Nhạc nền: Jō-ga-shima no ame (mưa trên đảo Jō-ga-shima), Sawai Tado diễn tấu với đàn Koto.


Cấu tạo đàn

Chiều dài của loại đàn cao cấp được gọi là "Hongen" của phái Yamada-ryū là 6 xích 3 thốn (chừng 190 cm), còn của phái Ikuta-ryū  là 6 xích (chừng 182 cm). Ngoài ra thì còn có nhiều loại khác có chiều dài lớn, nhỏ hơn hai cỡ này, nhưng ngoại trừ loại đàn Koto dùng để dạy ở trường thì phần lớn là kiểu đàn của phái Yamada-ryū.
Trong Shōsō-in (Chánh Thương viện), bảo khố chứa các món đồ báu ở Nara còn lưu giữ mảnh khuyết của cây đàn Koto các thời đại trước, nhưng cấu tạo khác với loại đàn hiện nay, gồm 4 miếng ván khá mỏng ráp thành hình hộp. Cây đàn Koto hiện đại được chế tạo bằng cách khoét từ một loại gỗ để làm thành mặt trên của đàn và hai mặt bên, riêng mặt dưới được làm từ loại gỗ khác, sau đó ráp vào. Cách làm này được cho là xuất hiện từ thời Heian, sau đó được Yamada Kengyō cải tiến thành loại đàn Yamada-goto chủ lưu hiện nay. Phần thân đàn làm từ gỗ cây Kiri (một giống cây vông), cách chế tạo thì có hai loại là "Beta" và "Kiri-kō", loại sau cao cấp hơn. Ngày xưa thân đàn được trang trí nhiều tranh khảm như một thứ thể hiện địa vị của tầng lớp giàu có, nhưng đến thời Yamada Kengyō thì việc trang sức được hạn chế đến mức tối thiểu, tập trung vào âm sắc và dần dà càng có nhiều cây đàn đơn giản ra đời. Tuy nhiên chất lượng âm sắc của cây đàn có quan hệ mật thiết đến vẻ đẹp của vân gỗ làm đàn.
Người xưa xem cây đàn Koto như một con rồng, nên các bộ phận của đàn được đặt tên là Ryūkaku (long giác/sừng rồng), Ryūgan (long nhãn/mắt rồng), Ryūshu (long thủ/tay rồng), Ryūbi (long vĩ/ đuôi rồng)...




 

 Long vĩ và dây đàn

Dây đàn
Bình thường, dây của các loại nhạc khí Nhật Bản truyền thống được gọi là "Ito" (mịch/sợi tơ). Đàn Koto bình thường có 13 dây, không khác gì so với đàn thời Nara, nhưng đến thời Edo thì dần xuất hiện những cây đàn nhiều dây hơn. Đến thời Meiji, đầu tiên là đàn 17 dây, sau đó nhiều loại đàn nhiều dây hơn được chế tạo. Loại đàn 13 dây phổ thông có tên gọi cho từng dây là Ichi (nhất), Ni (nhị), Tam (san), Shi (tứ), Go (ngũ), Roku (lục), Shichi (thất), Hachi (bát), Kyū (cửu), Jū (thập), To (đẩu), I (vi) và Kin (cân) tính từ phía ngược với người khảy đàn, nhưng trong Tsukushi-goto lại gọi bằng tên khác. Về độ lớn thì dây đàn có nhiều kích cỡ, trước đây thì loại dây nhuộm vàng là phổ biến, hiếm khi thấy dây nhuộm đỏ và xanh nhưng hiện nay màu trắng tự nhiên lại được ưa chuộng. Về cấu tạo của dây đàn Koto thì cũng giống như dây nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác, gồm 1 sợi dây đơn được bện thêm 4 sợi khác, cố định bằng keo. Về chất liệu thì dây đàn Koto vốn là sợi lụa, nhưng hiện nay, dây đàn Zoku-sō (tục tranh) chủ yếu được chế từ sợi Polyestel. Dây Polyestel có tính đàn hồi cao, khi kéo căng thì để lại dư âm dài, âm sắc tốt nên được ưa chuộng. Dùng dây Polyestel không lo bị đứt giữa chừng khi biểu diễn và giá thành cũng rẻ hơn dây lụa, đây là lý do chính khiến dây Polyestel trở nên phổ cập. Tuy nhiên vẫn có nhiều người ưa chuộng âm vang độc đáo của dây lụa, nhất là âm thanh khi dùng tay khảy vuốt dây, thì âm sắc của dây lụa tốt hơn nên cho đến bây giờ thì trong Gaku-sō (nhạc tranh) chủ yếu vẫn dùng dây lụa. 


Tay khảy đàn

Tay khảy đàn Koto được gọi là "Tsume" (móng) đeo vào 3 ngón của bàn tay phải là ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa ở phía mặt bụng của các ngón (ngược phía với móng tay người). Loại Tsume dùng trong Nhã nhạc thì dạng tròn, nhỏ. Tsume của phái Ikuta-ryū gọi là Kaku-zume có phần đầu rộng, hình tứ giác còn phái Yamada-ryū dùng loại tròn, đầu nhọn gọi là Maru-zume như đề cập ở phần trên. Hình dạng khác nhau của tay khảy đàn cũng mang lại sự khác biệt tinh tế trong âm sắc của đàn. Về độ dày thì từ sau đệ nhị Thế chiến, tay khảy dần dần được chế tạo mỏng đi. Về chất liệu (trừ loại dùng cho Nhã nhạc) thì tay khảy được làm từ ngà voi, nhưng vì điều ước về thương mại Quốc tế các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) mà việc mua tay khảy đàn bằng ngà voi trở nên khó khăn hơn, giá thành cũng bị đội lên rất cao. Tuy nhiên, việc sử dụng tay khảy bằng nhựa thay thế chỉ được dùng trong việc đào tạo ở trường học.

Trụ

Trụ (Ji) tức phần nhạn đàn là bộ phận nâng đỡ dây đàn, quy định độ cao của âm và truyền rung động vào thân đàn. Phần trụ của Gaku-sō (nhạc tranh) truyền thống vốn nhỏ và thấp, nhưng đến thời cận đại đã trở nên to lớn hơn để mang lại âm lượng to hơn. Ngoài ra còn có nhiều loại trụ khác, như loại nhỏ dùng để bổ trợ, loại được thay đổi phần chân, loại được công phu để khó đổ hơn. Về chất liệu thì thời cổ, phần nhiều trụ được làm từ gỗ cây Karaki (Đường mộc), nhưng hiện tại loại làm từ ngà voi được đánh giá cao nhất. Tuy nhiên ngà voi hiện nay rất đắc, khó mua nên loại làm từ nhựa tổng hợp dần phổ biến. Trước đó thỉnh thoảng cũng thấy loại làm từ xương cá voi.

Đàn Koto mới từ thời cận đại trở đi

Trong số các loại Koto được cách tân thì loại đàn 17 dây (thập thất huyền tranh do Miyagi Michio khai phá là nổi tiếng hơn cả và đã trở nên phổ cập. Loại đàn này được cải thiện phần âm thấp để có thể chơi hợp tấu và được dùng nhiều trong các nhạc khúc từ thời Miyagi Michio trở đi. Ngoài ra Miyagi Michio còn khai phá loại đàn Koto ngắn (đoản tranh) dùng trong đào tạo và loại đàn 80 dây với kích thước khổng lồ.
Ngoài ra còn có loại đàn 20 dây (thực tế có 21 dây) do nhà soạn nhạc Miki Minoru và Nosaka Keiko cùng hợp tác khai phá năm 1969, loại 25 dây, loại 30 dây, loại 32 dây. Tất cả đều là sản phẩm của các nhà soạn nhạc hiện đại khai phá cho nhạc phẩm của họ. Trong số này thì loại Koto 20 dây là được sử dụng nhiều hơn cả, dần dần trở nên phổ cập.
Địa phương sản xuất đàn Koto nổi tiếng ở Nhật là thành phố Fukuyama thuộc tỉnh Hiroshima, chiếm 7 phần sản lượng toàn quốc.


Các loại nhạc khí giống với Koto bên ngoài Nhật Bản

Đầu tiên phải kể đến đàn tranh ở Trung Quốc và Việt Nam. Bản thân chữ "Koto" chính là chữ "tranh" (Hán Việt), nhưng dĩ nhiên là có những nét độc đáo riêng của dân tộc Nhật trong âm sắc và cách diễn tấu.
Ở Triều Tiên có loại đàn "Gia Da cầm" gồm 12 dây, khi diễn tấu thì kê phần đầu của đàn lên đầu gối người diễn, khảy bằng đầu ngón tay. Ngoài ra còn có loại Huyền cầm (Geomungo) 6 dây, Nha cầm 7 dây.
Về mặt phân loại thì đàn Koto thuộc loại đàn Cithare, do đó có thể kể đến các loại Cithare của chư Âu quốc. Tuy nhiên Cithare không phải loại nhạc cụ phổ biến mà chỉ được dùng như một loại nhạc khí dân tộc của các xứ Alps (nhất là Áo). Ngoài ra có thể kể đến đàn Kantele của Phần Lan cũng cùng loại với Koto.


Các địa chỉ web nghe diễn tấu Koto và các nhạc cụ Nhật Bản truyền thống khác

0 bình luận :

Post a Comment

 
Top