Phương trượng ký (方丈記, Romaji: Hōjō-ki) là tên tập tùy bút của thi nhân Nhật Bản Kamo no Chōmei (Kamo no Naga Akira) vào đầu thời Kamakura. Những năm cuối đời, Chōmei lui về ẩn cư ở núi Hino thuộc vùng ngoại ô Kyōto. Tại đây ông dựng một cái am nhỏ, bốn bề mỗi bề một trượng (chừng 3m) nên mới gọi là phương trượng. Chōmei ẩn cư trong am, quan sát thế sự đương thời và ghi chép lại nên gọi tác phẩm của mình là "phương trượng ký". Đây là tập tùy bút tiêu biểu cho nền văn học Nhật Bản thời trung cổ, và được tôn xưng là "Nhật Bản tam đại tùy bút" cùng với tập tùy bút Makura-zōshi thời Heian và tập Tsurezure-gusa sau thời đại của Chōmei chừng trăm năm.
Kamono Chōmei
Tùy bút này được viết bằng thể văn Hán-Nhật hỗn đồng, tức sử dụng chung Hán tự và chữ Kana trong cùng văn thể và đây được xem là mẫu thể của văn thể tiếng Nhật hiện đại. Phương trượng ký được đánh giá là tác phẩm văn nghệ ưu tú đầu tiên của thể văn này, dùng nhiều thủ pháp ngâm, vịnh, câu dối, ngữ pháp Hán văn cũng như pha trộn nhiều từ ngữ đặc trưng của thi ca và thuật ngữ Phật giáo.
Phương trượng ký được xem là tổ của dòng văn học ẩn cư và là một đại diện của dòng văn học vô thường. Với ghi chép về những biến động trong xã hội đương thời như nạn đói, động đất, tác phẩm là một tập tự truyện, nhân sinh luận của tác giả với thái độ phải sống như thế nào trong thời loạn thế.
Phần mạo đầu của phương trượng ký mang đậm chất vô thường quan, xem cuộc đời như hư huyễn và đây cũng là cái nhìn chủ đạo xuyên suốt tác phẩm.
"Yuku kawa no nagare wa taezu shite, shikamo moto no mizu ni arazu. Yodomi ni ukabu utakata wa katsu kie, katsu musubite, hisashiku todomari taru tameshi nashi. Yo no naka ni aru hito to sumika to mata kaku no gotoshi."
(ゆく河の流れは絶えずして、しかももとの水にあらず。淀みに浮ぶうたかたは、かつ消え、かつ結びて、久しくとどまりたる例なし。世の中にある人と、栖とまたかくのごとし。)
Tạm dịch: dòng sông chảy mãi không ngừng, mà nước chẳng phải là nước như ban đầu. Bong bóng nổi lên ở chỗ nước đọng, thoạt thấy đã tan biến thì lại thấy nổi lên, chẳng lần nào giống lần nào. Người sống trong cõi đời và nơi trú ngụ của mình cũng như thế.
Phần đầu của tùy bút ghi chép về các sự kiện thiên tai, đói kém trong xã hội đương thời với cái nhìn vô thường, phần sau kể về sinh hoạt của tác giả trong am. Cuối tùy bút, tác giả còn phủ nhận luôn mọi cố chấp, cho rằng cảm giác vui thích với cuộc sống trong am cũng chính là thứ phiền não ngăn cản ta đến với cảnh giới giác ngộ.
Trích đoạn mở đầu
Dòng sông vốn chảy mãi không ngừng, mà nước vốn chẳng phải nước ban đầu. Lại nghĩ bong bóng nổi lên chỗ nước đọng, vừa tan biến đã lại nổi lên, chẳng lần nào giống lần nào. Người sống trong đời và nhà cửa trú ngụ của họ cũng chẳng khác chi.
Nhà cửa ở kinh đô sang trọng như lát ngọc, nhà nhà cạnh tranh nhau chiều cao của mái nhà, người người ganh đua nhau cây đòn dong. Nhà cửa của bậc cao quý hay của hạng bần cùng thì thời nào cũng nhiều chẳng dứt. Khi tôi hỏi xem điều này có thật không thì biết hiếm có nhà nào còn nguyên si như thời xưa. Có nhà năm ngoái vừa mới cháy, có nhà năm nay vừa mới dựng. Lại có nhà đang to, suy yếu dần rồi thành nhà nhỏ. Người sống trong nhà cũng như vậy.
Có nhiều người sống mà không đổi chỗ, nhưng trong số hai mươi, ba mươi người tôi gặp ngày xưa chỉ còn lại một, hai người. Nghĩ không biết sáng sớm vừa có ai chết ở đâu đó, thì đến chiều ở đâu đó lại có kẻ được sinh ra. Chuyện của cõi đời này thật chẳng khác bong bóng nổi trên mặt nước.
Tôi không hiểu được con người ta sinh ra, rồi chết đi thì từ đâu mà tìm tới cõi này, rồi lại bỏ cõi này mà đi về đâu. Và tôi lại càng không hiểu rằng, chỉ là một căn nhà nơi trú chân tạm thời mà vì ai lại phải lao lực để dựng nên, vì điều gì mà trang hoàng cho vui mắt trong chốc lát. Người chủ và căn nhà đua nhau tịch duyệt trong lẽ vô thường, thật chẳng khác quan hệ giữa giọt sương với cánh hoa bìm bìm. Có lần sương rơi xuống đất mà hoa vẫn còn nở nguyên. Tuy gọi là còn nở nguyên chứ đến quá trưa là hoa đã héo mất rồi. Có lần hoa héo đi mà sương vẫn chưa tiêu biến. Gọi là chưa tiêu biến chứ thực chẳng còn mãi đến chiều tối.
Subscribe to:
Post Comments
(
Atom
)
0 bình luận :
Post a Comment