, không có thật. Đến ngay thấy Như Lai trước mắt còn bị bảo là chẳng thấy được Như Lai, huống hồ là hậu sinh chúng ta chỉ thấy Như Lai qua pho tượng do con người trần tục tạo tác. Nhưng đó là nói một cách rốt ráo, còn xét trong phạm vi nhỏ hẹp mà đa phần đều đúng với trường hợp của chúng ta thì hình tướng vẫn là thực, vẫn có những tác dụng nhất định. Chính vì thế mà việc thờ cúng tượng Phật vẫn còn được duy trì đến ngày nay, và hoàn toàn không trái với giáo lý Phật dạy. Chỉ đến khi tâm thức chúng ta quá u mê, cố chấp vào hình tướng, đã qua khỏi sông mà vẫn còn luyến tiếc con đò thì mới là trái lời Phật dạy. Còn khi qua sông phải lụy đò, đi sa mạc cần đến lạc đà là chuyện hoàn toàn hợp lý.
Trong một số tôn giáo như Do Thái giáo, Hồi giáo thì việc thờ cúng ngẫu tượng là điều bị cấm. Vì đối với họ, Thượng đế là độc nhất, nên việc tạo ra hình tượng Thượng đế sẽ khiến vị trí độc tôn của ngài bị lung lay. Cho nên các tôn giáo đó cấm thể hiện hình tượng của Thượng đế qua bất cứ hình thức nào.
Theo thời gian, cùng với sự phát triển của trí tuệ mà con người dần có cái nhìn hoài nghi về tôn giáo, và cũng có những cái nhìn củng cố cho niềm tin tôn giáo. Nhưng dù thế nào đi nữa thì không ai có thể phủ nhận những đóng góp của tôn giáo, dù là bất kỳ tôn giáo nào, vào đời sống tinh thần, văn hóa của nhân loại. Tôn giáo chính là một thứ "yên sĩ phi lý thuần" (inspiration) đối với các nhà nghệ sĩ. Có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật bất hũ bắt nguồn từ cảm hứng tôn giáo.
Còn xét riêng Phật giáo, nhiều học giả cho rằng nếu rút Phật giáo ra khỏi thì nền văn hóa Á Đông gần như chẳng còn lại gì. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp Nhật Bản, nơi mà mọi nét tinh thần đặc trưng và cố hữu mang đậm màu sắc Phật giáo Thiền tông. Nếu loại trừ các tác phẩm liên quan đến Phật giáo như tượng Phật, chùa chiền... thì số lượng quốc bảo Nhật Bản còn lại chẳng là bao nhiêu. Số lượng quốc bảo về tượng Phật và chùa chiền tập trung chủ yếu ở các thời kỳ Asuka (Phi Điểu), Nara (Nại Lương), Heian (Bình An) và thời Kamakura (Liêm Thương). Loạt bài viết này đề cập đến những cống hiến của Phật giáo trong lịch sử mỹ thuật Nhật Bản, thể hiện qua mảng tượng Phật và cố gắng cung cấp cho người đọc những kiến thức cơ bản về tượng Phật dưới khía cạnh tạp học thế gian, và không biết đến bao giờ sẽ kết thúc...
Câu chuyện về tượng Phật
Việc thể hiện hình tướng Thích Ca Như Lai qua ngẫu tượng được cho là điều kiêng kỵ nên những thứ mang tính tượng trưng như pháp luân (bảo luân), đá (dấu) chân Phật, Bồ đề thụ, liên hoa, tháp bà (tháp xá lợi)... cũng trở thành đối tượng lễ bái.
Pháp luân là tượng trưng cho Thái dương vốn không thể thiếu trong cuộc đời của con người. Trong quốc kỳ Ấn Độ, hình ảnh pháp luân là vòng tròn nằm ở trung tâm dải màu trắng của lá cờ.
Quốc kỳ Ấn Độ
Đá chân Phật là vết chân tượng trưng cho công đức lớn lao của Thích Ca Như Lai. Đá chân Phật được cho là viên đá mà đức Thích Ca đã đứng lên thuyết pháp. Vì tướng bàn chân Như Lai to lớn, bằng phẳng nên để lại dấu rất tốt. Đá chân Phật nổi tiếng ở Nhật là ở chùa Dược Sư (Yakushi-ji) với kích thước to gần 48cm.
Bồ đề thụ, tức cây Bồ đề là cây nơi đức Thích Ca thành đạo, nay trở thành biểu tượng của Phật.
Liên hoa, tức hoa sen là biểu tượng không thể tách rời với Phật giáo như nhiều người biết.
Tháp xá lợi là tháp được xây dựng để an trí xá lợi Phật.
Đá chân Phật
Trên đây là những biểu tượng của Thích Ca Như Lai, cũng giống như biểu tượng cá, dê, thập tự giáo trong Cơ Đốc giáo.
Ban đầu, sau khi Thích Ca Như Lai nhập diệt, người ta an trí xá lợi của ngài trong tháp bà và lễ bái ngọn tháp đó, rồi có người muốn lễ bái tượng của Thích Ca Như Lai như chính Như Lai. Và tượng Thích Ca ra đời từ đó, sau khi Phật nhập diệt vài trăm năm. Sau đó, tượng của nhiều vị Phật khác cũng xuất hiện. Tại Nhật, người ta chuyển từ việc sùng bái xá lợi sang sùng bái tượng Phật với mong muốn đức Phật đến cứu độ cho mình. Càng về những thời đại sau thì tư tưởng càng thay đổi. Tổ chấn hưng Tịnh Độ Chân Tông (Jōdo Shinshū) là Rennyo Shōnin (Liên Như Thượng Nhân) chủ trương khuyến lệ tôn sùng tranh vẽ và danh hiệu Phật hơn là tượng Phật. Danh hiệu ở đây là "Nam Mô A Di Đà Phật", "Quy Mệnh Tận Thập Phương Vô Ngại Quang Như Lai", "Nam Mô Bất Khả Tư Nghị Quang Như Lai", tức là chuyển sang hình thái sùng bái văn tự. Trong Thiền tông, người ta cũng lễ bái tranh ảnh của sư tổ và bút tích sư tổ để lại. Vì vậy nên việc điêu khắc tượng Phật ở Nhật đã kết thúc từ sau thời Kamakura. Dĩ nhiên, kết thúc có nghĩa là từ sau thời kỳ này không còn những tác phẩm tượng Phật lừng lẫy như trước nữa. Trong thực tế, số tượng được tạo tác ở những thời kỳ sau này không có tượng nào được chỉ định là bảo vật quốc gia. Ngược lại, ở mảng kiến trúc thì thời Edo có nhiều công trình được chỉ định là quốc bảo.
Tạo hình của tượng Phật cũng hàm chứa nét mặt của con người ở nơi tượng được tạo tác. Phá bỏ lệ cấm sùng bái ngẫu tượng mà tạo tác tượng Phật đầu tiên là người Gandhara dưới sự cai trị của Đại đế Alexandros. Cho nên tượng thời kỳ này có nhiều nét giống người Hy Lạp như tóc lượn sóng, đường nét khuôn mặt dài, sống mũi thẳng, mắt to. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng hình mẫu của tượng Phật không phải là người Hy Lạp mà là người Gandhara đương thời.Gandhara là tên cổ của vùng Tây Bắc Pakistan bây giờ.
Về quy định kích thước tượng Phật, nếu lấy chiều cao của người bình thường là 8 xích (2.4m) thì tượng Phật đứng (lập tượng) cao gấp đôi, tức 1 trượng 6 xích (4.8m) là tiêu chuẩn, còn tượng ngồi (tọa tượng) có chiều cao một nửa, tức 8 xích. Các tượng có kích thước lớn hơn gọi là Đại Phật (Daibutsu). Tượng Đại Phật có kích thước lớn nhất hiện nay ở Nhật Bản là Đại Phật Ushiku (A Di Đà Như Lai) có tổng chiều cao 120m, gần gấp 4 lần so với tượng nữ thần tự do ở Nữu Ước, Mỹ quốc.
Về cách khoác y phục của tượng Phật thì có các kiểu: thông kiên (tsūken - 通肩) là pháp y phủ lấy hai vai, thiên đản hữu kiên (hentan uken - 偏袒右肩) để lộ vai phải. Thiên đản hữu kiên, để trật vai áo bên phải là cách mặc y chính thức khi chắp tay lễ trước Phật Đà hoặc các vị cao nhân khác, còn thông kiên là cách mặc khi mặc tưởng và khi đi ra ngoài. Theo quan niệm của người Ấn Độ thì bên phải cơ thể là phần thanh tịnh, còn bên trái là phần bất tịnh nên việc để lộ vai phải là để lộ phần thanh tịnh, để bày tỏ kính ý với người đối diện. Nhưng tượng Phật Nhật Bản và Trung Quốc không để lộ vai phải hoàn toàn như tượng Phật Ấn Độ mà có một lớp y mỏng vắt qua vai phải.
(Còn)
tượng bổn sư thích ca, tượng phật nằm, tượng phật thích ca đẹp được các phật tử thờ cúng trang nghiêm tại tư gia không chỉ thể hiện tâm niệm thành kính đến đức phật mà còn là thể hiện sự ngưỡng mộ nghệ thuật
ReplyDelete