Mở bài

Hằng năm, cứ đến khoảng ngày 14 tháng 12 là các nhà đài và rạp chiếu ở Nhật đua nhau chiếu các phim về Chūshingura (tên gọi không chính thống bên ngoài Nhật Bản là 47 Ronin, 47 Samurai...) để kỷ niệm ngày 47 lãng sĩ thành Akō tấn công vào dinh kẻ thủ, báo thù cho chủ trong sự kiện lịch sử này. Đề tài này không mới, tự thân nó đã tồn tại từ thời Edo đến nay, và được các thể loại kịch nghệ sử dụng từ vài trăm năm nay, và sau đó là đến điện ảnh. Chỉ xét riêng về phim điện ảnh thì đã có vài chục bộ phim Chūshingura được dựng cho đến nay, còn phim truyền hình thì dễ có đến hàng trăm bộ.
Và mùa đông năm 2013, hãng phim Universal Pictures (Mỹ quốc) cũng cho ra rạp một tác phẩm dựa trên đề tài Chūshingura này với tên gọi 47 RONIN. Nghe đâu hãng Universal Pictures đã công bố Project này hồi tháng 12 năm 2008, dự định đến ngày 21 tháng 11 năm 2012 thì công chiếu, nhưng vì phải bổ sung thêm một số cảnh quay, thế vận hội Luân Đôn và một số cảnh VFX chưa xong nên ngày chiếu bị dời lại đến Giáng sinh năm 2013. Tuy nhiên, khán giả Nhật được xem sớm hơn cả Thế giới, ngày 6 tháng 12 năm 2013.
 

 47 RONIN được giao cho Carl Erik Rinsch làm đạo diễn. Có thể nhiều người sẽ tự hỏi "thằng quái nào thế này?", vâng, và tôi cũng vậy. Tuy vị đạo diễn này được đánh giá là non tay nhưng Universal đã quyết định giao cho 175 triệu $ để chế tác bộ phim, điều này được tạp chí Hollywood Reporter cho là hành động đầy mạo hiểm. Nhưng không sao, hẳn là hãng phim đã có tính toán của họ. Có thể đó là con át chủ bài Keanu Reeves trong dàn diễn xuất chăng? Ngoài ra còn có cả dàn sao Nhật như Sanada Hiroyuki, Asano Tadanobu, Shibasaki Kō, Akanishi Jin, Kikuchi Rinko. Có thể bạn thấy tên Nhật khó nhớ, chứ đối với một kẻ hay xem phim kiếm hiệp Nhật từ mấy chục năm trước như tôi thì không thể không biết đến Sanada Hiroyuki và Asano Tadanobu, còn các bạn trẻ yêu nhạc thì phải biết đến Shibasaki Kō và Akanishi Jin. Nói chung là họ rất nổi tiếng tại Nhật, còn trường hợp của Sanada thì đã được cả Thế giới nhìn nhận tài năng từ 30 năm trước.

Với ngân quỹ lớn như vậy, và dàn diễn viên hùng hậu như vậy thì 47 RONIN có bị hay được gọi là bom tấn thì cũng chả oan tí nào. Và thực sự thì nó là bom tấn ở điểm nào, bài viết này sẽ dần đề cập đến bên dưới đây. Dĩ nhiên chỉ là những đánh giá này đều không vượt quá khuôn khổ cảm giác của cá nhân, và những nhận định cũng là mang tính cá nhân.



Thân bài

Sơ lược nội dung và phong cách nội dung

Đại khái, không cần cứ phải là một người yêu thích văn hóa hay lịch sử Nhật Bản, mà chỉ cần là một người ưa tìm tòi một tí thì hẳn là bạn không thấy xa lạ với câu chuyện về 47 chàng lãng sĩ thành AKō hồi thế kỷ 18. Câu chuyện lịch sử như vậy thì ai cũng biết, từ mạo đầu, diễn biến cho tới kết cục. Và khi các nhà làm phim (Nhật Bản) chọn đề tài này thì họ có hai hướng đi cho phần nội dung, một là giữ đúng truyền thống, bám sát sự kiện lịch sử một cách trung thực, nói cách khác là tái hiện lại lịch sử qua góc nhìn điện ảnh. Hai là thêm mắm muối, gia công đẽo gọt câu chuyện theo hướng đi của họ cho thêm phần mới lạ, nhưng vẫn bảo đảm được "đại cục" để sao cho đại chúng không la ó phản đối vì mình đang xem thứ quỷ sứ gì đó chứ không phải Chūshingura. Và quan trọng hơn hết là bảo đảm tính logic để mặc dù họ diễn giải câu chuyện theo những hướng khác nhau nhưng đều dẫn dắt về cái kết giống nhau một cách hợp lý. Và đến lượt mình, đạo diễn Rinsch và hai nhà biên kịch Chris Morgan và Walter Hamada đã chọn cách thứ hai.



Họ đã thêm các yếu tố hoang đường giả tưởng của The Lord of the Rings và cảnh chặt chém của Gladiator vào trong câu chuyện. Họ còn thêm một nhân vật con lai giữa một thủy thủ Anh Cát Lợi với một phụ nữ Nhật vào câu chuyện, đó là Kai (Keanu Reeves). Chàng con lai bị bỏ rơi từ bé, được quỷ Thiên cẩu nuôi dạy, truyền thụ công lực và sau được lãnh chúa xứ Akō là Asano Takumi-no-kami Naganori cứu sống ở đầu phim. Vâng, và chúa Asano trong 47 RONIN là một ông già khú đế, chứ không phải là chàng thanh niên 24 tuổi như trong các phiên bản Nhật theo sát lịch sử. Và lão già nua đó có một cô con gái xinh đẹp tên là Mika, trong khi theo sử sách thì chúa Asano một vợ chưa con và bị bắt mổ bụng năm 24 tuổi. Vì dòng máu ngoại lai nên Kai bị các Samurai của chúa Asano miệt thị, khinh nhờn. Nhưng không vì thế mà tình yêu của chàng đối với tiểu thư Mika suy suyễn, và chàng cũng nhiều lần cứu chúa Asano khỏi nguy hiểm.
Rồi một hôm, vị Tướng quân Tokugawa đời thứ 5 là Tsunayoshi dẫn theo Kira Kōzuke-no-suke Yoshinaka, lãnh chúa một phiên trấn khác (trong lịch sử là người dạy nghi lễ của Tướng quân) đến thăm xứ Akō. Kira dã tâm hừng hực, được sự trợ giúp của hồ ly tinh, xui khiến chúa Asano tấn công mình và vì vậy, Asano bị bắt tội mổ bụng, lãnh địa bị tịch thu và giao lại cho Kira. Còn Mika, con gái của Asano thì được cho một năm để tang cha, sau đó phải thành thân với Kira. Đám Võ sĩ của Asano giải tán, bị cấm báo thù cho chủ.

Một năm sau, thủ lãnh của đám Võ sĩ này là Ōishi Kura-no-suke (Sanada Hiroyuki) tập hợp các chiến hữu lại, ủ mưu giết Kira báo thù cho chủ cũ. Được sự trợ giúp của Kai, 46 Võ sĩ này vượt qua được thử thách của quỷ Thiên cẩu, lấy được kiếm báu và hoàn thành đại nghiệp báo thù của mình. Nhưng vì điều này vi phạm lệnh cấm báo thù của Tướng quân nên 47 người bị bắt tội mổ bụng, và kết thúc phim.

Nội dung bộ phim khá đơn giản, thẳng đuột, phản bội lại lòng chờ đợi của khác giả về một câu chuyện lắt léo chồng chéo. Từ khi xem trailer, nhiều người đã nghĩ nó sẽ có nhiều điểm mới so với câu chuyện truyền thống. Có chứ, nó có nhiều điểm mới so với truyền thống chứ còn gì, chẳng hạn như cuối phim, con trai của Ōishi Kura-no-suke là Ōishi Chikara (Akanishi Jin) được Tướng quân tha bổng, không bắt chết theo lịch sử nữa, chi tiết chúa Asano bị quái thú tấn công, rồi nào là hồ ly tinh hóa phép hại Asano, nào là thằng con lai, nào là anh chàng săm trổ đầy mình gây ấn tượng trong poster nhưng chẳng chường mặt lên phim một phút giây nào..... Nói chung là có nhiều điểm mới lạ so với các phiên bản Nhật chính thống lắm, nhưng vấn đề là những điểm mới lạ đó đều thuộc loại ba dớ, nửa nạc nở mỡ, nấu chưa tới.
Thành ra coi xong cả bộ phim, có lẽ nhiều người sẽ tự hỏi, mình vừa coi cái quỷ sứ gì vậy? Câu chuyện truyền thống thì đã không ra truyền thống rồi, còn mới lạ với cách tân thì cũng chẳng ra mới lạ với cách tân. Túm lại, nội dung của 47 RONIN là một mớ bầy nhầy bạng nhạng.


Tạo hình, dựng hình

Một trong những mục dễ kiếm điểm nhất của mộ bộ phim là tạo hình. Theo người thiết kế trang phục của bộ phim là Penny Rose cho hay thì họ quyết định bám theo văn hóa truyền thống, và đó là nét chủ đạo, mọi nhân vật đều mặc Kimono, nhưng có sự biến tấu để mang lại cảm giác mới lạ.

Nhưng hãy coi chừng! Tạo hình cũng chính là khâu dễ mất điểm nhất.

Ấn tượng đầu tiên về phục trang là: tất cả đều rất mới, rất sặc sỡ và bóng loáng. Hay một cái là những người không am hiểu gì về văn hóa Nhật, không rành về nước Nhật, khi coi phim đều nhận ra rằng: ah, đích thị là trang phục truyền thống của Nhật rồi!
Vâng, đây là điểm thành công của những người làm phim. Nó không tệ hại đến mức khiến khán giả thốt lên câu WTF như khâu tạo hình của bộ phim Dead or Alive năm nào.
Nhưng, những người khó tính, cầu toàn hay một số người am hiểu về truyền thống Nhật Bản sẽ phải thốt lên: đếch phải Nhật!




Vâng, họ hoàn toàn có lý. Nếu soi xét bằng con mắt của nhà nghiên cứu hay học giả thì khâu tạo hình chỉ để lại cho ta ấn tượng rằng, style nghệ thuật của 47 RONIN chỉ là Nhật một nửa. Có lẽ nhà làm phim muốn ngầm ám chỉ đến nhân vật chính, Kai, chỉ mang một nửa dòng máu Nhật chăng (^v^). Đó là chưa kể thiết kế trang phục của đám Võ sĩ của lão già Asano ở đầu phim khiến ta liên tưởng đến phim Tàu hoặc trang phục lễ nghi cung đình thời Heian, cách thời đại của Asano cả ngàn năm trước. Tạo hình của quỷ Thiên cẩu bị nhiều ý kiến cho là failure vãi lúa. Còn đâu là Thiên cẩu với cái mũi đỏ dài như thằng người gỗ Pinochio, còn đâu đôi guốc mộc một răng cao chục xăng ti, đâu là bộ cánh bay lượn tự do tự tại? Thiên cẩu trong 47 RONIN là một con bò sát trong bộ cà sa nhà chùa, hay thứ quỷ gì đó nhìn giống như vậy. Bonus thêm là võ công còn dở thậm tệ.
Phần tạo hình ổn nhất có lẽ là con quái thú (kỳ lân?) đầu phim với con hồ ly tinh cuối phim. Nhưng với kỹ xảo ngày nay, làm được vậy thì đâu có gì đáng kể.

Còn về phần dựng hình, quay phim thì cá nhân tôi không biết bộ phim có cảnh nào được quay ở Nhật chính hãng hay không, nhưng tôi nghi ngờ về điều này. Xuyên suốt cả bộ phim chẳng có lấy một cảnh nào đích thực khiến người ta có cảm giác rằng câu chuyện đang diễn ra tại nước Nhật thế kỷ 18. Những cảnh hoa đào bay phất phới có thể làm hài lòng những người nhẹ dạ, còn những người am hiểu thì không ai ngăn được họ chửi đổng: giả tạo bỏ mẹ! Cảnh chúa Asano mổ bụng tự sát dưới tán anh đào cứ trơ trơ, không gây được cảm xúc mạnh mẽ như bộ phim Nhật năm 1962.
Và sự giả tạo đó kéo dài suốt cả bộ phim. Có rất nhiều cảnh quay về thành quách Nhật Bản. Rất đồ sộ, rất uy nghi, hùng vĩ. Nhưng tất cả đều là cảnh VFX chứ không phải quay thực. Chính vì là đồ giả, nên không có cảnh quay thành quách, tượng Phật nào kéo dài quá 3 giây. Một kiểu lấp liếm che giấu khuyết điểm vụn về.




Trong phim có cảnh các Võ sĩ phi ngựa qua một đồng hoang, có tượng Đại Phật A Di Đà Như Lai trong vách đá. Sự thật thì đây là pho tượng đồng ở Kamakura, nhà làm phim đã bứng ra ghép vào cảnh đồng hoang này để tạo ấn tượng "rất Nhật", "đậm Nhật" cho bộ phim. Nhưng rất tiếc đã làm không tới, hay vẽ rắn thêm chân nên hoàn toàn không mang lại hiệu quả gì, chưa tính đến tác dụng ngược.

Túm lại, nối tiếp nội dung thì khâu tạo, dựng hình cũng si đa giả cầy MAX lờ vê.
(Tạo hình của bộ phim khiến tôi có cảm giác như đang chơi một game Final Fantasy với bối cảnh Nhật Bản nào đó)


Diễn xuất

Một trong những phần được quan tâm nhất của một bộ phim. 47 RONIN có Keanu Reeves và cả dàn sao Nhật. Nhiều người đi xem cũng chỉ vì điều này. Nhưng mà, tôi không dám chê tài năng diễn xuất của họ, nên đành phải đổ lỗi cho ông đạo diễn với người biên kịch vì đã tạo ra một cái buồng giam khiến tài năng của họ không thoát ra được. Có lẽ vậy mới đúng. Vì khán giả chỉ có thể thấy được tài năng diễn xuất của diễn viên qua ngôn từ, cử chỉ, động tác và thái độ của họ. Mà những cái đó thì một phần lớn bị kịch bản, đạo diễn chi phối. Cho nên đạo diễn tồi, kịch bản tồi thì có là siêu sao đi chăng nữa cũng chỉ như một tay đua hạng nhất ngồi trên chiếc xe còm.
Đó chính là cái kết cấu được đề cập ở phần sau.

Những ai đã từng xem Keanu trong những phim trước kia và Sanada Hiroyuki trong các phim Jidaigeki chính thống thì đều không thể phủ nhận được tài năng của họ.
Cả Keanu và Sanada đều là hai vai diễn lớn trong 47 RONIN, nhưng đều tỏ ra bình bình chứ không có gì nổi trội. Và mặc dù nhân vật Kira (Asano Tadanobu) tỏ ra vênh váo, láo sự nhưng lại không khiến người xem phải căm ghét đến mức kinh tởm như diễn xuất của bộ phim Nhật năm 1962. Và như vậy là vai diễn Kira hoàn toàn thất bại so với mục tiêu đề ra cho nhân vật này, là khiến người ta không ưa nỗi.
Diễn xuất có phần nổi trội và sinh động hơn hẳn là vai hồ ly tinh (Kikuchi Rinko), tạo cho người xem cảm giác về một con nữ yêu ngoằn ngoèo, có phần biến thái và tơm tởm. Nhưng có lẽ cũng vì cái vỏ bọc nhân vật quá cứng mà đạo diễn và nhà viết kịch tạo ra mà diễn xuất của hồ ly cũng chưa thoát khỏi cái xác phàm mà thăng hoa thành con nhồ ly quỷ quyệt thực sự.

Một phần nữa, cũng liên quan đến diễn xuất là ngôn từ. Cả bộ phim không có lấy lời thoại nào để lại ấn tượng trong lòng người kiểu như "sao phải xoắn" (aka "why so serious"). Thoại đơn giản đến mức ngô nghê, và phần lớn trong số đó là câu đơn. Thoại đơn giản, phản ánh nội tâm nhân vật đơn giản. Dùng kỹ pháp đơn giản để miêu tả cái đơn giản thì còn gì thích hợp bằng.


Khảo chứng thời đại

47 RONIN là bộ phim dựa trên đề tài Chūshingura, và như vậy về mặt phân loại thì hoàn toàn có thể xếp vào thể loại Jidaigeki giả tưởng được. Dù mang bối cảnh lịch sử như vậy nhưng bộ phim đã không tránh được nhiều hạt sạn mang tính lịch sử.
Thứ nhất, về phần trang phục, đạo cụ thì đã đề cập đến ở phần tạo hình rồi. Hoàn toàn không phản ánh đúng văn hóa, lịch sử của thời đại bối cảnh.
Đành rằng là có yếu tố giả tưởng, có thần thoại, nhưng nó phải dựa trên sự giả tưởng và thần thoại của bản địa sao cho hợp với bối cảnh. Tên khổng lồ một mặt xuất hiện trong bộ phim có bối cảnh Nhật Bản thì khó hợp với suy nghĩ của nhiều người.

Thứ hai, ngôn động của diễn viên hoàn toàn không mang tính Nhật mà rất Tây. Đầu phim có cảnh chúa Asano nói với con gái, rằng mẹ con sẽ rất tự hào về con. Những câu thoại kiểu này có thể quen thuộc đối với người Tây phương, nhưng ngay cả người Nhật ngày nay còn chưa mở miệng nói câu này chứ đừng nói người Nhật vài trăm năm trước. Nó Tây quá, không có chút Á Đông nào, và hoàn toàn không phù hợp thời đại.
Lại có những cảnh nhân vật chạm má, vuốt má nhau. Thử hình dung, nếu một vị vua chúa triều Nguyễn cũng làm như vậy với người xung quanh, trong một bộ phim đề tài lịch sử Việt Nam thì bạn sẽ cảm thấy sao? Dĩ nhiên là đối với người Tây thì đây là hành động hết sức bình thường.
Đây là bộ phim của Tây, họ làm cho người Tây xem (??) nên có lẽ đã không chú trọng đến những yếu tố văn hóa, lịch sử như vậy.



Vẫn biết chất Nhật là thứ gì đó rất khó gặm, khó nuốt, khó trôi đối với đa số người trên khắp Thế giới. Nhưng ngay cả khi ý thức được điều đó, người Nhật khi giới thiệu chất Nhật ra Thế giới thì họ vẫn để nguyên thứ chất đó như vậy chứ không pha loãng ra cho dễ hấp thu. Vì đó chính là điểm đặc trưng độc đáo của họ. Chính nó là thứ khiến họ không lẫn với thứ khác trong một mớ hỗn độn. Còn với trường hợp 47 RONIN, có lẽ nhà sản xuất lo sợ chất đậm Nhật quá sẽ khiến khán giả khó tiếp thu, nên đã pha loãng ra bằng những yếu tố làm nhàm như vậy. Nhưng tôi cho rằng đây chính là chỗ non tay của đạo diễn.

Và đâu đó gần cuối phim, trong phần thoại còn có câu "5 phút nữa" (five minutes!). Không hiểu người Nhật nói riêng và người Á châu nói chung có khái niệm thời gian "phút" từ khi nào?

Bonus: cảnh 47 Võ sĩ của Asano làm lễ huyết phán trong rừng, thề báo thù cho chủ, dù có đếm kiểu gì đi nữa thì cũng chỉ thấy chừng hơn hai chục con người đứng xếp hàng, làm gì đến bốn bảy!


Hành động

Thực sự là không có gì nổi bật. Có chém nhau chí chóe, có pháp thuật, có yêu quái. Nhưng tất cả chỉ là một mớ bình thường trong một bức tranh bình thường. Những cảnh đấu kiếm không nói lên được tính chất tàn khốc của kiếm Nhật, của Võ sĩ Nhật.

Âm nhạc

Cũng giống như bao nhiêu phim hành động được gọi là bom tấn khác của điện ảnh Mỹ trong thời gian gần đây, nhạc nhẽo trong 47 RONIN thực sự là chẳng có gì khác ngoài một giai điệu đơn giản, lặp đi lặp lại và có vẻ mang tính căng thẳng. Không có một điểm nhấn nào trong nhạc nền, cũng không mang đậm chất Nhật luôn.
Nó khá giống nhạc phim người dơi, người nhện, người sắt, người..... gì gì đó trong vài năm gần đây, nhưng tệ hơn.


Kết cấu

47 RONIN dài 119 phút, nhưng cách giải quyết vấn đề của nó khiến người xem hụt hẫng và cảm thấy quá ngắn ngủi. Nhiều tiền đề được đặt ra nhưng giải quyết một cách chóng vánh, không mấy logic như làm cho có.
Khi xem trailer, nhiều người hy vọng sẽ được xem nhiều yếu tố giả tưởng, quái vật hoành tráng và các nhân vật dị hợm. Nhưng lòng tin đã phản bội họ. Cả phim chỉ có 2 con quái vật đầu và cuối phim, và bị kết liễu khá chóng vánh.
Lại có anh chàng xăm trổ đầy mình, được người xem kỳ vọng ở mức độ dị hợm của anh ấy, nhưng thực ra chỉ làm cái nền cho máy quay lướt qua khoảng vài giây.
Lại có anh Võ sĩ giáp trụ của Kira khiến người ta liên tưởng đến nhân vật Shao Kahn trong loạt game Mortal Kombat. Người ta trông đợi ở anh những trận đấu nảy lửa, nhưng rồi lại không có một vai trò gì đặc sắc ngoài việc giúp bộ phim kéo dài thêm được vài phút.

Ngay cả nhân vật Kai của Keanu, mặc dù ý đồ của nhà sản xuất là tôn anh lên làm nhân vật chính, nhưng kết cấu si đa chỉ đủ cho anh làm kẻ cung cấp vũ khí có 46 người kia, và chỉ là cái bóng sau lưng vai Ōishi của Sanada Hiroyuki thôi.

Nói về vai diễn Ōishi Kura-no-suke, thì đây là vai diễn ước mơ của mọi diễn viên Nhật (nam). Tất cả họ đều cho rằng, chỉ một lần được diễn nhân vật lịch sử này thì đã là niềm vinh dự lớn trong cuộc đời họ. Nói gì thì nói, mọi bộ phim Chūshingura, tuy có dàn nhân vật hùng hậu (trên 50 người) nhưng chỉ đều tập trung vào mỗi mình người hùng Ōishi Kura-no-suke thôi. Cho nên, với ý định là đưa Kai lên làm chính nhưng kết cấu vụn về đã không giúp họ (những người làm phim) thực hiện được điều này. Và ngay cả Sanada Hiroyuki cũng bị cái kết cấu si đa đó làm mất đất diễn rất nhiều.
Nói đến Ōishi Kura-no-suke là nói đến một kẻ anh hùng trong số các anh hùng. Chỗ anh hùng không phải chỉ ở việc dám làm điều kẻ khác không dám làm, mà còn ở chỗ dám nghĩ điều kẻ khác không dám nghĩ. Ōishi Kura-no-suke giống như Dự Nhượng tự dày vò thân xác mình để báo thù cho chủ, như Yêu Ly giết cả vợ con chỉ để báo thù cho tri kỷ, như Nhiếp Chính hành thích bạo chúa không thành rồi tự rạch mặt mình để không ai nhận ra, khỏi liên lụy tới bà con.
Thế nhưng Ōishi Kura-no-suke trong 47 RONIN không hề có đất để diễn cái khí chất của kẻ anh hùng dùng khổ nhục kế, bán đứng cả danh dự, đạp bỏ cả Võ sĩ đạo, bằng hữu, cắt đứt cả quan hệ gia đình chỉ để thực hiện mục đích của mình. Ōishi trong 47 RONIN chỉ nói vỏn vẹn một câu với vợ rằng, nàng hãy làm sao cho thiên hạ nghĩ rằng ta đã ly dị nàng. Ngây ngô quá mức, không khiến được khán giả thấy được sự anh hùng của nhân vật này, không thấu được động cơ, tâm tình của vị anh hùng này.

Và ngay cả cảnh 47 lãng sĩ sau khi lấy được đầu Kira, đi hiên ngang giữa phố cũng không lột tả được cái chất hào hùng, bi thống như các phiên bản của Nhật.

Nói túm lại, cái lồng của ông đạo diễn chụp xuống quá nặng nên các anh tài không thi triển được hết công phu.


Võ sĩ đạo

Một bộ phim về Võ sĩ đạo mà không nói về Võ sĩ đạo thì hơi phí. Có thể những người chưa từng, hay biết một cách ù ù cạt cạt sẽ thấy rằng đây là một bộ phim đậm chất Võ sĩ đạo và hào hùng. Vì trong bộ phim nhắc nhiều đến danh dự, lòng can đảm, vốn là những đặc tính của Võ sĩ đạo.
Nhưng dưới con mắt của kẻ hiểu biết, thì đó chỉ là Võ sĩ đạo giả cầy. Cả bộ phim không có bất kỳ một chi tiết nào, dù là nhỏ nhặt nhất thể hiện được tinh thần Võ sĩ đạo. Chuyện mổ bụng chỉ là nội dung nó quy định như vậy, và chỉ là hình thức.


Chấm điểm

Đánh giá cá nhân, phim này đượcc 5 điểm. Trong đó 3 điểm dành cho đề tài. Vì bản thân đề tài Chūshingura tự thân nó đã là một giá trị lớn rồi. Ngoài ra, theo tôi thì 47 RONIN còn có những giá trị sau:

1. Giúp đại chúng biết đến Chūshingura.
2. Giúp đại chúng nhận ra sự khác biệt giữa hàng giả cầy và thứ thiệt.



Kết bài

Tuy mọi ưu/khuyết điểm của 47 RONIN như trình bày như trên, nhưng đánh giá cuối cùng vẫn là bản thân của từng người. Tôi nghĩ, 47 RONIN cũng có thể xếp vào hàng bom tấn được, nếu chỉ xét về góc độ kinh phí hoặc khi ta xác định đi xem một bộ phim ba dớ. Nó quá hay so với một bộ phim ba dớ. Nhưng lại là bộ phim giả cầy nếu ta xác định xem một bộ phim đàng hoàng.

47 RONIN, một phim giả cầy chính hãng! Đáng xem nếu bạn có nhiều thời gian và tiền bạc và không biết làm gì khác hơn.

3 bình luận :

  1. Em cũng mới xem phim này. Kết luận: Quá tệ. Ngoài vài hình ảnh đẹp nội dung thì cũng bình thường. Không có gì nổi bật, phim này cho 4/10 điểm vẫn còn là quá cao. Thất vọng quá ;-(

    ReplyDelete
  2. Em cũng mới vừa em xong. Thú thật là phải thốt lên câu 'cái khỉ gì đây' và thậm chí muốn tắt ngay lập tức.
    Một sự thất vọng không thể nào diễn tả.

    ReplyDelete

 
Top