Đọc bản PDF: http://www.mediafire.com/view/l44cl1a6ovhd8ar/Khái%20quát%20về%20Bát%20Cực%20quyền.pdf
Điểm đặc sắc
Bát Cực quyền (八極拳, Bính âm: Bājíquán, âm Nhật: Hakkyoku-ken), tên chính thức là Khai Môn Bát Cực quyền, là một môn phái võ nghệ với lực tấn công mạnh nhất trong số nhiều môn phái quyền pháp Trung Hoa. Sức mạnh phá hủy của nó được đánh giá là "băng hám đột kích", tức chỉ một đòn khiến cả núi cũng phải lở, lực đột kích làm núi cũng phải lay.
Lực tấn công của Bát Cực quyền xuất phát từ "chấn cước", tức kỹ thuật dậm mạnh chân xuống đất.
Bát Cực quyền phát huy sức mạnh hủy diệt ghê gớm nhờ động tác sử dụng hết toàn thân, truyền năng lượng sinh ra từ chấn cước của phần thân dưới đến đối phương, thông qua bộ vị của phần thân trên. Đó là kiểu đánh lấy tấn công làm trung tâm, tư thế trong chiến đấu không bị vỡ đường trung tâm của cơ thể, tấn công và phòng thủ ngay trong trạng thái đứng. Trong các võ phái khác, vẫn thường thấy kỹ thuật tấn công trong các trạng thái bay nhảy, nằm ngồi.
Điểm đặc trưng trong chiến pháp của Bát Cực quyền chính là tiếp cận chiến, được thể hiện qua cụm từ "hùng bộ hổ trảo" (bước gấu vuốt cọp). Tức là tư thế tiếp cận đối phương thì vững chải, sừng sửng như gấu, ra đòn thì ngắn và cương mãnh như hổ. Kỹ thuật tấn công khi tiếp cận chiến không chỉ giới hạn ở quyền (nắm đấm) và chưởng (lòng bàn tay). Dù đối phương có phòng ngự được quyền và chưởng thì ta vẫn có thể liên tiếp xuất ra đòn đánh chỏ (khuỷu tay) hay dùng cả thân người húc vào.
Dùng hết toàn thân, nhất kích tất đảo (một chiêu phải ngả), tấn công chắc chắn trong tiếp cận chiến, đó chính là Bát Cực quyền.
Lịch sử và bối cảnh
Về nguồn gốc của Bát Cực quyền thì có nhiều thuyết, nhưng cổ nhất là xuất hiện từ giữa thời nhà Minh (1368~1644). Trong cuốn sách "Kỷ hiệu tân thư" đời nhà Minh đã thấy có "Ba tử quyền", đây chính là quyền pháp
nguyên thể của Bát Cực quyền. Ba tử chính là cái cào cỏ. Trong Bát Cực quyền có cách nắm tay thành quyền gọi là "Ba tử quyền" cốt để tập trung lực vào đầu khuỷu tay khi đánh chỏ. Đây là thủ hình đặc trưng của Bát Cực quyền, nhưng hầu như không bao giờ được sử dụng trong thực chiến mà chỉ để tạo lực khi đánh chỏ. Sách "Kỷ hiệu tân thư" viết, cách nắm tay độc đáo này đã trở thành tên gọi của môn võ, và trong phát âm tiếng Hán, "ba tử" giống với "bát cực" nên sau còn được gọi là "Bát Cực quyền".
Ba tử quyền
Đáng tiếc là nguồn gốc và người sáng lập nên Bát Cực quyền tuy có nhiều thuyết nhưng vẫn chưa được rõ ràng. Trong số các thuyết lẫn lộn về nguồn gốc thì đều thấy có nhắc đến nhân vật tên là Ngô Chung vào cuối triều Thanh. Ngô Chung học được "bát cực chi thuật" của một vị tiên nhân, và từ đó truyền dạy Bát Cực quyền.
Dù chuyện này có phải là sự thật hay không thì dù sao, Bát Cực quyền cũng xuất hiện rõ ràng trong lịch sử từ cuối đời nhà Thanh và đã sản sinh ra quyền sĩ Bát Cực được cho là mạnh nhất lịch sử quyền pháp Trung Hoa, đó là Lý Thư Văn.
Từ cuối Thanh triều trở đi, thỉnh thoảng vẫn thấy có những cao thủ Bát Cực xuất hiện, nhưng chưa ai sánh được với Lý Thư Văn, quyền sĩ bất bại sống trong khoảng 1864~1934.
Từ thành tích liên chiến bất bại khi lang bạt khắp nơi của Lý Thư Văn, quân đội bắt đầu chú ý đến vị thế ưu việt của Bát Cực quyền và đưa vào khoa mục chính thức.
Trong số mấy người đệ tử mà Lý Thư Văn dạy dỗ, có một người (Hoắc Điện Các) sau giữ chức võ thuật chỉ nam cho vị Hoàng đế cuối cùng của triều Thanh là Phổ Nghi và cũng là cận vệ của Hoàng đế, việc này cũng đóng góp nhiều trong việc nổi danh của Bát Cực quyền.
Địa phương truyền thừa chủ yếu
Trái với nguồn gốc, người sáng lập không rõ ràng thì trong sách "Kỷ hiệu tân thư" có ghi rõ ràng đất phát tích của Bát Cực quyền là vùng Thương châu, tỉnh Hà Bắc.
Đầu tiên, người theo học Bát Cực môn (tên gọi chung các môn phái Bát Cực quyền) chỉ giới hạn trong số người ở Thương châu, nhưng nhờ vào thành tích qua các trận tỷ thí khắp đất nước Trung Quốc do các cao thủ gây dựng nên (nhất là Lý Thư Văn) mà tính ưu việt của Bát Cực quyền được biết đến rộng rãi. Kết quả là kỹ thuật ưu việt của Bát Cực quyền được đánh giá cao, trở thành chánh khoa của "Trung Quốc quốc thuật quán", cơ quan đào tạo ra nhiều võ thuật gia có tiếng của đất nước này, nhờ đó mà môn võ này được phổ cập rộng rãi. Hiện nay, các vệ sĩ bảo vệ yếu nhân trong chính phủ cũng đang nhiệt tâm học tập Bát Cực quyền, xem đây là môn võ thuật mạnh nhất.
Ngoài Thương châu, Bát Cực quyền còn phổ biến ở dãi dất Trường Xuân thuộc tỉnh Cát Lâm phía Đông Bắc Trung Quốc. Lý do là khi Thanh triều diệt vong, Hoàng đế Phổ Nghi đã cho dời đô về Trường Xuân, với hy vọng thể chế của mình sẽ như mùa xuân lâu dài. Lúc đó Hoàng đế cũng dẫn theo nhiều vệ sĩ là cao thủ Bát Cực quyền đến Trường Xuân, và họ đã phổ biến môn võ tại địa phương này. Vì thế Trường Xuân còn được xem như quê hương thứ hai của Bát Cực quyền.
Lý luận của Bát Cực quyền
Cũng giống như các môn võ ưu tú khác trên Thế giới như Karate, Boxing, Jūdō, lý tưởng của Bát Cực quyền chính là lối chiến đấu "công phòng nhất thể" (công thủ hợp nhất).
Điều này có vẻ hết sức đơn giản, nhưng dù là phương pháp tấn công nào đi nữa thì khi tấn công nhất định sẽ sinh ra sơ hở, và nếu phòng ngự thì không thể tấn công được. Công phòng nhất thể tức là vừa tấn công vừa phòng ngự, vừa bảo vệ mình vừa tấn công địch. Đó là phương pháp chiến đấu hoàn bích hoàn toàn không có sơ hở, trong đó hai hành động tương phản được tiến hành đồng thời.
Bát Cực quyền đã hiện thực hóa công phòng nhất thể, lý tưởng mà các môn võ khắp Thế giới cầu tìm, thông qua 3 điểm dưới đây.
- Công kích mạnh mẽ
- Tiếp cận chiến
- Chú trọng cơ bản
Bát Cực quyền chú trọng đến việc công kích. Kỹ thuật đánh gục địch bằng một đòn, tức "nhất kích tất sát" chính là kỹ thuật tối cao của Bát Cực quyền. Tại Trung Quốc, lực công kích của Bát Cực quyền được cho là "băng hàm đột kích", tức lực đột kích làm lung lay, sụp lở cả núi. Đây là lời tán thưởng đối với tư tưởng cực kỳ đơn giản trong chiến đấu của Bát Cực quyền. Nếu một đòn đánh đổ đối phương thì sẽ không bị phản kích lại, tức là cách suy nghĩ biến công kích thành phòng ngự. Chủ nghĩa công kích chí thượng của Bát Cực quyền được tán thán trên toàn đất Trung Hoa và lấy sứ công kích bạo liệt nhất làm phòng vệ chắc chắn nhất.
Bát Cực quyền chú trọng đến tư tưởng đơn giản đến mức đáng sợ hơn bất cứ thứ gì hết, cũng từ đó mà nó hoàn thiện "công phòng nhất thể", phương pháp chiến đấu cùng cực mà mọi kỹ thuật cách đấu đều không ngừng tìm kiếm.
Khoảng cách trong thực chiến/ tiếp cận chiến
Bát Cực quyền đã hoàn thiện được yếu tố "công phòng nhất thể", lại còn biến lực công kích mãnh liệt trở nên mạnh mẽ hơn, sản sinh ra chiến pháp chuyển hóa sức mạnh đó thành lực phòng ngự vững chắc. Đây chính là lý luận về chiến đấu thứ hai của Bát Cực quyền, tiếp cận chiến.
Nhìn chung, khoảng cách trong chiến đấu được chia làm 3 loại. Tùy vào loại kỹ thuật và môn phái mà có thể sai lệch về cự ly, nhưng tựu trung là cự ly tầm xa nếu không di chuyển thì đòn đánh không trúng đích, cự ly tầm trung mà chỉ cần vươn tay là có thể chạm đích, và cuối cùng là cự ly gần, địch với ta dính chặt lấy nhau và không thể tự do thi triển quyền cước như bình thường được. Cự ly tầm trung là khoảng cách mà lực tấn công của người bình thường được phát huy ở mức cao nhất. Ở cự ly tầm trung mà một người bình thường có thể ra đòn mạnh mẽ được thì đối với các võ thuật gia, một đòn của họ có thể biến thành hung khí lấy mạng.
Nếu như hai võ thuật gia triển khai tấn công nhau ở cự ly tầm trung thì dễ nghiêng về hướng chỉ toàn công kích, hoặc trở thành trận đánh làm tiêu hao dần sức lực của nhau và họ đều không biết khi nào thì đòn đánh khó đỡ của đối thủ lao vào mình, trạng thái được ăn cả ngả về không này giống như trò Russian roulette vậy.
Còn trường hợp ở cự ly tầm xa thì về mặt tấn công, có một điểm trừ là phải xông đến gần đối phương để đòn đánh trúng đích.
Trong khi đó thì ở cự ly gần mà cả hai chạm được nhau thì rất khó để thi triển đòn đấm hay đá, vốn cần một khoảng cách nhất định. Trong trường hợp này, để tấn công thì phải cần đến những kỹ thuật chiến đấu đặc thù, (như chèn, đè, xiết, vặn khóa khớp) những đòn tấn công thông thường bị hạn chế nên có thể nói đây là vị trí dễ phòng ngự nhất.
Bát Cực quyền chủ về chiến đấu ở cự ly gần, tức tiếp cận chiến, vốn không sử dụng đến dây thần kinh phòng vệ nên có thể tập trung chuyên niệm vào việc tấn công đơn thuần.
Tuy nhiên, khi phóng ra đòn tấn công thì về nguyên tắc phải phóng mạnh mẽ giống như kéo dài tay, chân ra để tăng thêm uy lực. Điều này mang mục đích lấp khuyết điểm rất khó để bảo đảm khoảng cách cần thiết để phóng ra đòn công kích uy lực vì cả hai dính chặt nhau. Người luyện Bát Cực quyền luôn luôn ý thức để phóng đòn tấn công được xa hơn, uy lực mạnh hơn. Đây chính là kỹ pháp "phóng trường kích viễn" được nhiều môn phái đề cao và tiếp nhận, trong đó có Thông Bối quyền.
Quá trình tu luyện Bát Cực quyền
Luyện tập lặp đi lặp lại/ chú trọng căn bản
Hai lý luận về chiến đấu của Bát Cực quyền là tấn công bạo liệt và tiếp cận chiến như đề cập bên trên là hai yếu tố quan trọng cấu thành nên môn võ này. Và chỉ có những người chú trọng căn bản một cách triệt để, đã trải qua quá trình rèn luyện mới có thể thực hiện được. Trong Bát Cực quyền chia làm 3 giai đoạn lớn trong quá trình rèn luyện. Đây là 3 giai đoạn do các quyền sĩ Bát Cực tập hợp lại từ các kỹ pháp chiến đấu trong thực tế, và chỉ khi hội đắc hết cả 3 giai đoạn này mới được nhìn nhận như một Bát Cực quyền sĩ thực sự.
Tuy nhiên, trước khi trải qua 3 giai đoạn này thì phải học 8 cơ bản như là nền tảng ban đầu. Sau khi trải qua 8 cơ bản, học hết 3 giai đoạn thì quyền sĩ sẽ có cơ hội tiếp nhận 8 áo nghĩa (tất sát kỹ) và 6 chửu pháp (phép đánh chỏ). Sư phụ chỉ truyền dạy 8 mục áo nghĩa và 6 chửu pháp cho người đệ tử đã hoàn thiện hết căn bản của Bát Cực quyền và được nhìn nhận là có nhân cách hoàn hảo. Điều này xuất phát từ quan niệm, nếu không phải là người có nhân cách đàng hoàng, chăm chỉ luyện tập và không dễ dàng cho người khác thấy áo nghĩa của môn phái thì không thể truyền đạt kỹ thuật Bát Cực quyền đứng đắn cho hậu thế được.
Quán quân Trương Long biểu diễn Bát Cực quyền
Kim cang bát thức/ 8 cơ bản
Kim cang bát thức/ 8 cơ bản
Đầu tiên là học Kim cang bát thức, tức 8 kỹ thuật cơ bản của Bát Cực quyền, rèn luyện theo đường thẳng. Trật tự có thể khác nhau tùy môn phái nhưng đều gồm 8 kỹ thuật dưới đây
- Xung chủy (衝捶): kỹ thuật đấm trung đoạn
- Xuyên chưởng (川掌): đòn chưởng trung đoạn
- Hàng long (降龍): đòn đấm từ dưới lên
- Phục hổ (伏虎): đòn đánh từ trên khiến địch phủ phục
- Phách sơn chưởng (劈山掌): đánh bằng thủ đao (cạnh bàn tay)
- Quyển bão chưởng (圏抱掌): kỹ thuật đánh tầm xa hiếm hoi của Bát Cực quyền
- Hổ bão (虎抱): kỹ thuật rèn luyện để cường hóa phần dưới cơ thể
- Thám mã chưởng (探馬掌): kỹ thuật đánh chưởng liên hoàn
Trong Bát Cực quyền thì Xung chủy là chiêu được luyện trước nhất. Điểm chung của các chiêu trong Kim cang bát thức là phi thực chiến, khó có thể đánh trúng được đối tượng di chuyển nhưng nó được cấu thành với ý nghĩa chú trọng đến việc rèn để bước đến giai đoạn tiếp theo. Động tác được thi triển mạnh bạo, góc rộng và là bước đầu tiên để nuôi dưỡng lực cần thiết (công phu).
Xuy chủy trong Kim cang bát thức là kỹ thuật cơ bản, gần như vô dụng trong chiến đấu nhưng Bát Cực quyền sĩ tiêu tốn 3 năm trời chỉ để luyện kỹ thuật này. Và cho đến khi hoàn thành thì quyết không thể học chiêu thức tiếp theo hay sáo lộ (tương đương với Kata trong võ Nhật).
Giai đoạn thứ nhất/ Bát Cực tiểu giá
Sau khi học xong Kim Cang bát thức, quyền sĩ học sang Bát Cực tiểu giá, bài sáo lộ được cấu thành từ các kỹ thuật cơ bản và là bước đầu tiên trong 3 giai đoạn. Mục đích của việc học Bát Cực tiểu giá là để cường hóa thân thể, rèn luyện khuôn mẫu cho kỹ thuật, động tác.
Giống như Kim cang bát thức, Bát Cực tiểu giá chỉ toàn các kỹ thuật công kích, hoàn toàn không có kỹ thuật phòng ngự. Và để thành tựu được giai đoạn này cần phải trải qua ít nhất 2 đến 3 năm. Tiêu tốn nhiều thời gian chỉ để học căn bản và chỉ giới hạn trong kỹ thuật tấn công chính là biểu hiện cho lý luận cường liệt của Bát Cực quyền, đó chính là khái niệm tấn công mãnh liệt nhất là phòng ngự vững chải nhất.
Bát Cực tiểu giá bao gồm các bài sáo lộ (kata) là Tiểu Bát Cực, Lão Bát Cực, Tử Bát Cực... và được gọi là bệ súng của Bát Cực quyền. Tiểu giá quan trọng đến nỗi được cho rằng, nếu học tiểu giá mà không xong thì sau này có học gì cũng vô ích.
Giai đoạn thứ hai/ Bát Cực trường quyền
Sau khi thuần thục các kỹ thuật dài cơ bản thì quyền sĩ sẽ bước đến Bát Cực trường quyền, tập đại thành của kỹ thuật thực chiến. Giống như Bát Cực tiểu giá, chủng loại kỹ thuật của phần này rất phong phú, đa dạng.
Điểm khác biệt lớn giữa Bát Cực trường quyền và Bát Cực tiểu giá là trong giai đoạn trước chủ yếu học về kỹ thuật cận chiến cần thiết để có thể ra đòn trúng đích một cách hoàn hảo. Trong giai đoạn này học thêm các kỹ thuật bổ trợ, cụ thể là hóa kình và các kỹ thuật tấn công liên hoàn bằng chỏ hay húc đầu khi quyền đánh trật. Ngoài ra còn có "cầm đả" là kỹ thuật bắt tay khống chế đối phương, vốn hiếm thấy trong Bát Cực quyền. Kỹ thuật này tương đương với kỹ thuật vặn khóa khớp, bẻ ngược tay của Aikidō.
Trong giai đoạn này còn học được bộ pháp "sấm bộ" dùng để triển khai công kích cận chiến. Nguyên lai, lực tấn công trong Bát Cực quyền sinh ra từ phần thân dưới, còn sấm bộ lại dạy cách bước chân vào giữa háng của địch, dùng bắp đùi đánh dập nát hạ bộ của đối thủ. Ngoài ra nếu nhiệt tâm còn có thể học thêm kỹ thuật dẫm chân đối thủ như một công cụ hỗ trợ trong cận chiến, ứng dụng để cản bước di chuyển của địch.
Bát Cực trường quyền được cấu thành từ các bài sáo lộ như Đại Bát Cực, Bát Cực đại giá, Hoạt Bát Cực... Nếu ở phần tiểu giá, quyền sĩ đã xây dựng được bệ súng thì ở Đại Bát Cực, khẩu pháo sẽ được đặt lên bệ.
Tức là ở đây sẽ học cách sử dụng những gì đã học được ở tiểu giá vào thực chiến.
Giai đoạn thứ ba/ Lục đại khai
Lục đại khai là tên gọi chung của 6 kỹ thuật tinh túy của Bát Cực quyền, gồm
- Đỉnh (đỉnh chửu)
- Bão (bão chửu)
- Đơn (Đơn dương đả)
- Đề (đề đỉnh)
- Khiêng (khiêng đả)
- Triển (song triển thủ)
Cần bao nhiêu thời gian để luyện thành lục đại khai thì không thấy nói rõ, vì phần áo nghĩa này chỉ truyền dạy cho người nào đã thuần thục phần cơ bản và được thừa nhận về mặt nhân cách.
Trong phim ảnh, tiểu thuyết hay thấy nhân vật chính học được quyền pháp tất sát một cách đơn giản và trong thời gian ngắn, nhưng thực tế quyết chẳng hề đơn giản như vậy.
Lục đại khai là cô đọng của Bát Cực môn nên để hội đắc được nó cần phải hiểu thâm sâu và toàn diện về môn võ này. Kim Cang bát thức là phần lót đường cơ bản, nhưng cũng là điều kiện tuyệt đối để xây dựng nên thực lực để lãnh hội lục đại khai.
Áo nghĩa/ Bát đại chiêu thức
Ngoài lục đại khai, Bát Cực quyền còn có 8 kỹ thuật tất sát gọi là Bát đại chiêu thức, gồm
- Mãnh hổ ngạnh ba sơn (猛虎硬爬山)
- Dã mã tào bôn (野馬槽奔)
- Bạch xà thổ tín (白蛇吐信)
- Hoàng lang sưu tố (黄狼捜嗉)
- Phiêu sa thối (漂沙腿)
- Ngoại bả thung (外把椿)
- Diêm vương tam điểm thủ (閻王三点手)
- Ngạnh sáp thủ (硬插手)
Trên đây là bát đại chiêu thức do nhánh Trường Xuân Bát Cực quyền truyền dạy.
Phần lớn các kỹ thuật trong Bát đại chiêu thức là các động tác cơ bản, có thêm những chuyển động mang tính lừa đòn và công phu thêm những cách nắm quyền để dễ đánh vào yếu huyệt trên cơ thể người. Nếu không nắmkỹ Kim Cang bát thức và Bát Cực tiểu giá thì dù có học bao nhiêu năm cũng không lãnh hội được Bát đại chiêu thức.
Sự lợi hại của Bát đại chiêu thức được thể hiện qua giai thoại về Lý Thư Văn, chỉ dùng một chiêu trong số đó là Mãnh hổ ngạnh ba sơn mà áp chế hết mọi đối thủ.
Lục chửu đầu/ 6 kỹ thuật đánh chỏ
- Ngạnh khai môn (硬開門)
- Ngoại diện chửu (外面肘)
- Lão hổ đẩu mao (老虎抖毛)
- Bá vương đỉnh môn (覇王頂門)
- Bá vương thỉnh khách (覇王請客)
- Nghênh môn tam bất quá (迎門三不過)
Cũng giống như Bát đại chiêu thức, đây là phần áo nghĩa mà nếu không hoàn thành được phần cơ bản thì sẽ không tiếp thu được. Nghe nói hiện tại chỉ có hai người lãnh hội được hết Bát đại chiêu thức và Lục chửu đầu.
Nhiều môn phái vẫn giữ bí mật cho tên và kỹ pháp của Lục đại khai và Bát đại chiêu thức chứ không công khai chính thức.
Bát Cực quyền tại Nhật Bản
Trong những năm gần đây, Bát Cực quyền là môn võ đang thịnh hành tại Nhật Bản. Người dân đất nước này yêu thích Bát Cực quyền bởi uy lực mạnh mẽ của nó và cũng nhờ vào công lớn của Matsuda Ryūchi, nhà nghiên cứu võ thuật người Nhật. Matsuda Ryūchi từng học qua các môn cổ võ thuật Nhật Bản, sau đó tiếp xúc với Bát Cực quyền và nhiều môn quyền pháp Trung Hoa khác. Ông là một trong những người có công lớn trong việc giới thiệu cổ võ thuật Nhật Bản cũng như quyền pháp Trung Hoa đến đại chúng nước này.
Năm 1988, Matsuda hợp tác với một họa sĩ truyện tranh (Manga-ka) để cho ra đời tác phẩm "Kenji" (quyền nhi) với nội dung kể về một cậu bé Nhật Bản trưởng thành lên từng ngày với niềm say mê Bát Cực quyền. Tác phẩm này ngay lập tức được chào đón nồng nhiệt và gây nên cơn sốt Bát Cực quyền tại Nhật Bản. Từ đó tiếng tăm của môn võ này càng được những người trẻ tuổi biết đến nhiều hơn.
Tương tự, giới trẻ Việt Nam cũng biết đến Bát Cực quyền thông qua tác phẩm truyện tranh của Matsuda Ryūchi khi nó được xuất bản với ngôn ngữ bản địa.
Thực ra, trước khi sáng tác "Kenji" thì Matsuda cũng đã hợp tác với một họa sĩ khác trong tác phẩm "Otoko-gumi" với nhân vật chính sử Bát Cực quyền, nhưng ít được biết đến hơn. Nhân vật chính trong "Otoko-gumi" sử Trần gia Thái Cực quyền, nhưng khi đụng độ với Bát Cực quyền mới biết sự lợi hại của môn võ này và từ đó theo luyện Bát Cực.
Nhân vật Yūki Akira, biểu tượng của dòng game Virtua Fighter
Một tác nhân lan truyền Bát Cực quyền khác không thể không nhắc đến là dòng game Virtua Fighter của hãng Sega phát hành năm 1993. Đây là game cách đấu (đấu võ đối kháng) mô phỏng thực tế kỹ thuật của các môn võ thực tế, trong đó Yūki Akira là nhân vật sử Bát Cực quyền, rất được ưa chuộng.
Hiện nay, các dòng Bát Cực quyền chủ đạo tại Nhật là Võ Đàn (武壇), Trường Xuân, Ngô thị Bát Cực quyền.... Nhánh Trường Xuân thì như đề cập ở đầu bài viết, còn Võ Đàn là
tổ chức hoạt động chủ yếu ở Đài Loan, có tên gọi chính thức là "Võ Đàn Quốc Thuật Thôi Quãng Trung Tâm" (tiền thân là "Võ học nghiên cứu xã") thành lập năm 1971. Võ Đàn được cho là nhánh Bát Cực do Lý Thư Văn sáng lập vào những năm cuối đời, truyền lại cho đệ tử là Lưu Vân Tiều và ông này bỏ trốn sang Đài Loan khi cuộc nội chiến giữa Trung Quốc Quốc Dân Đảng và Trung Quốc Cộng Sản Đảng đến hồi nảy lửa. Năm 1971, ông thành lập Võ Đàn và hoạt động như một võ thuật gia, được nhiều người biết đến.
Tuy cả Trường Xuân và Võ Đàn đều là hệ thống của Lý Thư Văn, nhưng nhiều thuyết cho rằng Ngô thị (họ Ngô) mới là dòng chính của Bát Cực quyền. Có lẽ điều này bắt nguồn từ truyền thuyết đạo sĩ Ngô Chung như kể trên.
Bát Cực quyền trong văn hóa phẩm đại chúng
Phần này đề cập đến các tác phẩm đại chúng chủ yếu tại Nhật Bản.
Manga-Anime
Tuy cả Trường Xuân và Võ Đàn đều là hệ thống của Lý Thư Văn, nhưng nhiều thuyết cho rằng Ngô thị (họ Ngô) mới là dòng chính của Bát Cực quyền. Có lẽ điều này bắt nguồn từ truyền thuyết đạo sĩ Ngô Chung như kể trên.
Bát Cực quyền trong văn hóa phẩm đại chúng
Phần này đề cập đến các tác phẩm đại chúng chủ yếu tại Nhật Bản.
Manga-Anime
- Kenji
- Otoko-gumi
- Air Master
- GANTZ
- Shijō saikyō no deshi Ken-ichi
- Sōten no ken
- SABER CATS
- Love Hina
- Mahō sensei Negima
- Beruzebabu
- 81 Diver
- Senki zesshō Symphogear
- Virtue Fighter (nhân vật: Yūki Akira)
- Fighter History (nhân vật: Lý Điển Đức)
- Garō densetsu (nhân vật: Đường Hồ Lô)
- Shenmue (nhân vật: Hazuki Ryō )
- The King of Fighters (nhân vật: Truy Quyền Sùng)
- Street Fighter III (nhân vật: Yang, Yun)
- MELTY BLOOD (nhân vật: Arima Miyako)
- MAX ANARCHY (nhân vật: Big Bull)
- FATE series (Ngôn Phong Kỷ Lễ, Viễn Phản Lẫm, Lý Thư Văn)
- Dead or Alive 4 (nhân vật: Kokoro)
- Tekken 6 (nhân vật: Leo)
- Da Capo
- Ehrgeiz (nhân vật: Lý Thư Văn)
- Bloody Roar (nhân vật: Long/Shenlong. Nghiêm mật mà nói thì là Lục Hợp Tâm Ý quyền với một số đòn thế của Bát Cực quyền)
Yūki Akira vs Ume-no-kōji Aoi (Hiệp khí nhu thuật) trong Virtua Fighter 5
Hừm, đúng là như vậy.
ReplyDeleteKo biết sao chứ nếu bạn nói Kim cang bát thức + bát cực tiểu giá mà phi thực chiến ?, mình cũng tập qua hơn 1 năm với thầy ( là đẹ tử của 1 thầy trung quốc BCQ Lý Thư Văn) và kim cang bát thức là 1 trong những cách luyện phát kình lực + thực chiến song song tốt nhất. Còn Tiểu bát cực lại là 1 trong những quyền đánh “Không có đòn dư”, tất cả mọi đòn đều áp dụng được
ReplyDeleteÝ trong bài nói Kim cang bát thức là phần cơ bản, nền móng để tập phát kình chứ không hướng tới mục đích giao tranh so với những kỹ thuật khác (sau này).
ReplyDeleteNgười VN ít ai biết đến Bát cực quyền, bạn có theo học quả là cái duyên rất lớn. Rất mong được trò chuyện thêm với bạn và mong bạn tiếp tục theo dõi những bài viết về Bcq trên blog này.
Tiên sinh cho hỏi làm sao để có thể tìm được hết tài liệu về kim cang bát thức?
ReplyDeleteXin chào.
DeleteTài liệu về Kim cang bát thức thì có thể đọc các sách Tàu/Nhật.
Hiện tại thì sách bằng tiếng Việt thì gần như không có.
Nhưng nếu bạn có đủ kiên nhẫn để đợi thì trong tương lai, các sách Nhật viết về Bác cực quyền sẽ được dịch ra Việt ngữ và đăng tải trên blog này.
Hy vọng bạn tiếp tục theo dõi.
Dục tốc bất đạt. Lâu lâu lôi tài liệu ra nghiền chờ tài liệu mới lại ngộ ra một số điều. CẢm ơn các bạn đã dịch các tài liệu, mình vẫn chờ mỗi ngày mà.
DeleteKhông biết bạn đây có phải là môn sinh Bát Cực Quyền không? Nếu đúng thì mạn phép cho hỏi là bạn học ở đâu và từ ai vậy?
ReplyDeleteChào bạn.
DeleteTrước hết xin được xưng hô là "bạn" vì thấy giới thiệu trong blog Budo though là tầm 30, cũng trạc tuổi với chúng tôi.
Chúng tôi là những người yêu thích võ nghệ, ưa chuyện võ biền (không dám nói là võ đạo) nên ít nhiều có mối quan tâm đặc biệt đến các môn võ các nước. Trong đó, đặc biệt thích Bát cực quyền, nhưng kỳ lạ thay là nước Việt chịu ảnh hưởng nhiều mặt từ nước Tàu nhưng nhắc đến Bát cực quyền thì ít ai biết. Tại đất nước này khó có thể tìm được thầy dạy, và chúng tôi cũng không sinh sống tại nước Tàu để theo học môn võ này.
Tuy nhiên, một thuận lợi lớn đối với chúng tôi là sự phổ biến của Bát cực quyền ở Nhật trong vài chục năm gần đây. Người Nhật viết, dịch rất nhiều tài liệu về Bát cực quyền, và may mắn là chúng tôi cũng có được một số sách vở, tư liệu về nó bằng tiếng Nhật nên cũng có thể tự tìm hiểu, luyện tập với nhau. Dĩ nhiên ai cũng biết đã là võ thì nên tới đạo tràng mà học, nhưng ngẫm lại cổ nhân nào có học ai, đôi khi chỉ nhìn ngắm mây trôi nước chảy mà tự ngộ; cho nên trong bối cảnh này thì những tư liệu này là cứu cánh đối với chúng tôi.
Hiện tài liệu của chúng tôi có được là của các tác giả Aoki Yoshinori và Trương Thế Trung. Lão sư Trương Thế Trung là người thừa hưởng dòng Bát cực quyền trực hệ từ Lý Thư Văn.
Bạn cho mình hỏi một chút. Những tài liệu mà bạn hiện có được viết đến phần nào vậy? Chỉ là thắc mắc thôi, do mình nghĩ từ Lục Đại Khai trở đi thì các thức đã là một phần bí mật của mỗi nhánh BCQ rồi, không dễ truyền thụ cho người ngoài, thì liệu trong sách có nói đến phần này không?
ReplyDeleteVề sách hiện nay thì đang sở hữu của 2 tác giả là Aoki Yoshinori và Trương Thế Trung. Sách của Trương Thế Trung chỉ giới thiệu Kim cang 8 thức và 2 bài tiểu, đại Bát cực.
ReplyDeleteCòn sách của Yoshinori thì có giới thiệu qua về Lục đại khai cũng như bát đại chiêu.
Chào bạn
ReplyDeletebạn có biết bài quyền của quán quân Trương Long là thuộc phần nào vậy? Tôi có xem qua "baji jia" và "baji fist" của thầy Adam Hsu có vẻ ko giống với bài sáo lộ này?
Chào bạn.
DeleteBài quyền của Trương Long trong clip trên là bài "đại bát cực", dĩ nhiên là có thêm nhiều biến tấu của Trương Long (có vẻ đậm ảnh hưởng của Thiếu Lâm). Các bài sáo lộ của Bát cực quyền mỗi phái lại có ít nhiều biến tấu, không phái nào giống phái nào và mang đậm tính cá nhân nữa. Nhưng những nét chính thì vẫn giữ nguyên, chẳng hạn trong bài đại bát cực này, động tác mở đầu rất đặc trưng là hoắc đả đỉnh chửu (gạt tay đối phương, đạp vào chân đối phương rồi đánh chỏ).
Chào 2 bạn,
DeleteTheo hiểu biết của mình, bài quyền do Trương Long diễn luyện là Võ Đang Bát Cực Quyền, chứ không phải do Trương Long thêm thắt biến tấu. Các bạn có thể vào Youtube và gõ từ khóa 武当八极拳 để xem clip và xác nhận. (Clip ví dụ: https://www.youtube.com/watch?v=h7uKYIQiE44)
Vài dòng đóng góp chia sẻ, chúc mọi người an vui. :D
Chào Ad. Mình thích môn này từ lâu rồi, (cũng có chút căn bản về võ tự do) muốn kiếm ít tài liệu bát cực quyền về để nghiên cứu nhưng tìm không được nhiều, với lại là toàn tài liệu ngôn ngữ nước ngoài không à. Ad có tài liệu nào rõ ràng như thế này không thì làm ơn share cho mấy "người nghiện" như mình được thỏa mãn với. Thank Ad
ReplyDeleteChào bạn
DeleteNhư cũng có nói nhiều lần trước, Bát Cực quyền là môn võ tương đối lạ ở Việt Nam, và tài liệu tiếng Việt không có, hoặc có cũng không nhiều. Tài liệu về môn này hiện nay đa phần là tiếng Hoa và tiếng Nhật. Bên mình thì mua sách từ Nhật, nhưng cũng chưa biên dịch hết được. Khi nào xong ắt sẽ chia sẻ cho tập thể.
Cảm ơn Gokuraku Shujō nhiều nhé, bạn có hiểu nhiều về 6 phép đánh chỏ của bát cực không, khi tập võ cổ truyền vn mình cũng rất thích đòn chỏ nhưng bài chỏ mình được học ít quá, bạn nói thêm về phép đánh chỏ của bát cực được không
DeleteAd có clip nào hướng dẫn chuẩn không, share mình với, mình có căn bản chút chút, tìm kiếm tài liệu môn này khó quá chừn, mong ad chia sẻ, thỏa lòng nghiên cứu của anh em.!
ReplyDeleteVideo thì chúng tôi có 2 DVD của Aoki Yoshinori và đã biên dịch xong phần video, nhưng chưa tiến hành dịch phần sách giải thích.
DeleteCòn về độ "chuẩn" thì chúng tôi cũng chỉ là những kẻ sơ tâm, không dám đánh giá nên mời bạn xem thử clip dưới đây, được cắt từ DVD mà chúng tôi có.
https://vimeo.com/85198441
Hi, Không biết a đã dịch xong tài liệu về Bát Cực Quyền chưa? A có clip về 6 phép đánh chỏ của bát cực không, mong A chia sẻ, thỏa lòng nghiên cứu của anh em.!
ReplyDeleteĐọc truyện thấy hay quá rồi tìm hiểu vô tình gặp được trang này đi tài liệu ít quá nên mình cũng đang tìm để có thể tự luyện. Không biết các bạn đang luyện ở đâu Có thể cho mình tham gia với mình ở thành phố Hồ Chí Minh.
ReplyDelete