Nói một cách nôm na thì văn hóa chính là kết tinh của những thói quen cố hữu của một cộng đồng người. Và văn hóa khác nhau dẫn đến sự sai khác trong hành động của con người. Tại quốc gia này, làm thế này mới là phải đạo, nhưng có thể đó lại là hành động khiếm nhã ở quốc gia kia. Tuy nhiên, con người lại chung nhau ở các hành vi đối với cơ thể mình. Tất cả đều hít thở, ăn uống, và thải loại chất bã ra khỏi cơ thể. Thứ chương trình được lập trình sẵn bên trong con người luôn giống nhau, dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời đại nào, chừng nào vẫn còn mang hình tướng là con người.
Tại nhiều vùng văn hóa, có những thời đại, người ta có thể bàn về bất cứ chuyện gì, dù là vô bổ đến đâu, nhưng động đến những vấn đề, hành vi liên quan trực tiếp đến cơ thể con người, một phần sự sống của con người như chuyện tiểu tiện, đại tiện lại là một điều cấm kỵ. Nhưng xét trên quan điểm hiện đại thì khi xét đến tính từ “văn minh” thì đầu tiên phải bàn đến chuyện nhà xí. Nơi nào không coi trọng chuyện ỉa đái như chuyện bữa ăn hàng ngày thì đó là nơi không văn minh.
Khảo về nhà xí và văn hóa (はばかりながら「トイレと文化」) là một cuốn sách của tiến sĩ Henry Stewart xuất bản ở Nhật vào tháng 6 năm 1993 (Bunshun Bunko). Nội dung cuốn sách xoay quanh vấn đề ỉa đái, nhà xí của các dân tộc trên Thế giới, qua các thời đại với góc nhìn văn hóa. Cuốn sách gồm các chương sau.


  • Bàn về văn minh và văn hóa
  • Bàn về hành vi bài tiết và sự xấu hổ
  • Bàn về cảm giác sạch sẽ
  • Chuyện chùi đít
  • Ở thế giới cực hàn
  • Sự thay đổi của nhà xí
  • Văn hóa đá và nhà xí
  • Cách lợi dụng uế vật
Tác giả Henry Stewart (tên Nhật là Honda Junwa) là tiến sĩ văn học Đại học Waseda, nghiên cứu về văn hóa nhân loại. Từ năm 1975, ông tập trung điều tra, nghiên cứu về dân tộc học, khảo cổ học các dân tộc miền Cực Bắc và trước tác hơn chục cuốn sách.

Bạn đọc quan tâm có thể đặt mua sách tại: Amazon.

Khảo về văn hóa và nhà xí là một cuốn sách tạp học về chuyện thải loại uế vật của con người. Tuy gọi là tạp học chứ thực ra nó đào sâu nghiên cứu vào mảng này từ khía cạnh lịch sử cho đến văn hóa.
Đại khái giữa cánh đàn ông với nhau thì chuyện “tiểu” có thể quan sát được là khá giống nhau, còn về chi tiết thì có thể khác, tùy từng cá nhân. Nhưng chuyện “đại” thì do tiến hành trong căn phòng riêng bất khả xâm phạm nên chẳng biết là giống hay khác, không thể so sánh được. Ở Nhật hiện nay thì chuyện này được tiến hành trong phòng riêng, nhưng tùy từng thời đại và từng dân tộc mà cách thức lại khác nhau. Nếu so sánh với cả Thế giới thì tùy từng khu vực mà có sự khác biệt rất lớn. 


Kuso from Cực Lạc Chúng Điểu on Vimeo.


Nếu nói rằng văn hóa càng phát triển thì nhà xí càng sạch sẽ thì cũng không hẳn là đúng. Những người sống trong rừng rất sạch sẽ, có văn hóa xử lý uế vật để người khác không thấy được. Mặt khác lại có những nơi thành thị, người ta để cái hũ trước nhà, dù quanh đó có ai hay không cũng chẳng cần biết, cứ việc giải quyết cho xong chuyện của mình đã.
Và những nơi được mệnh danh là văn minh, thủ đô ánh sáng của nhân loại như Pháp quốc nói riêng, Âu châu nói chung thì thời trung cổ lại cực kỳ bẩn thỉu. Chuyện cứt đái ở các xứ này là vấn nạn, người ta sinh hoạt ngay chỗ uế vật chất đống mấy xăng-ti ở khắp nơi trong phố. Còn người dân thì thản nhiên ném bình đựng uế vật qua khỏi cửa sổ từ tầng 2, tầng 3 của nhà mình. Đến nỗi có thuyết cho rằng giày cao gót của phụ nữ được phát minh ra để đối phó với tình trạng uế vật chồng chất trên đường phố.
Và tại cung điện Versailles ở Pháp quốc, có ghi chép rằng thời vua Louis thứ 14 có đặt 274 bệ xí dạng ghế ngồi, quá ít so với con số 1000 triều thần và 4000 người hầu trong cung điện này. Tác giả Stewart cũng cho rằng ngay bên trong điện Versailles, ở các góc phòng và hành lang đều có uế vật chất đống.
Nhưng mặt khác, ngày xưa thì ở Nhật khá sạch sẽ. Hẳn cũng không có gì lạ vì dân Nhật nổi tiếng ưa sạch sẽ.
Từ ngày xưa, người Nhật đã dùng uế vật cơ thể làm phân bón ruộng đồng. Vẫn còn có ghi chép về việc dùng phân bắc bón ruộng ở phụ cận kinh đô Heian vào năm 927. Đến thời Kamakura thì Mạc phủ khuyến khích phục hồi địa phương nên việc dùng cứt đái bón ruộng trở nên thịnh hành. Đến thời Edo, đô thị phát triển, nhân khẩu gia tăng thì cứt đái lại càng có giá trị. Ngoài ra, rác tươi được dùng làm thức ăn cho gia súc, giấy gỗ vụn được dùng làm nhiên liệu để giữ mỹ quan cho thành phố.
Thời Edo, cứt đái có giá và mang lại thu nhập cho nhiều người. Tại các khu nhà dài (nhà tập thể) thì chủ nhà có quyền xử lý đồ thải của những người sống trong đó. Ban đầu thì các nông gia đi từng nơi để thu mua, nhưng dần dà khó đuổi kịp tốc độ bài tiết nên xuất hiện những người đứng ra làm trung gian thu mua.
Xã hội Nhật Bản đương thời coi trọng nhất là tầng lớp Võ sĩ (Samurai), và cứt đái của họ cũng được mua với giá cao hơn thường dân. Có những việc như vậy nên phố phường Nhật Bản thời trung cổ sạch đẹp hơn ở Âu châu đương thời rất nhiều.

0 bình luận :

Post a Comment

 
Top