Tác giả bài viết này ( Gokuraku Shujō) còn đăng tải tại Wikipedia Việt ngữ

Fire Emblem (ファイアーエムブレム) là series game chiến thuật do Intelligent Systems phát triển và Nintendō phát hành. Fire Emblem còn được gọi tắt là FE, và ở Việt Nam nó còn được người hâm mộ gọi là “Mộc Đế”, hay “Mộc Đế Chiến Kỷ” (thuật bên dưới). Toàn bộ các phiên bản trong series đều thuộc thể loại Simulation RPG (SRPG).

Chiếc khiên Fire Emblem trong Monshō no Nazo




Theo nghĩa hẹp, Fire Emblem còn là từ dùng để chỉ những món Item có vẽ (hoặc khắc) hoa văn lửa, đóng vai trò quan trọng trong game. Nhiều khi món Item chỉ được gọi đơn giản là “Emblem”.




Khái yếu

Fire Emblem là tác phẩm đi tiên phong mở đường cho một thể loại game mà sau này được gọi là Simulation RPG. Gameplay của nó dựa trên nền tảng Famicom Wars, với hệ thống nhân vật (Unit) đa dạng, mỗi Unit lại có Class (binh chủng) khác nhau và các chỉ số năng lực, avatar khuôn mặt khác nhau. Game có những khái niệm của thể loại RPG như sự gia tăng các chỉ số năng lực của Unit trong quá trình chơi nhưng lại bỏ qua các yếu tố của thể loại PC RPG như sinh sản của nhân vật, khai thác và giữ tài nguyên. Một điểm đặc biệt của series FE là khái niệm “chết” của Unit. Trong khi phần lớn các game RPG Nhật đều có cách để cho nhân vật sống lại khi HP xuống mức zero (0) thì ở series FE, Unit có mức HP không được xem như đã chết và không thể hồi sinh (trừ một số trường hợp sử dụng Item đặc biệt), điều này giống thể loại Wars Simulation.

Từng nhân vật trong game đều có những đặc trưng và vai trò riêng biệt. Nếu những nhân vật cấp S “chết” đi thì sẽ ảnh hưởng xấu đến cục diện của trò chơi sau này, người chơi sẽ gặp nhiều tổn thất hoặc thậm chí không thể vượt qua nỗi những màn khó. Vì vậy người chơi FE thường hành động rất thận trọng sao cho không để chết một nhân Vật nào. Vì lẽ này mà ở Nhật, FE còn được gọi là game “Simulation khủng khiếp” (てごわいシミュレーション).

Một điểm chung nữa giữa các phiên bản trong series chính là thế giới Fantasy của nó với nền tảng là thời trung cổ ở Châu Âu. Nhân vật chính thường là một vị lãnh chúa (Lord) thừa hưởng dòng máu anh hùng cao quý nào đó, lãnh đạo đội kỵ sĩ chiến đấu chống lại kẻ địch Đế quốc, giành lại hòa bình cho đại lục. Các phiên bản trong series thường có một món Item quan trọng được gọi là Fire Emblem, ngoài ra còn có nhiều chủng tộc, sinh vật tưởng tượng như rồng, tiên…

Số lượng nhân vật cũng là một đặc điểm của series FE. Các phiên bản thường có vài chục nhân vật, điều này dẫn đến sự yêu thích/ghét đặc biệt một vài nhân vật nào đó trong tâm lý người chơi. Phong cách chơi FE cũng đa dạng, khác nhau theo từng người. Đa phần người chơi đều cố giữ cho toàn bộ nhân vật sống sót cho đến hết game, nhưng cũng có những người chơi theo lối khác như “luyện” toàn bộ nhân vật lên Max Level, hoàn tất game nhanh nhất, ít lượt chơi nhất, chơi không reset, chỉ sử dụng nhân vật nữ,… Tác phẩm đầu tiên trong series là Fire Emblem Ankoku Ryū to Hikari no ken được phát hành trên hệ máy Nes. Từ đó đến nay series FE đã trải qua nhiều hệ máy khác nhau như Snes, Gameboy Advance, Game Cube, Wii và NDS. Ban đầu series FE chỉ được phát hành trong phạm vi nước Nhật, nhưng kể từ khi hai nhân vật trong series này xuất hiện trong game Super Smash Bros. Melee thì FE còn được người chơi khắp thế giới đón nhận.

 



Thương phẩm liên quan

Một đặc điểm nữa của dòng game FE là nó có rất nhiều thư tịch, thương phẩm ăn theo. Thống kê cho thấy Fire Emblem Seisen no Keifu có hơn 20 loại sách hướng dẫn khác nhau được bán ra. Ngoài ra còn có tiểu thuyết, truyện tranh và bản Anime Fire Emblem Monshō (OVA) được phát hành năm 1996. Bản Manga đầu tiên của FE chính là tác phẩm “Ai to Yūki to Farusion” (Tình yêu, lòng dũng cảm và thanh kiếm Falcion) của Sasaki Ryō (truyện tranh ngắn trong 4 khung), tạp chí Anthology Comic do Futaba xuất bản tháng 12 năm 1991. Tác phẩm này sau đó được Nintendō thừa nhận nên doanh số bán ra của tạp chí truyện tranh 4 khung này tăng rất nhanh. Đến thời kỳ Seisen no Keifu thì Anthology Comic có doanh số cao nhất, đến thời Thrakia 776 thì giảm mạnh và hoàn toàn không xuất bản khi sang thời Fūin no tsurugi. Về Manga có nội dung thì Gekkan ASUKA Fantasy DX (Nhà xuất bản Kadokawa) là tạp chí đầu tiên đăng tải nội dung ăn theo FE với tác phẩm của Sano Masaki và Watanabe Kyō năm 1992. Thời điểm hiện tại, tạp chí Gekkan Shōnen Jump (Nhà xuất bản Shūeisha) đang đăng tải tác phẩm Hasha no tsurugi (Nguyên tác: Isawa Hiroshi, vẽ tranh: Yamada Kōtarō). Ngoài ra còn có vô số tác phẩm Dōjin không chính thức ăn theo nội dung của FE.


 






Phát triển bên ngoài Nhật Bản

Trước khi Fire Emblem Fūin no tsurugi thì chính sách của Nintendō đối với dòng game FE chỉ là hướng đến đối tượng bên trong nước Nhật. Tuy nhiên nó cũng được một số ít người hâm mộ trên toàn Thế giới đón nhận, mặc dù cho đến lúc đó không có một phiên bản ngôn ngữ chính thức nào khác ngoài bản tiếng Nhật. Trong những năm gần đây đã thấy xuất hiện những bản patch (không chính thức) tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác để phục vụ trong những cộng đồng này.

Một cảnh trong bản patch tiếng Việt của Monshō no Nazo do Asm65816 dịch


Nhưng kể từ phiên bản Fire Emblem Rekka no ken trở đi thì FE đã được phát hành chính thức bên ngoài Nhật Bản. Sở dĩ có được điều này cũng là nhờ một phần lớn ở Super Smash Bros. Melee. Trong game này có hai nhân vật chính của series FE là Marusu (Fire Emblem Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi) và Roy (trong Fire Emblem Fūin no tsurugi). Thời điểm phát hành game này thì FE chỉ được biết đến trong phạm vi nước Nhật. Đến khi chuẩn bị phát hành bản ngôn ngữ hải ngoại cho Super Smash Bros. Melee thì Nintendō dự định xóa đi hai nhân vật này. Tuy nhiên thiết kế nhân vật của Marusu và Roy rất đạt, chiếm được cảm tình của người chơi nên Nintendō đã để nguyên hai nhân vật này trong phiên bản hải ngoại của Smash Bros. Kết quả là từ đó trở đi, FE được người chơi khắp nơi trên Thế giới biết đến. Và cũng vì vậy nên hai nhân vật này chỉ được lồng tiếng Nhật trong phiên bản hải ngoại của Smash Bros. Trong phiên bản tiếp theo của Super Smash Bros. Melee là Super Smash Bros. Brawl lại thấy xuất hiện nhân vật Ike (Fire Emblem Sōen no Kiseki, bản tiếng Anh được đặt tên là Path of Radiance) và được lồng tiếng địa phương ở từng phiên bản ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên nhân vật Marusu trong phiên bản Smash Bros. Brawl này cũng chỉ nói tiếng Nhật. Và trước khi Smash Bros. Melee được phát hành thì Anime Monshō no Nazo OVA cũng đã được phát hành tại Bắc Mỹ . Và kể từ phiên bản Fūin no tsurugi, các phiên bản như Rekka no ken, Seima Kōseki đã được một lượng người hâm mộ nhất định trên Thế giới biết định nên Nintendō đã thay đổi chủ trương, quyết định đầu tư nhiều hơn vào dòng game này. Phiên bản hải ngoại của Rekka no ken và Fire Emblem Akatsuki no Megami cũng có nhiều điểm dị biệt mà trong bản tiếng Nhật không có.


Tên gọi
Tên gọi Fire Emblem của series game được phiên âm sang tiếng Nhật là “Faiā Emuburemu”, được viết là ファイアーエムブレム nhưng cũng có khi nó bị viết nhầm thành ファイヤーエムブレム, ファイアーエンブレム, ファイヤーエンブレム, …

Fire Emblem chính là cách gọi theo kiểu tiếng Anh của cụm từ tiếng Nhật “Honoo no monshō”, thường được dịch sang tiếng Việt là “hoa văn lửa” (bản dịch Như Thị Ngã Văn), “dấu ấn lửa” (bản dịch Asm65816). Cộng đồng gamer Việt thường gọi series game này bằng cái tên “Mộc Đế Chiến Kỷ” hay đơn giản là “Mộc Đế”. Nguồn gốc của cách gọi này vẫn chưa được xác minh, nhưng theo giả thuyết của một người tên Như Thị Ngã Văn thì cách gọi tên này xuất phát từ những điểm sau:

* Phiên bản Fire Emblem đầu tiên được biết đến rộng rãi tại Việt Nam chính là Monshō no Nazo (phát hành năm 1994) trên hệ máy Super Famicom. Mặc dù Fire Emblem Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi là phiên bản đầu tiên trong series,nhưng nó được phát hành trên máy Famicom và ít thông dụng tại Việt Nam lúc bấy giờ.
* Trước khi FE Monshō no Nazo được phát hành (1994) thì hãng Enix (hiện giờ là Square Enix) đã phát hành game chiến thuật theo lượt Jutei Senki (樹帝戦記) trên máy Super Famicom. Jutei Senki là cách đọc Hán-Nhật của chữ Hán樹帝戦記, nếu đọc theo Hán-Việt sẽ là “thụ đế chiến ký”. Chữ “thụ” (樹)và chữ “mộc” (木) tuy viết khác nhau nhưng nghĩa gần nhau nên thường bị nhầm lẫn với nhau. Chữ “ký” và “kỷ” , nếu viết chữ Hán sẽ khác nhau nhiều. Nhưng khi biểu ký bằng mẫu tự La Tinh thì lại dễ nhầm lẫn với nhau (giữa dấu sắc và dấu ngã), nhất là khi viết tháu. Đương thời, kinh doanh quán video game là một hoạt động rất phổ biến trong xã hội. Nhiều quán game soạn sẵn một bảng danh sách những game mình có để khách đến chơi có thể yêu cầu. Danh sách này thường được viết tay và như vậy, rất có thể Jutei Senki (thụ đế chiến ký), một trong những game nhập lậu theo ngã Trung Quốc lúc bấy giờ đã trở thành “Mộc Đế Chiến Kỷ” theo cách đó. Nhiều địa phương trong nước còn gọi Jutei Senki là “Mộc Đế 1”.


* Đương thời, ý thức phân biệt thể loại game trong cộng đồng gamer Việt hầu như chưa có. Có rất nhiều thể loại chiến thuật nhưng chúng chỉ được gọi chung là “dàn trận”; thể loại thể thao thường được gọi bằng tên của chính môn thể thao đó như “đá banh”, “đá bóng”,…; thể loại đối kháng thường được gọi ngắn gọn là “đánh nhau”, “đánh lộn”, “đấu võ”. Thói quen gọi này còn kéo dài đến bây giờ. Chính vì thế, tuy Jutei Senki và Fire Emblem thuộc hai kiểu chiến thuật khác nhau nhưng tựu trung đã bị đánh đồng thành “dàn trận” trong ý thức của gamer Việt đương thời.
* Chiến thuật là một thể loại mới mẻ đối với cộng đồng gamer Việt lúc đó vốn chỉ quen với hành động, phiêu lưu, thể thao và đối kháng. Và Jutei Senki là game mở đầu cho thể loại chiến thuật trong ý thức của gamer Việt.

* Một năm sau, Fire Emblem Monshō no Nazo xuất hiện. Nó cũng thuộc thể loại chiến thuật nên có lẽ đã bị ý thức của gamer Việt đánh đồng với Jutei Senki và được xem như một phiên bản tiếp theo của Jutei Senki (được gọi là Mộc Đế Chiến Kỷ đương thời). Vì lẽ này mà một số địa phương ở miền Trung, Fire Emblem Monshō no Nazo còn được gọi là “Mộc Đế 2”.

Vì những lẽ trên, các phiên bản tiếp theo trong series Fire Emblem luôn được gọi là “Mộc Đế Chiến Kỷ” hay “Mộc Đế” kèm theo số thứ tự. Chẳng hạn Seisen no Keifu được gọi là “Mộc Đế 4”, Thracia 776 được gọi là “Mộc Đế 5”,… Cũng cần phải nói thêm rằng đương thời, người Việt chưa có điều kiện tiếp xúc với Internet nên rất khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin bên ngoài. Vì thế người ta không dễ gì biết được tên gốc của một video game trên thị trường. Do đó gamer Việt có thói quen gọi tên game theo cách Việt hóa của mình. Thói quen này vẫn còn kéo dài đến ngày nay, dù đã giảm đi nhiều.



Các phiên bản trong series

※Ý nghĩa của những từ viết tắt: FC=Famicom, SFC=Super Famicom, GBA=Game Boy Advance, GC=Game Cube, DS=NDS.


* Fire Emblem Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi (FC: 20/04/1990, Wii Virtual Console:20/10/2009) Còn được gọi là FE 1 vì đây là phiên bản đầu tiên trong series.

* Fire Emblem Gaiden (FC: 14/03/1992, Wii Virtual Console: 04/11/2009)
* Fire Emblem Monshō no Nazo (SFC: 21/01/1994, Wii Virtual Console: 26/12/2006) Còn được gọi là FE 3 vì thứ tự xuất hiện của nó trong series. Kể từ phiên bản này trở đi, tên gọi FE đã được đánh số.
* Fire Emblem Akania Senki (SFC/Satella View: 29/09/1997)
* Fire Emblem Seisen no Keifu (SFC: 14/05/1996, Wii Virtual Console: 30/01/2007)

* Fire Emblem Thracia 776 (SFC/Nintendō Power:01/09/1999, SFC/ROM Cassette: 21/01/200, Wii Virtual Console: 15/07/2008)
* Fire Emblem Fūin no tsurugi (GBA: 22/03/2002)
* Fire Emblem Rekka no ken (GBA: 25/03/2003)
* Fire Emblem Seima Kōseki (GBA: 07/10/2004)
* Fire Emblem Seima Sōen no Kiseki (GC: 20/04/2005)
* Fire Emblem Akatsuki no Megami (Wii:22/02/2007)
* Fire Emblem Shin Ankoku Ryū to Hikari no ken (DS: 07/08/2008)]

Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi là bản remake của Ankoku Ryū to Hikari no tsurugi (Nes) với nhiều yếu tố mới, và đây cũng là lần đầu tiên bối cảnh đại lục Akania trong thế giới FE được gamer bên ngoài Nhật Bản biết đến một cách chính thức. 

 


Ý nghĩa Fire Emblem

Mọi phiên bản trong series đều có tiêu đề Fire Emblem. Nó là vật có tính cách tượng trưng và xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau trong các phiên bản. Fire Emblem là vật tồn tại thật ở đại lục Akania (Monshō no Nazo), Eleb (Fūin no tsurugi), Magi Vaul (Seima Kōseki) và Terius (Sōen no Kiseki). Nó là vật chí bảo của các vương gia và là chìa khóa quan trọng trong game. Nó xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Chỉ riêng ở phiên bản Seisen no Keifu thì Fire Emblem chỉ được nhắc đến như là gia huy của một nhà công tước và không liên quan trực tiếp đến cốt truyện. Trong Ankoku Ryū to Hikari và Monshō no Nazo thì Fire Emblem là chiếc khiên gia bảo của vương gia Akania, là nền của chiếc khiên phong ấn. Trong Fūin no tsurugi, Rekka no ken, nó là vật chí bảo của vương quốc Berun, là chìa khóa phong ấn ma long. Trong Seima Kōseki thì nó lại là viên đá phong ấn ma vương thời cổ đại của Đế quốc Glado. Trong Sōen no Kiseki, Akatsuki no Megami thì nó chí là chiếc mề đay đồng để phong ấn tà thần.

 


Thế giới quan

Mọi phiên bản trong series đều mô tả về cuộc chiến giữa các quốc gia, nhưng bối cảnh ở mỗi phiên bản lại khác nhau. Ở Ankoku Ryū to Hikari và Monshō no Nazo thì bối cảnh là đại lục Akania, trong Fire Emblem Gaiden là đại lục Valencia, trong Seisen no Keifu, Thracia 776 là đại lục Jugdral, trong Fūin no tsurugi, Rekka no ken thì đó là đại lục Eleb, trong Seima Kōseki là đại lục Magi Vaul và trong Sōen no Kiseki, Akatsuki no Megami là đại lục Terius.


Theo cha đẻ của Fire Emblem, ông Kaga Shōzō thì giữa ba đại lục Akania, Valencia và Jugdral có mối liên hệ với nhau về không. Về thời gian thì vào năm 740 lịch Akania, trong cuộc chiến của thần bảo hộ Narga (trước thời điểm của Monshō no Nazo 1350 năm) thì tư tế Gale từ đại lục Jugdral đã đến Akania uống máu Hắc ám long (lịch Gran năm 440, trước thời điểm của Seisen no Keifu 320 năm)

 



Chủng tộc


Về cơ bản, series Fire Emblem xoay quanh cuộc chiến giữa các quốc gia loài người, nhưng đằng sau đó luôn có những chủng tộc phi nhân tồn tại và nằm giữ chìa khóa của game. Một đại diện cho những chủng tộc này là Mamkut (マムクート), tộc nửa người nửa rồng xuất hiện trong nhiều phiên bản của series. Chủng tộc này mang hình hài con người nhưng có năng lực hóa thân thành các loại rồng, và tùy vào phiên bản mà sức mạnh của Mamkut cũng khác nhau (cũng có phiên bản Mamkut không xuất hiện). Trong hai phiên bản Sōen no Kiseki, Akatsuki no Megami thì Mamkut được thay bằng chủng tộc Laguz (ラグズ), cũng có năng lực hóa rồng như Mamkut. Ngoài ra còn có những nhân vật có khả năng hóa chim và thú.


 

Game Play
 

Mỗi màn chơi của Fire Emblem diễn ra trên một map được chia thành từng ô nhỏ, người chơi điều khiển từng Unit thông qua một bảng menu gồm nhiều command như di chuyển, tấn công, sử dụng Item…. Người chơi và máy mỗi bên hành động một lượt thay phiên nhau. Mục đích cũng rất đa dạng, từ việc chiếm thành địch, chiếm ngai vàng ở từng màn cho đến việc tiêu diệt hết quân địch, phòng vệ trong một số lượt (turn) nhất định để qua màn. Ngược lại, nếu nhân vật chính “chết” thì người chơi thua. Từ phiên bản Thracia 776 trở đi thì FE đã có thêm yếu tố mới là người chơi không thể xác nhận bước đi, hành động của quân địch trong những màn có sương mù hay ban đêm. Ở những màn này, người chơi cũng không thể thấy hết toàn thể map mà chỉ thấy được một phần nhỏ quanh vị trí của nhân vật. Hệ thống chiến đấu và nhân vật của FE có những nét tương đồng với những game RPG khác. Mỗi nhân vật được thiết lập mặc định ban đầu ở một class nào đó và các chỉ số năng lực nhất định. Thông qua việc chiến đấu hoặc sử dụng ma thuật hỗ trợ đồng đội, nhân vật nhận được điểm kinh nghiệm (exp), khi điểm này đủ 100 thì nhân vật tăng lên cấp độ (level) mới và các chỉ số năng lực như sức mạnh, phòng ngự… cũng được tăng một cách ngẫu nhiên. Khi đã đạt tới cấp độ nhất định nào đó (khác nhau tùy phiên bản) thì nhân vật có thể Classchange, chuyển sang một loại binh chủng khác mạnh hơn so với binh chủng hiện tại. Classchange là một yếu tố quan trọng trong mọi phiên bản FE. Nó giúp nhân vật trở nên mạnh hơn và đôi khi có thêm những khả năng giải quyết chìa khóa của game. Tuy nhiên cũng có những nhân vật không thể Classchange tồn tại trong FE.


 



Binh chủng và vũ khí
 

FE có rất nhiều loại binh chủng, mỗi loại có những ưu khuyết điểm riêng nhưng nhìn chung, mọi phiên bản đều có binh chủng Lord, kỵ binh, long kỵ binh, giáp trụ, ma đạo sĩ, nữ tu, cung binh, kiếm sĩ… Trong khi các loại binh chủng khác có thể có nhiều nhân vật nhưng riêng binh chủng Lord và một số binh chủng đặc thù như Hắc ám long, Địa long,… thì chỉ có một (hoặc vài, tùy phiên bản) nhân vật duy nhất. Nhân vật chính của game luôn được thiết lập ở binh chủng Lord (Seisen no Keifu có nhân vật chính ở binh chủng Lord Knight).

Cách tấn công của các loại binh chủng trong FE thường được chia làm 3 loại như sau:

* Tấn công trực tiếp: những loại binh chủng này thường là kỵ binh, kiếm sĩ, giáp binh,…. Đặc điểm của các nhóm binh chủng này là có thể tấn công và phản công trực tiếp khi được đặt ở vị trí tiếp cận đối phương và được trang bị vũ khí để tấn công.
* Tấn công gián tiếp: những loại binh chủng này thường là cung binh, cung kỵ binh. Đặc điểm của nhóm binh chủng này là có thể tấn công gián tiếp đối phương. Lợi điểm là không bị đối phương (nếu đối phương thuộc nhóm tấn công trực tiếp) phản đòn nhưng cũng có nhược điểm là không thể phản công khi bị tấn công trực tiếp.
* Tấn công trực tiếp và gián tiếp: nhóm binh chủng này thường là các pháp sư, ma đạo sĩ, tư tế… Nhóm này có khả năng tấn công cả trực tiếp và gián tiếp.

Mỗi loại vũ khí thông thường trong FE đều có giới hạn số lần sử dụng. Khi chiến đấu, số này giảm xuống và vũ khí sẽ hỏng khi số xuống 0. Vũ khí hỏng mang lại nhiều bất lợi cho nhân vật như lực tấn công xuống thấp, tốc độ tấn công chậm, khó tránh né đòn tấn công của địch… Nhưng các phiên bản FE luôn có những món Item hoặc phương cách để “đại tu” lại những món vũ khí sắp hết “hạn sử dụng”. Bắt đầu từ phiên bản Seisen no Keifu trở đi thì vũ khí trong FE đã có thêm khái niệm “bao búa kéo”. Tức là loại vũ khi A tương khắc vũ khí B, B tương khắc C và C tương khắc A. Các loại sách ma thuật cũng tương tự. Một số loại vũ khí đặc biệt còn được phát huy thêm sức mạnh khi được dùng để tấn công một số binh chủng đặc thù.

 


Cách tính toán

Cách tính toán độ sát thương, tần số xuất hiện skill… ở FE khác nhau tùy từng phiên bản. Nhưng có những cách tính cơ bản hầu như không thay đổi như sau:

* Chỉ số năng lực của một nhân vật (trừ HP) là tổ hợp gồm chỉ số cơ bản của binh chủng của nhân vật và chỉ số của bản thân nhân vật.
* Chỉ số sức mạnh khi tấn công của nhân vật là tổ hợp gồm chỉ số sức mạnh cơ bản của binh chủng + chỉ số sức mạnh cơ bản của nhân vật + chỉ số sức mạnh (uy lực) của vũ khí. Chỉ số phòng ngự cũng được tính theo cách tương tự.
* Số HP sát thương do nhân vật gây ra trên đối phương = tổng hợp các chỉ số sức mạnh của nhân vật – tổng hợp các chỉ số phòng ngự của đối phương.

Ngoài ra còn nhiều chỉ số khác như tốc độ tấn công, chỉ số tất sát… nhưng cách tính ở mỗi bản lại khác nhau. Tốc độ tấn công ảnh hưởng đến khả năng tấn công nhiều lần trong một ván đấu và khả năng tránh né đòn của nhân vật. Tất sát là khái niệm nhân vật ra đòn mạnh hơn bình thường (thường là gấp 3 lần) và xuất hiện ngẫu nhiên. Tần số xuất hiện tất sát cũng có cách tính của riêng nó, nhưng khác nhau giữa các phiên bản. Kể từ phiên bản Seisen no Keifu trở đi thì FE đã có thêm khái niệm Skill. Mỗi nhân vật đều có một hoặc vài kỹ năng nhất định. Những kỹ năng này có tác dụng hỗ trợ chiến đấu hoặc hỗ trợ đồng đội và chúng đóng một vai trò quan trọng trong chiến thuật của người chơi. Cách tính tần suất phát động Skill cũng có cách tính riêng biệt.

0 bình luận :

Post a Comment

 
Top